Tình yêu của Thiên Chúa – Tình yêu của con người trong sách Diễm Ca

Khi đọc sách Diễm Ca chúng ta nhận ra ngay tình yêu của con người. Ở đây là tình yêu giữa một người nam và một người nữ. Tình yêu của con người là đề tài bất tận được mọi dân tộc trên thế giới ca ngợi trong các tác phẩm nghệ thuật muôn mầu muôn vẻ. Đây là một sự thật hiển nhiên, vì chúng ta tất cả đều biết rằng con người là sản phẩm tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hoá. Nó được tạo dựng nên trong một cách thế đặc biệt để cảm nhận tình yêu như nhu cầu thiết yếu đầu tiên. Là sản phẩm của Thiên Chúa Tình Yêu con người muốn được yêu thương và muốn yêu thương. Ơn gọi của nó là sống yêu thương. Nhu cầu tình yêu sâu xa đến độ phóng nó tới các khát vọng cao vời hơn. Để thoả mãn nhu cầu tình yêu, sống và nếm hưởng nó con người tìm thời sự hoá nó trong mọi thực tại cuộc sống của mình: trong tình bạn, trong gia đình, trong tương quan yêu thương của lứa đôi. Nghĩa là con người sống kinh nghiệm yêu thương, tìm hiểu biết trong những nơi con người có thể tìm thấy tình yêu.

Sách Diễm Ca ca tụng tình yêu toàn vẹn của con người, trong đó mọi thành phần con người đều dấn thân và bao gồm mọi chiều kích: sự hấp dẫn, việc kiếm tìm, hưởng thụ vẻ đẹp, ước mong có tương quan thân tình, cá nhân, trên bình diện thịt xác, tâm lý và tinh thần, nghĩa là tất cả mọi phương thế kết hợp giữa hai người. Bởi vì chính sự kết hiệp hoàn toàn trọn vẹn thoả mãn con người trong quan hệ tình yêu. Chiều kích của tình yêu thể lý nghĩa là tính dục, khoái cảm tột độ không thôi không đủ, vì nó chỉ kết hiệp các thân xác nhưng không hiệp nhất cái tôi-anh, không hiệp nhất hai tâm hồn một cách sâu thẳm.

Như vậy được thúc đẩy bởi các sức mạnh vô thức bên trong và với một rộng mở sâu thẳm của nhu cầu tình yêu con người hướng cái nhìn của nó lên chốn vô tận. Bất cứ hạn hẹp nào ngăn chặn cái nhìn đó đều luôn luôn là một hạn hẹp điều kiện hoá hạnh phúc của con người. Yếu tố nền tảng cấu tạo nên con người này là hình ảnh của Thiên Chúa – Tình Yêu: tình yêu dấu ẩn trong nó chính Thiên Chúa như bí mật riêng tư. Một cách triệt để con người cần có một đối tác cho một Tinh Yêu vô tận và bất diệt. Chính tại đây Thiên Chúa gặp gỡ con người và con người gặp gỡ Thiên Chúa. Và đây là tột đỉnh nỗi khắc khoải của nội tâm con người, mỗi ngày, dưới làn da, thân tình, vô thức và liên lỉ. Nó không phải là một tâm bệnh, một sự yếu đuối đáng thương của con người, một giấc mộng vô ích, lừa dối. Ai khẳng định điều này là làm vẩn đục thực tại và giam cầm con người, lấy mất đi hơi thở và sự tự do rộng rãi hơn của nó, lấy mất đi sự thật, lấy mất đi khả thể của cuộc sống đích thật và đóng kín mọi con đường hy vọng.

Và như thế mọi sinh hoạt trí thức của con người sẽ bị què quặt và không có các ý nghĩa cuối cùng của chúng. Chẳng hạn thơ văn sẽ chỉ là một giải trí không có gợi hứng nào, và nghệ thuật cũng như các thực tại khác liên lụy tới con người trong sự toàn diện của nó cũng thế. Con người không phải là sâu bọ, một hiện tượng sinh thành học, là phần của sự tiến hoá sinh vật lý của vũ trụ. Nó là một bản vị hoàn toàn khác. Bởi nếu không thì mọi chinh phục nhân bản và khoa học của sẽ vô ích, không có hơi thở sự sống. Trong sách Diễm Ca cả hai người hôn phu và hôn thê đều dấn thần với các sức mạnh cá nhân cho một tương quan hoàn toàn kết hiệp: Đây là hình ảnh trần gian của tình yêu Thiên Quốc, nơi tương quan tình yêu giữa các thụ tạo của Thiên Chúa hoàn toàn và hiệp nhất với mọi sự tràn đầy của các thực tại thiên quốc, là các thực tại khác với các thực tại trần gian. Như thế, sách Diễm Ca ca ngợi tình yêu tràn đầy, trọn vẹn vì một lý do rất đơn sơ, bởi vì tình yêu là kết hiệp, trọn vẹn và hoàn hảo là  Tinh Yêu của Thiên Chúa.

Thật thế, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người như thế, “nam nữ” trao ban cho nó tính dục để kinh nghiệm tình yêu của nó hiệp nhất, biến họ nên một thịt xác. Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là như vậy, một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Bản Vị: như thế con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Chính Thiên  Chúa đã bước vào trong thế giới  đem theo mình mầu nhiệm hôn nhân với việc tạo dựng nên cặp nam nữ, là hình ảnh và sự giông giống của Ngài, và họ là những người giữ gìn và là hoa trái đầu tiên của mầu nhiệm này, được ghi dấu ấn trong “yếu tố di truyền tinh thần” của họ, và họ có nhiệm vụ sống và hiện thực một cách bí tích vì là hình ảnh trần gian của Tình Yêu của Thiên Chúa.

