Tôi – con

Trong cuộc hội nghị về vấn đề xã hội, người tham dự có cả lương giáo và cán bộ nhà nước, một vị giám mục lên phát biểu và tự xưng là “con” với cử toạ. Lần khác, một vị linh mục trẻ đến dâng lễ tại xứ tôi, trong thánh lễ có cả trẻ nhỏ và người lớn, khi giảng, cha cũng tự xưng là “con” với cộng đoàn. Nghe cách tự xưng như vậy, làm tôi suy nghĩ và thắc mắc. Vậy, khi nói chuyện với công chúng hay giảng trước cộng đoàn, những vị có chức thánh phải tự xưng thế nào.

1. Việc xưng hô trong một số nền văn hoá

1.1. Cách xưng hô của người Trung Quốc

Văn hoá Trung Hoa có 5.000 năm lịch sử, người ta gọi Trung Quốc là “Văn minh cổ quốc, lễ nghi chi bang” (Nước có văn minh lâu đời và lễ nghi). Cổ nhân thường nói: “Vi nhân tử, tiên học lễ” (Đạo làm con, trước tiên phải học lễ). Trong văn hoá Trung Quốc cổ đại, “lễ” và “nghi” là hai quan niệm khác nhau. “Lễ” là quan niệm về chế độ, quy tắc và ý thức xã hội; “Nghi” là hình thức thể hiện cụ thể căn cứ vào quy định và nội dung của lễ, để hình thành một nghi thức có hệ thống và hoàn chỉnh. Cách xưng hô của người Hoa phản ánh tông pháp (hệ thống gia tộc), tập tục, giai cấp, địa vị và danh vọng. Hệ thống xưng hô của người lớn, kẻ nhỏ, cấp trên, thuộc hạ đều khác biệt, ai cũng theo hệ thống đó chứ không thể xưng hô khác đi. Cách xưng hô cũng thể hiện tinh thần khiêm tốn và tôn trọng người khác: “xưng khiêm, hô tôn”, phải biết “tôn lão, kính hiền” (tôn trọng người lớn tuổi, kính trọng người có tài).

Trước năm 1919, những người Trung Quốc du học bên Tây, như: Hồ Thích, Trần Độc Tú, Lỗ Tấn, Tiền Huyền Đồng, phát động Phong trào Văn hoá, chủ trương “phản truyền thống, phản Nho giáo, phản cổ văn”. Ngày 4-5-1919, phong trào Tân Văn hoá được phát động, loại bỏ tất cả tập tục cũ. Ngày 18-8-1966, Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách mạng Văn hoá, chủ trương loại trừ tất cả “tử tưởng cũ, văn hoá cũ, phong tục cũ, tập quán cũ”, đốt bài vị tổ tiên, sách cổ, phá từ đường tông miếu, triệt để phá hoại văn hoá Trung Hoa.

Bây giờ, người Hoa mất hết cách xưng hô tốt đẹp xưa, toàn theo phương Tây. Thậm chí cũng không có tôn xưng Thiên Chúa như người Việt mà gọi thẳng tên Chúa, thay vì gọi Chúa Giêsu hay Đức Kitô, người Hoa thường gọi thẳng Giêsu hay Kitô mà thôi.

1.2. Cách xưng hô của người Việt

Người Việt chịu ảnh hưởng Trung Quốc nhiều, nhưng may mắn không xảy ra cách mạng văn hoá, nên còn giữ lại được cách xưng hô theo truyền thống tốt đẹp. Tiếng Việt cũng rất phong phú về từ xưng hô. Vì quá phong phú, đối với người nước ngoài học tiếng Việt lại trở thành khó khăn, bởi phải hiểu rõ về tôn ti trật tự. Cách xưng hô tiếng Việt chủ yếu là gia đình hoá xã hội, tức là lấy quan hệ gia tộc làm gốc. Nên đòi hỏi chúng ta phải biết vận dụng một cách hợp lý về quan hệ giữa hai bên đối thoại.

Ở phạm vi gia đình hay gia tộc có cách xưng hô riêng, ngoài xã hội thì có cách xưng hô khác biệt. Trong xã hội Việt Nam, người ta tôn trọng người có địa vị như: quan chức cán bộ, các bậc “thầy”: thầy tu (chức sắc tôn giáo), thầy cô giáo (giáo chức), thầy thuốc (bác sĩ, lang y)… đều được kính trọng hơn, bất kể về mặt tuổi tác. Đó là do chịu ảnh hưởng nền lễ giáo của Khổng Tử, nên người Việt vẫn giữ được cung cách lịch sự và tế nhị. Theo Thạc Sĩ Phạm Thành Vinh, quy tắc giao tiếp xưng hô nên chú ý năm điểm[1]:

a. Xưng hô ngoài xã hội phải tuân thủ nguyên tắc “xưng khiêm, hô tôn”.
b. Tuổi tác là tiêu chí quan trọng nhất.
c. Quyền lực xã hội cần được đề cao.
d. Gia đình hoá xã hội để thân mật hoá.
e. Xưng hô trong gia đình khác biệt với xưng hô ngoài xã hội.

Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi chỉ muốn nhìn lại một vài trường hợp trong cách xưng hô của người giáo dân và các vị có chức thánh, cách riêng về tiếng tôi và con.

2. Nghĩa của chữ tôi và con

2.1. Nghĩa của “tôi”

2.1.1. Chữ Hán, tôi: 淬, 焠 (đt.) Trui rèn, Dùng nước lạnh và lửa luyện kim loại ra cứng

2.1.1. “Tôi” là tiếng Nôm, có nhiều chữ Nôm với nhiều nghĩa, khác nghĩa cũng viết khác: 碎 (đdt.) (1) Khiêm từ, người đang nói tự xưng mình. (dt.) (2) Nghĩa giữa vua và quần thần: Vua tôi. (3) Người thấp kém: Tôi tớ; Tôi đòi; Bầy tôi. 焠 (đt.) (4) Pha đá vôi đã nung vào nước: Tôi vôi. (5) Nhúng lẹ sắt nóng vào nước lạnh để sắt thêm cứng: Tôi dao. (6) Rèn luyện tính tình: Tôi luyện ý chí. 晬 (dt.) (7) Con nít lên một tuổi: Mừng tuổi tôi. (8) Tôi thép. (9) Tôi đòi, phận tôi.

2.2. Nghĩa của “con”

Con cũng là tiếng Nôm, có hai chữ Nôm: (1) Trẻ do cha mẹ sinh thành: Con cái. (2) Vật còn nhỏ: Chó con; Gà con. (3) Tiếng gọi đàn bà với ý khinh bỉ: Con kia đã bán cho ta. (4) Thuỷ triều dâng cao: Con nước; Trông vời con nước mênh mông. (5) Tên Đức Hoá Công: Mặc xem Con Tạo xoay vần ra sao. (tt.) (6) Nhỏ: cỏn con. (7) Quán từ thường hay gặp; nhất là để gọi đàn bà trẻ: Con nhỏ; Con ở; Con sen; Con chó; Rồi còn nói con ngươi ở Con mắt; Con cờ; Con số; Con sông; Con dao; Con đường;… tuy không thuộc danh từ mang ý nghĩa có sự sống.

3. Cách xưng hô của giáo dân

Theo văn hoá Việt Nam, trong gia đình, tuỳ mối liên hệ huyết thống với người nghe mà người nói phải sử dụng một trong những cách xưng hô khác nhau: Xưng cháu, con, em, anh, chị, ba, má, chú, bác, cậu, mợ,… với ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, con, cháu… Khi đứng trước số đông trong nhà, muốn nói với người (có vai vế) nhỏ, thì phải xin phép những người (có vai vế) lớn trước, rồi mới xưng hô theo như liên hệ với người (có vai vế) nhỏ. Còn ngược lại (muốn nói với người lớn) thì không cần phải xin phép (người nhỏ). Còn muốn nói chung với cả nhà, thì phải xưng như xưng với người lớn nhất trong nhà. Ví dụ: “Thưa ba má, các anh chị và các con… Hôm nay, con muốn cả nhà chúng ta…”.

Ngoài xã hội, khi phát biểu công khai trước một tập thể rộng rãi, người nói thường xưng là tôi hoặc chúng tôi. Nhưng với một tập thể có tính hạn hẹp hơn, người ta có khuynh hướng “gia đình hoá xã hội để thân mật hoá”. Ví dụ: Một học sinh phát biểu trước ban giám hiệu, các thầy cô và các bạn đồng môn: “Kính thưa ban giám hiệu, kính thưa quý thầy cô, thưa các bạn… Em xin thay mặt cho…”.

Trong nhà Đạo cũng vậy, khi nói với các linh mục và toàn thể cộng đoàn, người giáo dân có thể xưng tôi hay con: “Kính thưa quý cha, thưa anh chị em,… Con xin đại diện…”. Khi muốn nói riêng với cộng đoàn, thì có thể xưng tôi (hay con, nếu người nói là thiếu nhi).

4. Cách xưng hô của giáo sĩ

4.1. Đối với các giáo sĩ, khi cử hành phụng vụ bí tích, với tư cách là giám mục, linh mục hay phó tế, họ không lên tiếng với tư cách cá nhân mình, mà là với tư cách của Chúa Kitô và nhân danh Hội Thánh (in nomine ecclesiae), họ phải triệt để thi hành đúng theo luật chữ đỏ (rubric) đã quy định để hợp nhất (unity) và hợp thông (communion) trọn vẹn với Giáo Hội khi cử hành phụng vụ thánh, nên không thể tự xưng là con được, cho dù tiếng Việt theo truyền thông “xưng khiêm hô tôn”, nhưng trong trường hợp này không những không phải là “khiêm”, mà còn không tự nhiên nữa.

Một linh mục trẻ hỏi tôi, lúc ngồi toà giải tội, không nhìn thấy người xưng tội, không biết tuổi tác, không biết nam hay nữ, khi khuyên họ thì phải xưng hô thế nào. Tôi trả lời, xưng tôi và gọi người đó là con, vì trong toà giải tội cũng như khi cử hành các bí tích, linh mục hành động nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) để hoàn tất mầu nhiệm thương xót qua việc ban ơn tha thứ, trong tư cách Anh cả của gia đình nhân loại (Rm 8,29), Thượng tế đầy lân tuất tín trung và trắc ẩn (Dt 2,17), Mục tử lắng lo tìm con chiên lạc (Lc 15,4-6), Lương y chữa bệnh an ủi (Lc 5,31), Thầy dạy chân lý và chỉ đường (Mt 22,16), Quan toà xét xử theo sự thật chứ không theo dáng vẻ bên ngoài (Ga 8,16); linh mục được đồng hoá với chính Đức Kitô để có thể nói rằng: “Cha tha tội cho con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”; “Này là Mình Thầy…; Này là Máu Thầy…”.

4.2. Tuy nhiên, khi giảng dạy hay ngỏ lời công khai với cộng đồng dân Chúa có sự hiện diện của các giáo sĩ ngang hàng hay cao cấp hơn, để tỏ lòng kính trọng chức thánh nơi các giáo sĩ, ngài có thể xưng “con” khi nói riêng với các vị này[2]. Và xưng hô “tôi – quý vị” với mọi người lương giáo, “tôi – anh chị em hay ông bà anh chị em…” với cộng đoàn giáo dân, hoặc “cha – các con” với giới trẻ hay thiếu nhi khi giảng dạy họ.

Các linh mục coi giáo dân là anh chị em trong Chúa Kitô và luôn hành xử như vậy khi giảng dạy cũng như khi tiếp xúc với giáo dân, dù linh mục ý thức rõ vai trò “người cha thiêng liêng” của mình qua việc thi hành thừa tác vụ tư tế trong Giáo Hội.

Thực tế, có một số linh mục lớn tuổi đã tự xưng “cha” khi nói chuyện với những người trẻ đáng tuổi con cháu mình, còn đại đa số các linh mục đều dùng chữ “tôi” hay “chúng tôi” khi nói chuyện với giáo dân dù được người đối diện gọi mình là cha. Cũng có nhiều linh mục trẻ đã xưng “con” hoặc “cháu” khi nói chuyện với những người lớn tuổi hơn mình. Điều này chứng tỏ linh mục không tự mãn khi được gọi là cha, và hơn thế nữa, còn chứng tỏ mình biết cư xử phù hợp với tinh thần văn hoá Việt Nam.

Một linh mục trẻ khác, trên toà giảng thản nhiên xưng hô “cha-con” trước cộng đoàn không ít vị cao niên già lão, không lưu ý đến thái độ phản ứng của giáo dân sau thánh lễ, thật đáng buồn!

4.3. Còn khi tiếp xúc riêng, phải hết sức cẩn thận, phải lưu ý tuổi và phái tính của người đối thoại. Xưng hô thế nào vừa thân thiện, lịch sự, vừa tránh sự đàm tiếu hoặc phiền trách của giáo dân. Ví dụ: Linh mục 28 tuổi mà xưng với cụ già 80 là “tôi-anh” thì không lịch sự chút nào. Nhất là gặp cô gái trẻ đẹp mà xưng “anh- em” thì lại càng nguy hiểm.

4.4. Ở chỗ riêng tư thân mật (giữa các thân nhân trong gia đình linh tông, huyết tộc hay thầy trò, bạn bè, đồng môn…) các giáo sĩ có thể xưng hô như khi còn ở trong gia đình hay nhà trường; hoặc xưng “tôi” như một người đã trưởng thành thì cũng không có vấn đề gì.

Có trường hợp một vị giám mục – Đức cố Giám mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ – xưng “mày-tao” với linh mục, chủng sinh một cách chân tình và bình dị, vì ngài coi những người cộng tác với mình, con cái trong gia đình giáo phận mình như bạn bè thân thiết mà vẫn không làm mất đi lòng kính trọng của những người xung quanh ngài. Quả là trường hợp “vi phạm chuẩn mực” độc đáo khiến chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu: “Thầy không gọi các con là người tôi tớ, nhưng gọi các con là bạn hữu thân tình, vì các con đã biết chia sẻ công việc của Thầy”.

5. Thiên chức linh mục: Alter Christus?

Có người đã thắc mắc: Nếu Chúa Giêsu xuống thế làm người Việt Nam thì Ngài sẽ dùng cách xưng hô như thế nào với mọi người? Khi nào Ngài sẽ xưng Con, khi nào xưng Ta, Tao, Tôi hay Thầy… Tôi cũng không biết, nhưng tôi chắc chắn rằng Chúa Giêsu không bao giờ thiếu lịch sự tối thiểu của một vị Thiên Chúa làm người. Vì Ngài là gương mẫu cho mọi người chúng ta. Vậy thì, linh mục là những “Đức Kitô khác” (alter Christus) cũng đừng xao nhãng những vấn đề nhân bản này: “Không ai chấp nhận một linh mục ăn nói ngang tàng, càng không ai chấp nhận một linh mục không có lịch sự với mọi người, và không lễ phép với cha mẹ hay những người lớn tuổi. Giáo dân có thể chấp nhận một linh mục học lực bình thường, hoặc một linh mục nhà quê nhưng khiêm tốn đạo hạnh và biết kính nhường mọi người, nhưng chắc chắn là họ không chấp nhận một linh mục dù thông thái uyên bác, mà không khiêm tốn và đạo hạnh quá kém. Xã hội có quá nhiều gương xấu và đạo đức đang tuột dốc, cho nên họ coi những linh mục là những con người đáng để cho họ noi theo, bởi vì các ngài là những con người mà đạo hạnh trổi vượt giữa thế gian hơn mọi người.” (Lm. Giuse Maria Nguyễn Nhân Tài, CSJB, Công dung ngôn hạnh của linh mục Chúa Kitô).

Khi nói về thiên chức linh mục, giáo lý cũng như thần học thường quá nhấn mạnh đến khía cạnh Kitô học mà lại lãng quên khía cạnh Thánh Linh học của bí tích này. Cha Yves Congar cho rằng: Chức linh mục tự thân không phải là một “quyền lực” (pouvoir), nhưng trên hết đó là một “đặc sủng” (charisma) của Chúa Thánh Thần, được ban tặng để phục vụ lợi ích cộng đoàn Giáo Hội[3]. “Theo Tân Ước, chức vụ này là quyền bính khiêm tốn và huynh đệ để phục vụ, nhưng chỉ vì một sự lạm dụng và vì quá trình lịch sử có thể giải thích được, có thể thông cảm và có thể chuyển hồi, quyền bính này đã mặc những chiếc áo “vương đế” hay được sử dụng những dạng thức “phong kiến” và theo những y phục của vua chúa”[4]. Thật vậy, nếu quá nhấn mạnh chức linh mục như một quyền bính thì có nguy cơ dẫn linh mục tới thái độ “giáo sĩ trị, gia trưởng hay cha chú” trong Giáo Hội.

Cần phải nhìn chức linh mục là một ơn đoàn sủng của Chúa Thánh Thần để dẫn tới thái độ khiêm tốn và phục vụ theo tinh thần của Chúa Kitô: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,25-28).

Kết luận

Tuy cách xưng hô trong tiếng Việt có truyền thông “xưng khiêm, hô tôn”, nhưng phải biết vận dụng một cách hợp tình, đúng nơi, đúng lúc, nếu không, chẳng những không tỏ ra khiêm nhường, mà còn gây ra bối rối không cần thiết.

Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

——————

[1] Từ Xưng hô trong Dịch thuật, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng.
[2] Xem bài phát biểu của Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ trong ngày chuyển giao sứ vụ trên http://giaophanphucuong.org/giao-phan/duc-giam-muc/tam-tinh-cua-duc-cha-phero-trong-ngay-chuyen-giao-su-vu.html
[3] Cf. Yves Congar, OP : “Titres et honneur dans l’Église” trong cuốn Pour un Église servant et pauvre, Cerf, Paris 1973.
[4] I-P. Jossua, Yves Congar profile di una teologia, Queriniana, Brescia 1970, 132.

* Nếu không hiển thị chữ Nôm trong bài, xin bấm vào đây để xem hoặc tải file PDF

Để hiển thị chữ Hán Nôm

Máy tính không hiển thị văn bản chữ Hán Nôm (chỉ hiển thị các dấu hình chữ nhật) là do máy tính chưa có đủ font để đọc được chữ Hán Nôm. Có rất nhiều cách cài đặt để máy tính hiển thị chữ Hán Nôm. Xin chỉ dẫn một cách đơn giản, chỉ mất vài phút: Cài đặt font chữ ARIAL UNICODE MS.

Tải font chữ Arial Unicode MS tại đây.

Sau khi file được tải xong, giải nén file.

Copy Arial Unicode MS.ttf (đã được giải nén) dán vào thư mục C:\WINDOWS\Fonts

Vậy là xong!

 

Nguồn: emty

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment