Vì nước Mỹ là một quốc gia mới được thành lập bởi những di dân từ khắp nơi trên thế giới tới, nên ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), lễ của di dân mang một tính chất trang trọng, nó gợi lại cho tất cả mọi di dân một tâm trạng hết sức đặc biệt, một phần nhớ lại nguồn gốc tổ tiên của mình, một phần nhớ lại sự khó khăn của những ngày đầu tiên trên mãnh đất mới này và nhớ lại những ân sũng đã được Thượng Đế đã ban cho từ trước tới nay. Lễ Tạ Ơn không phải là ngày lễ riêng biệt của một tôn giáo nào, nó cũng không có tính chất chính trị để tưởng niệm một cá nhân, một biến cố lịch sử của dân tộc nào, vì những lý do đó chúng ta nên tìm hiểu sự tích của ngày lễ này chung cho tất cả mọi di dân.
Ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đã được cử hành vào tháng chạp năm 1621 khi nhóm di dân Pilgrims từ con tàu Mayflower. Sau khi đặt chân lên vùng đất thuộc tiểu bang Massachusett đã xây dựng thành công cộng đồng Plymouth của họ. Sau một năm tranh đấu gian khổ với thiên nhiên, sau khi hơn nửa dân số đã chết vì bệnh tật và đói khát, họ đã tồn tại một phần là nhờ sự giúp đở của thổ dân da đỏ cung cấp lương thực và dạy họ trồng bắp và săn thú rừng. Các di dân đó đã làm lễ Tạ Ơn Thượng Đế đã ban cho họ một mùa gặt hái thành công khiến họ và con cái họ có thể tồn tại được trên vùng đất mới này, và từ đó sinh sôi nẩy nở phát triển cho đến ngày nay.
Lễ Tạ Ơn đã được cử hành trên khắp nước Mỹ, nhưng mỗi nơi cử hành theo phong tục tập quán riêng biệt của các dân tộc đem theo từ cựu lục địa Âu, Á không vào một ngày nào nhất định, và hình thức cũng khác nhau tuỳ theo dân tộc tính của mỗi nơi. Nhưng khi các di dân Mỹ bắt đầu phát động cuộc chiến cách mạng để giải phóng dân tộc khỏi sự đô hộ của đế quốc Anh thì tính chất đặc thù dân tộc của ngày lễ Tạ Ơn bắt đầu được xác định. Tướng Washington sau khi thoát khỏi cuộc bao vây ở Valley Forts đã ban hành luật dựng nên ngày lễ Tạ Ơn Thượng Đế đã cứu thoát quân giải phóng vào ngày 26 tháng 11 năm 1789. Mục đích là để tạo nên tinh thần đoàn kết giữa tất cả những di dân chống lại ngoại xâm. Đến năm 1830 khi tình hình chia rẽ dân tộc bắt đầu khơi mào thì các tiểu bang miền Bắc tuyên cáo thành lập ngày lễ Tạ Ơn để giử vững nền móng Quốc Gia và sau đó bà Sarah Hale là người có công đi cổ động trên khắp nước Mỹ để có được một ngày lễ Tạ Ơn đồng nhất cho tất cả các tiểu bang. Đến khi cuộc chiến Nam Bắc nước Mỹ đang ở vào thời kỳ ác liệt nhất, các tiểu bang miền Nam đòi ly khai thì tổng thống Lincoln nhận thấy rằng cần phải tìm ra một phương thức nào đó để xây dựng sự đoàn kết dân tộc, và ông đã nhận ra được tầm mức quan trọng của ngày lễ Tạ Ơn, ngày tưởng niệm các di dân. Ông muốn nhắc đến công ơn của các di dân đầu tiên đã xây dựng nên nước Mỹ. Để cố hoà giải sự chia rẽ Bắc Nam thời đó, ông tuyên bố chọn ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 năm 1863 làm ngày lễ Tạ Ơn. Đến năm 1941 thì Quốc Hội Mỹ đang trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, đã biểu quyết ngày lễ Tạ Ơn là ngày quốc lễ của toàn thể liên bang. Mỗi khi vận mệnh đất nước bị lâm nguy là người dân Mỹ cảm thấy cần đến ngày lễ Tạ Ơn hơn lúc nào hết, để tưởng nhớ đến sự hy sinh, những khó khăn mà tiền nhân đã trải qua và cùng nhau sát cánh để đối đầu với những khó khăn hiện tại.
Sau bao nhiêu thay đổi, ngày lễ Tạ Ơn ngày nay đã trở thành một ngày lễ được người Mỹ tôn trọng nhiều nhất, bất kể tôn giáo, nguồn gốc dân tộc. Người Mỹ thường hội họp gia đình vào ngày lễ Tạ Ơn sau khi đi lễ ở nhà thờ thì họ họp nhau lại ăn một bửa cơm trưa rất lớn gồm có gà tây, mứt, cranberries, bánh bí đao, bắp và nhiều loại rau trái. Những món này là những món ăn thuần tuý của vùng New England, cái nôi văn hoá của nước Mỹ.
Mặc dù đã trải qua hơn 200 năm với một nước Mỹ luôn luôn thay đổi, nhưng những món ăn này vẫn không hề thay đổi. Vì ngày lễ này nhằm ngày thứ Năm nên một số học sinh, sinh viên, công tư chức được nghỉ luôn cho đến ngày Chủ nhật, do đó các buổi tiệc được kéo dài thêm vài ngày nữa. Đến cuối tuần thì họ rủ nhau đi coi môn thể thao được ưa chuộng nhất của người Mỹ là môn foot ball (banh bầu dục).
Tuy rằng nguồn gốc của ngày lễ Tạ Ơn xuất phát từ một hoàn cảnh đặc biệt hiểm nghèo của nhóm di dân đầu tiên đã sống sót trên lục địa mới này. Ngày lễ này thực ra đã có nguồn gốc rất xa xưa bắt nguồn từ những nền văn minh nông nghiệp cổ kính trên khắp thế giới. Tất cả các dân tộc sống bằng nghề nông đều có một ngày lễ đặc biệt để tạ ơn Trời Đất đã ban cho họ một mùa gặt hái thành công, giúp họ không bị đói kém. Các di dân Pilgrims đã làm lễ tạ ơn Thượng Đế dựa theo lễ La Mass gọi là lễ dâng bánh ở bên nước Anh, khi người nông dân đem miếng bánh đầu tiên làm bằng lúa của mùa gặt mới dâng lên Thượng Đế vào ngày mồng một tháng 8 hàng năm. Các dân tộc khác thì cũng có những lễ tạ ơn Thượng Đế tuỳ theo tôn giáo của họ. Nói chung là tất cả các di dân hầu hết trên thế giới đều có một hình thức riêng biệt để tạ ơn Thượng Đế sau mỗi mùa gặt.
Người Việt là nhóm di dân sau cùng đến nước Mỹ, người Việt không giống những giống di dân khác tìm đường sang Mỹ châu phần lớn là vì lý do kinh tế. Nhưng các di dân người Việt lại rất giống các di dân Pilgrims ở chỗ ra đi để đi tìm tự do về văn hoá và tư tưởng. Các di dân người Việt chưa quen thuộc với các tục lệ của người Mỹ, trong đó có ngày lễ Tạ Ơn do đó thường nghĩ rằng ngày lễ này có tính chất tôn giáo hoặc là một ngày lễ riêng của dân Mỹ không quan hệ gì tới mình. Nhưng nếu hiểu được ý nghĩa cao quý của ngày lễ đặc biệt này. Lễ của tất cả các di dân thì có lẽ các di dân người Việt cũng có thể hồi tưởng lại những khó khăn lúc ban đầu khi mới tới nước Mỹ. Tưởng nhớ lại những ân tình của những người bạn tốt không hề quen biết, những cơ quan thiện nguyện đã giúp đỡ mình xây dựng lại cuộc đời.
Chương trình phát thanh sóng ngắn Việt Ngữ của đài VOA