Điểm thứ hai: tình yêu của Thiên Chúa. Như vậy tình yêu của Thiên  Chúa là ơn gọi cuối cùng, sâu thẳm nhất, được tìm kiếm nhất. Chính vì thế sách Diễm Ca khi nói về tình yêu của con ngưòi lại đề cập tới Tình Yêu của Thiên Chúa, Tình Yêu nguyên thuỷ, đã tạo dựng nên con người và nhào nặn nó trong chính bản chất nhu cầu lớn nhất của nó là nhu cầu yêu thương; và chính điều này khiến hợp pháp và tự nhiên  mọi chuyển rời tinh thần, mà trong sách Diễm Ca nó đồng hoá phu thê-phu quân với con người – Thiên Chúa, hay linh hồn và Chúa Kitô. Chúng ta còn có thể nói rằng có một chỗ đặc biệt nơi con người có thể kinh nghiệm, sờ mó, sống tình yêu của Thiên Chúa: đó là trong “nơi nền tảng”, trong Thiên Chúa; nếu con người di chuyển để tìm kiếm Thiên Chúa ở đó, thì sẽ chắc chắn gặp Ngài, bởi vì Thiên Chúa tự biểu lộ tại đó, Ngài hiện diện ở đó và bước vào trong tương quan tình yêu với con người ở đó. Thiên Chúa không phải là một thực tại để tin, nhưng là một  thực tại để gặp gỡ, một tương quan tình yêu để sống. Nếu chúng ta giản lược Thiên Chúa vào một kinh tin kính, thì khi đó sẽ có người nói với chúng ta rằng tôi không tin nơi Thiên Chúa, nhưng nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, khi đó ai sẽ có thể nói tôi không yêu Tình Yêu?

Thầy Enzo Bianchi, đan viện trưởng đan viện Bose bắc Italia, đã nói như trên trong bài thuyết trình về tình yêu của con người trong sách Diễm Ca. Trước khi là kẻ tin vào Thiên Chúa, kitô hữu đích thực là người được cột buộc vào Thiên Chúa, gắn bó với Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa , nếu không thì họ sẽ là một kitô hữu nói về Thiên Chúa ở ngôi thứ ba, không có khả năng bập bẹ từ “Ngài” ở ngôi thứ hai, nhưng khi họ bập bẹ từ “Ngài” ở ngôi thứ hai có nghĩa là có tình yêu”. Việc tin là một cử chỉ nội tâm của con người dựa trên một kinh nghiệm đức tin và vì thế là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Việc  tuyên xưng đức tin chỉ được làm, sau khi đã sống kinh nghiệm về Tình Yêu của Thiên Chúa, là một tuyên bố vĩnh viễn  và bí tích của mối dây tình yêu với Thiên Chúa. Ai không tin là kẻ, một cách đơn sơ, đã không biết tình yêu của Thiên Chúa. Ta không kiếm tìm Thiên Chúa với lý trí, nhưng tìm kiếm Ngài trong tình yêu!

Thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16b). Sách Diễm Ca dậy và dẫn chúng ta tới điểm này. Ai dìm mình trong con đường tinh yêu – như phu thê của sách Diễm Ca – thì dìm mình trong cuộc sống tình yêu phù hợp hơn và đáp trả lại bản chất nhân loại, củng cố nó, khiến cho nó hứng khởi, từ từ bước vào trong cuộc sống sung mãn và hạnh phúc. Vâng, đó là một lộ trình dài và đòi hỏi dấn thân như con đường của vị phu thê, nhưng chắc chắn là nếu họ sẽ  kiên trì với cùng sức mạnh và sự kiên trì của vị phu thê trong sách Diễm Ca, họ sẽ đạt tới được với Tình Yêu, cả khi với một lộ trình dài, và trong Thiên Chúa là Phu Quân Thiên Quốc họ sẽ dự phóng đạt tới sự thành toàn, là tột đỉnh và đích điểm của toàn con người mình.

Sách Diễm Ca là một Tình Yêu, khước từ sách Diễm Ca là khước từ Tình Yêu. Vì thế, có người đã viết rằng: có lẽ  xem ra có vài điều của sách Diễm Ca có thể nói một cách khác. Tôi sẽ không ngạc nhiên, vì sự thô tục của chúng ta. Tôi cũng đã nghe vài người nói rằng họ tránh nghe các điều ấy. Ôi lậy Chúa Tôi, sự bần cùng khốn nan của chúng con to lớn biết chừng nào! Nó xảy ra cho chúng con như xảy ra cho các thú vật có nọc độc, biến đổi thành chất độc tất cả những gì chúng ăn: từ những ơn thánh lớn lao như thế cũng như những ơn thánh mà Chúa ban cho chúng con ở đây, bằng cách làm cho chúng con  hiểu biết điều một linh hồn yêu mến Chúa cảm nhận được, trong khi Chúa khích lệ chúng con ở lại trong cuộc đối thoại với Ngài và vui hưởng với Ngài, thì chúng con lại chỉ biết rút tiả ra các sợ hãi và cho các lời  nói của Ngài các ý nghiã phản ánh sự yếu đuối trong tình yêu của chúng con đối với Chúa.

DC 18

Linh Tiến Khải

RV

Chia sẻ Bài này:

Related posts