Trong thơ văn và âm nhạc Việt Nam có vùng địa danh mà tên nghe dễ thương và lại có nét tôn giáo là 4 chữ trong bản nhạc “Tha La Xóm Đạo” của nhạc sĩ Dzũng Chinh. Phải nói là nhiều người đã nghe qua địa danh này, nhưng chi tiết tại sao có tên lạ tai như vậy, mà họ có thể không biết nhiều về Tha La. Tôi được anh bạn đồng hương Tây Ninh Nguyễn Thành Đởm gởi cho bài tài liệu vô cùng công phu do anh Lâm Thanh thu thập tài liệu mà anh biên soạn lại thành bài viết mang tên “Tha La Xóm Đạo” đăng trong tập san Tây Ninh Mến Yêu bên Úc châu, kèm theo tài liệu của giáo sư Lê Tấn Tài và bài thơ “Tha La” của thi sĩ Vũ Anh Khanh, cùng bài thơ của anh Lâm Thanh là “Tha La ngày trở lại”. Cho nên dựa theo tài liệu của quý báu của người Tây Ninh như anh Lâm Thanh, Lê Tấn Tài, Trần Anh Dũng, Hà Đình Huy, cũng như chị nhà thơ Nhược Trần Ngọc Huệ, một người dành cho Tha La cảm tình nồng nàn, dù chị không là người Tây Ninh. Vì vậy tôi xin gởi bài viết về lại đất Tha La như ký ức cũ một lần đặt chân đến, cũng như bao lần ghé qua Trảng Bàng, một vùng đất dễ thương trong tiềm thức cũ.
Tại sao là “Tha La Xóm Đạo ?”:
Tên Tha La phát nguyên do chữ của người Thủy Chân Lạp hay Khmer là “Schla”, được người Việt đọc trại thành “Tha La”, nó là vùng đất xưa nơi người Chân Lạp định cư, trước khi sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Vì là tên của người Khmer nên nó có âm thanh lạ tai của ngoại ngữ khi chúng ta dùng mà không mang nghĩa Việt ngữ nào hết. Nhưng nếu phải dịch từ ngữ “Schla” thí nó có nghĩa là trạm, trại, nhà lồng, nhà mát. Vùng Tha La ngày xưa là rừng rậm hoang vu, đã được quan quân và con dân chúa Nguyễn đến khai phá và định cư từ hơn 200 năm trước. Đất Tây Ninh cũng có nhiều chỗ cùng mang tên Tha La. Tại nhiều tỉnh khác như Châu Đốc, Trà Vinh, có đồng bào Khmer ở, cũng có nhiều địa danh Tha La nhưng nó không nổi tiếng như Tha La Xóm Đạo của Trảng Bàng để rồi địa danh này được đưa luôn vào văn học và âm nhạc Việt Nam. Tha La theo dấu chân của Trảng Bàng khi thì vì Trảng Bàng thuộc tỉnh Tây Ninh, nên có dạo thời Pháp thuộc nó bị sáp nhập vào Gia Định, rồi lại được tách riêng theo Tây Ninh thời đệ nhất VNCH, rồi Trảng Bàng lại bị chia cắt vào đất tỉnh mới là Hậu Nghĩa thời đệ nhị CH, rồi chính quyền CS lại sát nhập Tha La và Trảng Bàng vào tỉnh Tây Ninh. Điều hiển nhiên mà nhiều người Tây Ninh hay Gò Dầu, Trảng Bàng cứ xem Tha La thuộc địa phận Tây Ninh vì sự gắn bó lịch sử từ nguyên thủy.
Đường về Tha La:
Đường đi đến Tha La không khó mà thật dễ đi. Ta cứ lấy Quốc Lộ 1 từ Sài Gòn theo hướng tây bắc mà chạy thẳng về Gò Dầu hay về Tây Ninh. Con đuờng này đưa bạn về Trảng Bàng nơi có địa danh Tha La Xóm Đạo. Nên biết đoạn đường Trảng Bàng và Sài Gòn cách nhau khoảng 30 miles hay 50 cây số mà thôi. Từ Trảng Bàng mon men về hướng tây thêm 3.5 miles hay 6 cây sô thì chúng ta vào đất Tha La, nơi có xóm đạo hiền hòa, nơi có nhiều trái ngọt cây lành. Người Tha La hay người Trảng Bàng không thể nào không biết những món ăn địa phương tại đây là món bánh canh giò heo hay bánh tráng cuốn thịt heo. Mỗi khi tôi về Gò Dầu mà xe đò khi ngừng tại chợ Gia Huỳnh, nằm bên phải quốc lộ khi dừng chân tại nơi đây cho hàng khách ăn trưa, ở tuổi vừa lớn tôi đớp 2 tô bánh canh cho đỡ cơn đói và không quên lót dạ thêm một dĩa thịt và giò heo luộc cuốn bánh tráng, mẹ tôi thường nói đùa là ăn hàng kiểu đó chỉ có nước ế vợ mà thôi, nhưng những ngày khôn lớn khi biết làm dáng ghé Trảng Bàng tôi ăn bánh canh trong ngại ngùng, vì sợ lỡ có mấy cô nữ sinh áo dài trắng của đất Tha La hay của quận Trảng Bàng thấy được sẽ bảo tôi rằng “nam thực như hổ” thì mất hết duyên con trai của tôi… và tôi sẽ buồn tình lắm huhu… Sau khi ăn no nê muốn theo dấu chân của mấy cô nữ sinh áo dài trắng vào thẳng địa danh này. Thì bạn hãy rẽ trái vô con đường đất đỏ dẫn vô xã An Hoà, cứ đi thẳng miết sẽ gặp nhà thờ Tha La, và chắc chắn bạn sẽ không bị lạc đâu, theo lời anh Hà Đình Huy, bạn tôi dặn vậy. Tôi đã đến thăm gia đình anh Sơn một lần vào năm 1971 được uống nước mưa mà có 2 cô nữ sinh áo dài trắng, em anh Sơn là Thu Nga, Thu Cúc đã lâu rồi, tôi quên lối vào Tha La, nên khi viết bài phải dọ hỏi lại những người bạn đồng hương Tây Ninh, Trảng Bàng, thì cái nhớ lại hiện về trong tôi.
Tây Ninh Quê Tôi có nhiều vùng đất mang tên của thảo mộc, cây cối như Trãng Bàng, Trãng Dài, Trảng Sụp, Trãng Lớn, Gò Dầu Thượng, Gò Dầu Hạ, Gò Chai, Giồng Riềng, Giồng Ổi v.v. nói lên ý nghĩa của cây cối, của vị thế đất, chỗ cao, chỗ thấp, chổ trũng. Tha La tuy nhỏ về diện tích, nhưng cũng mang ít nhiều đặc tính đó. Toàn không gian hay khunh cảnh là một bức tranh thật linh động, đẹp đẽ và mát rượi tâm hồn, mát vô cùng tận của những vùng đất thiên nhiên phì nhiêu, nào là đất gò nhô lên, đất đỏ, dất sét, đất trắng, đất ruộng hay đất vườn. Tùy theo vị thế đất, cư dân ở đây trồng đủ các thứ rau quả, cây trái như một nét tham lam của thiên nhiên. Bước vào đầu ngỏ ta thấy nhiều nhất là tre, trúc và tầm vong. Với thân thon, cành dịu, lá mỏng dài nằm dọc hai bên đường, ngọn giao chụm vào nhau thành một cái vòm như cái hang mát rượi, chạy dài cả cây số. Đi trong bóng râm xanh um ấy, gió thổi hiu hiu làm lao xao kẻo kẹt cành cây hay đánh rơi những chiếc lá vàng khô, tung tăng theo những giọt nắng mang màu huyền ảo. Hỏi rằng bạn có thích không chứ? Dọc theo hai bên đường, sau hàng rào tre là những ngôi nhà đủ loại không đồng bộ tùy theo tình trạng kinh tế của gia chủ, như nhà của anh Sơn mà tôi quen, nhà anh có mái lợp tranh, vách đất, trước nhà có cái lu nước đựng nước mưa, anh dùng gáo dừa khô múc nước mời tôi uống mà có mấy con lăng quăng nhảy tango trong màu nước trong trẽo, chúng tung tăng bơi lội, tôi rùng mình lưỡng lự, anh Sơn nói cá lia thia nhỏ xíu không sợ lăng quăng chẳng lẽ tôi có thân hình bồ tượng như vậy mà e ngại vài con lăng quăng, loài vi sinh vật này đang ve vẩy đuôi kia sao. Bên cạnh là hai cô em Thu Nga và Thu Cúc cười khúc khích vì cái sợ sệt của tôi. Hai cô gái Tha La khiến tôi nhắm mắt làm luôn ngay 5 con lăng quăng vô bụng. Láng giềng nhà anh thì có nhà lợp mái tôn hoặc mái ngói, trước mỗi nhà là cây cối xanh um, phần lớn là cây ăn trái và cho bóng mát. Nhà anh Sơn phía trước trồng hai cây xoài, một cây xoài tượng và một xoài thanh ca, nhiều vú sữa, cây ly-ô-ma, măng cụt, sa-pô-chê, nhà có con chó mực, phía sau nhà có hàng dừa, bưởi, mận, tầm ruột, đu đủ và mãng cầu xiêm mà ba anh trồng kiểu sưu tầm. Sau nhà nuôi một bầy heo cho lợi tức. Đó là một gia đình tiêu biểu của miền quê mà tôi quen. Họ sống an phận, hiền lành và tử tế.
Ai về Tha La Xóm Đạo ?:
Tha La là một địa danh đẹp về thắng cảnh thiên nhiên và đẹp vì tình người trong tiềm thức của tôi.. Thật vậy, tên Tha La chỉ cho ta ý nghĩa tượng hình ra một họ đạo tại đất Tha La này. Chính vì mật độ dân cư không nhiều chỉ vào khoảng 3,000 người trước năm 1975, người ta không tìm thấy Tha La trong bản đồ địa lý hay hành chánh. Đây là xóm đạo thuộc Xã An Hoà được tổ chức khá ngăn nắp và qui củ, nhà cửa khang trang, quây quần chung quanh ngôi thánh đường. Trải qua bao thăng trầm của chiến tranh tàn phá, nhà thờ đã được trùng tu lại. Cho tới năm1967 thì việc sửa sang được hoàn tất. Chánh toà nằm giữa với tường gạch bao quanh, với sân rộng lót đá, với trường học và nhiều cơ sở phụ thuộc. Ngôi Chánh toà đồ sộ có phần nguy nga, hai mái ngói xoải dài xuống thấp có sức chứa chừng 400 con người ngoan đạo trong các buổi hành lễ. Tượng Đức Mẹ trước mặt, và có một hang đá khổng lồ nằm bên hông, tháp chuông không cao nhưng có kiến trúc lạ mắt như cái lồng chim. Toàn bộ khu nhà thờ, nhìn chung, với lối kiến trúc đơn giản, không mang nặng nét cổ điển của Tây phương, nhưng lại được bao bọc xung quanh bằng những tàn cây cổ thụ cao to cho bóng mát, mang vẻ u hoài, thanh tịnh như một ngôi chuà cổ của một miền quê.
Xã An Hòa, thuộc quận Trãng Bàng, có 8 ấp, dân số 12,000, nhìn trên bản đồ thấy hình dạng bầu dục, nằm dọc theo rạch Trãng Bàng mà đầu nhọn là ấp An Thới vươn ra tận Vàm Trãng bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Đây là vùng đất phì nhiêu, trù phú do phù sa sông bồi nên có lẽ từ lâu lắm rồi.. Ngoài đồng ruộng, nương rẩy ra, khung cảnh còn thấy có những lò gạch nung đất sét, rồi trại mộc trại cưa, hay những nhà máy xay lúa. Ngành thủ công thịnh hành nhất là nghề đan lát các sản phẩm gia dụng bằng tre, trúc hay nứa. Ấp An Phú được xem là giàu có là nơi có chợ chính của xã, quán xá sung túc, nơi tọa lạc trụ sở xã và có trường trung học địa phương công lập. Trong xã có 3 ngôi chùa, và ngôi chùa cổ hay lâu đời nhất là chùa tại ấp An Phú. Phần lớn dân trong những xã này nói chung theo đạo Phật hay đạo gia tiên thờ cúng ông bà. Nhưng nổi tiếng và gây ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là xóm đạo Tha La mà chúng ta đang bàn. Xóm đạo nằm trong địa phận hai ấp An Hội 1 và An Hội 2. Hơn ba ngàn giáo dân ở đây là người cố cựu đã định cư lâu đời, chỉ có 4 gia đình người thuộc gốc Bắc di cư 54. Như một tập tục từ lâu, ngày lễ Giáng Sinh cũng như các ngày lễ Thánh lớn, đều là ngày hội chung của đồng bào trong xã. Vào đêm Giáng sinh thì cả mấy ngàn người kéo nhau đi dạo mừng lễ đông đảo, nườm nượp ngoài đường. Thật đông người khiến xe cộ đi qua không lọt, và chỉ toàn người đi bộ hành. Do vậy nhiều khi không phải chỉ dân trong xã không mà thôi, nhưng lại có có nhiều người ngoại đạo từ chợ Trãng Bàng, chợ Gò Dầu và các xã chung quanh về đây xem lễ. Quả là ngày lễ hội vui chung của dân toàn vùng Hiếu Thiện (hay Gò Dầu) – Trãng Bàng kéo nhau tập trung về đây.
Diễn trình xây dựng Tha La Xóm Đạo:
Theo sách Tây Ninh Xưa và Nay của tác giả Huỳnh Minh, xuất bản năm 1972 và tái ấn bản tại Úc năm 1992 thì vào cuối thời Minh Mạng, khoảng 1840, có một nhóm giáo dân độ vài chục gia đình được cha Cosimo Trí dìu dắt, chạy nạn tới khu rừng Tha La, khai quang lập ấp xây dựng cuộc sống, đồng thời cố gắng bảo tồn gốc đạo và niềm tin. Để tránh sự theo dõi và phát giác của viên chức triều Nguyễn đang ở thời kỳ e ngại đạo ngoại lai khiến bị theo dõi, những buổi lễ thường phải lưu động. Một tàn cây cổ thụ, một mái lá đơn sơ, hoặc túp liều tranh ủ dột cũng mang đủ ý nghĩa và mang tính chất của cái nhà thờ. Nhiều lúc phải làm lễ ban đêm. Khắp vùng xã An Hoà xưa hầu như đều có dấu chân của con Chúa. Cha chủ chiên Cosimo Trí đã thấp một ngọn nến giữa rừng âm u, vừa khai hoang lập ấp vừa ẩn náu, vừa mưu sinh, vừa khai sáng nguồn suối tâm linh tươi mát cho các con chiên, để nó trôi chảy cho đến ngày hôm nay. Nếu triều đình có lệ phong thần cho những vị có công khai làng mở mang bờ cõi thì chính cha Trí cũng là vị rất xứng đáng được phong Thánh Hoàng bổn cảnh của dân chúng An Hoà.
Sau năm 1863, khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Nam Nam kỳ thì hoàn cảnh thuận tiện hơn. Việc truyền đạo Chúa được nhà cầm quyền Pháp khuyến khích và giúp đỡ. Giáo dân gom tụ lại Tha La đông hơn và họ đạo Tha La được chính thức thành lập, trực thuộc Toà Thánh La Mã. Nhà thờ có nơi cố định, đầu tiên được xây cất, với vật liệu đơn sơ. Từ điểm nầy, các vị cha tiếp nối đi đến các địa phương khác để truyền đạo và lập thêm xứ đạo mới. Ngày nay ở Tây Ninh, đạo Công Giáo vẫn phát triển song hành với các tôn giáo khác. Đi đâu cũng thấy nhà thờ, ngay cả vùng thánh địa Cao Đài cũng có.
Vì nhờ sự cho phép của người Pháp họ đạo Tha La phát triển ngày càng mạnh mẽ và vững vàng. Vào đầu thế kỷ 20 nhà thờ được xây cất qui mô hơn. Tuy vậy người Công Giáo Tha La không quay lưng lại với dân tộc. Chúng ta không đủ tài liệu để biết Tha La có tham gia phong trào Cần Vương và Văn Thân chống Pháp hay không, nhưng chắc chắn vào mùa Thu năm 1945, thanh niên Tha La, nhất là thành phần trí thức đã tích cực tham gia phong trào kháng chiến ở đất Nam Kỳ. Và chính thời điểm nầy, nhà thơ Vũ Anh Khanh cũng gia nhập đi theo phong trào kháng chiến, ông đã làm bài thơ để đời, trong đó có những câu cho thấy rằng người Tha La đã đặt tình yêu quê hương tổ quốc lên trên hết:
“Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng
Ngày hiu quạnh. ờ…Ơ…Hơ… Tiếng hát,
Buồn như gió lượn, lạnh dài đôi khúc nhạc.
Tiếng hát rằng:
Tha La hận quốc thù,
Tha La buồn tiếng kiếm.
Não nùng chưa! Tha La nguyện hy sinh…”
Pháp là ân nhân của nền đạo, nhưng lại là kẻ thù của dân tộc. Dù phải chọn lựa khó khăn, thanh niên Tha La đã dứt khoát ra đi kháng chiến, bỏ lại ngôi nhà thờ hoang vắng. Tha La đã trở thành một trong những địa bàn của Đoàn Thanh Niên Tiền Phong. Đặc biệt, không phải chỉ có dân thường mà cả những vị tu sĩ cũng tạm xếp áo dòng để vô bưng, ví dụ trường hợp của linh mục Nguyễn Bá Kính ra đi năm 1946.
Sau năm 1954, Tha La hồi sinh, được tái thiết, mỡ mang nhanh chóng. Nhưng chỉ được ít năm sau thì trận giặc khác nổi lên. Đó là cuộc nội chiến nam bắc phân tranh mà nguyên nhân là ngọn lửa căm thù đấu tranh giai cấp theo chủ thuyết Công Sản, chủ trương giải phóng nguời dân trong xã hội bị cùm kẹp, hy sinh cho một thế giới đại đồng vô sản của Marx-Lê (sic), người CS vốn chủ trương đấu tranh sắt máu, cổ xúy vô thần, vô tín ngưỡng, vô nhân tâm giết oan hơn tha lầm, và chiến tranh đã ảnh hưởng đến sinh hoạt êm đềm của Tha La. Đoạn trích thơ “Tha La” của Vũ Anh Khanh nghe sao não nề trong tâm hồn tôi:
“- Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh
Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh
…”
Hay như ý thơ của Lâm Thanh, nghe trong bài “Tha La ngày trở lại” cho thấy hậu quả của chiến tranh tràn vào sinh hoạt Tha La, nghe trong buồn tênh:
“Ngày quê hương súng nổ
Ta vật vã yêu thương,
Rẽ đôi đường sông núi
Nước vận trở về nguồn.
Ngày quê hương nhuộm đỏ
Anh tức tưởi ra đi,
Em ở cùng giặc dữ,
Nghe tim vỡ biệt ly.
Anh chim trời gẩy cánh
Hằn bao vết thương lòng
Vẫn miệt mài viễn xứ
Mộ phần biết có không!…”
Cũng như bao địa phương khác trên đất nước Việt Nam thân yêu khi giặc tràn vào thôn xóm, Tha La đã đứng lên tự vệ cho chính mình một cách oai hùng, Tha La của sự kiên cường, của niềm tự hào bất khuất. Lần nầy thì người dân đất Tha La rời bỏ hàng ngũ những người bạn kháng chiến cũ để trở về với người quốc gia, với lập trường dân tộc. Họ yêu Chúa, yêu nước, yêu bờ ruộng nương, yêu con sông rạch, yêu xóm làng, một cách cụ thể hơn là họ không yêu chủ thuyết vô gia đình, vô tín ngưỡng của Xã Hội Chủ Nghỉa. Tha La giữ vững niềm tin, giữ vững lập trường với quê hương dân tộc theo dòng lịch sử đã qua. Sau đây chúng ta hãy xét Tha La qua lãnh vực thi ca và âm nhạc hay một truyền thống lâu đời của đất Tây Ninh.
Tha La qua thi ca:
Như đã trích đoạn thơ ở phần trên, bài thơ “Tha La” của tác giả Vũ Anh Khanh, dài 93 câu, được in trong phần mở đầu của cuốn truyện dài có tên ” Nửa Bồ Xương Khô”, dày hơn 500 trang cũng của chính ông, ghi lại một số hình ảnh hào hùng khi tác giả đi kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954). Sách xuất bản khoảng đầu thập niên 50. Bài thơ nầy đã được anh Lê Tấn Tài sưu tầm và đăng trong Tây Ninh Mến Yên, đặc san năm Mậu Dần 1998, trang 41. Rồi anh Duy Văn Hà Đình Huy chủ trương tờ Đời Mói tại bắc Cali, cũng là người Tây Ninh rành rẽ về Tha La đã email cho tôi. Người bạn khác là nhà văn Trần Anh Dũng ở Minneapolis, là người đồng hương Gò Dầu Hạ đã in dấu chân tại đất Trảng Bàng và Tha La lắm lần cũng cho tôi bài thơ này. Sáng nay nhà văn Hoàng Ngọc Liên cũng gởi tôi bài tùy bút về Tha La của nhà thơ Nhược Trần Ngọc Huệ tại Raleigh, North Carolina bàn về bài thơ bất hủ này. Có lẽ nói không ngoa trong văn học khi nói về đất Tha La, ta không thể bỏ quên bài thơ lịch sử của người Tha La Vũ Anh Khanh. Hồn thơ của ông ấp ủ những tình tự về Tha La, những nỗi lòng của Tha La và những dòng văn chương do chính người Tha La ghi tạc vào bia đá vă n học Việt Nam. Nào, ta hãy lắng nghe tâm tình của Vũ Anh Khanh:
“- Đây Tha La xóm đạo,
Có trái ngọt, cây lành.
Tôi về thăm một dạo,
Giữa mùa nắng vàng hanh,
Ngậm ngùi, Tha La bảo:
– Đây rừng xanh, rừng xanh,
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh,
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.Viễn khách ơi! Hãy dừng chân cho hỏi
Nắng hạ vàng ngàn hoa gạo rưng rưngĐây Tha La, một xóm đạo ven rừng.
Có trái ngọt, cây lành im bóng lá,
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
Về chi đây! Khách hỡi! Có ai chờ?
Ai đưa đón?– Xin thưa, tôi lạc bước!
Không là duyên, không là bèo kiếp trước,
Không có ai chờ, đưa đón tôi đâu!
Rồi quạnh hiu, khách lặng lẽ cúi đầu,
Tìm hoa rụng lạc loài trên vệ cỏ.
Nghìn cánh hoa bay ngẩn ngơ trong gió
Gạo rưng rưng, nghìn hoa máu rưng rưng.
Nhìn hoa rơi, lòng khách bỗng bâng khuâng
Tha La hỏi: – Khách buồn nơi đây vắng?
– Không, tôi buồn vì mây trời đây trắng!– Và khách buồn vì tiếng gió đang hờn?
Khách nhẹ cười, nghe gió nổi từng cơn.
Gió vun vút, gió rợn rùng, gió rít,
Bỗng đâu đây vẳng véo von tiếng địch:
– Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn!
Tiếng địch càng cao, não nùng ai oán
Buồn trưa trưa, lây lất buồn trưa trưa
Buồn xưa xưa, ngây ngất buồn xưa xưa
Lòng viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh
Khách rùng mình, ngẩn ngơ người hiu quạnh
– Thôi hết rồi! Còn chi nữa Tha La!
Đây mênh mông xóm đạo với rừng già
Nắng lổ đổ rụng trên đầu viễn khách.
Khách bước nhẹ theo con đường đỏ quạch.
Gặp cụ già đang ngắm gió bâng khuâng
Đang đón mây xa… Khách bỗng ngại ngần:
– Kính thưa cụ, vì sao Tha La vắng?
Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng,
Nhẹ bảo chàng: “Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!Người nước Việt ra đi vì nước Việt
Tha La vắng vì Tha La đã biết,
Thương giống nòi, đau đất nước lầm than”.***
Trời xa xanh, mây trắng nghẹn ngàn hàng
Ngày hiu quạnh. ờ…Ơ…Hơ… Tiếng hát,
Buồn như gió lượn, lạnh dài đôi khúc nhạc.
Tiếng hát rằng:
Tha La hận quốc thù,
Tha La buồn tiếng kiếm.
Não nùng chưa! Tha La nguyện hy sinh
ờ… Ơ… Hơ… Có một đám Chiên lành
Quỳ cạnh Chúa một chiều xưa lửa dậy
Quỳ cạnh chúa, đám Chiên lành run rẩy:
– Lạy đức Thánh Cha!
Lạy đức Thánh Mẹ!
Lạy đức Thánh Thần
Chúng con xin về cõi tục để làm dân…Rồi… cởi trả áo tu,
Rồi… xếp kinh cầu nguyện
Rồi… nhẹ bước trở về trần…
Viễn khách ơi! Viễn khách ơi!
Người hãy ngừng chân,
Nghe Tha La kể, nhưng mà thôi khách nhé!
Đất đã chuyển rung lòng bao thế hệ
Trời Tha La vần vũ đám mây tang,
Vui gì đâu mà tâm sự?
Buồn làm chi cho bẽ bàng!
ờ… Ơ… Hơ…ờ… ơ Hơ… Tiếng hát;
Rung lành lạnh, ngân trầm đôi khúc nhạc,
Buồn tênh tênh, não lòng lắm khách ơi!
Tha La thương người viễn khách quá đi thôi!***
Khách ngoảnh mặt nghẹn ngào trông nắng đổ
Nghe gió thổi như trùng dương sóng vỗ.
Lá rừng cao vàng rụng lá rừng bay…
Giờ khách đi. Tha La nhắn câu này:
– Khi hết giặc, khách hãy về thăm nhé!
Hãy về thăm xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tha La dâng ngàn hoa gạo
Và suối mát rừng xanh
Xem đám Chiên hiền thương áo trắng
Nghe trời đổi gió nhớ quanh quanh…”
Nếu bài thơ trên của Vũ Anh Khanh cho tôi một tình cảm xúc động tình hoài hương của đất Tây Ninh nói chung, thì một bài thơ khác về Tha La do anh Lâm Thanh sáng tác khi anh trở lại thăm Tha La cũng làm tôi xao xuyến nỗi lòng với Tha La không kém, hãy nghe tâm sự của Lâm Thanh trong bài “Tha La ngày trở lại” như sau:
“Đây Tha La xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Tìm lại bóng trời xanh***
Hăm lăm năm không gặp,
Từ thuở em chưa chồng,
Anh xứ người mê mãi
Tình xa hơn biển Đông.
Năm xưa mình ngây dại
Hẹn nhau bóng giáo đường.
Thiên đàng vừa mở cửa
Tim đỗ những hồi chuông.
Anh tay dài cánh hạc
Run run vuốt vai tròn
Em thẩn thờ… khẻ nói:
“Tay anh! cánh thiên thần”
Em tóc mềm lụa rũ
Phủ dịu nắng chiều hanh,
Mắt rưng buồn khép lững
Nhốt trọn bóng trời xanh.
Anh khờ hơn đà điểu
Chúi đầu trong tóc em
Mong trốn đời dông bão,
Nhưng đời vẫn tối đen.***
Ngày quê hương súng nổ
Ta vật vã yêu thương,
Rẽ đôi đườụng sông núi
Nước vận trở về nguồn.
Ngày quê hương nhuộm đỏ
Anh tức tưởi ra đi,
Em ở cùng giặc dữ,
Nghe tim vỡ biệt ly.
Anh chim trời gẩy cánh
Hằn bao vết thương lòng
Vẫn miệt mài viễn xứ
Mộ phần biết có không!
Hăm lăm năm trở lại
Em đã hai đời chồng
Tóc dài pha mây xám
Vai mòn gánh đau thương
Bên em bầy trẻ đói
Đứa gọi mẹ, gọi bà.
Anh sửng sờ, khách lạ!
Trẻ dáo dác ngờ… cha!
Tha La ngày trở lại,
Cở tươi… xanh giáo đường
Mộ tình chưa lấp kín
Đáy lòng vẵng tiếng chuông
Chia tay hồn tê tái
Em ấp úng… nỗi niềm:
“Tay thiên thần anh nhé
Nhớ về vuốt mắt em!”***
Quay đi, tình câm lặng,
Nghe lệ nhỏ sau lưng,
Giáo đường, sân nhạt nắng,
Lặng lẽ bóng chuông nghiêng!!!”(Tặng Điền thị Gia Bình, Lâm Thanh)
Tha La qua âm nhạc:
Tôi còn nhớ những năm đầu thập niên 60 khi nghe những bài tình ca thật là tuyệt tác đối với tâm hồn và ý thích âm nhạc của tôi như các bài: Những Đồi Hoa Sim, Màu Tím Hoa Sim, Đồi Thông Hai Mộ, Hàn Mặc Tử,… và hai bản nhạc về đất Tha La của Tây Ninh Quê Tôi là Tha La Xóm Đạo và Hận Tha La, nói lên nỗi buồn khi Tha La nhuốm màu chiến tranh có nỗi biệt ly hay sự quyết tâm bảo vệ xóm làng của người Tha La. Chính vì sự ra đời hai bài hát này, mà một của nhạc sĩ Dzũng Chinh và bài kia của thi nhạc sĩ Sơn Thảo, đã khiến cho quần chúng biết đến Tha La và nhiều người biết tới Tha La với một ấn tượng đẹp đẽ trong lòng kể từ ngày bài thơ của Vũ Anh Khanh được xuất bản vào thập niên 50, để sau này nhạc sĩ Dzũng Chinh đưa vào khung nhạc và làm nỗi hứng khởi cho Sơn Thảo hay Lâm Thanh.
Tha La Xóm Đạo
Nhạc: Dzũng Chinh
Lời/thơ: Vũ Anh Khanh
“Đây suối rừng xanh đồn quanh
Đây mây trắng nghìn hoa với cây lành
Còn gì viễn khách về đây chi hỡi người
Đất Việt giặc tràn lan
Biết Tha La hận căm
Nhẹ bước gặp cụ già, ngạo nghễ đang ngóng gió
Em chẳng biết gì ư
Cười run run dấu trắng
Đã từ bao năm qua khói loạn khu mịt mù
Khách về chi đây, nghe tiếng hát khách hận do đây buồn
Tiếng hờn ai oán, cời ra áo một chiều thu lửa dậyNghe não nùng chưa,
Tha La buồn tiên kiếp, Tha La giận mùa thu
Ôi khi hết giặc xong
Hãy về thăm Tha La có trái ngọt cây lành
Cây lá ngẩn ngơ nằm trên nghìn hoa máu làm hoen cả ven rừng
Lòng người viễn khách bỗng dưng tê tái lạnh với rừng già mong manh
Đám mây tan phủ quanh, trời tối về bàng hoàng
Lạnh dài đôi khúc hát
Vang giữa chiến trường xa, giặc đang gieo tan tóc
Từng đoàn trai ra đi đã thề chẳng về nhạ”
Hận Tha La
Nhạc/Lời: Sơn Thảo
“Ðây Tha La, đây xóm đạo tiêu điều
Cây buồn quanh hận thù dâng ai oán
Ðây mênh mông, Tha La buồn quạnh quẽ
Kìa rừng cây trái ngọt khách một dạo về thăm xóm
Hồn ngây ngất và buồn xưa lây lất
Nhìn hoa máu rưng sầu.Ðây Tha La, đây xóm đạo hoang tàn
Mây trời vây quanh màu tang khói lửa
Bao năm qua, Tha La còn chờ đó
Ðoàn người đi giết thù đã hẹn về từ dạo ấy
Lòng viễn khách, bồi hồi như thương tiếc
Mùa thu nắng hanh vàng.Ðiệp khúc:
Tha La ơi, xóm đạo ơi
Còn đâu nữa chiếc áo ngày xưa
Ðành khép kín, khoác vào bộ chiến y
Lòng hờn căm, một chiều xưa lửa dậy
Nghe não nùng chưa, Tha La sầu khuất biếc
Xóm đạo chắc hận thù.Ðây Tha La, đây xóm đạo yên lành
Nay còn Ðây một rừng xanh suối mát
Tha La ơi, khi nao giặc tan hết
Ngày vui xưa trở lại, khách sẽ hẹn về thăm xóm
Hồn lây lất, và buồn xưa chất ngất
Hận kia đến bao giờ.”
Phần lớn những khúc nhạc nhập tâm đại đa số quần chúng là nhạc về quê hương, lời đơn giản và ý mộc mạc dể hiểu. Hai nhạc sĩ Dzũng Chinh và Sơn Thảo sáng tác nhạc theo cung cách này với tiết tấu Bolero nhịp nhàng. Nên cả miền Nam tự do ngày xưa đã tán thưởng hai khúc ca này nhiệt tình. Tha La là một phần đất của quận Trảng Bàng như đã bàn, mà Trảng Bàng lại là một phần đất của Tây Ninh. Do đó người Tây Ninh phải có một niềm hãnh diện đặc biệt, với những ai đã từng ghé qua Tha La để hiểu tình người Tha La vốn chân chất và hiếu khách. Phải chăng đó là nét đẹp của dân tộc Việt Nam?
Hơn nữa, khi nghe thơ hay nhạc về Tha La mà người ta không khỏi dâng lên nỗi cảm thông và những niềm bâng khuâng trong lòng vì có thể họ tự hỏi: Tha La là huyền thoại hay thực tế? Nếu có thực thì nó tọa lạc tại đâu, nó có từ hồinào, bây giờ ra sao? Chính vì những ẩn ý như vậy mà Việt Hải xin tham khảo ài viết của thi sĩ Lâm Thanh có được bài viết này trong loạt bài vè Tây Ninh Quê Tôi, có trái ngọt cây lành, có Tha La Xóm Đạo, có kỷ niệm Tha La khi ghé Trảng Bàng ăn món bánh canh nhớ hoài vì nam thực như hổ, có những cô nữ sinh Tha La cười khúc khích với ánh mắt duyên dáng, của nét vừa ngây thơ, vừa bẽn lẽn khi ngắm nhìn tôi uống nước mưa có lăng quăng tung tăng trong nước của ngày xưa; Ôi, kỷ niệm quê hương sao lắm ngọt ngào, lắm nhớ nhung hôm nay khung trời Tha La bỗng trở về từ ký ức cũ, mà tưởng rằng đã quên.
Việt Hải
Los Angeles