Hạnh Phúc – Chương 1

TÌNH YÊU VÔ BIÊN

Có sự khác biệt sâu xa về chất lượng giữa những sở hững chúng ta cần, chúng ta dùng, chúng ta thực sự hưởng dụng và sự tích luỹ những đồ vật vô dụng do lòng phô trương, ham hố hoặc để chơi trội hơn kẻ khác. Loại sở hữu thứ nhất là một phương tiện kéo dài nhân cách của chúng ta một cách hợp lý: những vật chúng ta dùng thường xuyên được tình yêu của chúng ta phong phú hoá lên, biến chúng thành những vật dụng thân thiết với chúng ta. Chúng ta có thể học được hai loại quyền sở hữu nơi bất cứ nhà trẻ nào: một đứa bé chỉ có một món đồ chơi thì sẽ làm sung mãn món đồ chơi ấy bằng tình yêu của nó; còn đứa trẻ được nuông chiều thì vì số đồ chơi dành cho nó rất nhiều, nên nó sớm trở thành chán ngán và chẳng còn khoái chơi một món não nữa hết. Chất lượng của tình yêu giảm dần theo số lượng đồ vật được trao tặng vì người ta yêu nó… khác nào một dòng sông càng thiếu độ sâu khi càng tràn ra các thảo nguyên.

Khi thăm viếng một toà nhà rộng mà chỉ có hai người cư ngụ, chúng ta thường cảm thấy căn nhà ấy lạnh lẽo và quá rộng lớn không thể làm nơi dành cho tình yêu của con người. Bằng sự hiện diện của mình, mỗi người chúng ta có thể tô điểm cho một khoảng không gian… nhưng không hơn đâu nhé. Càng rán tậu cho được quá số đồ vật mà người ta không thể dùng để làm tăng nhân cách và tình yêu của mình thì người ta sẽ gặp phải chán nản, buồn phiền và ngán ngẩm. Ấy thế mà người ta luôn luôn gắng tăng số của cải vượt quá giới hạn sự hưởng dụng rất xa. Điều này là do niềm tin sai lầm rằng nỗi đói khát vô biên của họ có thể được thoả mãn nhờ vào sự dư giả các đồ vật vật chất: thế nhưng điều họ thực sự ước muốn lại là sự vô tận của tình yêu nơi Thiên Chúa.

Tưởng tượng của chúng ta dễ bị dẫn lạc vào niềm ước muốn một sự vô biên giả tạo một khi chúng ta bắt đầu khát mong “của cải”. Bởi vì “của cải” và “tiền bạc’ là những điều khêu gợi trí tưởng tượng, là cái chả bao giờ no thoả trong các mơ ước của mình. Những nhu cầu thực sự, chẳng hạn những thứ mà thân xác chúng ta cần thì lại khác bởi vì luôn có một giới hạn chặt chẽ đối với số lượng thức ăn cần cho bao tử chúng ta và một khi đã no rồi thì ta không còn muốn ăn thêm nữa. Chúa đã thết đãi năm ngàn người trong hoang địa bằng bánh, cá và tất cả đều no đủ. Nhưng giả sử thay vào đó Ngài cho họ 20 ngàn đô la chiếu phí thì sẽ chẳng ma nào nói rằng “một đô là đủ cho tôi!”

Chẳng bao giờ có giới hạn cho các tài khoản tín dụng, cổ phần, tài khoản tồn quỹ ở ngân hàng… vì chẳng bao giờ chúng ta nói: “Thôi đủ rồi”. Những thứ này tự thân mang nơi chúng sự vô tận đầy nét biếm hoạ khiến người ta sử dụng chúng như những thứ tôn giáo “dỏm” thay thế cho sự vô biên đích thực của Thiên Chúa. Giống như tiền bạc, ái tình và quyền lực có thể trở thành những thứ “nguỵ tôn giáo”, những kẻ đeo đuổi chúng như là cùng đích sẽ chẳng bao giờ tìm được sự thoả mãn. Những người như thế thực ra đều đang theo đuổi việc tìm kiếm Thiên Chúa nhưng họ chẳng biết được tên Ngài mà cũng chẳng biết tìm Ngài ở đâu.

Bởi vì mỗi sự gia tăng về số lượng những thứ chúng ta yêu mến thường mang lại sự giảm suy về phẩm chất tình yêu, cho nên cần sử dụng hai phương thế hy vọng sẽ giúp chúng ta giữ được lòng yêu mến tinh tuyền. Thứ nhất là biết cho đi tuỳ theo tỷ lệ chúng ta nhận được: thói quen này nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta chỉ là những quản gia tài sản của Chúa chứ không phải là các chủ nhân có thực quyền. Dầu vậy có ít người mạo hiểm làm điều này bởi vì họ sợ phải đụng đến “vốn liếng” của họ, và mỗi xu họ góp thêm vào “vốn liếng” ấy trở thành một phần của cái đống linh thiêng không được quấy rầy đến. Họ từ từ đồng hoá mình với những gì họ yêu mến và nếu đó là của cải thì chắc chắn họ không thể nào chịu nổi việc phải từ bỏ đi bất cứ phần nào trong đống của cải đã được tích luỹ đó.

Phương thế thứ hai để giữ chúng ta khỏi lòng ham hố không chính đáng là một phương thế anh hùng… đòi hỏi sự siêu thoát hoàn toàn khỏi của cải như hành vi của thánh Phaxicô Assissi cũng như tất cả những kẻ khấn giữ đức khó nghèo. Quả là có sự nghịch lý trong sự khước từ như thế bởi vì kẻ đã từ bỏ chính niềm hy vọng “đảm bảo” cho mình lại là kẻ giàu có nhất trên trần gian, là kẻ an toàn hơn hết thảy chúng ta, vì kẻ ấy chẳng thiếu thốn thứ gì hết… và đó là điều chẳng nhà triệu phú nào có thể làm nổi. Quyền năng khước từ nơi mỗi người đều mạnh mẽ hơn quyền năng chiếm hữu bởi vì chẳng người nào có thể chiếm hữu trái đất nhưng bất cứ ai cũng đều có thể khước từ nó.

Kẻ keo kiệt có thể lấp đầy ví mà chẳng bao giờ lấp đầy trái tim bởi vì họ không thể đạt được tất cả của cải mà họ có thể tưởng tượng và ao ước. Tuy nhiên những kẻ nghèo khó trong tâm hồn lại là những kẻ giàu có về hạnh phúc. Chúa đã ban cho chúng ta đủ tình yêu để chúng ta đáp lại tình yêu của Ngài ngõ hầu chúng ta có thể tìm ra Đấng vô biên ở đó chứ, Ngài có cho chúng ta dư tình yêu để tàng trữ đâu!

>> Mục Lục

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment