Liên quan tới các hình thức sám hối đền tội các Hội Đồng Giám Mục đó đây trên thế giới đã gợi ý nhiều hình thức mới, phù hợp hơn với thời đại và tâm thức cũng như sự nhậy cảm của con người thời nay. Bình thường đó là quyên góp tiền bạc để trợ giúp các dân tộc nghèo, hay các nạn nhân thiên tai đó đây trên thế giới. Điển hình như các cuộc lạc quyên hằng năm của các phong trào Hành động mùa Chay tại Thụy Sĩ, Misereor, Missio Aachen và Renovabis bên Đức vv… Tài liệu của các Giám Mục mời gọi tín hữu kiêng thịt, rượu bia, các cuộc giải trí và các chi tiêu thừa thãi vô ích để dành số tiền tương đương trợ giúp các anh chị em nghèo túng. Hội Đồng Giám Mục Italia thì đề nghị hãm mình đền tội bằng cách không ăn các thực phẩm ưa thích, có một cử chỉ bác ái tinh thần, cầu nguyện tha thứ cho người gây khó khăn, phiền hà hay đau khổ cho mình, hay có một cử chỉ bác ái giúp đỡ một ai đó, xách các vật dụng nặng nề thay cho một cụ già, một em bé, một bà mẹ. Thế rồi còn có những việc khác nữa như đọc Thánh Kinh, thực tập làm việc đạo đức, nhất là có các cử chỉ yêu thương, nhịn nhục, tha thứ cho nhau giữa những người thân trong gia đình, trong cộng đoàn, giữa hàng xóm láng giềng với nhau, hoặc với cả những người không quen biết. Đáp trả lại những lời nói thóa mạ, khiêu khích, tục tằn bất lịch sự bằng những lời nói dịu dàng, lịch thiệp, với nụ cười tha thứ. Thế rồi còn có dấn thân lớn hơn trong việc chấp nhận các khó khăn của cuộc sống, mà không tham vãn kêu ca, khước từ những thú vui như không đi xem xinê hay kịch nghệ tại rạp hát, hoặc một buổi hòa nhạc, hay một đại hội vv… Có hàng trăm cách thức hãm mình đền tội, mà mỗi tín hữu có thể tìm ra cho chính mình, phù hợp với hoàn cảnh sống thường ngày trong môi trường làm việc và sinh hoạt của mình. Mỗi ngày có biết bao nhiêu dịp để chúng ta thực thi bác ái, yêu thương và tha thứ, nhịn nhục và trợ giúp lẫn nhau! Tất cả đều có thể được dùng để diễn tả sự sám hối đền tội.
Việc cử hành sám hối chung trong các ngày xác định của Giáo Hội có ý nghĩa rất sâu xa. Tín hữu tham dự các lễ nghi sám hối đền tội cùng với cộng đoàn dân Chúa theo tiết nhịp của tuần hay mùa trong năm phụng vụ. Chẳng hạn như thứ sáu là ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, nhưng được gắn liền với mầu nhiệm vượt qua và biến cố phục sinh được mừng vào ngày Chúa Nhật. Như thế, thứ sáu là ngày của cuộc khổ nạn, của thập giá của núi Sọ, trong nghĩa cộng đoàn chuẩn bị cuộc hội họp ngày Chúa Nhật và sẽ cử hành trong niềm vui và tình bác ái, thực thi hoán cải được biểu lộ ra một cách cụ thể trong các việc sám hối đền tội, mà mỗi người đã chu toàn. Như thế, việc sám hối đền tội được nối kết với mầu nhiệm phục sinh, và từ bình diện tự nhiên nó được nâng lên bình diện tôn giáo, từ bình diện cá nhân được nâng lên bình diện cộng đoàn. Trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội nó nhận được một ý nghĩa mới cao qúy nhất. Việc sám hối đền tội trở thành một của lễ thánh thiện, một lễ hội được cử hành trong niềm vui của một ước muốn thiêng liêng, trong khi chờ đợi Chúa vinh quang. Trong viễn tượng này, mùa chay là phần của mầu nhiệm phục sinh, thứ sáu được gắn liền một cách mật thiết với Chúa Nhật. Như vậy, mỗi một thời gian sám hối có các đặc thái của nó, và chúng cống hiến cho giáo lý và cuộc sống nội tâm các viễn tượng mới và các phong phú mới.
Tất cả nỗ lực sám hối đền tội của cộng đoàn đâm rễ sâu trong chiều kích thiêng liêng của việc sám hối được biểu lộ ra và hiện thực trong cuộc sống phụng vụ của Giáo Hội. Giáo Hội cử hành việc hoán cải mọi ngày trong các chiều kích sám hối của việc cử hành Thánh Thể. Trước mỗi buổi cử hành thánh lễ các linh mục đều nhắc lại lời Giáo Hội mời gọi ăn năn thống hối tội lỗi: ”Anh chị em thân mến, để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh này chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta và xin Chúa tha thứ”. Tiếp đến mọi người đọc kinh cáo mình: ”Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các Thiên Thần, các Thánh và cùng anh chị em khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta”. Sau đó vị chủ tế đọc: ”Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót tha tội và dẫn đưa chúng ta về cõi trướng sinh”. Tiếp đến là Kinh Thương Xót.
Thánh lễ nào cũng bắt đầu với nghi thức sám hối như thế. Trong phần lời nguyện giáo dân thường khi cũng còn có thêm lời cầu xin lỗi Chúa, xin lỗi nhau. Tâm tình thống hối cũng được điễn tả ra trong việc công bố lời Chúa và nhất là trong các buổi cử hành lễ nghi sám hối, khi tín hữu khẩn nài ơn tha thứ của Thiên Chúa và của các anh chị em khác. Các lễ nghi thống hối này thường được sử hành trong hình thức phụng vụ lời Chúa với các bài đọc trích từ Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước nói về việc sám hối đền tội, bỏ đàng tội lỗi trở về với Thiên Chúa, và sống ngay lành theo các giáo huấn của Chúa. Thường khi vị chủ sự cũng giúp tín hữu xét mình, duyệt lại cung cách sống đạo, kiểu sống đức tin, đức cậy và đức mến, tìm ra các tội lỗi và thiếu sót đối với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình, trong các tương quan gia đình, hội đoàn, giáo xứ giáo phận, và trong các tương quan xã hội, trong môi trường làm việc và sinh hoạt. Lễ nghi sám hối kết thúc với phần lời nguyện giáo dân, cử chỉ trao ban bình an hòa giải với nhau, tha thứ cho nhau, và việc xưng tội hay lãnh bí tích hòa giải. Đây là các nghi thức nên tổ chức thường xuyên, đặc biệt trong mùa vọng, mùa chay, hay trong các dịp chuẩn bị mừng các lễ trọng, lễ bổn mạng giáo xứ giáo phận, hay các ngày kỷ niệm quan trọng của cộng đoàn.
Chính nhờ chiều kích thiêng liêng này việc sám hối kitô được định hình như là một tất cả: sự hoán cải nội tâm, hoa trái của viêc rao giảng, được diễn tả ra một cách cụ thể trong các cử chỉ đâm rễ sâu và được cử hành trong việc phụng tự của Giáo Hội, để trở thành một việc sám hối đền tội thực sự đẹp lòng Thiên Chúa.
Điểm thứ ba là việc cầu nguyện cho kẻ có tội. Lời cầu nguyện là một thực tại gắn liền với Giáo Hội, dân tư tế của Thiên Chúa. Giáo Hội được sinh ra trong lời cầu nguyện, và từ luôn mãi sống nhờ lời cầu nguyện: đó là một lời cầu nguyện liên lỉ cho ơn cứu rỗi của thế giới. Ý thức về sự cần thiết của việc thanh tẩy các chi thể của mình thúc đẩy Giáo Hội cầu nguyện mạnh mẽ hơn nữa, bởi vì Giáo Hội tin tưởng vững mạnh nơi sự hữu hiệu của lời cầu nguyện cho kẻ có tội. Thánh Leô khẳng định rằng: ”Nếu Chúa đã hứa ban cho một hay nhiều người họp nhau nhân danh Ngài điều họ xin, thì lẽ nào Ngài lại sẽ có thể từ chối một dân gồm hàng ngàn người chu toàn việc tuân giữ chặt chẽ, được linh hoạt bởi cùng một tinh thần hay sao?” (S. Leone, Sermo, 88,3). Xác tín này được Giáo Hội diễn tả ra trong lời cầu nguyện hàng ngày cho người có tội, để xin ơn hoán cải và tha tội cho con cái mình, đặc biệt cho các tín hữu cứng lòng vẫn tiếp tục con đường tội lỗi, ngày càng xa Chúa và xa Giáo Hội. Giáo Hội không chỉ hạn chế trong việc khuyến khích người có tội tìm đến ơn tha thứ hòa giải, mà còn kích thích mọi tín hữu cộng tác trong việc hoán cải nữa. Người công chính thánh thiện trợ giúp kẻ tội lỗi bê tha, và cả hai đều được thiện ích. Như thế, tội của một người anh chị em trở thành tội của chúng ta trong thực tại phụng vụ. Trong thân mình Giáo Hội được canh tân và kéo dài vĩnh cửu mầu nhiệm của Con Thiên Chúa, Đấng gánh tội lỗi của mọi con cái. Lời cầu kitô trở lại các đề tài này một cách liên lỉ, và việc cử hành thánh thể tiếp tục cho chúng ta nghe lại các đề tài đó.
Trên quan điểm phụng vụ các tín hữu chuẩn bị lắng nghe lời Chúa và cử hành cuộc tưởng niệm thánh thể với cử chỉ sám hối, lời xưng thú tội lỗi, các ý chỉ thống hối và kinh Thương Xót như đã trình bầy trên đây, và kết thúc với lời tha tội. Đây là một nghi thức thanh tẩy toàn cộng đoàn, bởi vì kinh cáo mình là một lời thú tội toàn diện và công khai của cộng đoàn, và công thức xá giải theo sau thực sự là một công thức cầu nguyện. Nhưng lời cầu sám hối tuyệt diệu trong thánh lễ là Kinh Lậy Cha. Có một khía cạnh hầu như bí tích trong Kinh Lậy Cha. Thánh Agostino khẳng định rằng: Nước của giao ước mới đã xóa bỏ mọi tội, nhưng chúng ta sẽ bị phơi bầy ra cho các nỗi âu lo, nếu lời cầu của Chúa không cống hiến cho chúng ta cách thanh tẩy. Thánh Agostino không sợ hãi nói rằng đối với các kitô hữu Kinh Lậy Cha là một phép rửa mỗi ngày. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều công thức sám hối và thanh tẩy khác trong việc cử hành phụng vụ, nhưng có lẽ chúng ta quá thường quên rằng chính Thánh Thể là bí tích hòa giải, trong nghĩa nó là bí tích hiến tế của Chúa Kitô (DS 1753). Như là hiến tế đền tội Thánh Thể được toàn Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Cha, cho cộng đoàn tín hữu hiện diện, cho các người vắng mặt, cho những người ở trong tình trạng ơn thánh có thể rước Chúa, cũng như cho những người tội lỗi không thể rước Chúa. Như là hiến tế Thánh Thể, là dấu chỉ hữu hiệu của hiến tế thập giá, trên đó Đức Giêsu Kitô đã đổ máu mình ra cho tất cả mọi người, và như thế hiến tế Thánh Thể ban ơn cứu rỗi, và đền bù một cách khách quan và đại đồng đối với người công chính cũng như kẻ tội lỗi, đối với các tín hữu đã được rửa tội cũng như đối với các người ngoại giáo. Nhưng hiến tế thánh thể chỉ đem tới cho các tín hữu ơn của tình yêu thương chia sẻ hiệp thông, nếu họ sẵn sàng. Xét cho kỹ thì chính ơn yêu thương hiệp thông ấy giải thoát khỏi tội, là chướng ngại duy nhất ngăn cản việc hiện thực sự giải thoát và nó là ơn biến nỗi đớn đau ban đầu của tội lỗi, linh hoạt tín hữu kitô tham dự Thánh Thể với các thái độ phải có, trở thành sự hối hận đích thực và toàn vẹn.
Tóm lại, toàn cuộc sống Giáo Hội là một lời cầu nguyện liên lỉ nhằm thanh tẩy các vết nhơ của các chi thể con cái mình, và làm cho việc sám hối đền tội của Giáo Hôi trở thành một ơn thánh, luôn luôn nhưng không: lời cầu nguyện khiến cho lời loan báo hoán cải được chấp nhận và việc hoán cải được diễn tả ra bằng các hành động thành phần cuộc sống sám hối của chính Giáo Hội. Trong viễn tượng này có thể thực sự nói rằng sám hối đền tội là một ơn thánh hoạt động cho sự chấp nhận nó. Bởi vì tất cả là ơn thánh: khả thể, quyền năng, hành động.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1172)
Linh Tiến Khải