Thiên tính – thần tính

Trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 245:

–  Bản nguyên tác tiếng Pháp, 1983: L’Église reconnaît par là le Père comme “la source et l’origine de toute la divinité” [1].

–  Bản nguyên tác La ngữ, 1992: Ecclesia Patrem agnoscit tamquam “fontem et originem totius divinitatis”.

–  Bản dịch của Dòng Don Bosco, 1993: Giáo Hội thừa nhận Chúa Cha là “nguồn mạch và nguồn gốc vĩnh cửu của tất cả thần tính”.

–  Bản dịch của TGP. Sài Gòn, 1997: Hội Thánh nhìn nhận Chúa Cha là “nguồn gốc và khởi thuỷ của tất cả thiên tính”.

–  Bản dịch của HĐGMVN, 2010: Hội Thánh nhìn nhận Chúa Cha như “nguồn mạch và cội nguồn của tất cả thần tính”.

Như vậy, divinitas trong tiếng Latinh (Pháp: divinité; Anh: divinity) dịch sang tiếng Việt là thần tính hay thiên tính. Hai thuật từ Hán Việt này có gì khác biệt?

1. Nghĩa của các từ thiên, thần, tính

1.1. Thiên: có 21 chữ Hán: 千, 仟, 天, 靝, 篇, 偏, 遷, 拪, 迁, 扁, 阡, 韆, 搧, 芊, 扡, 犏, 羴, 羶, 膻, 釺 (钎). Ở đây là chữ天, nghĩa là: dt. (1) Ông Trời, đấng thiêng liêng tạo ra và ngự trị muôn loài: Bàn thiên, hoàng thiên, thiên bất dung gian, thiên hựu hạ dân (Ông trời phù hộ dân). Nghĩa rộng: (2) Bầu trời, nơi có màu xanh trên cao: Thiên không, hiệu thiên (trên cao). Nghĩa bóng: (3) Tự nhiên (do trời sinh): Thiên nhiên, thiên phú, thiên lý sử nhiên (lẽ trời khiến như vậy). (4) Ngày, thời tiết, mùa: kim thiên (hôm nay), tiết trong năm đông thiên lạnh lẽo, nhiệt thiên (trời nóng), xuân thiên (mùa xuân). (5) Cái gì không thể thiếu được: Thực vi dân thiên (ăn là thứ cần của dân). (6) Chỗ các thần linh ở: Thiên quốc. (7) Lương tâm: Thiên lương. (8) Đàn bà gọi chồng: Sở thiên. (9) Họ Thiên. tt. (10) Trên đỉnh: Thiên đài (sân thượng). (11) Từ tự nhiên: Thiên tai.

Nghĩa Nôm: Bửng đậy quan tài: Ván thiên.

1.2. Thần: có 10 chữ Hán: 晨, 神, 臣, 辰, 脣, 唇, 娠, 宸, 漘, 茞, chúng ta tìm hiểu chữ神, nghĩa là: dt. (1) Phần hồn một con người: thất thần, tâm thần, tinh thần, xuất thần. (2) Vẻ linh hoạt của đông vật hay vật: cặp mắt hết thần; nét chữ có thần. (3) Khả năng hiểu biết: Tâm lãnh thần hội (hiểu biết bằng tinh thần). (4) Hệ thống truyền cảm giác về óc: Thần kinh. (5) Hồn các quan trung kiên hay người có công với nước, được vua sắc phong cho lập đàn thờ cúng: Cúng thần, đình thần, phong thần. (6) Đấng huyền bí thiêng liêng có thể ban phước hay giáng hoạ cho người: thần bếp, thần gió, long thần, thổ thần, thần minh. (7) Chúa tể vũ trụ: Chí thượng thần (thần tối cao). (8) Họ Thần. tt. (9) Siêu phàm, linh diệu, hay ho: Thần cơ diệu toán (tính toán siêu phàm), thần dược, đũa thần, phép thần.

1.3. Tính: Có 5 chữ Hán姓, 性, 并, 併, 倂, trong trường hợp này là chữ性, cũng đọc là tánh, nghĩa là dt. (1) Bản năng, bản chất tự nhiên trời phú bẩm cho con người: Bổn tính, bẩm tính, tính thiện. (2) Đặc điểm riêng của sự vật: Dược tính, hoá tính, phẩm tính. (3) Mạng sống: Tính mệnh. (4) Giới, phân biệt đực cái: Giới tính, lưỡng tính, dương tính. (5) Tính dục: Tính hành vi (giao hợp). (6) Lối phản ứng: Sử tính tử (nổi giận). (7) Phật Giáo gọi nguyên do của vạn vật.

Nghĩa Nôm: Thói nết: Tính ăn chơi.

2. Nghĩa của chữ thiên tính và thần tính

2.1. Thần tính

Theo các từ điển ngoài Công giáo, thần tính chính là cái hồn của con người ta, linh hồn, tinh thần hay cũng được gọi là “thần hồn” (esprit), ví dụ: Thần hồn nát thần tính (tức là hoảng sợ, tự huyễn hoặc, mình lại gây cho mình nỗi sợ hãi, do non gan yếu bóng vía, không tự chủ được mình).

Theo nghĩa Công giáo, thần tính có nghĩa là bản tính của Thiên Chúa (divinité, nature divine), ví dụ: Ta không thể thấu đạt được thần tính.

2.2. Thiên tính

Theo các từ điển ngoài Công giáo, thiên tính là tính vốn có, tính tự nhiên do trời phú cho, “tính chất tự nhiên” (caractère naturel), ví dụ: Anh ấy có thiên tính hiền lành.

Theo nghĩa Công giáo, thiên tính có nghĩa là bản tính của Thiên Chúa, đồng nghĩa với “thần tính”.

2.3. Nhận xét

Trong tiếng Việt, thuật từ divinitas (trong Rm 1,20 và Cl 2,9) được dịch là “bản tính Đức Chúa Lời” (Cha Cố Chính Linh, 1916), “bổn tánh Đức Chúa Trời” (Phan Khôi, 1926). Mãi đến năm 1962 mới được cha Nhân (Gérard Gagnon, CSsR) dịch là “thiên tính” và sau đó cha Nguyễn Thế Thuấn dịch là “thần tính” (1976 ?). Các bản dịch Kinh Thánh sau này đều dùng từ “thần tính”. Thực ra, “thần tính” đã được Đức ông Trần Văn Hiến Minh – người đầu tiên khởi xướng việc giảng dạy các môn học thánh ở đại chủng viện bằng Việt ngữ – cùng với các Cha giáo sư Trường Thần học Bùi Chu dùng dịch thuật từ “divinité” từ năm 1952 [2] để bước đầu giảng dạy thần học bằng tiếng Việt trong các chủng viện miền Bắc thời đó, đồng thời ngài cũng đã phổ biến thuật từ này khi biên soạn các sách giáo khoa thần học (Thượng Đế học, Kitô học…). Trong Từ điển Danh từ Triết học (1966), Đức Ông phân biệt rõ 2 nghĩa tâm lý và tôn giáo riêng biệt của thuật từ thần tính này.

Có người cho rằng: “Chữ thiên riêng lẻ một chữ thì có nghĩa là chúa tể vạn vật, nhưng khi đứng chung với một chữ khác, làm thành một từ ghép thì không nhất thiết có nghĩa đó, nhiều khi chỉ có nghĩa là trời (thiên không) mà thôi. Như: thiên tử là con của trời, không nói về trời, mà nhấn mạnh ở tính chất của người con. Hay thiên tài là tài năng trời cho, nhấn mạnh ở tài năng. Thậm chí Thiên Chúa, chữ thiên cũng không có nghĩa là chúa tể. Thiên Chúa chỉ có nghĩa là Chúa ở trên trời mà thôi. Nên thiên tính hoàn toàn không có nghĩa là bản tính của Chúa, mà chỉ có nghĩa là bản tính trời phú cho, tính vốn có”.

Thực ra, như đã nói ở trên về nghĩa chữ thiên: Thiên trước hết chỉ về Ông Trời, Đấng Chủ Tể vạn vật, sau đó mới đến nghĩa rộng chỉ về bầu trời (thiên không, khoảng trời xanh) và nghĩa bóng chỉ về tự nhiên (naturel) [3], “do trời sanh ra” như thiên nhiên (la nature, tức trời đất vũ trụ bên ngoài con người), thiên phú (infus), thiên tài (talent)… Vì vậy, “thiên tính” có nghĩa rộng rãi trong toàn dân là tính vốn có, tính tự nhiên do trời phú cho. Trong đó, chữ thiên hiểu theo nghĩa bóng là “do trời sinh ra”. Còn “thiên tính” theo nghĩa “bản tính của Thiên Chúa” thì chữ thiên hiểu theo nghĩa hẹp là “Ông Trời”, và trong từ ghép thiên tính, chữ tính là chính và chữ thiên là phụ vậy.

Cũng thế, chữ thần cũng có tính chất như chữ thiên, khi ghép chung với một từ khác đôi khi cũng không có nghĩa là vị chúa tể vũ trụ, như thần đồng nghĩa là đứa trẻ có năng lực phi thường, hay thần kỳ nghĩa là việc rất thần bí. Thần học thì nghĩa là môn học về Thần (Thiên Chúa). Trong từ ghép thần tính, chữ tính là chính và chữ thần là phụ vậy.

3. Kết luận

Trong bản dịch Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo của Dòng Don Bosco (1993) và của TGP. Sài Gòn (1997) thì dùng cả 2 từ thần tính và thiên tính, còn bản dịch của HĐGMVN (2010) chỉ dùng từ thần tính mà thôi. Thực tế, hai thuật từ này đã được các tác giả Công giáo sử dụng rộng rãi với ý nghĩa chỉ về bản tính của Thiên Chúa, như chúng ta có thể thấy trong các sách về thần học tín lý.

Hai thuật từ thần tính và thiên tính được sử dụng với ý nghĩa tôn giáo như đã nêu ở trên rất là thích hợp, vì trong tiếng Việt, chúng ta thấy cũng có trường hợp tương tự như từ thần minh vừa có nghĩa là vị thần (nghĩa tôn giáo) vừa có nghĩa là tinh thần của con người (nghĩa tâm lý).

——————————

[1] Công đồng Tôlêđô VI – 638: DS 490.

[2] Ban Giáo sư Trường Thần học Bùi Chu, DANH TỪ THẦN HỌC VÀ TRIẾT HỌC, Tủ sách Liên Chủng Viện, Bùi Chu, 1952.

[3] Lê Văn Đức, TỪ ĐIỂN VIỆT NAM, NXB. Khai Trí, Sài Gòn, 1970, tr. 1563.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

Nguồn: emty

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment