Thánh hoá, làm phép

Một cha già hiền lành, các em nhỏ rất thích chơi với ngài, có cả những em ngoại đạo. Một hôm các em đang chơi trong phòng ngài, một giáo dân đến xin ngài làm phép chuỗi, nghe vậy, em ngoại đạo lập tức hỏi ngài: “Cha có phép à?”. Một lần tôi đi dự lễ đặt viên đá đầu tiên, người giới thiệu nói: “Vị chủ lễ sẽ làm phép viên đá đầu tiên, rồi thánh hoá khu nhà ở”. Vị chủ lễ làm cùng một việc, nhưng nơi thì gọi là thánh hoá, nơi khác lại gọi là làm phép. Vậy ‘thánh hoá’ và ‘làm phép’ có khác nhau không?

1. Thánh, hoá, làm, phép

1.1. Nghĩa của thánh

Thánh có 2 chữ: 聖(圣), 清(còn đọc là thanh), trong trường hợp này là chữ 聖 [1], có nghĩa là thuộc về Đấng Tối Cao [2].

Tính từ “thánh” trong tiếng Hipri (quados) theo nghĩa đen là “phân rẽ”, vì nó bắt nguồn từ động từ mang nghĩa “tách biệt” hay “tách ra”, được dùng để miêu tả những nơi đặc biệt (Nơi Thánh và Nơi Chí Thánh trong Đền thờ), những vật đặc biệt (trang phục của Aaron, ngày Sabát), và những người đặc biệt (thầy tư tế và Lêvi) được biệt riêng ra cách đặc biệt hay được làm nên thánh dành cho Chúa. Như thế, sự thánh khiết của Thiên Chúa chỉ về sự tách biệt của Chúa khỏi mọi sự bất khiết.

1.2. Nghĩa của hoá

Hoá có 2 chữ hoá: 化, 貨 (货), trong thuật từ thánh hoá, là chữ化 và có nghĩa là đổi, biến đổi, giúp đổi, thay đổi [3].

1.3. Nghĩa của làm

Làm (chữ Nôm: 濫), nghĩa là (đt.) (1) Hoạt động, thực hành: Việc không ai làm; Nói mà không làm; Làm giàu; Làm công; Làm reo (nghỉ làm để phản đối). (2) Biến chế, chế tạo ra: Làm nhà; Làm hộp quẹt; Làm nước mắm; Chia làm hai. (3) Chuyên chú về một nghề gì: Làm thầy; Làm thợ. (4) Ở địa vị nào: Làm cha mẹ; Làm con; Làm dâu. (5) Gây nên, dựng nên: Làm loạn; Làm ân chuốc oán. (6) Có thái độ, tỏ thái độ: Làm bộ; Làm duyên; Làm dữ; Làm khách. (7) Xui khiến, gây phản ứng: Làm cho sợ; Làm cho điêu đứng. (8) Sửa soạn thức ăn: Làm cỗ; Làm gà; Làm bếp. (9) Ăn: Làm cả con gà.

1.4. Nghĩa của phép

Phép (chữ Nôm: 法), nghĩa là : (dt.) (1) Luật lệ hay trật tự phải theo: Phép nước; Phép làng; Lễ phép; Phép vua thua lệ làng (Tục ngữ); Nhập gia phải cứ phép nhà ta đây (Nguyễn Du). (2) Quyền trên cho làm việc gì: Xin phép; Cho phép; Được phép. (3) Cách thức dùng để làm việc gì: Phép cất rượu; Phép lấy căn bậc hai; Phép cho con bú. (4) Phương thuật riêng (mà người ta cho rằng của thần tiên và những bậc tu luyện đắc đạo): Làm phép; Phù phép; Phép phù thuỷ; Phép tiên; Phép mầu. (5) Bí tích hoặc Á Bí tích trong Công giáo: Phép rửa ; Sách các phép (De Benedictionis); Ăn mày các phép.

Theo Công giáo, phép có 3 nghĩa:

(1) Phép (potens): Phép tắc, quyền năng, quyền lực, năng quyền, sức lực, sức mạnh. Ví dụ: Đức Nữ có tài có phép (Kinh cầu Đức Bà); Thánh Antôn hay làm phép lạ; Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất (Kinh Tin Kính); Chúa là Đấng phép tắc và lòng lành vô cùng (Kinh Cậy).

(2) Phép (benedictio): Phép lành, chúc lành, chúc phúc.

Từ ngữ benediction trong La ngữ hợp bởi bene (tốt lành) và dictio hay dicere (nói) có nghĩa là nói lời lành, hay nói về sự tốt lành, thường được dịch sang tiếng Việt là chúc lành (benedicere), chúc tụng (benedictio) hay phép lành.

Trong Thánh Kinh, phép lành trước hết là hành động của Thiên Chúa, Ðấng nói, muốn và làm điều tốt lành cho chúng ta. Ðối với Thiên Chúa, lời nói và việc làm đồng nhất với nhau (cùng một động từ dâbâr trong tiếng Hípri). Phép lành của Thiên Chúa khởi đầu bằng công cuộc sáng tạo nhờ Ngôi Lời (x. Ga 1,1-3; St 1,3.6.9tt); phép lành đó đạt tới mức thành toàn trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, chịu chết và sống lại vì chúng ta (x. Ep 1,3). Ðáp lại phúc lành của Thiên Chúa không ngừng ban cho chúng ta qua Ðức Kitô và trong Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng phải dùng chính những lời hay ý đẹp của mình để chúc tụng Thiên Chúa, tức là tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những ơn lành của Chúa. Mầu nhiệm phụng vụ được kết cấu bởi sự trao đổi giữa phúc lành của Thiên Chúa và lời chúc tụng của chúng ta trong Ðức Kitô.

Trong phụng vụ, phép lành được chia làm 2 loại:

* Các phép lành khẩn cầu (benedictio invocativa), là các phép lành chỉ bao gồm lời cầu xin những ân ban và sự che chở của Thiên Chúa. Ví dụ: Các phép lành trên con người như: phép lành cuối Thánh Lễ, người bệnh, trẻ em, thai nhi…; trên đồ vật như: nước, lá, tro, nến, ảnh tượng, tràng hạt, các dụng cụ làm việc, xe, quan tài…; trên nơi chốn như: bữa ăn, nhà mới, trường học, bệnh viện, nghĩa trang…; kể cả phép lành trên vật nuôi như chó, mèo,…

* Các phép lành cấu tạo (benedictio constitutiva) là các phép lành phát sinh cùng một công hiệu là dành vào việc thánh, sau khi ‘làm phép’ thì các vật ấy không được dùng vào việc khác nữa. Ví dụ: làm phép nhà thờ, làm phép nhà nguyện và nhà nguyện tư, làm phép bàn thờ, dầu dự tòng (OC: Oleum Catechumenorum), dầu bệnh nhân (OI: Oleum infirmorum), chén thánh, khăn bàn thờ, nghĩa trang…

Nói tóm lại, theo Thánh Kinh và phụng vụ, phép lành là chúc sự lành cho một người hay một vật, mà trên hết là để ca tụng Thiên Chúa và ngợi khen công việc tốt đẹp của Chúa. “Mọi phép lành đều là lời ca ngợi Thiên Chúa và cầu xin Chúa ban ơn” (GLCG 1671).

Vì vậy khi nói: “Xin cha ban phép lành cho con”, thì hiểu cho đúng là: “Xin cha dâng lời ca ngợi Thiên Chúa và cầu xin Chúa ban ơn lành cho con”.

(3) Phép (rite, caeremoni): Nghi thức (Bí tích hay Á Bí tích)

Trong ngôn ngữ thông thường, từ ‘phép’ còn được dùng để chỉ các nghi thức Bí tích hay Á Bí tích. Ví dụ: Việc cử hành các nghi thức Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức… cũng được gọi là ban phép (hay làm phép) Rửa Tội, Thêm Sức…[4]; Việc thánh hiến (consacretio) Bánh Rượu được gọi là truyền phép.

Việc thánh hiến (consacretio) Dầu Thánh; việc cung hiến (dedicatio) thánh đường, bàn thờ…; việc cử hành các nghi thức chúc lành (benedictio) nhà nguyện, hội trường, ảnh tượng, tràng hạt,… tất cả đều được gọi là làm phép.

2. Thánh hoá, làm phép

2.1. Thánh hoá

(Latinh: sanctificare, sanctificatio; Anh: Sanctify, sanctification; Pháp: Se sanctifier, sanctification) Làm cho trở nên thánh.

Theo nguyên nghĩa, thánh hoá là tách riêng ra cho một mục đích đặc biệt, đó là làm nên thánh hoặc trở nên thiêng liêng. Vì vậy, thánh hoá ngụ ý một tình trạng hoặc một tiến trình được biệt riêng ra để được nên thánh khiết.

Với 4 lần xuất hiện trong Tân Ước, thuật từ thánh hoá có từ nguyên trong Hy văn hagiasmos, nghĩa là “thánh hoá” bắt nguồn từ hagios, nghĩa là “thánh khiết” hoặc “thiêng liêng”.

Trước tiên, chúng ta cần làm rõ các thuật ngữ.

Trong thế giới La Mã cổ đại, bất cứ vật gì đã được dâng để cúng các vị thần (đồng ruộng, súc vật,…) thì gọi là consecrate (thánh hiến), và những vật có liên quan mật thiết với việc cúng bái (đền thờ, bàn thờ…) thì họ gọi là dedicate (cung hiến). Tuy nhiên, hai thuật từ này thường thấy sử dụng lẫn lộn, và cả hai đều có thể được dùng để chỉ những người hay vật đã từng được dâng cho thần linh mà tính cách linh thánh vẫn còn mãi mãi.

Giáo Hội phân biệt thánh hiến với làm phép, dù cả hai đều có liên quan đến người và đồ vật. Tuy nhiên, trong sách Pontificale Romanum trước đây không có phân biệt gì nhiều giữa “cung hiến” và “thánh hiến” cũng như giữa “thánh hiến” và “làm phép” (trọng thể hay đơn giản). Việc “làm phép” một nhà thờ cũng được gọi một cách phổ biến là “cung hiến”, và có lẽ sự hiểu lầm này có nguồn gốc từ việc hiểu không đúng các thuật ngữ như đã nói trên.

Do đó, Sách Pontificale Romanum hiện nay nói đến các Nghi thức Truyền chức (thánh hiến) giám mục và Nghi thức Chúc phong (làm phép) viện phụ, làm phép đá góc và thánh hiến nhà thờ hoặc bàn thờ.

Trong sách Nghi thức Giám mục (Caeremoniale Episcoporum, editio typica 1984, Vatican Press) hiện nay không còn nói đến việc thánh hiến nhà thờ nữa, mà có phân biệt rõ giữa việc cung hiến và việc làm phép một nhà thờ. Những nghi thức khác cũng vậy. Hiện nay, các sách phụng vụ nói là “truyền chức giám mục”, chứ không nói là “thánh hiến giám mục” như những sách phụng vụ cũ. Nghi thức làm phép nhà thờ vẫn còn. Nếu vì lý do chính đáng một nhà thờ mới không thể được cung hiến thì ít nhất nhà thờ đó phải được làm phép trước khi sử dụng. Ngoài ra, các nhà nguyện tư, nguyện đường, hội trường hay nhà sinh hoạt trong giáo xứ, những nơi mà việc cử hành phụng vụ chỉ là tạm thời, những nơi ấy cần được làm phép hơn là cung hiến. Nghi thức làm phép này được thực hiện bởi giám mục giáo phận hoặc một linh mục được uỷ nhiệm đặc biệt. Vì vậy, chỉ các toà nhà được xây dựng để phục vụ vĩnh viễn cho việc phụng tự thì mới có thể được chính thức cung hiến.

Trong cả ba trường hợp (thánh hiến, cung hiến và làm phép), người hay đồ vật, từ một tình trạng chung, phàm tục, đến một tình trạng mới, và trở thành các đối tượng hoặc các dụng cụ được Thiên Chúa bảo vệ, người ta thường gọi đó là việc “thánh hoá” hay ‘làm phép” theo nghĩa rộng.

Cần phân biệt sự khác nhau giữa thánh hiến và làm phép có thể kể ra như sau:

– Trong nghi thức thánh hiến thì trang nghiêm và phức tạp hơn nghi thức làm phép.

– Thừa tác viên thông thường của nghi thức thánh hiến là một giám mục, trong khi thừa tác viên thông thường của nghi thức làm phép là một linh mục.

– Nghi thức thánh hiến sử dụng dầu thánh còn nghi thức làm phép sử dụng nước thánh.

– Việc thánh hiến nâng người hay vật lên một tình trạng mới có tính vĩnh viễn, và không bao giờ cử hành nghi lễ ấy nữa, còn việc làm phép thì không như vậy.

– Ân sủng đi liền với việc thánh hiến thì dồi dào hơn và hiệu quả hơn so với việc làm phép.

– Tội phạm đến người hay vật đã được thánh hiến thì gọi là phạm thánh, trong khi tội phạm đến người hay vật đã được làm phép thì không như vậy.

J.A. Hardon [5] giải thích: Lần thánh hoá đầu tiên là lúc ta được rửa tội; qua Phép Rửa ấy, Chúa Thánh Thần ban cho ta tình yêu của Thiên Chúa (x. Rm 5,5). Mọi người mới chịu Phép Rửa Tội đều là thánh, vì kể từ khi được rửa tội, Thiên chúa Ba Ngôi bắt đầu đến ngự trong lòng họ, khiến họ trở nên đẹp lòng Chúa. Lần thánh hoá thứ hai là một quá trình kéo dài suốt đời: Một người sống trong tình trạng ân sủng càng ngày càng được ơn Chúa và giống Chúa hơn nhờ luôn trung thành sống theo sự soi sáng của Chúa. Lần thánh hoá thứ ba là khi con người bước vào thiên đàng, hoàn toàn và mãi mãi kết hợp với Chúa trong khi hưởng phúc kiến.

2.2. Làm phép

Làm phép là một thuật từ có từ rất lâu đời trong Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, và có nhiều nghĩa khác nhau.

Trong quyển tự vị viết tay của Đức cha Bá Đa Lộc (1772) [6] và Từ điển Taberd (1838) [7], ta thấy đã có chữ: “濫法 = Làm phép = Dare benedictionem”, tức là “ban phép lành” (to give a blessing). Trong Tự Vị Latinh Annam (1868) [8] thi ghi: “Benedico, is, xi, ctum, dicere, a. n. Khen; làm phép lành, chúc lành; chúc khen”.

Theo Paulus Của [9] (1895), làm phép là “làm ra phép gì, làm cho ra hiệu nghiệm gì” (trang 532) hay “làm theo lễ phép, vái van, cầu khẩn, cho được việc gì” (trang 809). Còn Làm phép lành là “chúc lành” (trang 809).

Từ điển của Cha Gouin (1957), làm phép: Administrer un sacrement (cử hành một bí tích); bénir (chúc lành); donner l’absoute (ban phép giải tội: give the absolution). Làm phép lành: Bénir (chúc lành). [10]

3. Kết luận

Thuật từ thánh hoá và làm phép có thể dùng chung cho con người và đồ vật, vì có điểm giống nhau, có khi thay đổi nhau được. Ví dụ, Thánh lễ làm phép (= thánh hoá) dầu; Nghi thức làm phép (= thánh hoá) dầu; Đức Giám mục đã làm phép (= consecre, thánh hiến) dầu thánh. Nhưng cũng có khác biệt, thánh hoá là thánh hiến, có tính trang trọng hơn, làm phép lại có nghĩa là cử hành, như người ta có thể nói, linh mục làm phép rửa tội (= linh mục cử hành rửa tội), mà không nói linh mục thánh hoá rửa tội.

——————

[1] Xem thêm “Bài Giảng Chúa Nhật” của Tổng Giáo phận TP.HCM, số 05/2007.

[2] Không nên chỉ giải nghĩa thuộc về Thiên Chúa, làm như vậy thì thu hẹp ý nghĩa của chữ. Vì Tin Lành, Chính Thống và Hồi giáo không bao giờ gọi Đấng Tối Cao là Thiên Chúa. Xem thêm: “Bài Giảng Chúa Nhật” của Tổng Giáo phận TP.HCM, số 05/2006.

[3] Xem thêm: “Bài Giảng Chúa Nhật” của Tổng Giáo phận TP.HCM, số 06/2011.

[4] Sấm Truyền Mới ghi: “H. Ai đặng làm phép Thêm Sức? – T. Các hàng Giám Mục đặng làm mà thôi; H. Ai đặng làm phép Rửa Tội ? – T. Các hàng linh mục đặng làm mà thôi; song khi thế gấp, thì mọi người dầu mà kẻ ngoại làm theo ý Hội Thánh thì cũng đặng”.

[5] John A. Hardon, S.J., POCKET CATHOLIC DICTIONARY, Image Books, New York, 1985.

[6] Pierre J.B Pigneaux de Béhaine, VOCABULARIUM ANAMITICO-LATINUM (TỪ VỰNG AN NAM-LATIN thường gọi là TỰ VỊ VIỆT LA), Pondichéry, India, 1772, tr. 235.

[7] Jean-Baptiste Louis Taberd, DICTIONNARIUM ANAMITICO-LATINUM (NAM VIỆT DƯƠNG HIỆP TỰ VỊ 南越洋合字彙, thường gọi là TỪ ĐIỂN TABERD), Serampore, India, 1838, tr. 151-152.

[8] Julien Thiriet, DICTIONARIUM LATINO-ANNAMITICUM (TỰ VỊ LATINH ANNAM), 1868, tr. 36.

[9] Huình Tịnh Paulus Của, ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ, Rey, Curiol & Cie, Sài Gòn, 1895, NXB. Khai Trí, Sài Gòn, 1974.

[10] Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment