Trên bình diện tín lý sít sao chúng ta biết các bí tích thuộc các cấu trúc nòng cốt của Giáo Hội. Ngày nay một cách tỏ tường hơn ngày xưa rất nhiều, nềm thần học không chỉ coi các bí tích là một lãnh vực nền tảng trong sứ mệnh cứu rỗi của Giáo Hội, nhưng còn như là thời điểm, trong đó Giáo Hội được sinh ra và được tổ chức một cách có cơ cấu nữa. Tuy nhiên, đàng khác cũng đúng là hiện nay, nếu người ta không gặp sự chống đối các bí tích một cách triệt để, thì ít nhất là bên trong cộng đoàn giáo hội, người ta cũng sống kinh nghiệm của một thái độ từ từ lơ là với các bí tích và không yêu chuộng thực hành việc lãnh nhận các bí tích nữa. Có người tin rằng có thể biện minh cho thái độ này nhân danh lòng trung thành hơn với Kitô giáo, và đôi khi là để nêu bật sự cần thiết của một chứng tá kitô sát thực hơn với các đòi buộc của thời đại, người ta coi các bí tích như là một xa xỉ phẩm của một thời đã qua. Nếu đây là điều đúng đối với thói quen lãnh nhận các bí tích, thì nó cũng không kém thật đối với nền thần học. Nói thật ra nền thần học bí tích chưa bao giờ lại sống động như trong hơn nửa thế kỷ qua, nhưng tiến trình tục hóa gia tăng và việc đánh mất đi sự thánh thiêng cũng như các yêu cầu đọc hiểu chính trị các bí tích đã gây tranh luận đối với biện minh thần học liên quan tới các bí tích, ít nhất như là việc cử hành, nếu không phải như là các biến cố. Như thế các bí tích bước vào cuộc khủng hoảng trên hai bình diện: trên bình diện thực hành trong cuộc sống và trên bình diện thần học. Hai bình diện này gắn liền mật thiết với nhau, nhưng mỗi bình diện đáng được duyệt xét một cách riêng rẽ.
Trước hết là cuộc khủng hoảng trong thói quen lãnh nhận các bí tích. Việc phản đối thực hành bí tích có các nguồn gốc trong môi trường những người không tin. Sự kiện những người không tin không lãnh nhận các bí tích và không hiểu các bí tích là chuyện bình thường, dễ hiểu thôi. Nhưng điều gây vấn đề đó là phán đoán của họ đối với lòng đạo đức của kitô hữu khởi hành từ việc phân tích thói quen của các tín hữu lãnh nhận các bí tích. Họ nói rằng việc thực hành này thường phản bội một quan niệm rất cao qúy về Thiên Chúa và một loại tương quan tôn giáo, trong đó con người tìm lèo lái Thiên Chúa, và tới lần mình nó lại bị lèo lái. Thường xuyên hơn đó chỉ là việc đơn sơ trung thành với một truyền thống đã lỗi thời rồi, và dầu sao đi nữa nó cũng làm thành một cái cớ để biện minh cho một thái độ thôi dấn thân lịch sử, và để dồn cho Thiên Chúa giải pháp của các vấn đề, mà trên thực tế, chúng phải được giải quyết bởi con người. Còn hơn thế nữa, việc duy trì các cử hành này trong một thời đại, trong đó với sự trưởng thành khoa học và văn hóa con người đã đạt tới một khả năng tự lập đáng kể và thống trị thực tại, tạo thành một quan niệm không thể chấp nhận được liên quan tới nền văn hóa cấp dưới và chủ thuyết bình dân không làm vinh danh cho cộng đoàn tôn giáo có trách nhiệm.
Nhưng người ta còn gặp một phản kháng sâu xa hơn và cũng xác đáng hơn đối với thói quen lãnh nhận các bí tích trong thế giới của chính các tín hữu: không phải nơi các tín hữu gặp khủng hoảng, nghĩa là nơi các tín hữu bỏ thói quen lãnh nhận các bí tích vì niềm tin của họ đã suy yếu đi, cho bằng nơi các tín hữu tốt lành nhất, cho rằng mình phải dấn thân khiến cho cộng đoàn giáo hội trở thành đích thực hơn. Một đàng họ ghi nhận một cách đúng đắn rằng có nhiều tín hữu coi một vài bí tích như thể thay thế vài nhân đức, mà trong thực tế chúng cần thiết, không thể thiếu, chẳng hạn như bí tích giải tội, qua đó tín hữu tìm ơn tha thứ tội lỗi mà không triệt để muốn thay đội lối sống, hay bí tích Thánh Thể trong đó tín hữu tìm tình bạn với Thiên Chúa cả bên ngoài một tình bạn thực sự và cụ thể với các anh chị em khác. Đàng khác các tín hữu này nêu bật vài bí tích như bí tích Rửa Tội và Hôn Phối được ban cho người không ở trên độ cao hay không có ý muốn dấn thân sống cuộc sống phù hợp với bí tích cử hành. Bởi vì các sai lệch này chỉ có thể xảy ra trong một bối cảnh dốt nát tôn giáo, cần phải đặt câu hỏi xem đây có phải là lúc loại bỏ một sinh hoạt bí tích một cách qúa dễ dàng và gây ảo tưởng, để lựa chọn một việc loan báo Tin Mừng nghiêm chỉnh hơn hay không; và lại càng đúng hơn nữa khi chính mạc khải xem ra giới thiệu việc loan báo tin Mừng như là việc ưu tiên đối với sinh hoạt bí tích. Dầu sao đi nữa, xem ra ngày nay việc hòa giải giữa đức tin và cuộc sống không thể thực hiện được trong một bối cảnh ưa thích các cử hành hơn là một dấn thân truyền giáo qua các công tác thăng tiến công lý và bác ái một cách cụ thể.
Nói cho cùng các phản kháng này liên quan tới việc lãnh bí tích một cách thuộc lòng, vì thói quen, thiếu ý thức xác tín và dấn thân sâu xa. Tuy được diễn tả ra trong thời đại ngày nay một phần các phản kháng này cũng đã có những người ủng hộ trong qúa khứ, và đã có các câu trả lời ít nhiều thích đáng. Trái lại, người ta gặp điều mới mẻ nơi đâu, trong một mức độ nào đó người ta nêu bật rằng cuộc khủng hoảng hiện tại của các bí tích là do Công Đồng Chung Vaticăng II gây ra. Khẳng định này xem ra vừa lạ lùng vừa vô lý, vì Công Đồng Chung Vaticăng II đã khẳng định trên giấy trắng mực đen rằng phụng vụ là ”tuyệt đỉnh và là nguồn gốc” của cuộc sống kitô, như viết trong Hiến chế về Phụng vụ thánh số 10 (SC 10). Đàng khác, không thể chối cãi được là từ một quan niệm tĩnh về phụng vụ bước sang một quan niệm năng động và nhất là tiến tới việc tham dự tích cực của mọi tín hữu vào hành động phụng vụ, theo các chỉ dẫn chính xác của Công Đồng Chung Vaticăng II, đã xác định một kiểu nhận thức mới về tương quan giữa thời điểm thánh thiêng và thời điểm đời trong cuộc sống kitô.
Việc từ chỗ là các khán giả đơn thuần trở thành các tác nhân sống động không xảy ra mà không có các hậu qủa đáng kể. Thí dụ khi xem một màn kịch diễn tả cuộc sống của một gia đình hay của một cộng đoàn thì rất khác với việc được mời gọi xây dựng một gia đình hay một cộng đoàn trong thực tế. Trong trường hợp thứ hai này người ta trực tiếp bị liên lụy trong một sự kiện cuộc sống, trực tiếp có trách nhiệm, và nó không thể được sống, nếu không trong tương quan chặt chẽ với điều mình là và với điều mình làm trong cuộc sống thường ngày; và phân tích cho cùng với điều mà người ta muốn là. Một cách trực tiếp liên lụy trong một sinh hoạt bí tích nơi Giáo hội xây dựng chính mình và được cấu trúc theo ý muốn của Thiên Chúa, các kitô hữu tốt lành nhất ý thức được sự đổ gẫy thường xảy ra giữa lúc cử hành bí tích và và thời điểm đời trong cuộc sống. Và đàng khác chúng lại làm thành một cuộc sống duy nhất. Vấn đề liên quan tới cuộc cải tổ phụng vụ được biểu lộ như nó là: đây không chỉ đơn thuần là việc khiến cho ngôn ngữ và biểu tượng phụng vụ dễ cảm nhận hơn đối với con người thời nay, nhưng là trao ban một sự hiệp nhất hữu lý cho một cuộc sống bị phân tán. Còn hơn thế nữa, ngôn ngữ và biểu tượng càng trở thành dễ cảm nhận, thì người ta lại càng ý thức hơn cái nguy hiểm của sự tha hóa và cô lập có thể dấu ẩn đàng sau các vẻ bề ngoài của một hành động biểu tượng.
Ai đã tìm tiếp nhận ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc cải tổ phụng vụ và đã không bằng lòng giản lược nó vào việc cập nhật việc giàn cảnh, thì mỗi ngày đều bị liên lụy vì các vấn đề gia tăng hằng ngày thuộc loại này. Liên quan tới chuyện này xem ra là một hình ảnh rất đoán mò mà học giả F. Roustang đã đưa ra liên quan tới ”một con người thứ ba” trong lãnh vực của chính cộng đoàn kitô. Khi quen với kiểu phân biệt giữa phe bảo thủ và phe cấp tiến trong cuộc cải tổ phụng vụ, người ta không nhận ra rằng vấn đề nằm ở chỗ khác. Những người bảo thủ thì bám chặt vào truyền thống phụng vụ của qúa khứ với thái độ kiên định gần như cố chấp; còn những người cấp tiến thì vất vả liên tục tìm kiếm điều mới mẻ, làm như thể phụng vụ là bãi chiến xung đột thường xuyên. Thật ra vấn đề đích thực được diển tả bởi ”tín hữu kitô thứ ba”, là con người xác tín rằng mỗi một cuộc gặp gỡ đích thật với Thiên Chúa phải dẫn đưa tới chỗ gặp gỡ con người, và được dẫn đưa tởi chỗ coi là ích lợi mọi hành động biểu tượng nghi lễ, ít nhất đối với điều có nghĩa là tách rời khỏi loài người, khỏi thế giới và khỏi cuộc sống cụ thể như là điều kiện không thể thiếu để có thể gặp gỡ Thiên Chúa.
Sự xuất hiện của ”con người thứ ba” này đã khiến cho người ta có thể phân biệt được trong cộng đoàn kitô một đám đông thực hành nhưng thật ra lại không tin, và một số nào đó nói rằng mình tin nhưng lại không thực hành. Việc lãnh nhận các bí tích như thế bị lôi kéo, mặc dù nó không muốn và một cách bất công, bị trở thành kỳ thị giữa một thái độ tin giả và một thái độ tin chân thực, và đặt để nền thần học bí tích vào trong một tình trạng bị khủng hoảng. Một cuộc khủng hoảng, mà ít nhất trong mức độ trong đó nó bắt buộc phải suy tư trở lại vài vấn để được coi là hòa bình và là các thủ đắc vĩnh viễn, và vì thế có thể được coi như là một cuộc khủng hoảng tích cực, giúp điều chỉnh những gì sai lạc hay chưa được đúng đắn và chính xác.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1183)
Linh Tiến Khải
Nguồn: RV