Khi đọc các bút tích của thánh sử Gioan, chúng ta gặp kiểu nói ”tội của trần gian”, qua đó ngoài các tội đặc biệt, thánh sử Gioan có ý nói tới thực tại bí ẩn làm nảy sinh ra các tội. Nó là một sức mạnh thù nghịch với Thiên Chúa và với vương quốc của Người, mà Chúa Kitô phải đối đầu.
Sự thù nghịch này trước hết được biểu lộ ra một cách cụ thể trong việc khước từ ánh sáng. Trong chương 3 Phúc Âm thánh Gioan ghi lại cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô và lời Chúa Giêsu khẳng định Người đã được Thiên Chúa sai đến trần gian để ban ơn cứu độ cho những ai tin vào Người. Ai không tin thì đã bị kết án rồi, và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3,19-21).
Chương 9 của Phúc Âm thánh Gioan kể lại chuyện Chúa Giêsu cho anh mù từ lúc mới sinh được sáng mắt. Nhưng các người Pharisêu không tin và vu khống Đức Giêsu là người tội lỗi. Họ làm khó dễ cha mẹ anh và trục xuất anh khỏi hội đường, vì anh tin rằng Đức Giêsu là người bởi Thiên Chúa mà đến, nên mới làm cho kẻ mù từ lúc mới sinh được sáng mắt. Gặp lại Chúa Giêsu trong đền thờ anh đã tuyên xưng niềm tin nơi Người. Chúa Giêsu bảo anh: ”Tôi đến thế gian chính là để xét xử; cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy thì lại nên đui mù” (Ga 9,39).
Lấy lại một đề tài đã được nhắc tới trong sách Khôn Ngoan của Thánh Kinh Cựu Ước là sự kiện cái chết đã xâm nhập thế gian vì sự ganh tỵ của qủy dữ (Kn 2,24), thánh Gioan cho rằng con người cứng đầu cứng cổ không tin do ảnh hưởng của Satan, mà kẻ phạm tội phải lụy phục (Ga 8,34). Và các việc làm của Satan là sát nhân và dối trá (Ga 8,44), sinh ra sự thù ghét ánh sáng, chống lại sự thật và vì thế chống lại Đức Kitô và Thiên Chúa Cha. Trong diễn văn từ biệt các môn đệ trong bữa tiệc ly Chúa Giêsu báo trước cho các ông biết họ sẽ bị thế gian thù ghét. Thánh Gioan viết trong chương 15: ”Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như các con thuộc về thế gin, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì các con không thuộc về thế gian và thầy đã chọn, đã tách các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với các con: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ các con. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời các con. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại các con, vì các con mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.
Giả như Thầy không đến và không nói với họ, họ đã chẳng có tội. Nhưng bây giờ, họ không thể chữa tội được. Ai ghét Thầy, thì cũng ghét Cha Thầy. Giả như thầy không làm giữa họ những việc không một ai khác đã làm, họ đã không có tội. Nhưng nay họ đã thấy rồi mà vẫn ghét cả Thầy lẫn Cha Thầy. Như thế là ứng nghiệm lời đã viết trong Sách Luật của họ: Chúng ghét con vô cớ.
Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với các con từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả các con nữa, các con cũng làm chứng, vì các con ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15,18-27).
Sự thù ghét ấy của thế gian đối với Thiên Chúa mạnh mẽ tới độ họ giết chết Đức Giêsu Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, trước tội lỗi của thế gian Chúa Giêsu tỏ ra Người chiến thắng, vì Người là Đấng vô tội (Ga 8,46), là một với Thiên Chúa Cha (Ga 10,30), và là ánh sáng tinh tuyền, trong đó không hề có bóng tối. Trong bài thánh thi kitô học dẫn nhập Phúc Âm thánh Gioan khẳng định rằng Đức Giêsu Ngôi Lời Con Thiên Chúa là ”Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1,5). Trong cuộc tranh luận với người Do thái Đức Giêsu nói với họ rằng: ”Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Người là sự thật không hề mang dấu vết của dối trá. Người ”là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14; 8,40). Nhưng nhất là Đức Giêsu là tình yêu và tình yêu ấy được thành toàn trong cái chết của Người. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ trong bữa tiệc ly: ”Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yếu mến các con như vậy. Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con giữ các điều răn của thầy, các con sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Người. Các điều răn ấy Thầy đã nói với các con để các con được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của các con được nên trọn vẹn. Đây là điều răn của Thầy: các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Các con là bạn hữu của Thầy nếu các con thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15,9-14).
Sự bại trận này của Đức Giêsu trước thế gian và các lực lượng sự dữ của nó chỉ là sự thất bại bề ngoài. Thật ra, nó là chiến thắng của Người trên Satan, ông hoàng của thế gian này, là kẻ không làm gì được Người. Trong diễn văn từ biệt các môn đệ Chúa Giêsu dặn các ông đừng xao xuyến, nhưng hãy tin vào Thiên Chúa Cha và tin vào Người. Ai tin vào Chúa Giêsu thì người đó sẽ làm được những việc Người làm, và làm được những việc lớn hơn nữa. Chúa Giêsu ban bình an của Người cho các môn đệ và để lại cho họ sự bình an của Người. ”Thầy không còn nói nhiều với các con nữa, bởi vì Thủ Lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,1.12.27.30-31).
Trong nhãn quan thần học của thánh sử Gioan, thập giá biểu lộ tột đỉnh sức mạnh và tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại. Vì Thiên Chúa đã dùng chính cái chết hổ nhục trên thập giá của Con Một Người để ”dĩ độc trị độc” để đánh bại Satan, đập tan sự dữ, khử trừ tội lỗi và tiêu diệt cái chết. Satan thủ lãnh thế gian bị tống ra ngoài (Ga 12,31). Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian với chính cái chết của Người trên thập giá, và Người cho tất cả những ai tin vào Người và Tin Mừng yêu thương của Người được chia sẻ chiến thắng đó: ”Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Cuộc sống mới là con Thiên Chúa được Chúa Giêsu ban tặng cho tất cả những ai tin vào Người và tuân giữ giới răn yêu thương của Người. Trong thư thứ nhất thánh Gioan cũng lập lại các giáo huấn trên một cách cô đọng và đưa ra bốn điều kiện như sau. Thứ nhất muốn là con Thiên Chúa thì phải đoạn tuyệt với tội lỗi. Thánh nhân viết: ”Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người không có một chút bóng tối nào. Nếu chúng ta nói là chúng ta hiệp thông với Người mà lại đi trong bóng tối, thì chúng ta nói dối và không hành động theo sự thật. Nhưng nếu chúng ta đi trong ánh sáng cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Người thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi” (1 Ga 1,5-7). Thánh nhân khẳng định rằng: ”Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,2).
Điều kiện thứ hai để có sự sống của con Thiên Chúa là phải tuân giữ các điều răn của Người nhất là điều răn bác ái: ”Căn cứ vào điếu này chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dậy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo. Căn cứ vào đó chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa… Ai nói mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tôi đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (1 Ga 2,3-5.9-11).
Điều kiện thứ ba là coi chừng thế gian. Thánh Gioan dặn tín hữu: ”Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian như: dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian, mà thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Ga 2,15-17).
Và điều kiện thứ bốn là đề phòng những kẻ phản Kitô ”xuất thân từ hàng ngũ các kitô hữu, nhưng lại không phải là người của cộng đoàn giáo hội, vì họ chối Đức Giêsu là Đấng Kitô. Thánh Gioan khẳng định rằng: ”Kẻ ấy là tên phản Kitô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con. Ai chối Chúa Con thì cũng không có Chúa Cha, kẻ tuyên xưng Chúa Con thì cũng có Chúa Cha” (1 Ga 2,19.22-23)
Trong chương 3 thư thứ I thánh Gioan khuyên tín hữu sống xứng đáng là con Thiên Chúa. Để được như vậy phải sống thanh sạch như Đức Kitô. Vì phạm tội là chống lại luật Thiên Chúa. Mà Đức Kitô đã chết để xóa bỏ tội lỗi. Ai ở trong Người thì được Thiên Chúa sinh ra và có mầm giống của Thiên Chúa ở trong mình, nên không phạm tội. Ai phạm tội thì là người của ma qủy, vì ma qủy là kẻ phạm tội từ lúc khởi đầu. Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma qủy: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy (1 Ga 3,3-5.8-10). Nhưng nếu tín hữu lỡ sa ngã phạm tội, thì cũng được thứ tha khi thống hối, vì Chúa Giêsu đã ban cho các Tông Đồ quyền tha tội (Ga 20,22 tt.).
Theo thánh Gioan để là con Thiên Chúa tín hữu kitô phải tuân giữ các giới răn và noi gương sống của Chúa Kitô, yêu thương và sẵn sàng hiến mạng sống mình cho tha nhân, sống nhờ và sống theo Thần Khí Người đã ban cho để có thể nhận ra đâu là thần khí của Thiên Chúa và đâu là thần khí của thế gian, của các tiên tri giả và của tên phản Kitô, không tuyên xưng Đức Kitô đã đến thế gian và trở nên người phàm (1 Ga 4,2-6).
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1153)
Linh Tiến Khải