Chất vấn, tuân vấn

1. Trên trang Giáo dục Công giáo, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích, DCCT, khi giải đáp thắc mắc về người tân tòng được hưởng đặc ân Thánh Phaolô có kèm theo điều kiện “Chất vấn người không chịu phép rửa tội”. Có người hỏi tôi: Thuật từ chất vấn có nghĩa là tra hỏi, có ý hỏi tội, hàm ý khinh bỉ, chê bai, chỉ trích. Trong khi việc hỏi người không chịu phép rửa tội ở đây chẳng qua là hỏi ý kiến thôi. Đã là hỏi ý kiến, làm sao có thể gọi là chất vấn người ta được? Gọi như thế không những không đúng nghĩa, mà còn tỏ ra không tôn trọng người khác. Nếu có thể xin đề nghị dùng thuật từ tuân vấn. Thuật từ này không có nhiều nghĩa, cũng rất đơn giản, đơn thuần chỉ là hỏi cho biết.

Theo Điều 17 của Giáo Luật: “Luật Giáo Hội phải được hiểu theo nghĩa đen của từ ngữ trong bản văn và trong mạch văn; nếu còn hồ nghi và tối nghĩa thì phải nại đến những chỗ tương tự, nếu có, đến mục đích và những hoàn cảnh của luật cũng như đến ý định của nhà lập pháp”. Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của thuật từ “chất vấn” nói trên – vì thực ra đó là thuật từ được dùng trong bản dịch Bộ Giáo Luật 1983 (chính thức) của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

2. Trong Giáo Luật, có nhiều trường hợp liên quan đến việc hỏi (questio) như:

2.1. Hỏi để biết ý kiến một người hay một số người (như cộng đoàn, mọi người, kinh sĩ hội, hội đồng linh mục, vị thường quyền, các giám mục hay tông toà…) ngỏ hầu ra một quyết định nào đó. Chúng ta thấy Luật dùng nhiều từ khác nhau như: audio (Điều 459, 494, 495, 500,…), consulatio (Điều 285, 1189,…), examen (Điều 521, 970,…) mà chúng ta dịch là: Hỏi ý, hỏi ý kiến, lắng nghe, tham khảo, khảo hạch…

2.2. Khi việc hỏi có liên quan đến vấn đề tố tụng. Việc hỏi để biết, để thu thập thông tin, ngỏ hầu lập thành biên bản, hồ sơ trong một vụ kiện, vụ án, thì Luật dùng từ interrogatio như có thể thấy trong quyển VII – Về việc tố tụng: Bản Latinh dùng từ này 15 lần: Điều 1471, 1530, 1531, 1534, 1535, 1548, 1552, 1561, 1563, 1564, 1565, 1568), các bản dịch tiếng Việt thì dùng từ thẩm vấn.

Theo Từ điển Babylon, Interrogatio: (1) Interrogation (sự hỏi dò, thẩm vấn, tra hỏi); (2) Inquiry (điều tra, thẩm tra, câu hỏi); (3) Questioning (hỏi).

Interrogation: Theo định nghĩa của từ điển Webster’s 1913 Dictionary, là việc đặt những câu hỏi cần phải được trả lời (hay hỏi cung) trong một cuộc điều tra hay thẩm tra. Theo nghĩa mở rộng, interrogation (cuộc thẩm vấn) hay questioning (việc đặt câu hỏi, điều tra, hỏi cung) là cuộc gặp do các nhân viên cảnh sát, quân đội hay toà án thực hiện. Đối tượng bị đặt câu hỏi còn được gọi là ‘nguồn’ (source, nguồn cung cấp dữ kiện). Tiến trình nầy được dùng để thu thập thông tin từ một nghi phạm theo sau một vụ án. Việc thẩm vấn không nhất thiết là cưỡng bức thú tội, nhưng đúng hơn là để dẫn dụ người bị thẩm tra (the source) hé lộ những thông tin có giá trị.

Thẩm vấn: Nghĩa gốc là hỏi tỉ mỉ kỹ càng, nhưng các từ điển của Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Như Ý, Nguyễn Lân còn cho thấy thẩm vấn là:

– Cuộc điều tra hai đàng nguyên và bị của công tố viện.

– Xét hỏi trong vụ án.

– Hỏi để biết rõ tình tiết của một vụ án.

2.3. Trong việc điều tra hôn phối, cách riêng, trường hợp áp dụng đặc ân thánh Phaolô, việc hỏi để biết ý kiến của người phối ngẫu (chưa được rửa tội) của người dự tòng (chuẩn bị trở lại và kết hôn với người Công giáo), thì Luật dùng từ interpellatio (chất vấn) như có thể thấy trong các Điều 1144-1146. Điều 1144:

§1. Để người được Rửa Tội tái hôn thành sự, thì luôn luôn phải chất vấn người không chịu phép Rửa Tội để biết:

1o. người này có muốn được Rửa Tội hay không.

2o. ít là người này có muốn sống chung hoà thuận với người đã được Rửa Tội mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hoá hay không.

§2. Việc chất vấn này phải được thực hiện sau khi đương sự đã được Rửa Tội, nhưng vì một lý do quan trọng, Đấng Bản Quyền địa phương có thể cho phép thực hiện việc chất vấn ấy trước khi đương sự được Rửa Tội và cũng có thể miễn chuẩn khỏi phải chất vấn hoặc trước hoặc sau khi lãnh Bí tích Rửa Tội, miễn sao thấy rõ là không thể thực hiện được việc chất vấn ấy hoặc có chất vấn cũng vô ích, qua một thủ tục ít là đơn giản và ngoài toà án.

Ở đây, có người đề nghị thay thế thuật từ ‘chất vấn’ bằng ‘tuân vấn’ với lý do là: việc chất vấn này “chẳng qua là hỏi ý kiến thôi, đã là hỏi ý kiến, làm sao có thể gọi là ‘chất vấn’ người ta được. Dịch là chất vấn, không những không đúng nghĩa, mà còn tỏ ra khinh chê, chỉ trích, không tôn trọng người khác. Theo thiển nghĩ của chúng tôi nghĩ:

2.4. Chất vấn không chỉ là hỏi ý kiến

Điều 1144-1145 kế thừa điều 1121-1122 của bộ Giáo Luật trước đó (1917), tuy nhiên khoản số 2 của điều 1121 đã được thay đổi mở rộng: Trước đây là Toà Thánh dành cho mình quyền chuẩn chước việc chất vấn. Quyền này đã được mở rộng cho các giám mục giáo phận qua Tự sắc De Episcoporum Muneribus của ĐTC Phaolô VI (15/06/1966) và quyền này đã được đưa vào Giáo Luật hiện nay (Điều 1144 §2).

Ở đây, Luật cũ và mới đều không dùng từ audio hay consulatio như những trường hợp hỏi ý kiến thông thường, tức là hỏi chỉ để tham khảo còn quyết định thì không nhất thiết phải theo ý kiến của người được hỏi. Đây vừa là hỏi để biết ý kiến vừa để thu thập thông tin, ngỏ hầu lập thành hồ sơ hôn phối, việc hỏi này rất quan trọng và cần thiết trong tiến trình áp dụng đặc ân Thánh Phaolô, vì thế luật nhấn mạnh: “semper interpellari: luôn luôn phải chất vấn” (Điều 1144 §1) cho dù người bị chất vấn không trả lời thì “sự im lặng của họ được coi là một lời từ chối” (Điều 1145 §1) và “sự kiện chất vấn và kết quả của việc chất vấn ấy phải được xác minh cách hợp thức ở toà ngoài” (Điều 1145 §3). Mặc dù luật vẫn dự trù trường hợp miễn hỏi: “Vì một lý do quan trọng, Đấng Bản Quyền địa phương… cũng có thể miễn chuẩn khỏi phải chất vấn… miễn sao thấy rõ là việc chất vấn ấy có cũng vô ích, qua một thủ tục ít là đơn giản và ngoài toà án” (Điều 1144 §2). Trước khi cho phép miễn chất vấn, Đấng Bản Quyền phải xác định cách khách quan rằng việc chất vấn là vô ích hay không thể thực hiện được.

2.5. Interpellatio nghĩa là chất vấn

2.5.a. Interpellatio có nghĩa là (1) Sự ngăn trở (2) Ngắt lời (3) Cầu bàu (4) Việc hỏi hay chất vấn các quan chức chính phủ… Thuật từ interpellatio trong bộ Giáo Luật 1917 được sử dụng lại trong Giáo Luật hiện hành (10 lần ở Điều 1144-1146 với nghĩa (4) này và 1 lần ở Điều 1173 với nghĩa (3) là khẩn cầu). Ở đây chúng tôi chỉ bàn nghĩa (4).

2.5.b. Interpellation: Theo Webster là yêu cầu quan chức giải thích hoạt động, hành động của mình; là những câu hỏi buộc phải trả lời. Còn từ điển mạng (WordNet Dictionary) giải thích đó là quy trình trong nghị viện nhiều nước nhằm yêu cầu chính phủ giải thích một động thái hoặc chính sách của mình. Thông thường, hình thức chất vấn được áp dụng ở các nước với chính thể đại nghị (Tây Ban Nha, Italy, Thuỵ Điển, Nhật, Na Uy…). Đó là yêu cầu bằng văn bản của cả viện hoặc một nhóm nghị sĩ đối với chính phủ hoặc bộ trưởng giải trình về một vấn đề chính trị lớn, hoặc đường lối chính trị chung của chính phủ.

2.5.c. Chất vấn

– Nghĩa của chất, vấn

Chất: Có 9 chữ Hán: 厔, 隲, 騭 (骘), 質, 貭 (质), 郅, 侄, 鑕 (锧), 櫍, trong thuật từ chất vấn là chữ 質, nghĩa là (dt.) (1) Đặc tính vốn có của sự vật: Đặc chất. (2) Bẩm tính trời: Tư chất. (3) Mức tốt xấu: Phẩm chất. (4) Hình dạng: Lưu chất (vật ở thể lỏng). (5) Hình cụ cổ đại. (6) Chân thật. (7) Họ Chất. (8) Cái đích tập bắn. (9) Nguyên liệu tạo thành sự vật: Chất liệu. (đt.) (10) Hỏi vặn, hỏi cho hết lẽ: Chất vấn. (11) Thật thà: Chất phác. (12) Một âm là chí, đồ cầm làm tin: Nhân chí (con tin).

Vấn: Có 6 chữ Hán: 問 (问), 汶, 聞 (闻), 搵, 璺, 絻, trường hợp này là chữ問, nghĩa là: (dt.) (1) Tin: Âm vấn (tin tức). (2) Nghe: cùng nghĩa với chữ văn聞. (đt.) (3) Danh dự. (4) Mệnh lệnh. (5) Hỏi. (6) Tra hỏi kẻ có tội: Thẩm vấn. (7) Hỏi thăm: Vấn an. (8) Lễ ăn hỏi: Vấn danh. (9) Can thiệp: Bất văn bất vấn (không can thiệp). (10) Truy cứu: Truy vấn.

– Nghĩa của Chất vấn: Nghĩa gốc là hỏi cho ra lẽ nhưng các từ điển của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, Nguyễn Như Ý, Nguyễn Lân cho thấy chất vấn là:

– Hỏi với tính cách bắt buộc người phải trả lời.

– Hỏi và đề nghị giải thích rõ về điều gì.

– Đặt vấn đề hỏi một cơ quan chính quyền về một điều thắc mắc và yêu cầu trả lời.

Tóm lại, việc chất vấn bao hàm ý nghĩa là việc hỏi mà câu trả lời là cần thiết (được đề nghị, được yêu cầu hay buộc phải trả lời).

Như vậy, theo nghĩa gốc thẩm vấn (= hỏi tỉ mỉ kỹ càng) và chất vấn (= hỏi cho ra lẽ) có nghĩa tương tự như nhau, nhưng theo nghĩa mở rộng thì thẩm vấn (= hỏi để biết rõ tình tiết của một vụ án) thường được dùng trong lãnh vực pháp luật, toà án: một người bị (hay được) thẩm vấn thì có thể hiểu là người đó có liên quan đến một vụ án nào đó. Còn chất vấn (= hỏi và đề nghị giải thích rõ về điều gì) có thể được dùng rộng rãi trong mọi lãnh vực: một người bị (hay được) chất vấn thì có thể hiểu là người đó là một ‘nguồn’ (source, cơ sở dữ liệu thông tin hay sự hiểu biết nào đó) và do đó có một ‘vai trò’ (tư cách hay trách nhiệm) để cung cấp thông tin giải đáp cho vấn đề. Chất vấn hàm nghĩa phỏng vấn (= hỏi han tìm kiếm sự thật), nhưng có một chút khác biệt ở chỗ người được phỏng vấn là người có một ‘nguồn’ và không nhất thiết phải có ‘vai trò’ để trả lời.

Việc chất vấn này là một thủ tục của toà án hôn phối, vì thế một số nhà giải thích Giáo Luật như Thomas P. Doyle, O.P., John P. Beal đã sử dụng từ interrogation (thẩm vấn) để dịch từ interpellatio trong Điều 1144-1146, thay vì interpellation (chất vấn) như trong bản dịch tiếng Anh của Toà Thánh.

2.6. Chất vấn không có ý khinh chê, chỉ trích hay thiếu tôn trọng người bị chất vấn

Có người cho rằng việc ‘thẩm vấn’ hay ‘chất vấn’ có liên quan đến việc tố tụng (vụ án, vụ kiện) và liên tưởng đến các khái niệm ‘bị cáo’, ‘tội phạm’… cho nên việc sử dụng hai thuật từ đó trong trường hợp này sẽ tỏ ra khinh chê, chỉ trích hay thiếu tôn trọng người được hỏi.

Phải nhận rằng: theo thói quen thông thường, người ta vẫn nghĩ người-chất-vấn là người hơn người-bị-chất-vấn về địa vị, thứ bậc, tuổi tác hay quyền hạn. Gọi nôm na là người trên. Còn người bị (hơn là được) chất vấn thì là kẻ dưới. Vì thế mới đưa đến quan niệm: Nói ‘chất vấn’ là xúc phạm, khinh thường… người được hỏi. Cũng như về từ thẩm vấn, nhiều người cũng nặng thành kiến đối với giá trị của người-bị-thẩm-vấn.

Tuy nhiên về mặt pháp luật, cũng như khách quan, người bị (được) thẩm vấn hay chất vấn – dù trong hoàn cảnh nào – vẫn không thể coi như là đã có tội (cho đến khi bị tuyên án bởi tòa án). Và vì thế, giá trị của người bị (được) thẩm vấn, chất vấn phải được tôn trọng. Ngay cả trong vấn đề tố tụng, đối tượng của việc xử án không chỉ là “những tội phạm phải gia phạt hay tuyên phạt”, mà còn là: “những quyền lợi của thể nhân hay pháp nhân phải được truy cầu hoặc bàu chữa, hay những sự kiện pháp lý phải được tuyên bố” (Điều 1400 §1). Do đó, chúng tôi cho rằng thuật từ thẩm vấn hay chất vấn hoàn toàn không có ý gì khinh chê, chỉ trích hay thiếu tôn trọng người được hỏi.

2.7. Có nên thay chất vấn bằng tuân vấn?

Chữ tuân (詢) trong tiếng Hoa có nhiều nghĩa: (1) Thương lượng. (2) Hỏi han, thỉnh giáo (3) Trưng cầu ý kiến. (4) Hỏi cho biết. (5) Mưu tính. (6) Tin. (7) Đều. riêng tuân vấn (詢問) trong tiếng Hoa chỉ có nghĩa đơn thuần là hỏi, hỏi cho biết. Trong tiếng Việt chưa thấy sử dụng từ này. Có thể coi đây là một từ cổ mà nay người Việt không còn sử dùng? Hoặc nếu từ này chưa được sử dụng thì nay chúng ta cũng có thể sử dụng như một từ mới. Nhưng như đã trình bày ở trên, chúng tôi thiết nghĩ không thể dùng tuân vấn để dịch nghĩa từ interpellatio trong trường hợp này.

3. Kết luận

Bản dịch Bộ Giáo Luật tiếng Việt của HĐGM Việt Nam và của Đức Ông Nguyễn Văn Phương dùng thuật từ chất vấn để dịch từ interpellatio thì rất là chính xác.

——————-

[1] http://www.babylon.com/define/112/Latin-Dictionary.html.

[2] http://www.websters-dictionary-online.com.

[3] Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, TỰ ĐIỂN VIỆT NAM, NXB. Khai Trí, Sài Gòn, 1970.

[4] Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, NXB. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1999.

[5] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 2000.

[6] Giáo Luật 1917: “Hae interpellationes fieri semper debent, nisi Sedes Apostolica aliud declaraverit: Việc chất vấn này luôn luôn phải được thực hiện, trừ khi Toà Thánh quyết định cách khác” (Điều 1121§2).

[7] Việc xác định qua một thủ tục ít là đơn giản và ngoài toà án hay ngoại tố tụng, theo Cha Bùi Đức Tiến: “chỉ là một cách hỏi thông thường, xem ý đương sự thế nào, không với tính cách điều tra theo thể thức qui định” (Lm. Jos. Bùi Đức Tiến, CẨM NANG GIÁO LUẬT THỰC DỤNG, Rex Printing Co., Inc., Quezon, Phiippines, 1991, tr. 268).

[8] Cần phân biệt chất vấn với hỏi đáp (question time). Hình thức hỏi đáp đóng vai trò rất lớn ở Anh và Úc, các nghị sĩ hỏi chính phủ về mọi vấn đề trong một phiên họp. Mục đích là để kiểm tra xem vị bộ trưởng có nắm chắc công việc không, hoặc để cảnh báo về những vấn đề đang phát sinh trong cuộc sống. Khác với chất vấn, hình thức hỏi đáp chỉ yêu cầu cung cấp thông tin về một sự việc cụ thể nào đó và không được bao hàm sự buộc tội và không đi đến một cuộc biểu quyết thoả mãn hay không thoả mãn về trả lời của chính phủ. Nếu đối chiếu với thực tiễn của Việt Nam, chất vấn mà quốc hội ta vẫn tiến hành bao hàm cả hai nghĩa nói trên, tức là chất vấn và hỏi đáp.

[9] Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, Sđd.

[10] Nguyễn Như Ý (chủ biên), Sđd.

[11] Nguyễn Lân, Sđd.

[12] ĐẠI TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT (http://rongmotamhon.net ).

[13] James A. Coriden và ntg., THE CODE OF CANON LAW – A TEXT AND COMMENTARY, Paulist Press, New York, 1985, tr. 815.

[14] John P. Beal và ntg., NEW COMMENTARY ON THE CODE OF CANON LAW, Paulist Press, New Jersey, 2002, tr. 1366.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

Nguồn: emty

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment