Khi đọc các thư của thánh Phaolô, chúng ta nhận ra nền thần học về tội lỗi trong tư tưởng của thánh nhân. Ở đây cần ghi nhận một điều: đó là thánh Phaolô phân biệt tội trong tiếng Hy lạp là ”hamartia” với các hành động tội lỗi đặc biệt, mà tiếng Hy lạp gọi là ”paraptôma”, có nghĩa là ngã. Thánh nhân không coi thường sự nghiêm trọng của các hành động tội lỗi như đã liệt kê trong nhiều danh sách trong các thư khác nhau gửi cho tín hữu các giáo đoàn. Nhưng bên kia các sa ngã ấy là nguyên lý của chúng, là sức mạnh thù nghịch với Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Trong các thư của thánh Phaolô có nhiều văn bản liệt kê danh sách các tội. Chẳng hạn trong chương 5 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô thánh nhân dặn tín hữu đừng giao du với những kẻ dâm đãng. Ngài viết: ”Trong thư đã gửi cho anh em, tôi có viết là đừng đi lại với những kẻ dâm đãng. Tôi không có ý nói chung về mọi người dâm đãng ở thế gian này, hay về mọi kẻ tham lam trộm cắp, hoặc mọi kẻ thờ ngẫu tượng, vì nếu vậy, anh em phải ra khỏi thế gian này! Không, khi viết thế, tôi muốn nói với anh em là đừng đi lại với kẻ nào mang danh là người anh em mà cứ dâm đãng, tham lam, thờ ngẫu tượng, quen chửi bới, say sưa rượu chè, hoặc trộm cắp; anh em cũng phải tránh đừng ăn uống với con người như thế” (1 Cr 5,9-11).
Trong chương 6 cùng thư thánh Phaolô trách các tín hữu không biết tự giàn xếp các tranh chấp với nhau, mà lại phải kiện nhau ra tòa đời, để cho người ngoại giáo xét xử, làm xấu hổ cho cộng đoàn giáo hội. Thánh nhân viết: ”Tôi nói thế cho anh em phải xấu hổ. Chẳng lẽ trong anh em lại không có người nào khôn ngoan có thể xử các vụ tranh chấp giữa anh em mình ư? Đàng này anh em đã kiện cáo nhau thì chớ, lại còn đem nhau ra trước tòa những người không có đức tin! Dù sao nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh em rồi. Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi? Nhưng chính anh em lại ăn ở bất công và bóc lột, và đã đối xử như thế với anh em mình!
Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, trụy lạc, nam giới giao cấu với nhau qua hậu môn, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa, rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6,5-10).
Trong thư thứ II viết cho cộng đoàn Côrintô thánh Phaolô cho biết ngài muốn đến thăm họ, nhưng sợ rằng khi đến ngài không thấy họ được như ý ngài, và họ cũng thấy ngài không được như ý họ. Rồi thánh nhân khuyên tín hữu: ”Chớ gì giữa anh em, đừng có chia rẽ, ghen tương, oán ghét, cạnh tranh, vu khống, nói hành, kiêu căng, hỗn loạn. Tôi sợ rằng lần sau đến thăm anh em, Thiên Chúa của tôi lại để tôi phải nhục vì anh em, và tôi phải than khóc nhiều người trước đây đã phạm tội, mà nay chẳng chịu ăn năn hối cải về những việc ô uế, gian dâm và phóng đãng họ đã làm” (2 Cr 12,20-21).
Trong thư gửi tín hữu Galát thánh nhân đã nói với tín hữu về sự đối chọi giữa cuộc sống theo xác thịt và cuộc sống theo Thần Khí. Trong chương 5 ngài dặn dò tín hữu: ”Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa. Còn hoa qủa của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,19-24).
Trong chương 5 thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolô cũng nhắn nhủ tín hữu như sau: ”Chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì nói đến anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh.” (5,3). Xa hơn thánh nhân dặn: ”Anh em hãy cẩn thận xem cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống trong những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí.” (Ep 5,15-18).
Chúng ta có thể tìm thấy một danh sách tội khác trong thư gửi giáo đoàn Roma ngay trong chương 1. Thánh Phaolô ghi nhận rằng người ngoại và người do thái phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì họ cố ý không muốn hoán cải nhưng vẫn tiếp tục sống vô luân. Thánh nhân viết: ” Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, lòng đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tỵ, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, vu oan giá họa. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương. Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là hễ ai làm như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành nhưng kẻ làm như vậy” (Rm 1,29-32).
Trong chương 3 thư gửi tín hữu Côlôxê thánh Phaolô trình bày nguyên lý của cuộc sống mới là kết hiệp với Đức Kitô phục sinh và khích lệ tín hữu như sau: ”Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Chính vì những thứ đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ không vâng phục. Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa những người ấy. Nhưng nay cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thóa mạ, ăn nói thô tục” (Cl 3,5-8).
Trong thư thứ I gửi Timôthê thánh Phaolô nói về Lề Luật như sau: ”Chúng ta biết rằng Lề Luật là tốt, nếu người ta sử dụng cho đúng cách. Thật vậy, Lề Luật có đó, không phải cho người công chính, mà là cho hạng người sống ngoài lề luật và bất phục tùng, vô luân và tội lỗi, phạm thánh, phạm thượng, giết cha giết mẹ, sát nhân, dâm dật, nam giới giao hợp với nhau qua hậu môn, buôn người, nói dối, bội thề và những kẻ sống ngược với giáo lý lành mạnh” (1 Tm 1,8-10).
Trong chương 3 thư thứ II gửi cho Timôthê thánh Phaolô khuyên đề phòng các nguy hiểm của những thời cuối cùng. Người viết: ”Anh hãy biết điếu này: vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Qủa thế, người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, nói xấu, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa; hình thức của đạo thánh thì họ còn giữ, nhưng cái chính yếu thì đã chối bỏ. Anh hãy xa lánh cả những người ấy” (2 Tm 3,10-5).
Sau cùng trong chương 3 thư gửi Titô thánh Phaolô dặn Titô nhắc nhở tín hữu ”sẵn sàng làm việc tốt, và đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hòa, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người. Thật vậy, cả chúng ta nữa, xưa kia chúng ta cũng ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác, ganh tỵ và ghen ghét lẫn nhau” (Tt 3,1-3).
Các danh sách các tội trên đây chắc chắn không cố ý liệt kê ra mọi thứ tội lỗi con người có thể sa phạm, nhưng đại để trình bầy một số tội mà xem ra tín hữu các giáo đoàn thời thánh Phaolô hay sa phạm. Nhưng vượt qua các tội ấy thánh Phaolô lần lên tới nguyên lý và nguồn gốc của chúng: nơi kẻ phạm tội chúng diễn tả ra ngoài cái sức mạnh thù nghịch với Thiên Chúa và Nước Người mà thánh Gioan nói tới. Sự kiện thánh Phaolô dành từ ”hamartia” ở số ít, một cách cụ thể, để diễn tả nó khiến nó có một tầm quan trọng đặc biệt. Nhưng nhất là thánh tông đồ lo lắng miêu tả nguồn gốc và các hậu qủa của tội nơi từng người trong chúng ta, đến độ soạn thảo ra cả một nền thần học về tội lỗi.
Sức mạnh thù địch ấy được giới thiệu như là một quyền lực được nhân cách hóa, cho tới độ đôi khi xem ra nó được đồng hóa với nhân vật của Satan, ”Ác thần của thế gian này” (2 Cr 4,4); nhưng tội khác với nó, vì tội thuộc về người tội lỗi, nó ở bên trong con người. Và tất cả mọi người đều liên đới với nhau trong tội của Ađam và đặt để con người trong điều kiện của sự chết như thánh Phaolô khẳng định trong chương 5 thư gửi tín hữu Roma: ”Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Nhưng tội của Ađam và các hậu qủa
của nó đã được phép là để Chúa Kitô chiến thắng chúng. Đối với thánh Phaolo chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi cũng triệt để như đối với thánh Gioan. Kitô hữu chết đi cho tội lỗi, đã trở thành một con người mới cùng với Chúa Kitô phục sinh (Rm 6,14), một thụ tạo mới (1 Cr 5,17).
Tuy nhiên, cho tới khi nào vẫn còn sống trong thân xác phải chết, tín hữu kitô vẫn có thể tái rơi vào dưới quyền lực của tội lỗi và lụy phục các dục vọng của nó (Rm 6,2), nếu họ khước từ đi theo Thần Khí (Rm 8,5). Do công trình sự khôn ngoan của Thiên Chúa chiến thắng trên tội lỗi xảy ra bằng cách sử dụng chính tội lỗi. Cả tội lỗi cũng vào trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại như thánh Phaolô khẳng định trong chương 11 thư gửi tín hữu Roma: ”Qủa thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11,32), hay trong chương 3 thư gửi tín hữu Galát: ”Nhưng Thánh Kinh đã giam hãm mọi sự trong vòng tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, điều Thiên Chúa đã hứa được ban cho kẻ tin” (Gl 3,22).
Mầu nhiệm sự khôn ngoan này của Thiên Chúa được vén mở một cách rõ ràng hơn trong cuộc khổ nạn của Con Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha đã giao nộp Con mình cho cái chết để đặt Người vào trong điều kiện thành toàn cử chỉ của sự vâng phục và tình yêu thương cao cả nhất, và như thế thực hiện ơn cứu độ của chúng ta, bằng cách là người đầu tiên từ điều kiện thân xác bước sang điều kiện tinh thần. Để cho phép Người yêu thương như chưa từng có ai yêu thương, Thiên Chúa đã muốn rằng Con của Người trở thành dễ bị thương tích vì tội lỗi của con người, để nhờ cử chỉ của tình yêu thương tột đỉnh ấy chúng ta được ở dưới các hiệu qủa của quyền lực sự sống là sự công chính của Thiên Chúa (2 Cr 5,21). Như vậy, ”Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28), kể cả tội lỗi.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1154)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV