Tội lỗi là một đề tài thần học quan trọng trong Thánh Kinh, vì nó diễn tả các thất bại của con người trong ơn gọi là người và là con cái Thiên Chúa. Tội lỗi diễn tả các sai lệch của con người đối với chính mình, đối với Thiên Chúa, tha nhân và môi sinh.
Một phần lớn giáo huấn của các ngôn sứ là lời tố cáo tội lỗi của con người, ở đây trong Thánh Kinh là tội lỗi của giới lãnh đạo và của dân Do thái cũng như của các dân tộc khác, đặc biệt là các dân tộc ức hiếp chèn ép dân Do thái. Đây là lý do khiến cho các ngôn sứ thường liệt kê danh sách các tội của dân Do thái, thường gắn liền với Mười Điều Răn. Các danh sách này lại càng nhiều hơn trong các văn bản thuộc nền văn chương khôn ngoan.
Tội lỗi trở thành một thực tại rất cụ thể: đó là thái độ bỏ Giavê để tôn thờ các thần ngoại, các ngẫu tượng bằng vàng bạc, gỗ đá vô tri do con người làm ra. Đó là các cung cách sống bạo lực, cướp bóc, phán xử bất công, ăn nói dối trá, ngoại tình, thề gian, giết người… tất cả đều diễn tả các vô trật tự xã hội.
Ngay trong chương đầu tiên ngôn sứ Isaia đã ghi lại lời Giavê than thở và tố cáo Israel tội bỏ Người như sau: ”Trời hãy nghe đây, đất lắng tai nào, vì Giavê phán: ”Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta. Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì. Khốn thay dân tộc phạm tội, dân chồng chất lỗi lầm, giống nòi gian ác, lũ con hư hỏng! Chúng đã bỏ Giavê, đã khinh Đức Thánh của Israel và quay lưng đi” (Is 1,2-4). Trong chương 59 ngôn sứ Isaia khẳng định rằng không phải Giavê tay ngắn không thể cứu, cũng chẳng phải Người nặng tai không nghe được tiếng kêu than của Israel, nhưng chính lỗi lầm của họ đã phân cách họ với Người; chính tội lỗi của họ đã khiến cho Thiên Chúa phải ẩn mặt, để khỏi nhìn khỏi nghe họ. Và ngôn sứ kể ra các tội của họ như sau:
”Qủa thật, bàn tay các ngươi vấy máu, ngón tay các ngươi đầy tội ác tầy trời, môi miệng các ngươi nói lời giả dối, lưỡi các ngươi thốt ra điều bất công. Chẳng ai theo lẽ công minh mà kiện cáo, không ai xét xử theo đường chân thật. Người ta tin tưởng điều hư không và nói lời gian xảo, cưu mang chuyện xấu xa, đẻ ra điều gian ác… Chúng nhanh chân chạy theo sự dữ và mau lẹ đổ máu người vô tội: chúng suy nghĩ toàn những chuyện độc ác gian tà, chúng đi đâu cũng bạo hành tàn phá. Chúng không biết đường dẫn tới bình an, đường lối chúng chẳng có gì chính trực, chúng làm cho đường mình đi nên quanh co khúc khủyu, ai đi theo đường đó, không hề được bình an” (Is 59,3-4.7-8). Vì thế Israel thú tội với Chúa: ”Chúng con đã phạm tội, đã lìa bỏ Giavê, đã lìa xa Thiên Chúa chúng con, còn nói lời thâm độc và nổi loạn với Chúa, ngấm ngầm mưu tính và lẩm nhẩm thốt lời điêu ngoa. Đức chính trực đã bị bỏ rơi, lẽ công minh sao xa vời qúa! Vì nơi quảng trường lòng thành tín phải đành nghiêng ngả, sự liêm chính không thể chen chân. Lòng thành tín đã không còn nữa, kẻ xa điều gian ác bị cướp bóc liền tay” (Is 59,13-15).
Ngôn sứ Hosea sống vào thế kỷ thứ VIII trước công nguyên cũng ghi lại lời than của Giavê đối với cung cách sống tội lỗi của dân Israel như sau: ”Qủa thật trong xứ này, chẳng có tín thành, chăng có ân nghĩa, cũng chẳng có sự hiểu biết Thiên Chúa. Chỉ có bội thề, dối trá, sát nhân và trộm cướp, áp bức với ngoại tình, các cuộc đổ máu cứ nối tiếp nhau. Chính vì thế mà sứ xở tang thương, dân cư tàn tạ, ngay thú vật ngoài đồng cũng như chim trời cá biển, tất cả đều chết hết” (Hs 4,1-3). Cung cách sống tội lỗi gian ác của con người cũng gây ra cái chết của thú vật và tàn phá môi sinh. Trong cùng chương 4 ngôn sứ Hosea ghi lời Thiên Chúa tố cáo tội thờ thần giả của dân Israel như sau: ”Đĩ điếm, rượu chè làm dân Ta mất trí. Chúng thỉnh ý khúc gỗ của mình, và xin cây gậy của mình mặc khải cho; vì thói đĩ điếm làm cho chúng lầm lạc, chúng bỏ Thiên Chúa của mình mà đi làm điếm. Chúng sát tế, chúng dâng hương, trên các đỉnh núi, trên các ngọn đồi, dưới bóng mát cây sồi, cây hương, cây sến. Thảo nào con gái các ngươi chẳng làm điếm, con dâu các ngươi chẳng ngoại tình. Con gái các ngươi làm điếm, con dâu các ngươi ngoại tình, Ta sẽ không trừng phạt, vì chính các tư tế cũng giao du với kỹ nữ và cùng tế lễ với điếm thần” (Hs 4,11-14). Nghĩa là cả giới lãnh đạo tôn giáo cũng có nếp sống tội lỗi, suy đồi, trụy lạc.
Khi con người yêu sách muốn tự mình xây dựng, một cách độc lập với Thiên Chúa, thì thường nó làm điều đó trên giá mồ hôi nước mắt và máu của người khác, đặc biệt là của những ngưới bé nhỏ và yếu đuối nhất. Đó là điều đã xảy ra từ cổ chí kim trong lịch sử của mọi dân tộc, ở khắp mọi nơi trên thế giới này. Điển hình như trong các nước còn bị thống trị bởi các chế độ cộng sản vô thần độc tài đảng trị như Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam. Trong các xã hội này có tất cả mọi tội xã hội bị các ngôn sứ tố cáo trong Thánh Kinh Cựu Ước, đặc biệt là các tội bạo hành ngang ngược, cướp bóc đất đai tài sản của dân, gian tham hối lộ, ức hiếp dân nghèo, vu khống gian ác, bịa đặt tội trạng, xử án dối trá, bỏ tù bất công và giết người vô lý. Riêng tại Việt Nam thì tỏ tường như các vụ bắt giữ và xử án bỏ tù các người tranh đấu cho công bằng và tự do dân chủ, các vụ ăn cướp đất đai tràn lan của dân nghèo, điển hình nhất là vụ cướp đất, bỏ tù và xử án ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng, các vụ cướp đất của của các tôn giáo, các vụ trấn áp tàn bạo các người biểu tình tỏ lòng yêu nước, bắt giữ và xử án bất công 18 sinh viên công giáo thuộc giáo phận Vinh và hàng trăm hằng ngàn các hành động gian ác, bất công khác. Bạo lực ức hiếp dân nghèo xảy ra hằng ngày trên khắp nước. Tất cả các tội ấy biến Nhà nước trở thành các chính quyền tội phạm sẽ dẫn đưa tới bạo loạn và mất nước.
Có hai trình thuật điển hình tố cáo tội lỗi của giới lãnh đạo. Đó là trình thuật vua Đavít phạm tội ngoại tình với bà Betsabea, muốn lấp liếm lỗi lầm của mình nhưng không được nên ra lệnh giết Uria chồng bà để đoạt vợ của ông, như kể trong chương 12 sách Samuel II. Đây là một thí dụ điển hình cho thấy cung cách sống vô luân ác độc của giới lãnh đạo chính trị mọi thời ở khắp nơi trên thế giới này. Cũng chính vì thế nên lưỡi gươm sát nhân đã không rời nhà Đavít nữa, như đã xảy ra trong các mưu toan tranh quyền giành ngôi báu giữa các hoàng tử sau này. Thứ hai là tội vua Akhab thèm muốn chiếm đoạt vườn nho của ông Nabot, nên để cho vợ là hoàng hậu Giêdabel lập mưu cáo gian giết ông Nabốt để đoạt vườn nho của ông cho vua, như kể trong chương 21 sách các Vua I.
Tỗi lỗi của con người không chỉ là chống lại các quyền của Thiên Chúa mà cũng là chống lại chính trái tim của Thiên Chúa nữa. Trong nghĩa này Thánh Kinh nói về tội lỗi như là việc xúc phạm đến Thiên Chúa. Tội lỗi không chỉ gây thương tích cho Thiên Chúa trong chính Người, mà trước hết nó đả thương Thiên Chúa trong mức độ nó chống lại những người được Thiên Chúa yêu thương. Chính vì thế sau khi vua Đavít phạm tội, ngôn sứ Nathan mới quở trách nhà vua là đã khinh thường Giavê Thiên Chúa (2 Sm 12,9 tt.), vì thế phải chịu các hậu qủa của nó. Ngôn sứ nói cho vua biết các hậu qủa đó: ”Tại sao ngươi khinh dể lời Chúa mà làm điều trái trước mắt Người? Ngươi đã dùng gươm đâm Uria người Híttít, vợ y ngươi đã cướp lấy làm vợ ngươi; còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Ammon mà giết. Ấy vậy gươm sẽ không bao giờ ngưng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của Uria, người Híttít làm vợ… Ta sẽ dùng chính nhà của ngươi mà gây họa cho ngươi. Ta sẽ bắt các vợ của ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật” (2 Sm 12,9-11). Đây là điều hoàng tử Absalom sẽ làm sau khi nổi loạn lên chiếm ngôi, khiến vua Đavít và quần thần phải vội vã chạy trốn khỏi Giêrusalem. Nhưng hình phạt tức khắc trước mắt đó là cái chết của đứa con vô tội, mà vua Đavít đã có trong vụ ngoại tình với bà Betsabea (2 Sm 12,15-23). Trong lịch sử nhân loại chính những người vô tội phải đền tội thay cho kẻ có tội, và nhân loại còn tồn tại được là nhờ thế. Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa, mặc dù thánh thiện và vô tội, sẽ phải nhập thể làm người và chết để đền tội thay cho toàn nhân loại.
Khi tách rời con người khỏi Thiên Chúa là suối nguồn duy nhất của sự sống, tội lỗi vén mở cho thấy nó trái nghịch với chương trình ban đầu của Thiên Chúa. Khi tạo dựng nên con người là Thiên Chúa muốn cho con người được tham dự vào chính sự sống sung mãn, thánh thiện, hạnh phúc, tuyệt hảo của Người. Nhưng chương trình ấy đã bị con người phá hủy, khi phạm tội xa rời Thiên Chúa. Tội lỗi khiến cho con người hụt, không đạt đích điểm cuộc sống và ơn gọi của mình là thụ tạo thánh thiện toàn hảo, được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa và là người tốt lành, hạnh phúc và sung mãn.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1148)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV