Mỗi khi bàn về hội nhập văn hóa , người ta hay có quan niệm cho rằng Đạo Công giáo là đạo du nhập từ phương Tây , mang dáng vẻ phương Tây và vì thế nên không thích ứng được với văn hóa Á châu.
Có thượng tọa, ngài Rahula một học giả Phật giáo tiếng tăm còn ngỏ ý “ Tiếc thay Kitô giáo Á châu lại đến với chúng ta bằng con đường phương Tây và dưới lớp áo phương Tây” ( xem Tb CGDT số 956 – 957 ) Ở Việt Nam chúng ta cũng như các nước châu Á khác , đúng là Đạo Công giáo đã được “ du nhập bằng con đường phương Tây” có nghĩa những vị truyền đạo đều là người Pháp hoặc Tây Ban Nha . Đồng thời với những hình thức khác bên ngòai chẳng hạn như các kiểu kiến trúc nhà thờ với tháp chuông cao vút với các lễ nghi kinh sách kể cả y phục tu sĩ nam nữ đều rập khuôn đúng với Tòa Thánh La Mã thì quả nhiên Đạo CG khóac áo phương Tây thật. Tuy nhiên có phải vì được du nhập từ bên ngòai và vì những hình thức khác biệt đó mà sau hơn ba trăm năm tồn tại, Đạo CG lại phải đưa lên bàn mổ để người ta cắt gọt sao cho nó có thể thích ứng với các nền văn hóa tại lục địa Á châu này chăng ?
Trước khi xem xét Đạo CG có cần thích ứng như thế hay không, thiết nghĩ rất cần phải có một định nghĩa chính xác về văn hóa để rồi từ nơi định nghĩa đó mà xác định có hay không cái gọi là văn hóa Á châu nói riêng và các nền văn hóa nói chung. Vậy văn hóa là gì ? Văn ở đây tức là văn vẻ là đẹp, còn Hóa là làm cho trở thành . Văn hóa nói chung là cái hành vi làm cho cuộc sống của con người được trở nên tốt, nên đẹp. Mặc dầu văn hóa được định nghĩa vắn gọn như thế nhưng thực sự vấn đề không hề đơn giản mà có thể nói là hết sức phức tạp. Sự phức tạp chính là ở chỗ người ta không thể đồng ý được với nhau chung quanh khái niệm về cái đẹp. Duy vật không thể đồng ý với duy tâm và ngược lại. Đẹp có phải chăng đồng nghĩa với hạnh phúc, với trí thức, nghệ thuật hay cao cả hoặc bao gồm tất cả những thứ đó ? Với tất cả những thứ vừa nêu, lại có không biết bao nhiêu là quan niệm khác nhau nữa về hạnh phúc về nghệ thuật…
Chính bởi không có một quan điểm nhất trí nào về cái đẹp như thế mà đã nảy sinh các quan niệm khác biệt nhau về văn hóa. Một khi ngay từ trong quan niệm , người ta đã không thể đồng ý được với nhau; vậy thử hỏi làm sao mà có thể có những nền văn hóa hiện hữu như những thực thể , nghĩa là một cái gì đó bao hàm trong tính nhất thống cả trong không gian lẫn thời gian ? Cái được gọi là “ nền văn hóa Á châu” hay bất kỳ “ nền văn hóa” nào khác cũng thế, trong thực chất chỉ là tổng thể gồm bởi các lọai học thuật khác nhau, các lọai tôn giáo khác nhau và nếu kể cả những hệ tư tưởng, những lý thuyết xã hội chính trị khác nhau nữa thì không một ai có thể hình dung ra cái “ nền văn hóa” đó hình dạng mặt mũi ra sao, tròn méo thế nào? Mặt khác ngay nơi tự thân của mỗi “ nền văn hóa” đó nó cũng luôn biến động và được hình thành trong từng ngày từng tháng cùng với các thế hệ người tiếp nối . Cùng một con người có thể lúc này chịu ảnh hưởng của thứ văn hóa này , lúc khác lại khác v.v… Không thể “ hình dung” bất cứ một “ nền văn hóa” nào bởi như thế tức đã đóng khung thực tại làm cho nó chỉ còn là một thứ khái niệm chết cứng. Bởi đó , mọi nỗ lực để cho Đạo CG có thể thích ứng được với “ các nền văn hóa” chỉ là hàm hồ, ảo tưởng vô ích. Nguyên do là vì vấn đề đã đặt sai ngay từ căn bản = làm sao và có cần chi lại phải tìm cách thích ứng với cái chỉ có trong quan niệm ?
Khi nói không có “ nền văn hóa” Á châu, điều ấy cũng đúng cho các châu lục khác, nghĩa là khi người ta gộp chung tất cả các lọai văn hóa dị biệt lại trong một cái gọi là “ Nền” thì cái “nền” đó chỉ là một khái quát hóa không hề dính dáng chi với thực tại . Chẳng hạn như có người nói dân tộc Anh Cát Lợi là dân tộc sành điệu trong việc uống trà… thì chữ “ dân tộc” trong trường hợp này nó chỉ là một khái niệm xuông chẳng hề dính dáng chi với thực tại, bởi lẽ còn có rất nhiều người ở Nước Anh cả đời không biết và cũng chẳng thích uống trà. Bởi lầm chấp khái niệm làm thực tại thế nên mới cho rằng có một nền văn hóa Á châu khác biệt với nền văn hóa Tây phương . Đang khi đó thì chỉ có một thực tại văn hóa duy nhất cho con người bất kể họ ở phương trời nào.
Như trên đã phân tích hai chữ văn hóa, ta thấy cần phải hiểu đó là một thứ hành vi trở thành do việc hòan thiện bản thân mà có. Việc trở thành này ắt hẳn phải là việc thực hiện của mỗi cá nhân , không ai có thể làm thay cho ai được. Do vậy mà nói không có “ nền văn hóa” nói chung mà chỉ có những con người sống văn hóa. Phải chăng chính quan niệm văn hóa là một cái chi đó chỉ được hình thành do bởi mỗi cá nhân thế nên tiếng Pháp gọi là culture có nghĩa là canh tác, trồng trọt ( cultiver ) ? Ai canh tác, ai trồng trọt, đồng thời canh tác trồng trọt cái chi ? Nhất định đó phải là những con người cụ thể , những công việc cụ thể chứ không thể nói bâyng quơ chung chung mà gọi là văn hóa được.
Một khi đã hiểu văn hóa là một thứ hành vi để trở nên tốt, nên đẹp của mỗi cá nhân thì cái việc người ta phê phán Đạo CG là đạo du nhập từ phương Tây và vì thế không thể thích ứng được với văn hóa Á châu đã trở thành vô nghĩa. Vì sao ? Bởi đối với người Âu châu hay người Á châu hoặc ở bất cứ châu lục nào khác dù hình thức áo quần ngôn ngữ có khác biệt nhau đến thế nào thì hết thảy họ cũng đều là những con người , mà hễ đã là người thì cũng đều phải sống có văn hóa nếu muốn được gọi là người. Trong việc sống có văn hóa , nghĩa l à trở nên tốt nên đẹp thì đâu có còn phân biệt người Tây, Tàu, Ấn Độ, Việt Nam … gì nữa ?
Về quan điểm văn hóa đương nhiên phải là lãnh vực thực hành của mỗi cá nhân , ta hãy lắng nghe nhận định của đgm Francisco Claver phát biểu tại viện Mục vụ Đông Á của dòng Tên tại Quizon City ( Manilla ) ngày 6/7/1998 như sau =” Nếu hội nhập văn hóa là hòa nhập đức tin với văn hóa thì hội nhập phải là công việc của quần chúng chứ không phải là của những chuyên gia phụng vụ nghi lễ..của các nhà thần học, các giám mục, các nhà giáo luật” ( Tb CGDT số 1170 ) Quan điểm của đức cha Claver về hội nhập cho ta thấy nó rất khác biệt với chủ trương hội nhập văn hóa Á châu hiện thời . Theo ngài thì hội nhập chỉ có thể là hòa nhập đức tin với văn hóa, còn chủ trương hội nhập là hội nhập giữa một bên là Đạo CG và bên kia là nền văn hóa khác. Thực hiện công việc hòa nhập đức tin với văn hóa tức có nghĩa là làm sao để cho đức tin có thể thâm nhập và triển nở trong cuộc sống . Còn chủ trương hội nhập văn hóa Á châu đó là một thứ lý thuyết nhằm diễn tả đức tin sao cho phù hợp với truyền thống của một nền văn hóa khác biệt. Để có thể thực hiện việc …diễn tả này, người ta đang ra sức cổ võ cho cái gọi là …Thần học Á châu hoặc mang tính chất cục bộ hơn gọi là “ Thần học Việt Nam” Với thứ ..thần học này thì đó đúng là công việc của những chuyên gia phụng vụ nghi lễ của những nhà thần học …bởi lẽ chỉ có họ mới đủ chuyên môn và cả thẩm quyền để ….diễn tả còn tất cả các thành phần Dân Chúa khác đều không can dự.
Một khi việc hội nhập văn hóa mà mục đích của nó chỉ là để “ diễn tả” như thế thì chẳng bao giờ nó có thể đi vào cuộc sống thực tế của con người , nếu không muốn nói rằng chính cái sự diễn tả ấy chẳng diễn tả được gì ngòai ra sự hoang mang ngờ vực trong đại bộ phận giáo dân. Thay đổi một số ngôn từ , một số ngày lễ, tháng các linh hồn thay vì tháng 11 lại đổi là rằm tháng bảy Vu lan, vị chủ tế thay áo lễ Roma bằng áo dài khăn đống , thay tháp nhà thờ cao vút bằng mái đền cong cong…Thử hỏi tất cả những việc ấy nào có can hệ chi tới việc Sống Đạo mà nguời CG chúng ta phải minh chứng đức tin của mình giữa lòng cuộc sống ? Phải làm cách sao để minh chứng được đức tin của mình giữa lòng cuộc sống , đó mới đích thực là hội nhập văn hóa , là sống văn hóa giữa đời . Nói cách rõ rệt hơn thì người CG sống có văn hóa là người có thể sống minh chứng đức tin của mình bằng những mối quan hệ chằng chịt nào là cha mẹ, anh em chồng vợ, con cái bạn bè, hàng xóm láng giềng cơ quan, trường học , chợ búa v.v…
Đến đây một vấn đề quan trọng cần phải được đặt ra đó là người CG cần phải minh chứng đức tin của mình giữa đời nhưng đó là đức tin nào ? Chẳng nói thì ai cũng biết đức tin của chúng ta chứa đựng đầy đủ trong một Kinh gọi là Kinh Nghĩa Đức Tin ( Sách kinh đp BC – TB )Có thể nói đây là bản tóm lược tất cả những điều phải tin , những việc phải giữ rất cần yếu cho việc rỗi linh hồn tức là hưởng hạnh phúc thanh nhàn đời đời. Biết bao điều cần phải tin để được rỗi linh hồn , thế nhưng có một điều phải tin , tuy rằng nó không trọng yếu và khó tin nhất theo cách nghĩ truyền thống xưa nay trong giáo hội là tin vào tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng theo tôi nó lại mang tính căn bản đó là “ Tin kẻ lành lên Thiên Đàng còn kẻ dữ sa Hỏa Ngục chịu phạt vô cùng”. Sở dĩ cho tín điều “ Tin kẻ lành lên Thiên Đàng ,kẻ dữ sa Hỏa ngục” là căn bản bởi lẽ nếu ta lấy việc rỗi lin h hồn làm cứu cánh thì tin có Chúa Ba Ngôi hay không hãy cứ để đấy, có thể…hậu xét cũng được chứ còn việc tin có Thiên Đàng có Hỏa ngục chắc chắn phải khẩn thiết. Vì sao ? Vì chưng không tin có Thiên đàng có Hỏa ngục thì không thể ái mộ Nước Thiên đàng đồng thời hãi sợ Hỏa ngục mà đã không ái mộ, không hãi sợ thì chẳng thể nào có thể làm lành lánh dữ.
Do nơi lòng tin vào Thiên Đàng vào Hỏa ngục mà con người siêng năng làm việc lành tránh việc dữ. Làm việc lành , đấy chính là sống có văn hóa bởi như trên đã định nghĩa văn hóa là làm cho mình trở nên tốt đẹp mà tốt đẹp nhất không chi bằng đó là nên Thánh. Người Công giáo trải qua bao thế hệ đã rất mực tin vào tín điều làm lành lánh dữ và quả thực đời sống của họ xét trên nhiều khía cạnh , đó là đời sống đẹp đẽ nhất mà nhân lọai có thể có được.
Vào lúc trời còn tinh mơ , các tín hữu đã tề tựu nơi Thánh đường tham dự Thánh Lễ. Việc làm này ý nghĩa cũng như công dụng thật vô cùng lớn lao không thể kể xiết. Bằng những lời cầu nguyện cho kẻ sống , người chết, cho hàng giáo phẩm cho đức Thánh cha, cho đức cha địa phận cho hàng giáo sĩ những người coi sóc phần linh hồn mình , cho tòan nhân lọai. Người CG trong những phút giây giao thời linh thiêng của một ngày như thế , họ đã mở rộng tâm hồn đến với tòan thể sinh linh vạn vật. Được hát những bản Thánh ca, được nghe Tin Mừng của Chúa khiến cho tâm hồn họ được nâng lên thanh thóat, nhất là được rước Thánh Thể để cho sức sống Thần linh của Chúa thâm nhập vào tâm hồn mình , cải tạo và bồi bổ cho nó. Thử hỏi có thứ văn hóa nào của con người có thể sánh kịp ?
Trong ngày người CG cũng làm ăn sinh nhai vất vả lo toan như bao người , nhưng khác ở chỗ họ đã được lựa chọn để sống ơn gọi làm Tông đồ nghĩa là sống như là men là muối , là ánh sáng cho đời ( Mt 5,13 – 16) Thử hỏi có nếp sống nào có văn hóa hơn của những con người theo đưổi lý tưởng hiến thân phục vụ ?
Rồi kết thúc một ngày làm việc, đêm về họ lại quây quần bên nhau trong gia đình để đọc kinh cầu nguyện , cảm tạ ơn Chúa đã ban cho một ngày qua an lành. Thật không có nếp sống gia đình văn hóa nào mà lại có văn hóa cho bằng cảnh gia đình ông bà cha mẹ con cái cháu chắt quây quần xum họp trước bàn thờ Chúa để cầu nguyện. Gia đình là hạt nhân của xã hội, gia đình nào mà cũng để dành dù chỉ mười phút thôi mỗi đêm để cầu nguyện thì tôi tin thế giới này lập tức sẽ biến thành Thiên Đàng. Mặc dầu vậy , thế giới vẫn chẳng phải Thiên Đàng , nơi đây vẫn là chốn khách đầy với biết bao truân chuyên khốn khổ và nỗ lực sống đạo của người CG tất cả vẫn được đặt trọn vẹn hy vọng ở đời sau chứ chẳng phải đời này “ Nếu chúng ta chỉ có hy vọng trong Đức Kitô ở đời sống này mà thôi thì trong cả mọi người chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết” 1C 15, 19.
Người Công giáo sống là sống cho niềm hy vọng đời sau, nhưng nếu không có đời sau thì họ quả là những kẻ đáng thương. Tại sao ? Bởi vì dường như chúng ta phải….thiệt thòi nhiều quá ? Người đánh đập sỉ nhục , Chúa lại dạy ta “Đừng chống cự kẻ ác, trái lại hễ ai vả má bên phải các ngươi , hãy chìa má kia cho họ luôn. Ai muốn kiện ngươi để lấy áo treong hãy để cho họ lấy luôn áo ngòai…Mt 5, 38 – 42 ) Đạo Chúa vẫn tồn tại và sở dĩ có được sự tồn tại ấy lả bởi trước kia, bây giờ và mai sau vẫn còn có nhiều, rất nhiều những con người tin và thực hành những điều khó tin , khó làm ấy dù có phải hy sinh đến cả mạng sống. Thánh tử đạo Vénard ( 1830 – 1861 ) là một trong vô số chứng nhân như thế, dù bị tra khảo , giết chết nhưng vẫn đem lòng yêu thương người không chút óan giận. Đang khi bị nhốt cũi chờ ngày ra pháp trường, ngài đã viết thư cho em trai cũng là linh mục còn đang ở tại quê nhà những lời lẽ đầy ắp chân tình “ Em Eusèbe quý mến ơi, anh đã yêu và còn yêu dân Annam bằng một Tình Yêu nồng nàn. Nếu TC cho anh sống lâu năm thì thiết tưởng anh sẽ tận hiến trót cả đời anh, xác và hồn để xây dựng giáo hội Đàng Ngòai . Nếu như sức khỏe của anh yếu như cây sậy không cho phép anh làm những việc lớn thì ít ra anh để hết tấm lòng vào công việc. Cứ mưu sự tại nhân , thành sự tại thiên , sống chết tại Trời. Đối với chúng ta nếu Người cho ta sống thì hãy sống vì Người , nếu Người đòi ta chết thì hãy chết vì Người” ( Nguồn Vietcatholic News – 13 Mar 2010 )
Đối với những con người đã yêu thương đến cùng để chúng ta có được Đạo Thánh Chúa như ngày hôm nay, đó thật là một hồng ân cao cả, làm sao ta lại có thể nói cái tiếng “ tiếc thay” vô ơn như vậy được ?
Phùng văn Hóa