Thánh vinh 98 có thể được coi như lập lại thánh vịnh 96 và là thánh vịnh chúc tụng vương quyền của Giavê. Lời mời mở đầu, câu 1a, giống hệt thánh vịnh 96, 1a, cũng như lời chúc tụng kết thúc, câu 9 (= 96,13). Cấu trúc của hai thánh vịnh cũng giống nhau: sau câu mở đầu là phần trình bầy các lý do của bài ca mới, câu 1b-3, (96,4-6); lời cầu mới, các câu 4-5 (96,7-9) và sau cùng là sự tham dự của thụ tạo, các câu 6-8 (96,10-12). Sứ điệp nền tảng của hai thánh vịnh cũng hầu như giống nhau, mặc dù chiều kích đại đồng được nhấn mạnh hơn trong thánh vịnh 98, câu 3 (96,2).
Cũng giống như thánh vịnh 96, và có lẽ còn hơn thánh vịnh 96, thánh vinh 98 lấy lại trong giọng điệu và tinh thần các đề tài lớn của ơn cứu độ cánh chung của ngôn sứ Isaia II. Giữa các thánh vịnh vương quyền trong cuốn IV của sách Thánh Vịnh, thánh vịnh 98 là thánh vịnh duy nhất không mồ côi, vì có một tựa đề cả khi rất đơn sơ.
Thánh vịnh gồm phần nhập đề, câu 1a; trình thuật, câu 1b-3; lời mời vui lên và tham gia của thụ tạo, các câu 4-8; và lời công bố kết thúc, câu 9.
Lời dẫn nhập mời gọi cất lên “bài ca mới”, lý do là vì Giavê đã làm các điều kỳ diệu.
“Hát lên mừng Giavê một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công.”. Thánh vịnh 96 cũng mở đầu với lời mời tương tự: “Hát lên mừng Giavê một bài ca mới, hát lên mừng Giavê, hỡi toàn thể địa cầu! Hát lên mừng Giavê, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người. ” (Tv 96,1-3). Trong chương 42 ngôn sứ Isaia cũng mời gọi như sau: “Hát lên mừng Giavê một bài ca mới, tán tụng Người đi, từ cùng cõi địa cầu! Gầm thét lên, hỡi đại dương với muôn ngàn hải vật, hỡi các đảo và toàn thể dân cư! Nào đồng thanh, hỡi sa mạc cùng với thị thành, và bao thôn ấp người Kê-đa du mục! Hò reo lên, hỡi dân miền Núi Đá, từ đỉnh cao vời, hãy cất tiếng hoan hô!
Nào tất cả cùng tôn vinh Giavê, phổ biến cho các đảo bài tán dương Người!” (Is 42,1012).
Các câu 1b tới 4 là phần trình thuật minh xác các điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện, như được báo trước trong câu mở đầu. Từ vựng ở đây giống từ vựng của ngôn sứ Isaia II. Vì thế các việc kỳ diệu ở đây không ám chỉ các công trình tạo dựng, cũng không phải các sự lạ lùng của cuộc Xuất Hành, nhưng là các kỳ diệu của “cuộc xuất hành mới”, nghĩa là của việc giải phóng dân Irael khỏi kiếp sống lưu đầy bên Babilonia. Nó đã trở thành biểu tượng của ơn cứu rỗi cứu thế cánh chung, rộng mở cho mọi dân tộc.
”Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người. Giavê đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân; Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ít-ra-en. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Tung hô Giavê, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát.”
“Cánh tay phải Người đã cho Người chiến thắng”: câu này vang vọng điều ngôn sứ Isaia viết trong chương 52: “Trước mặt muôn dân, Giavê đã lột trần cánh tay thánh thiện của Người; mọi ranh giới tráI đất sẽ trông thấy : ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Is 42,10). Trong chương 59 ngôn sứ Isaia cũng nói: “Cánh tay Ngài đã ban chiến thắng cho người; chỉ có công lý Ngài đã nâng đỡ người” (Is 59,16).
“Sự cứu rỗi của Ngài … sự công chính của Ngài” : là một trong các kiểu đặc biệt ngôn sứ Isaia II dùng để diễn tả sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa với hai từ song song “cứu rỗi – công chính” có nghĩa là chiến thắng và ân huệ.
“Ngài đã nhớ lại lòng thương xót”: nhớ lại có nghĩa là thực thi lòng thương xót-tín trung từ phiá Thiên Chúa. Điều này xảy ra trong bối cảnh chính xác của giao ước mà Thiên Chúa cảm thấy được cột buộc vào dân Ngài một cách không thể lìa tan được, như tác giả thánh vịnh 25 đã viết: “Lạy Giavê, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.” (Tv 25,6); hay trong chương 6 sách Sử Biên II: “Lạy Giavê là Thiên Chúa, xin đừng xua đuổi đấng Ngài đã xức dầu. Xin nhớ lại những hồng ân Ngài đã ban cho Đa-vít tôi tớ Ngài! ” (2 Sb 6,42). Ơn cứu rỗi trong tân ước cũng được quan niệm trong cùng chiều hướng và được trình bầy với cùng thứ từ vựng như vậy, như thánh sử Luca viết trong chương 1: “Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.” (Lc 1,54-55).
“Mọi ranh giới trái đất đã trông thấy”: trong các lời loan báo của ngôn sứ Isaia II các dân tộc ngoại giáo không phải là Do thái không chỉ là các khán giả hay nhân chứng ít nhiều thờ ơ của ơn cứu độ, mà cũng được hưởng ơn cứu độ ấy. Động từ “trông thấy” ở đây có nghĩa là được sống kinh nghiệm cứu độ.
Các câu 4-8 của thánh vịnh 98 là phần thân của thánh thi, bao gồm lời mời gọi đa diện mừng lễ, và chúc tụng vương quyền của Thiên Chúa với các nhạc cụ khác nhau: lời mời được hướng tới “toàn trái đất”.
”Đàn lên mừng Giavê khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca. Kèn thổi vang xen tiếng tù và, tung hô mừng Giavê, vị Quân Vương! Gầm vang lên, hỡi biển cả cùng muôn hải vật, địa cầu với toàn thể dân cư! Sông lạch ơi, vỗ tay đi nào, đồi núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan Giavê.”
“Toàn trái đất hãy tung hô Giavê”: đây cũng là lời ngôn sứ Isaia mời gọi Giêrusalem như viết trong chương 52: “Hỡi Giê-ru-sa-lem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Giavê an ủi dân Người, và cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. Trước mặt muôn dân, Giavê đã vung cánh tay thần thánh của Người: ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, người bốn bể rồi ra nhìn thấy. ” (Is 52,9-10). Ở đây các nhạc cụ gồm hạc cầm, kèn, tù và. Tác giả thánh vịnh 92 và 144 cũng mời gọi tín hữu hãy chúc tụng Thiên Chúa với các nhạc cụ khác nhau: “Hoà điệu sắt cầm gieo trầm bổng, nhè nhẹ vấn vương khúc tỳ bà.” (Tv 92,4); “Lạy Chúa Trời, xin dâng Chúa một bài ca mới, thập huyền cầm, con gảy đôi cung” (Tv 144,9).
“Hãy run rẩy biển cả và những gì nó chứa đựng, thế giới với dân cư của nó”: Vạn vật kể cả những thứ vô hồn cũng đều tham dự vào việc hát ca chúc tụng Giavê Thiên Chúa, như viết trong thánh vịnh 96: “Hãy nói với chư dân: Giavê là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng. Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Giavê, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người.” (Tv 96, 11-13).
“Sông vỗ tay, núi vui sướng reo hò”: là cử chỉ của muôn dân trong thành vịnh 47: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo! Vì Giavê là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.” (Tv 47,2-3), Trong khi ngôn sứ Isaia thì mời cây cối của cánh đồng: “Phải, các ngươi sẽ ra đi mừng rỡ hân hoan, rồi lũ lượt kéo về bình an vô sự. Trước mặt các ngươi, đồi núi sẽ cất giọng reo hò, cây cỏ ngoài đồng sẽ vỗ tay.” (Is 55,12).
Câu 9 của thánh vịnh 98 lập lại lời công bố kết thúc với một ít khác biệt liên quan tới biến cố Giavê đến trong vương quyền đem lại công lý cho toàn thế giới.
“Vì Người ngự đến xét xử trần gian, Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo lẽ công bình”.
Linh Tiến Khải