8. Chứng từ của Ðức Cha Caillot
Nối tiếp bản phúc trình được soạn thảo trong cuộc điều tra theo giáo luật về vấn đề Mẹ Eugenia.
Đức cha Alexandre Caillot – Giám mục giáo phận Grenoble.
Mười năm đã trôi qua, từ khi trong tư cách giám mục giáo phận Grenoble, tôi đã quyết định xúc tiến cuộc điều tra trường hợp của Bà Eugenia. Giờ đây, tôi đã có đầy đủ thông tin để tuyên bố chứng từ của tôi trong tư cách giám mục trước mặt Giáo Hội.
Một điều chắc chắn hơn hết, nổi bật từ cuộc điều tra là:
1/ Các nhân đức vững chắc của mẹ Eugenia:
Điều trước tiên cuộc điều tra cho thấy một cách xác thực là các nhân đức trổi vượt của nữ tu Eugenia đã được công nhận. Từ khi bắt đầu đời sống tu trì, người nữ tu này đã khiến các bề trên phải chú ý về lòng đạo đức, đức vâng phục và đức khiêm nhượng. Các bề trên lúng túng trước tính chất ngoại thường của những sự kiện xảy ra trong thời gian tập viện của nữ tu này, đã không muốn cho chị ở lại trong tu viện. Sau ít nhiều đắn đo, các vị ấy đã từ bỏ ý định đó khi đối diện với đời sống gương mẫu của người nữ tu này.
Trong thời gian điều tra, nữ tu Eugenia đã tỏ ra nhẫn nhục cao độ và ngoan thảo rất mực trong việc chấp nhận, không hề than phiền về tất cả những cuộc thử nghiệm y khoa, giải đáp sự chất vấn thường rất dai dẳng và chán ngán của các ủy ban thần học và y khoa, đón nhận những phản biện và các cuộc thử thách. Ðức tính đơn sơ của chị đã được tất cả các chuyên viên điều tra khen ngợi một cách đặc biệt.
Một số trường hợp còn cho thấy chị có khả năng thực hành nhân đức đến mức anh hùng. Theo các chuyên viên thần học, nhân đức vâng lời của chị là đặc điểm nổi bật trong cuộc điều tra của cha Auguste Valencin vào tháng 6 năm 1934, và nhân đức khiêm nhượng của chị – vào một ngày buồn 20-12-1934.
Tôi có thể chứng thực, trong thời gian chị làm bề trên tổng quyền, tôi đã nhận thấy chị rất tận tụy với bổn phận, hiến thân cho nhiệm vụ – một công việc đối với chị chắc hẳn ngày càng khó khăn hơn bởi vì chị chưa từng được chuẩn bị cho công việc ấy – với một tấm lòng nồng nàn yêu mến các linh hồn, hội dòng và Giáo Hội. Những ai gần chị, như chính tôi, đều rất thán phục sức mạnh tinh thần của chị, khi đương đầu với những khó khăn.
Tôi bị ấn tượng không vì những nhân đức, mà còn vì những đức tính chị đã chứng tỏ trong khi thực hiện quyền hành. Ngỡ ngàng hơn nữa là một nữ tu học vấn tương đối kém, nhưng lại đảm trách địa vị cao nhất trong hội dòng của mình. Ở đây đã có một điều ngoại thường, và từ quan điểm này, cuộc điều tra về ngày bầu cử của chị, do đức ông Guerry, vị tổng đại diện của tôi tiến hành, thực sự mang nhiều ý nghĩa. Những câu trả lời của các thành viên tổng tu nghị, các bề trên, các đại biểu thuộc những ủy ban khác nhau, đã cho thấy họ chọn chị Eugenia vào chức vụ bề trên tổng quyền vì những ưu điểm của chị, về trí phán đoán, tính tình quân bình, năng lực, và sự kiên quyết – bất chấp tuổi tác còn trẻ của chị, và những ngăn trở thông thường về Giáo luật, sẽ dẫn đến việc phủ quyết sự đề cử cho chị – Thực tế dường như đã vượt xa những kỳ vọng mà những người bầu cử đã đặt nơi chị.
Điều tôi đặc biệt nhận thấy nơi chị là một trí năng thông sáng, sinh động, và thấu suốt. Tôi có nói học vấn của chị không tương xứng, nhưng đó là do những nguyên nhân ngoại cảnh mà chị không thể kiểm soát: Cơn bệnh triền miên của thân mẫu, bắt buộc chị, khi còn rất nhỏ, đã phải trông nom nhà cửa và thường xuyên nghỉ học. Sau đó, trước khi vào dòng, chị đã lao động cực nhọc với công việc một thợ dệt trong xưởng máy. Tuy có những lỗ hổng cơ bản ấy, với hậu quả biểu hiện trong văn pháp và chính tả của chị. Mặc dầu thế, nhưng chị Eugenia vẫn thực hiện nhiều bài huấn dụ hấp dẫn trong cộng đoàn. Điều đáng chú ý là chính chị đã tự soạn các thư luân lưu và những bản hợp đồng với giáo quyền địa phương hoặc những ủy ban hành chánh, liên quan đến các cơ sở bệnh viện của dòng Ðức Mẹ Các Tông Đồ. Chị cũng đã soạn một tập chỉ đạo dài và súc tích.
Chị nhìn mọi hoàn cảnh một cách rõ ràng và sáng suốt, cũng như từng vấn đề trong lương tâm. Những lời huấn dụ của chị rất thẳng thắn, chính xác, và thực tế. Chị biết từng người trong số 1400 nữ tu thuộc quyền, cũng như những thái độ và nhân đức của họ. Vì thế, chị có thể chọn đặt nhân sự có tiêu chuẩn phù hợp nhất để đảm trách các nhiệm vụ khác nhau. Chị cũng có một tri thức chính xác về những nhu cầu và những nguồn lực của hội dòng. Chị biết tình hình của từng tu viện, và kinh lý tất cả các khu sở truyền giáo của chị.
Chúng tôi còn muốn nhấn mạnh đến khả năng nhìn xa trông rộng của chị. Chị đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để tất cả các bệnh viện hoặc trường học có những nữ tu đầy đủ khả năng cũng như các nhu cầu cần thiết cho họ sinh sống và thăng tiến. Tôi thấy đặc biệt thú vị khi nhận ra nữ tu Eugenia dường như có một tinh thần cương quyết, một óc thực tế, và một ý chí sáng tạo. Trong thời gian khoảng 6 năm, chị đã thành lập hơn 67 cơ sở và áp dụng những cải tiến rất hữu ích cho hội dòng của mình.
Nếu tôi chú ý riêng đến những điểm trí năng, óc phán đoán và ý chí, cũng là những năng lực điều hành của chị, thì đối với tôi, những đặc điểm ấy tuyệt đối phủ định tất cả các giả thuyết về các hiện tượng hoang tưởng, ảo tưởng, chiêu hồn, loạn thần kinh, mê sảng. Những giả thuyết này đã được xem xét trong cuộc điều tra, nhưng được chứng minh không thể đưa ra một lời giải thích nào thỏa đáng.
Đời sống của chị Eugenia là một biểu chứng bền bỉ về tình trạng quân bình tâm trí và tổng thể của chị, đối với người quan sát, dường như đó là đặc điểm nổi bật trong nhân cách của chị. Những giả thuyết khác, về tính dễ bị ảnh hưởng và dễ bị điều khiển, đã đưa các chuyên viên điều tra đến chỗ tự hỏi phải chăng họ đang gặp một khí chất dễ bị ấn tượng, giống như những lăng kính nhiều mặt, phản ảnh tất cả những ảnh hưởng và tác động. Các giả thuyết này cũng bị loại bỏ vì những lý do của thực tế thường ngày. Mặc dù được Trời ban một tư chất tinh tế và một tâm hồn xúc cảm, nhưng chị Eugenia cho thấy không bao giờ chị tỏ ra thiên vị một ai, và càng không dễ bị ảnh hưởng vì những phán đoán của người đời. Chị luôn luôn xác định các dự án và hoạt động của mình, và tìm được sự tán đồng của người khác nhờ tri thức của chị.
2/ Về đối tượng của sứ mệnh:
Mục tiêu của sứ mệnh đã được ủy thác cho Mẹ Eugenia là chân xác, và xét theo quan điểm giáo lý, tôi thấy sứ mạng ấy hợp luật và hợp thời. Mục tiêu đích xác của sứ mạng ấy là làm cho Chúa Cha được nhận biết và tôn vinh, chủ yếu qua việc thỉnh nguyện Giáo Hội thiết lập một ngày lễ đặc biệt. Cuộc điều tra đã xác quyết một ngày lễ phụng vụ để tôn vinh Chúa Cha là điều hoàn toàn phù hợp với đường lối phụng tự Công Giáo nói chung. Nó cũng tương hợp với chủ hướng cầu nguyện trong truyền thống Công Giáo, dâng lên Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần, như đã được thể hiện qua những lời cầu trong Thánh Lễ và việc hiến dâng phụng thờ lên Chúa Cha trong hy tế thánh thiện ấy. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là chưa có một ngày lễ đặc biệt nào để tôn vinh Chúa Cha. Đã có Thánh Lễ tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi trong mầu nhiệm Tam Vị Nhất Thể. Ngôi Lời và Ngôi Thánh Linh cũng được tôn kính bằng phụng vụ Thánh Lễ trong sứ mạng và trong những biểu hiện bên ngoài của mỗi Ngôi. Chỉ có Ngôi Cha là chưa có ngày lễ riêng nào để hướng sự chú ý của tín hữu về Ngôi Vị của Người.
Vì nguyên do ấy, một cuộc khảo sát khá rộng rãi nơi các tín hữu, bao gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau, kể cả nhiều linh mục và tu sĩ, đã cho thấy: “Chúa Cha vẫn chưa được biết đến, không ai cầu nguyện với Người, không ai tưởng nghĩ đến Người”. Thật đáng ngạc nhiên, cuộc khảo sát cho thấy một phần lớn các tín hữu vẫn xa lạ với Chúa Cha, bởi vì họ coi Người như một thẩm phán đáng sợ. Họ thích hướng về nhân tính Chúa Kitô hơn. Và rất nhiều người còn kêu nài Chúa Giêsu hãy bảo vệ họ cho khỏi cơn thịnh nộ của Chúa Cha nữa!
Một ngày lễ đặc biệt như thế, trước tiên sẽ có tác động tái lập trật tự trong lối sống của nhiều tín hữu, và kế đến, sẽ đưa họ về với giáo huấn của Đấng Cứu Thế chí thánh: “Tất cả những gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha …” và chỗ khác, “Các con hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” Một ngày lễ phụng vụ dâng kính Chúa Cha sẽ có tác dụng hướng ánh mắt chúng ta về Đấng mà thánh Giacôbê Tông Đồ đã xưng tụng là “Cha các tinh sao sáng láng, Đấng ban phát cho ta mọi ơn lành trọn hảo…” Ngày lễ ấy sẽ tập cho các linh hồn quen tưởng nghĩ đến lòng nhân lành Thiên Chúa và sự quan phòng hiền phụ của Người. Họ sẽ nhận ra việc quan phòng thực sự là của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, và với bản tính thần linh chung cho cả Ba Ngôi. Thiên Chúa hằng tràn trải khắp trần gian những kho tàng trọng hậu, lòng thương xót vô biên của Người.
Mới đầu, xem như không có một lý do nào đặc biệt để tôn vinh Chúa Cha cá biệt. Nhưng, phải chăng Chúa Cha là chính Đấng đã sai Con Người xuống trần gian? Nếu việc thờ kính Chúa Con và Chúa Thánh Thần là điều vô cùng chính đáng vì những biểu hiện bên ngoài của các Ngài, thì việc tạ ơn Chúa Cha, vì hồng ân lớn lao Ngài đã gởi đến cho chúng ta chính Con của Ngài, như các kinh Tiền Tụng trong Thánh Lễ vẫn gọi ta hãy tạ ơn, lại không chính đáng và hợp lý sao?
Mục tiêu đích thực của ngày lễ đặc biệt này như thế rõ ràng: Để tôn vinh, cảm tạ, và ngợi khen Chúa Cha vì đã ban cho chúng ta Con Một của Người. Nói tóm lại, theo lời thông điệp, Chúa Cha chính là Tác Giả của ơn cứu độ cho chúng ta, và để cảm tạ Đấng đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để tất cả những ai liên kết với Thân Mình mầu nhiệm Chúa Kitô, và cùng với Người Con này, đều được trở nên con Chúa Cha trong Chúa Con.
Vào một giai đoạn thế giới đang bị đảo điên vì thuyết tục hóa, thuyết vô thần, và những triết thuyết đương đại không nhìn nhận Thiên Chúa, Thiên Chúa chân thật, ngày lễ này lại không tỏ cho nhiều người nhận biết Người Cha hằng sống, Người Cha đầy từ ái và nhân lành mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta sao? Ngày lễ ấy lại không góp phần tăng số những người tôn thờ Chúa Cha “trong tinh thần và chân lý” như Chúa Giêsu đã nói đến hay sao?
Giờ đây, khi thế giới đang điêu linh vì những cuộc chiến tàn khốc và cảm thấy cần tìm một nguyên lý hợp nhất để đưa các dân tộc xích lại gần nhau, thì ngày lễ ấy sẽ đem lại một ánh sáng rạng ngời. Ngày lễ ấy sẽ dạy cho nhân loại biết mọi người đều có chung một Cha trên trời, Đấng đã ban Chúa Giêsu cho họ và lôi kéo họ đến với Chúa Giêsu, như những chi thể của Thân Mình mầu nhiệm của Người với sự hợp nhất trong Thánh Thần Tình Yêu.
Khi bị kiệt quệ và mỏi mòn vì những lầm than chinh chiến, rất nhiều linh hồn có lẽ đang đói khát một đời sống thiêng liêng sâu xa. Khi ấy, một ngày lễ như thế lại không mời gọi họ từ nội tâm, hãy tôn thờ Chúa Cha, Đấng ẩn mình, và để họ dâng mình như một của lễ tận hiến quảng đại đầy tình con thảo lên Chúa Cha, là nguồn mạch duy nhất của đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi trong họ hay sao? Một ngày lễ như thế lại không bảo toàn động thái thiện hảo của đời sống siêu nhiên, đời sống cuốn hút linh hồn về với tinh thần thơ ấu thiêng liêng một cách tự nhiên và – qua lòng tín thác – đến với đời sống thảo hiếu với Chúa Cha, đến chỗ phó thác cho thánh ý thần linh, đến với tinh thần đức tin hay sao?
Đàng khác, bên cạnh vấn đề một ngày lễ đặc biệt và việc Giáo Hội phán quyết về vấn đề ấy, còn nói lên vấn đề giáo lý. Một số nhà thần học cho rằng giáo lý về mối tương quan giữa linh hồn với Thiên Chúa Ba Ngôi cần phải được cứu xét tường tận hơn. Đối với các linh hồn, đó có thể là một nguồn mạch soi sáng cho đời sống kết hợp với Chúa Cha và Chúa Con, như thánh Gioan đã nói đến, và đồng thời cũng làm sáng tỏ sự thông phần vào sự sống của Chúa Giêsu, Con Một Chúa Cha, nhất là thông phần vào tình yêu thảo hiếu của Người đối với Chúa Cha.
Nhưng, ngoài những lý lẽ thần học ấy, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là một thiếu nữ nghèo khó, không được đào tạo về thần học, tuyên bố đã nhận được thông điệp từ Thiên Chúa, và giáo lý trong thông điệp ấy rất là súc tích.
Những tài liệu của các thị nhân giả tạo, thường rất nghèo nàn, cằn cỗi, và thiếu nhất quán. Thông điệp mà mẹ Eugenia nói Chúa Cha đã ủy thác cho mẹ rất phong phú. Có một sự tương tác hài hòa giữa hai đặc điểm khác biệt, nhưng cùng hướng đến việc củng cố tính xác thực của thông điệp. Một đàng thông điệp được trình bày, như những điều vẫn được truyền thống Giáo Hội nắm giữ, không có các sáng kiến gây hoài nghi, bởi nó không ngừng lặp lại mọi điều đã được nói đến trong mặc khải của Chúa Kitô về Chúa Cha, và mọi sự trong Phúc âm. Đằng khác, thông điệp tuyên bố rằng chân lý cao trọng, liên quan đến tri thức về Chúa Cha, cần phải được tái cứu xét, nghiên cứu sâu xa và cảm nghiệm.
Sự bất tương xứng giữa sự yếu đuối của công cụ, tự mình không thể khám phá một giáo lý với tính chất như thế, và mức độ uyên thâm của thông điệp được diễn tả, lại không chứng tỏ có một nguyên nhân cao hơn, siêu nhiên và thần linh đã can thiệp để ủy thác thông điệp cho nữ tu ấy hay sao? Nói theo cách nhân loại, tôi thấy người ta không sao giải thích được, sự khám phá của nữ tu ấy, về một ý tưởng mới mẻ, và phong phú mà các nhà thần học, tiến hành cuộc điều tra, phải dần dần mới nhận thức được.
Một sự khác nữa đối với tôi, dường như cũng mang ý nghĩa tương tự: Khi nữ tu Eugenia loan báo chị đã nhận được những linh khải của Chúa Cha, các nhà thần học tiến hành cuộc điều tra, trả lời rằng các cuộc linh khải của Chúa Cha tự bản chất là điều không thể có, và chưa từng xảy ra trong lịch sử. Chị nữ tu đã chống lại những phản biện ấy một cách đơn giản: “Chúa Cha đã truyền cho tôi kể lại những gì tôi đã nhìn thấy. Chúa yêu cầu các nhà thần học, con cái của Người, phải tìm hiểu”. Chị cứ giữ những lời tuyên bố của mình suốt nhiều tháng trời. Mãi đến tháng 1 năm 1934, các nhà thần học mới khám phá trong giáo thuyết của thánh Thomas Aquinas câu trả lời cho lập luận phản biện của họ.
Câu giải đáp do vị đại tiến sĩ Hội Thánh đã đưa ra về sự khác biệt giữa linh khải và đặc ủy đã làm sáng tỏ vấn đề. Nó đã cất đi sự ngăn trở làm tê liệt toàn bộ cuộc điều tra. Bị các thần học gia thông thái thách thức, nhưng người nữ tu nhỏ bé kém học kia, hóa ra lại là người đúng. Nói theo kiểu nhân loại, làm sao chúng ta có thể giải thích về tri thức, sự khôn ngoan, và đức kiên trung của nữ tu ấy? Một thị nhân giả tạo, có lẽ đã cố thích ứng theo những lời giải thích của các thần học gia. Thế nhưng chị nữ tu này đã giữ vững lập trường của mình. Đó là những lý do khiến chúng tôi nhận thấy chứng từ của chị rất đáng tin.
Dù sao, điều tôi nhận thấy đáng chú ý là thái độ thận trọng của chị đối với sự huyền diệu của trường hợp này. Trong khi các thị nhân giả tạo kiêu hãnh về các hiện tượng ngoại thường, và thậm chí, họ không thấy gì khác ngoài những hiện tượng ấy. Chị Eugenia thì ngược lại, chị đặt chúng như những chứng cớ, những phương thế thứ yếu, không phải việc đề cao, nhưng chính sự quân bình giữa các giá trị, chị đã tạo nên một ấn tượng thuận lợi.
Tôi cũng xin nói tóm lược về cuộc điều tra của các nhà thần học. Các cha Albert và Auguste Valencin rất có uy tín trong lãnh vực triết học và thần học, cũng như kiến thức uyên thâm về đời sống thiêng liêng. Những cuộc điều tra tương tự cũng cần đến sự can thiệp của các ngài. Chúng tôi biết các ngài đã hành động rất cẩn trọng, và vì thế chúng tôi đã chọn các ngài trong công việc này.
Chúng tôi biết ơn sự cộng tác ân cần, và tận tâm của các ngài. Chứng từ thuận lợi của các ngài đối với nữ tu này, và lời giải thích siêu nhiên về các sự kiện nói chung, lại càng đáng kể, bởi vì các ngài đã trì hoãn sự phán đoán trong một thời gian lâu dài, từ bất lợi và nghi ngờ lúc đầu, và sau đó là lưỡng lự. Dần dần các ngài mới tin chắc, sau khi đã đưa ra đủ loại phản biện, và áp dụng những thử thách khắc nghiệt đối với nữ tu này.
3/ Kết luận:
Theo tiếng nói của linh hồn và lương tâm, với ý thức trách nhiệm nghiêm chỉnh nhất của tôi trước Giáo Hội, tôi tuyên bố rằng, đối với tôi, sự can thiệp siêu nhiên và thần linh dường như là lời giải thích duy nhất, hợp lý và thỏa đáng nhất đối với các sự kiện này.
Ngoài tất cả những đặc điểm ngoại cảnh của trường hợp này, đối với tôi, sự kiện chính yếu sau đây thật cao quý, hướng thượng, và phong phú trên phương diện siêu nhiên: Nữ tu khiêm nhường đã kêu gọi các linh hồn đến với lòng chân thực sùng kính Chúa Cha, như Chúa Giêsu đã rao giảng, và Giáo Hội đã gửi gắm trong phụng vụ. Ở đây không có gì phải báo động, vì chỉ là một điều rất đơn giản, và phù hợp với giáo lý vững chắc.
Những sự lạ đi kèm với thông điệp, có thể tách ra khỏi hiện tượng trung tâm kia mà hiện tượng ấy vẫn giữ nguyên tất cả giá trị chính yếu của nó. Về các lý lẽ giáo lý, Giáo Hội sẽ tuyên bố có thể cứu xét ý tưởng về một ngày lễ đặc biệt, tách biệt khỏi trường hợp cụ thể liên quan đến người nữ tu này.
Tôi tin rằng, bằng chứng căn bản về tính xác thực của sứ mạng nơi người nữ tu này đã được biểu hiện qua cách thức mà nữ tu ấy áp dụng trong đời sống của mình, chị đã sống giáo lý cao đẹp mà chị muốn nhắc nhở cho chúng ta. Tôi cho rằng cứ để chị tiếp tục công việc của chị là điều thích hợp. Tôi tin có bàn tay Thiên Chúa ở trong tất cả điều này. Sau mười năm tìm tòi cứu xét, suy tư và cầu nguyện, tôi xin chúc tụng Chúa Cha, đã thương chọn giáo phận của tôi làm nơi cho những biểu hiệu đầy cảm động của tình yêu Ngài.
Đức Cha Alexandre Caillot
Giám Mục Giáo Phận Grenoble
>> Mục Lục