NIỀM VUI TỪ NỘI TÂM
Mỗi người chúng ta đều tự tạo thời tiết, hoạch định màu sắc cho khung trời vũ trụ cảm xúc trong đó chúng ta sống. Với nỗ lực sáng tạo, chúng ta có thể mang ánh sáng mặt trời đến để làm cho tâm hồn chúng ta rạng rỡ mặc cho bất cứ sự cố gì xảy đến trên đường đi của chúng ta. Mặt khác chúng ta cũng có thể để cho mình ngã quị vào nỗi thất vọng nội tâm sâu xa, hoặc bị ngập tràn nỗi phiền muộn đến mức chỉ những khích động mãnh liệt nhất từ bên ngoài tác động lên các giác quan mới có thể đánh thức chúng ta ra khỏi tình trạng lãnh đạm của mình.
Các triết gia bảo với chúng ta là mỗi người đều phải có khoái cảm. Kẻ nào hoà nhập được nhân cách và bản tính của mình đồng thời định hướng cuộc đời mình cho Chúa thì sẽ cảm nhận được niềm khoái cảm to tát bất khả tiêu diệt mà các thánh gọi là Niềm Vui. Không một sự cố từ bên ngoài nào có thể hăm doạ hoặc làm xuyến xao nổi hạnh phúc của người ấy. Đang khi có nhiều người khác thì ngóng ra bên ngoài để tìm khoái cảm và mong đợi các sự cố trong đời sống sẽ cung cấp niềm hạnh phúc cho họ. Vì chẳng ai có thể bắt cả vũ trụ làm nô lệ cho mình được, nên kẻ nào cứ ngóng ra ngoài để tìm khoái cảm thì chắc chắn sẽ thất vọng. Vui đùa quá mức làm chúng ta chán ngán, một tham vọng được thực hiện sẽ trở nên nhàm chán, một ái tình hứa hẹn đầy viên mãn rồi cũng mất đi vẻ hào nhoáng và phấn khích. Hạnh phúc vĩnh tồn không bao giờ có thể đến từ trần gian. Niềm vui không xuất phát từ những gì chúng ta gặt hái hoặc những người chúng ta gặp gỡ mà phải được linh hồn tạo ra một khi chúng ta biết tự quên mình.
Bí quyết để có một cuộc sống hạnh phúc là biết điều hoà các khoái cảm với nhau để gia tăng niềm vui. Thế nhưng một số phương cách sống hiện nay khiến chúng ta khó đạt nổi điều này. Chẳng hạn một trong những phương cách ấy là loại quảng cáo cố gắng gia tăng thị dục chúng ta để chúng ta mua thêm nhiều hàng hoá hơn. Đi kèm theo phương cách này là cái tâm lý trẻ em bị hư vì nuông chiều nơi con người hiện đại. Tâm lý dụ khị con người rằng họ được quyền kiếm tìm mọi thứ họ muốn, rằng thế gian có đủ mọi thứ thoả mãn thị dục nông nổi của họ. Một khi cái tôi của chúng ta đã trở thành trung tâm bắt mọi sự qui phục thì chúng ta rất dễ bị thương tổn: từ đó bình an của chúng ta có thể giống như bị cơn gió lùa từ cánh cửa sổ trống tiêu huỷ; hoặc chỉ vì chúng ta không đủ khả năng mua được tấm áo choàng lông thú quí hiếm mà chỉ quãng 20 người phụ nữ trên trần gian có thể được mặc, hoặc vì chúng ta không được mời đến dự một buổi ăn trưa, hoặc nặng nề hơn, vì chúng ta không đủ khả năng trả được món thuế lợi tức to lớn nhất trong nước. Cái tôi không bao giờ được no thoả nếu nó nắm quyền chỉ huy. Chẳng sự nuông chiều, chẳng vinh dự gì có thể làm yên ổn khát vọng của nó kể cả “nhạc cuồng rượu mạnh”, kể cả những khoái cảm to tát đến từ các bữa tiệc giao hữu hay từ sự trầm trồ của mọi người.
Những kẻ vị ngã đều xem như mình gặp phải tai hoạ nếu bất cứ khát vọng nào của họ cũng bị chối từ, bởi vì họ muốn làm chủ thế giới quanh họ, muốn nắm sợi dây giật con rối cũng như muốn ép buộc mọi kẻ tuỳ thuộc phải vâng theo ý muốn của mình. Và nếu các ước muốn của những cái ngã ấy bị phế bỏ hay bị cái ngã của kẻ khác kiểm soát thì lập tức chúng sẽ rơi vào nỗi tuyệt vọng ngay. Như thế, những dịp gây ra cho chúng nỗi thất vọng và buồn bực rất dễ xảy ra bởi vì tất cả chúng ta đều luôn luôn bị chối từ một số những điều chúng ta ao ước – và rồi chúng ta có thể chọn lựa hoặc sẽ vui vẻ chấp nhận sự mất mát này hoặc sẽ xem nó như một sự xỉ nhục và lăng mạ đối với chúng ta. Ngày nay có cả hàng triệu người hoàn toàn mất hạnh phúc nếu như họ phải mất đi một số đồ vật mà cha ông họ chẳng bao giờ mơ ước. Sự xa hoa đã trở thành nhu yếu đối với họ. Và con người càng cần có thêm đồ vật mới cảm thấy hạnh phúc thì họ càng có nguy cơ bị hụt hẫng và tuyệt vọng. Ham muốn nông nổi chế ngự họ, những điều vụn vặt trói cột họ, họ không còn tự chủ nữa. Các đồ vật bên ngoài, các món đồ chơi hào nhoáng làm chủ họ.
Trong khảo luận mang tựa đề “Republic” (nền Cộng hoà), Platon có viết về một người suốt đời chạy theo những đam mê điên cuồng đầy nông nổi, bài văn ấy được viết ra cách đây 2300 năm thế mà đến hôm nay vẫn còn chính xác: “Anh ta thường khoái lao vào chính trị, vừa đi vừa nhảy, vừa làm vừa nói bất cứ điều gì hiện ra trong óc; hễ khâm phục một vị tướng là mọi chú tâm anh ta hướng về chiến tranh, còn nếu hâm mộ nhà thương gia thì lập tức anh ta đổi chiều theo cùng hàng ngũ với ông này. Anh ta chẳng hề biết đến trật tự và nhu yếu trong cuộc sống, chẳng thèm nghe bất cứ người nào nói cho anh ta biết rằng một số khoái lạc là phần thưởng của những ước muốn cao đẹp tốt lành, một số khác phát xuất từ những ước muốn xấu xa. Vì thế nên kiếm tìm và khuyến khích số tốt cũng như kiềm chế số xấu. Nghe nói thế, anh ta chỉ biết lắc đầu và nói rằng mọi khoái cảm đều giống nhau và đều đáng được quan tâm y như nhau”.
Thực ra, mọi khoái cảm đều phải được sắp xếp theo thứ bậc nếu chúng ta muốn có được sự thoả mãn to tát nhất về cuộc sống. Các niềm vui bền bỉ và mãnh liệt nhất chỉ có thể đến với những kẻ sẵn sàng thực hành sự tự chế, sẵn sàng chịu đựng sự nhàm chán trong việc tuân thủ một kỷ luật sơ đẳng. Quang cảnh đẹp nhất là được nhìn từ đỉnh núi, nhưng lên được đến đó có lẽ phải chịu lắm gian truân. Không ai từng cảm thấy thú vị khi đọc Honace nếu trước đó không từng trui rèn với các mẫu chia văn phạm của sách ấy. Niềm hạnh phúc tràn đầy chỉ được cảm nhận đối với kẻ nào biết tự khước từ một số lạc thú chính đáng ngõ hầu đạt được những niềm vui kéo theo sau đó. Kẻ nào “tự buông thả” thì sẽ thành bệ rạc hoặc điên khùng. Chính Đấng Cứu Độ trần gian đã bảo chúng ta rằng những niềm vui lớn nhất chỉ có thể đến với chúng ta một khi chúng ta đã mua chúng bằng lời cầu nguyện và việc chay tịnh: trước hết chúng ta phải cho đi những đồng xu của mình vì lòng yêu mến Ngài và rồi Ngài sẽ trả lại cho chúng ta những đồng tiền vàng lẫn niềm vui và niềm cực lạc.