Tội lỗi đã được suy tư thần học phân tích sâu rộng với mục đích nhận ra yếu tố hình thái và các khía cạnh đặc thù của nó. Ở đây chúng ta chỉ nhắc lại một vài định nghĩa đáng kể nhất tóm gọn các kết qủa của suy tư thần học.
Định nghĩa thứ nhất về tội là việc vi phạm luật Chúa. Phạm tội là vi phạm lề luật của Thiên Chúa. Thánh Agostino đưa ra định nghĩa nổi tiếng sau đây: ”Tội lỗi là một diễn tả, hay một sự kiện hoặc bất cứ ước muốn nào chống lại luật lệ vĩnh cửu”. Nhưng định nghĩa này không được đọc trong nghĩa duy luật lệ, mà trong viễn tượng của một sự giải thích cá nhân về luật lệ. Đây không phải là việc phạm một điều luật, mà là một thái độ chống đối Thiên Chúa, là tác giả của luật lệ, cả khi nó được trung gian bởi những người trong cộng đoàn tham dự vào quyền định hướng đường đi của con người. Luật lệ không chỉ là một điều luật được áp đặt từ bên ngoài, kìm hãm hay hạn chế sự tự do của con người, nhưng một cách triệt để hơn nó cũng là một chiều kích cấu tạo nên con người trong chính mình, hướng dẫn và kích thích sự phát triển của nó (S. Th. I-II, q,106, a.1). Vì thế lỗi luật là chống lại hướng đi nền tảng của con người tới sự thiện, tới việc thành toàn sứ mệnh nội tại trong ơn gọi cuộc sống và được soi rõ trong tổng thể các biến cố qua đó nó được diễn tả ra ngoài.
Thứ hai, tội lỗi là sự xúc phạm tới Thiên Chúa. Đây là một định nghĩa nằm trên đường lối suy tư của Thánh Kinh. Thánh Tôma Tiến Sĩ đề nghị nó trong nhiều bối cảnh khác nhau. Định nghĩa này được Đức Giáo Hoàng Pio XII lập lại trong Thông điệp ”Humani generis” (DS 3891). Dưới ánh sáng của suy tư kinh thánh định nghĩa này không được hiểu trong nghĩa nhân hình, sẽ có thể dẫn đưa tới một giải thích rất giản lược. Mặc dù không loại trừ khả thể của các thái độ bao gồm một cách rõ ràng việc khước từ Thiên Chúa, rất thường khi việc xúc phạm tới Thiên Chúa được cụ thể hóa trong một thái độ hành xử có hại cho tha nhân và cho chính con người (S. Tommaso, C. Gent, 3c.122).
Thứ ba, tội lỗi có chiều kích xã hội. Khi nói tội lỗi có chiều kích xã hội chúng ta không có ý nói tới tình trạng lây lan thuộc loại tâm lý, cho bằng hiệu qủa của mối dây liên đới hiệp nhất con người với nhau. Sự hiệp thông trong Chúa Kitô càng tan rã bao nhiêu, thì sự liên đới trong sự dữ mà tội lỗi biểu lộ ra và củng cố, càng gia tăng bấy nhiêu. Điều này lại càng trở thành hiển nhiên hơn bởi hình thức cuộc sống bị xã hội hóa một cách mạnh mẽ, khiến cho chúng ta nhậy cảm hơn đối với chiều kích xã hội của tội lỗi và với tinh thần đồng trách nhiệm rộng rãi hơn đối với sự dữ của thế giới: chẳng hạn như sự xung đột giữa các ích kỷ tập thể của các quốc gia, các giai tầng, các đảng phái, các nhóm xã hội, sự vô nhân trong việc thực thi quyền bính, việc khai thác, bóc lột và tàn phá các tài nguyên thiên nhiên vv… Tất cả đều gây ra các hệ lụy cho mọi thành phần xã hội.
Thứ bốn tội lỗi như là việc xa rời Thiên Chúa và tuyên xưng niềm tin nơi các thụ tạo. Đây là một công thức hay được thánh Agostino lập đi lập lại bằng nhiều cách khác nhau trong các tác phẩm của mình. Định nghĩa này tổng kết thực tại của tội lỗi bằng cách tìm tiếp nhận hai chiều kích trong đó tội lỗi trở thành cụ thể. Thứ nhất là viễn tượng Thiên Chúa là trung tâm, trong đó phạm tội là chống lại Thiên Chúa và làm méo mó công trình của Người. Thứ hai là viễn tượng con người là trung tâm, trong đó tội lỗi được coi như là sự dữ của con người trong thực tại tràn đầy cá nhân, xã hội và vũ trụ, như là sự giảm thiểu ngăn cản việc hiện thực tràn đầy của con người (GS 13).
Đó là vài yếu tố kinh thánh và thần học cần chú ý khi đề cập tới tội lỗi. Sau đây chúng ta đề bàn về vài vấn đề chuyên biệt hơn của tội lỗi trên ba bình diện: bình diện bản năng, bình diện luân lý và bình diện tinh thần.
Trước hết là vấn đề ý thức về lỗi lầm và tội. Chúng ta có thể định nghĩa ”cảm tưởng lỗi lầm” như là một cảm giác đau đớn, sự xấu hổ, sự sợ hãi, sự bối rối đi kèm một hành động bị xét đoán như là ”sự dữ”, mà các lý do không phát xuất từ ý thức về tội lỗi trong nghĩa thần học, nhưng từ các kinh nghiệm khác đã có trong cuộc sống. Thường khi ý thức lỗi lầm đi kèm các cảm giác rõ rệt mâu thuẫn với tinh thần đức tin, như tính cách không thể tránh được, cho tới sự tuyệt vọng. Thường khi tội lỗi và ý thức lỗi lầm bị đồng hóa với nhau một cách không đúng với các từ như cắn rứt, sợ hãi tội, ý thức về tội.
Đối với tội được hiểu trong nghĩa thần học, ý thức lỗi lầm có một vài đặc thái có thể nhận ra một cách dễ dàng: chẳng hạn nó chỉ áp đặt cho một vài tội đặc biệt, với các khác biệt mạnh mẽ thuộc loại lịch sử và văn hóa; và nó có thể thay đổi đối với đối tượng của nó cũng như đối với sự sâu đậm tùy theo chủ thể.
Như thế vài chủ thể có ý thức lỗi lầm trong một hành động xác định hơn các chủ thể khác, mặc dù họ đều có lỗi trong cùng một chiều hướng. Thay vì có nhiệm vụ phòng ngừa tội lỗi, đối với các chủ thể bị đổ lỗi một cách cao độ, ý thức lỗi lầm được sống trong chính nó và đem lại khổ đau và xấu hổ, bị đẩy tới chỗ thái qúa, phóng đại tội đã phạm, phẫn nộ thử tìm đền bù, gia tăng các lời xin lỗi. Có thể gặp thấy những người bị kết tội trong một lãnh vực đặc biệt nào đó của luân lý, trong khi nơi những người khác thì không có các bối rối hay hầu như không có.
Nếu phân tích ý thức lỗi lầm dưới khía cạnh chuyên biệt tâm lý hơn nữa, và nhớ tới sự nảy sinh của nó, cảm tưởng lỗi lầm kéo ra các nguồn gốc và được tạo thành bởi sự liên tác động một đàng là giữa một chủ thể, đàng khác là tổng thể các tương quan xã hội. Nó không nảy sinh với chủ thể, mà được tạo thành trong cuộc sống, như là câu trả lời tự động cho các đòi hỏi, các cấm đoán, các xin xỏ của môi trường. Ý thức lỗi lầm không thể bị cột buộc vào một biến cố đặc thù, cũng không thể bị cột buộc vào một giai đoạn xác định của sự phát triển tình cảm. Cùng với sự không chắc chắn sự có lỗi diễn tả đặc tính của mọi âu lo. Sự âu lo luôn luôn là sự sợ hãi của một mất mát, có thật hay tưởng tượng.
Trong cuộc đời mình con người sống các giai đoạn âu lo khác nhau: nỗi âu lo của việc sinh ra phải rời bỏ cung lòng êm ấm của người mẹ để vào đời, để đương đầu với một môi trường xa lạ bên ngoài nơi an toàn là cung lòng người mẹ, trong đó thai nhi đã sống hơn 9 tháng, lo âu phải tự thở, phải tìm vú mẹ để bú, phải bú sữa không phải là sữa mẹ, nỗi âu lo của thời bỏ sữa để bắt đầu ăn bột hay các thức ăn đã nghiền nát trước. Thế rồi dần dần khi lớn lên đứa trẻ khám phá ra người cha, vai trò và quyền bính của ông đối với cuộc sống của nó bên cạnh người mẹ. Nỗi lo âu của mọi sinh hoạt cuộc sống ”học ăn, học nói, học gói, học mở”; Nỗi lo âu của ngày đầu tiên đi vườn trẻ, hay cắp sách tới trường tiểu học, vào trung học, lên đại học; Nỗi lo âu trong các giao tiếp với người thân, bạn bè thầy cô; Nỗi lo âu trước các kỳ thi định kỳ cuối năm hay ra trường. Sau khi dấn thân vào đời con người có những âu lo loại khác như: tìm kiếm công ăn việc làm, định hướng cho tương lai nghề nghiệp, mua sắm nhà cửa xe cộ, lựa chọn người bạn đời, thành lập gia đình, có con cái. Và giờ đây nỗi lo âu nhân lên gấp nhiều lần theo số con cái sinh ra, và có biết bao nhiêu lo âu, sợ hãi khác nữa. Khi con cái lớn khôn vào đời, cha mẹ vẫn còn có nhiều lo âu khác đối với tình duyên sự nghiệp, hạnh phúc, công ăn việc làm và cuộc sống của các con các cháu. Sau khi hết trách nhiệm và bổn phận trực tiếp đối với con với cháu, con người âu lo đối với tuổi già, sợ hãi bệnh tật và cái chết.
Những ai không lập gia đình nhưng theo đuổi một ơn gọi khác như cuộc sống tu trì độc thân, hay tận hiến giữa đời, hiến thân phụng sự Thiên Chúa, xã hội, tha nhân hay một lý tưởng nào đó cũng có những âu lo sợ hãi của mình, theo cương vị, công việc làm và trách nhiệm được giao phó. Ở đây các âu lo bao gồm cuộc sống cá nhân và còn vượt ngoài lãnh vực cuộc riêng tư nữa, vì nó bao gồm cuộc sống của cả một cộng đoàn lơn hơn hay nhiều cộng đoàn lớn hơn, không chì gồm vài chục, vài trăm, hay vài ngàn nhưng có khi lên tới hàng triệu người. Chúng ta cứ nghĩ tới các âu lo và sợ hãi của một bề trên dòng, hay của một linh mục chánh xứ, hoặc một Giám Mục giáo phận, thì đủ hiểu.
Từ khi vào đời cho tới khi nhắm mắt xuôi tay con người phải trải qua biết bao nhiêu âu lo, sợ hãi và tước đoạt đủ loại, đủ kiểu. Ý thức lỗi lầm của chúng ta được thành hình qua chính từng tước đoạt mà chúng ta phải chịu bởi sự đòi hỏi tình yêu nơi cha mẹ, khi sự tước đoạt đó được nhận thức như là xứng đáng. Không phải chỉ qua một chấn thương duy nhất nhưng qua toàn thể các thái độ, các đòi hỏi và các đáp trả, khước từ và bị tước đoạt, mà nảy sinh ra tính cách xung đột của mỗi một cuộc gặp gỡ, từ đó nảy sinh ra sự âu lo và ý thức lỗi lầm. Chúng đụng chạm tới nhu cầu nền tảng nhất của chúng ta, là nhu cầu yêu thương và được yêu thương, được thừa nhận như là các bản vị có giá trị.
Như vậy, có thể nói rằng ý thức lỗi lầm và ý thức tội lỗi là hai thực thể khác biệt, trong nghĩa ý thức tội lỗi nảy sinh từ một cuộc sống đức tin trong tương quan với Thiên Chúa, trong khi ý thức lỗi lầm đến từ môi trường tâm lý xã hội của chủ thể.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1155)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV