Tuẫn Đạo – Tử vì Đạo – Tử Đạo

Martyr (danh từ gốc Hy Lạp: μαρτυς; sau này: μαρτυρ), có nghĩa là chứng nhân, người làm chứng. Từ này được dùng để chỉ những người bị giết hại vì đức tin hay vì luân lý Kitô Giáo.

  1. Một số cách dịch

Trong tiếng Việt, thường dịch là “kẻ chết vì đạo, kẻ chết vì nghĩa, kẻ chịu đoạ đày, liệt sĩ” hoặc “người chịu chết vì đạo, đấng tử vì đạo, đấng tử đạo…”.

Trong nhà đạo thường dịch là “tử đạo”, như các Thánh Tử đạo Việt Nam.

Dịch như vậy, về mặt ngôn ngữ thấy có vấn đề về ngữ pháp. Thử trưng ra vài nghĩa có liên quan đến chữ “tử”:

– tử chiến: chiến đấu cho đến chết,

– tử hình: hình phạt chết,

– tử thi: thây người chết,

– tử thương: bị thương đến phải chết,

– tử tù: bị xử tội chết nhưng còn giam trong tù,

– tử trận: chết trên chiến trường.

Tử có nhiều ý nghĩa trong tiếng Việt, nhưng liên quan đến martyr thì chỉ có nghĩa là “chết, không hoạt động”.

Vậy tử đạo có phải là đạo chết không? Các từ điển phần lớn chỉ có thuật từ tử vì đạo, không có thuật từ tử đạo, ngoại trừ cuốn Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức.

  1. Tuẫn đạo

Chúng ta có thể tìm được một từ khác trong từ điển cho chữ martyr, đó là “tuẫn đạo” hay “tuận đạo”.

Tuẫn có những nghĩa: “liều chết vì một việc gì; chôn người sống theo người chết”. Ví dụ: tuẫn danh (chết vì danh), tuẫn đạo (chết vì đạo), tuẫn lợi (chết vì tiền), tuẫn tiết (chết vì tiết nghĩa), tuẫn táng (chôn người sống theo người chết), v.v…

Trong tiếng Hán, chữ tuẫn thuộc thể loại hình thinh và hội ý:

– theo phiên thiết (hình thinh), thì殉(tuẫn) là辭(từ) + 潤(nhuận), đọc là: t + uận = tuận, nhưng quen đọc là tuẫn.

– theo ý tưởng (hội ý), thì殉(tuẫn) gồm có bộ歹(đãi) (đúng âm phải gọi là bộ ngạt) và chữ旬(tuần). Bộ歹(đãi) có nghĩa là xương tàn, thi thể, chết; là xấu. Và chữ旬(tuần) xưa đồng nghĩa với chữ均(quân), nghĩa là đều, chôn chung thì người sống kẻ chết đều phải chết, nên殉(tuẫn) lấy âm旬(tuần).

Một diễn giải khác cho rằng chữ旬(tuần) là giản thể của chữ徇(tuần), nghĩa là khuất tùng, buộc phải theo, chịu khuất theo; người bị chôn theo, luôn có nỗi khổ tâm là không thể không khuất tùng theo người chết này, nên lấy âm旬(tuần).

Tóm lại: tuẫn hay tuận có nghĩa là: (1) Đem người sống chôn theo người chết; (2) Theo; (3) Mưu cầu; (4) Xả thân mà làm; (5) Liều chết vì một việc gì; (6) Thông với “tuần”, đi vòng quanh quan sát.

Tìm thêm vài cuốn tự điển có giá trị về ngôn ngữ học:

1). VIỆT NGỮ CHÁNH TẢ TỰ VỊ (Lê Ngọc Trụ, 1971).

Tuẫn còn đọc tuận:

– Liều chết vì một việc gì.

– Chôn người sống theo người chết.

2). HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN (Thiều Chửu, 1993)

– Chết theo, dùng người chôn theo người chết.

– Theo.

3). TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT (Nhà In Sách Thương Vụ, Trung Quốc, 1994).

– Hy sinh có mục đích.

– Chôn theo người chết.

4). VIỆT NAM TỰ ĐIỂN (Lê Văn Đức, 1970).

– Tuẫn: Còn gọi là tuận, theo, tuỳ theo, vì với, chôn người sống theo người chết.

– Tuẫn đạo: Chết vì đạo, vì đường lối vạch sẵn, vì chính nghĩa.

5). ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT (Nguyễn Như Ý, 1999).

– Hy sinh.

– Tuẫn đạo: chết vì đạo.

6). TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT (Phan Văn Các chủ biên, Viện Ngôn Ngữ Học, 2002).

– Chôn theo người chết.

– Hy sinh.

3. Nhận xét:

Dịch chữ martyr là tử vì đạo hay tử đạo, và hiểu là chết vì đạo, xem ra có gút mắc, vì chữ tử có nghĩa là “chết”, còn chữ “vì” thì ở đâu ra?

Dịch chữ martyr là tuẫn đạo, nghĩa là chết vì đạo, vì “tuẫn” là “chết vì” xem ra sát nghĩa, dễ hiểu, nếu như ta đã hiểu rõ nghĩa của chữ tuẫn (như đã phân tích ở trên).

Kết luận

Như thế, chúng ta có sẵn từ tuẫn đạo để dịch chữ martyr, tại sao lại dùng từ “tử đạo”, xét về mặt ngữ pháp trong Hán Việt thì không đúng. Thiết nghĩ, các nhà chuyên môn về ngữ pháp Hán Việt có thể giải thích thấu đáo vấn đề này hơn?


Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

Chia sẻ Bài này:

Related posts