Thánh vịnh 97 giới thiệu vương quyền của Thiên Chúa trong khung cảnh một cuộc tỏ hiện oai nghiêm của Ngài. Đối với dân được tuyển chọn và những người công chính nói chung nó có nghĩa là ánh áng và niềm vui cứu độ. Nhưng đối với các kẻ tôn thờ các thần tượng và các kẻ thù của Thiên Chúa nói chung việc tỏ hiện vinh quang đó của Thiên Chúa là sự khuấy động và huỷ diệt. Thánh vịnh không thiếu các tiếp xúc văn chương và đề tài với các lời loan báo cứu độ của ngôn sứ Isaia II.
Văn thể là thánh thi chúc tụng vương quyền của Thiên Chúa. Thánh vịnh gồm phần mở đầu, câu 1; sự tỏ hiện vinh quang của Thiên Chúa, các câu 2-7; niềm vui của Sion và của những người công chính, các câu 8-12.
Thánh vịnh bắt đầu một cách bất thình lình với lời công bố vương quyền của Giavê như trong thánh vịnh 93 và 99. Tiếp theo sau là lời mời vui lên hướng tới trái đất nói chung và các hải đảo xa xôi. Ánh sáng cứu độ phát xuất từ vương quyền của Thiên Chúa cũng được cống hiến cho cả các hải đảo nữa.
“Giavê là Vua hiển trị, hỡi địa cầu, hãy nhảy mừng lên, vui đi nào, ngàn muôn hải đảo!”
“Tất cả mọi hải đảo” dích sát chữ là “nhiều hải đảo” hay “đông đảo các hải đảo”: đây là các đảo của Địa Trung Hải, nơi theo quan niệm về địa lý của ơn cứu độ trong sách Isaia II, lời loan báo tươi vui sẽ đi tới (Is 42,4.10.12; 66,19). Đây cũng là tâm tình của thánh vịnh 72: “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn. Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất. Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng, tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ. Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,cũng đều tới tiến dâng lễ vật.” (Tv 72,7-10).
Các câu 2-7 của thánh vịnh 97 trình bầy sự tỏ hiện vình quang vĩ đại của Thiên Chúa với các yếu tố miêu tả cũng tìm thấy trong thánh vịnh 18 và thánh vịnh 29. Sự tỏ hiện vinh quang này đi kèm với việc can thiệp của Thiên Chúa có lợi cho nhà Đavít trong thánh vịnh 18, còn trong thánh vịnh 29 Thiên Chúa tự tỏ hiện trong bão táp.
“Mây u ám bao phủ quanh Người, bệ ngai rồng là công minh chính trực. Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong, đốt tiêu tan địch thù tứ phía. Ánh chớp của Người soi sáng thế gian, địa cầu trông thấy mà run sợ; núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan vị Chúa Tể hoàn cầu. Trời xanh tuyên bố Người là Đấng chính trực, hết mọi dân được thấy vinh quang Người. Nhục nhã thay ai thờ ngẫu tượng, huênh hoang vì những vật hư vô này. Chư thần chư thánh, phục bái Chúa đi!”
“Mây và bóng tối”: mây như nơi ở của sự hiện diện của Thiên Chúa và sự tối tăm của nước là lều trú của Ngài, như miêu tả trong thánh vịnh 18: “Chúa nghiêng trời ngự xuống, chân đạp lớp mây mù, ngự trên thần hộ giá, trên cánh gió lượn bay: Chúa dùng bóng tối làm màn bao phủ, lấy mây đen nghịt làm trướng che Người. Trước mặt Chúa, kìa chớp loé mây bay, mưa đá lẫn than hồng tuôn đổ. Chúa nổi sấm vang trời, Đấng Tối Cao lớn tiếng.” (Tv 18, 10-14). Tính từ “Đấng cỡi mây” cũng được tìm thấy trong thần thoại Canaan, đuợc áp dụng cho thần Baal và được các tác giả kinh thánh chuyển sang cho Giavê Thiên Chúa của Israel. Sách Đệ Nhị Luật chương 33 miêu tả Thiên Chúa như sau: “Hỡi Giơ-su-run, chẳng có ai như Thiên Chúa, Người ngự đến giúp ngươi, lẫm liệt uy hùng, xa giá Người là trời cao mây thẳm.” (Đnl 33,26).
“Công lý và thẳng ngay” hay “công minh chính trực”: là kiểu nói lấy lại từ thánh tịnh 89: “Bệ ngai vàng: này công minh chính trực, quân tiền phong: đây tín nghĩa ân tình.” (Tv 89,15). Các tính từ này được nhân cách hoá và biến thành các tôi tớ phục vụ Thiên Chúa.
“Ngai của Ngài” là ngai trên trời được nhiều thánh vịnh vương quyền nhắc tới (Tv 47,9; 93,2; 99,1). Trong khi ngai dưới đất của Giavê là trong thánh điện của đền thờ Giêrusalem, nơi Thiên Chúa ngự trên các thần Kerubim, là một bản sao của ngai trên trời.
“Lửa đi trước mặt Ngài”: lửa biểu tượng cho sức mạnh cuốn hút và thanh tẩy trong sự can thiệp của Thiên Chúa như viết trong thánh vịnh 18: “Từ thánh nhan Người, khói bốc lửa thiêu, và than hồng tung toé.” 18,9), hay như trong thánh vịnh 50: “Thiên Chúa ta ngự đến, Người không nín lặng. Hàng tiền đạo: kìa lửa hồng thiêu đốt, quân tả hữu: đây bạo vũ cuồng phong.” (Tv 50,3).
“Thiêu rụi các kẻ thù của ngài”: Chỉ nội sự kiện Thiên Chúa xuất hiện đã khiến cho các thù địch của Ngài phải tiêu tan như viết trong thánh vịnh 68: “ Thiên Chúa đứng lên, địch thù Người tán loạn, kẻ ghét Người phải chạy trốn Thánh Nhan. Như làn khói cuộn, chúng bị Chúa cuốn đi; như sáp chảy tan khi vừa gặp lửa, kẻ ác cũng tiêu vong khi giáp mặt Chúa Trời.” (Tv 68, 1-3). Tác giả thánh vịnh 18 miêu tả Thiên Chúa như một tráng sĩ: “Người bắn tên, khiến địch thù tán loạn, phóng chớp ra, làm chúng phải tan tành.” (Tv 18,15).
“Ánh chớp của Ngài soi sáng thế gian”: toàn câu này lập lại hầu như y nguyên câu 19 thánh vịnh 77: “Tiếng sấm của Chúa ầm ầm vang dội,
ánh chớp chói loà soi sáng thế gian, khắp địa cầu lung lay rung chuyển.” (Tv 77, 19),
“Núi chảy như sáp trước mặt Giavê”: khi Thiên Chúa ra khỏi nơi ở của Ngài thì núi đồi chảy dưới chân Ngài, và các thung lũng bị nứt rạn như sáp trước lửa, như nước chảy vào thung lũng” (Mk 1,4)
“Chúa của toàn trái đất” là một tước hiệu khác nữa của Giavê hay được các ngôn sứ dùng (Mk 4,13; Dc 4,14; 6,5).
“Các tầng trời loan báo sự công chính của Ngài”: việc thừa nhận sự công chính và vinh quang của Giavê từ phía toàn vũ trụ đối với niềm tin của Israel là một kết quả hợp với luận lý của sự kiện Thiên Chúa thống trị toàn trái đất, cả khi sự thừa nhận ấy chỉ ở trên bình biện quyền lợi đi nữa.
“Chúng sẽ hổ nhục những kẻ thờ ngẫu tượng”: việc tôn thờ các ngẫu tượng hư vô là điều vô nghĩa. Vì các ngẫu tượng do con người làm ra, do đó làm sao có thể hy vọng nơi các vật vô tri vô giác ấy và nhận được từ chúng lợi ích hay một cử chỉ cứu thoát nào? Trái lại họ chỉ nhận được sự thất vọng và hổ nhục ê chề mà thôi (Is 42,17; 45,16).
“Mọi ngẫu tượng phủ phục trước Ngài”: đây là thái độ của các kẻ thù bại trận và nhục nhã quỳ phục lậy trước Thiên Chúa chiến thắng, y như thần Dagon của dân Philitinh bị hạ nhục trước Hòm Bia Giao Ước của Giavê (1 Sm 6,1-6). Đây cũng là lời mời gọi hướng tới các kẻ tôn thờ ngẫu tượng thừa nhận sự thống trị của Giavê. Nó giống lời mời của thánh vịnh 29: “Hãy dâng Chúa hỡi chư thần chư thánh, dâng Chúa quyền lực và vinh quang. Hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người, và thờ lậy Chúa uy nghiêm thánh thiện” ((Tv 29,1-2). Vì sự song song giữa các từ “ngẫu tượng” và “hư không” nên việc phục lậy ở đây ám chỉ việc truất phế các ngẫu tượng khỏi mọi quyền bính và phẩm giá của chúng.
Các câu 8-12 của thánh vịnh 97 miêu tả phản ứng tươi vui của dân Israel trước sự biểu hiệu của Giavê, là thẩm phán tối cao duy nhất của vũ trụ (vv.8-9) và là Đấng Cứu Độ quyền năng của các tín hữu (c. 10). Tác giả mời gọi mọi người cảm tạ vì ánh sáng cứu độ mọc lên cho các người công chính (cc. 11-12).
“Được biết thế, Xi-on tưng bừng hoan hỷ; thành thị miền Giu-đa hớn hở nhảy mừng vì những phán quyết của Ngài, lạy Chúa. Chính bởi vì Ngài, muôn lạy Chúa, là Đấng Cao Cả trên khắp địa cầu, Ngài trổi vượt chư thần hết thảy. Kẻ yêu Chúa, hãy ghét điều gian ác, Người giữ gìn tính mạng kẻ hiếu trung, giải thoát họ khỏi tay phường độc dữ. Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính, niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay. Trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng tưởng nhớ Thánh Danh mà dâng lời cảm tạ”.
“Sion đã nghe và vui mừng”: hầu như toàn câu lấy lại câu 12 của thánh vịnh 48: “Danh thánh Chúa gần xa truyền tụng, tiếng ngợi khen Ngài khắp cõi lừng vang. Tay hữu Chúa thi hành công lý, khiến núi Xi-on tưng bừng hoan hỷ; thành thị miền Giu-đa hớn hở nhảy mừng vì những điều Ngài đã phán quyết.” (Tv 48,11-12). “Vâng Ngài là Đấng Tối Cao, lậy Giavê”: đây cũng là một kiểu khác nữa khẳng định quyền thống trị và sự cao vượt của Thiên Chúa của Israel trên mọi thần linh khác, như khẳng định trong thánh vịnh 95: “Bởi Giavê là Chúa Trời cao cả, là Đại Vương trổi vượt chư thần” (Tv 95,3) hay trong thánh vịnh 96: “Giavê thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần, vì chư thần các nước thảy đều hư ảo,
còn Giavê, Người sáng tạo trời cao.” (Tv 96,4-5)
“Hãy mến yêu Giavê hỡi những người ghét sự sữ”: đây là dấn thân luân lý đạo đức định tính cho nước cứu độ cánh chung của Giavê và cung cách sống của tín hữu. Vì chỉ những ai “tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối” mới được lên Núi Chúa, được Thiên Chúa chúc lành và hưởng sự công chính cứu độ trong Nước Ngài (TV 24,4-5).
“Một ánh sáng đã ló ra cho người công chính”: ánh sáng chiếu soi cho người công chính cũng như ánh sáng toả ra từ họ là một công thức đặc thù của nền thần học thời hậu lưu đầy, nhất là trong các văn bản của ngôn sứ Isaia II. Chẳng hạn ngôn sứ viết trong chương 58: “Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Giavê bao bọc phía sau ngươi… Nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.” (Is 58,8.10). Ngôn sứ viết thêm trong chương 60: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của Giavê như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Giavê như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.” (Is 60,1-2).
“Hãy reo vui trong Giavê, hỡi những người công chính”: đây cũng chính là lời mời kết thúc thánh vịnh 32 và mở đầu thánh vịnh 33. “Hãy cử hành danh thánh của Người” dịch sát chữ là “kỷ niệm của sự thánh thiện Ngài”, như viết trong thánh vịnh 30: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Giavê, cử hành kỷ niệm sự thánh thiện của Ngài” (Tv 30,5).
Linh Tiến Khải