1. Đức Thánh Cha lên tiếng về cuộc khủng hoảng ơn gọi
Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Thời Báo (Die Zeit), xuất bản hôm 9-3 bên Đức, Đức Thánh Cha đã cập đến cuộc khủng hoảng ơn gọi và gọi đây là một vấn đề lớn và trầm trọng.
Ngài nói: “Nơi nào không có linh mục thì không có thánh lễ và một Giáo Hội không có thánh lễ thì không có sức mạnh: Giáo hội làm nên Thánh Lễ nhưng Thánh Lễ cũng tạo nên Giáo Hội.”
Theo Đức Thánh Cha, việc thiếu ơn gọi linh mục một phần là do số sinh ít, nhưng chủ yếu là vì thiếu cầu nguyện.
Điều quan trọng trong lãnh vực ơn gọi là việc tránh thái độ chiêu dụ giới trẻ. Thực vậy cần có một sự tuyển chọn, vì nếu đương sự không có ơn gọi thực sự thì dân Chúa sẽ chịu đau khổ.
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Đức Phanxicô tỏ ra cởi mở đối với việc phong chức linh mục cho một số người đàn ông đã có gia đình. Tuy nhiên, ngài ủng hộ việc duy trì luật độc thân khi nhấn mạnh rằng “độc thân nhiệm ý” không phải là một giải pháp đối với cuộc khủng hỏang ơn gọi trong Giáo Hội Công Giáo
Thực vậy, theo Đức Phanxicô, việc thiếu linh mục trên thế giới hiện nay là một vấn nạn rất lớn cần được giải quyết, nhưng “độc thân nhiệm ý” không phải là một giải pháp.
Tuy nhiên, theo ngài, vấn đề viri probati, tức những người đàn ông đã lập gia đình nhưng vững mạnh trong đức tin và nhân đức có thể được chọn để thụ phong linh mục, là một “khả thể” mà “ta phải xem xét”.
Đức Giáo Hoàng nói: “ta cũng phải xác định xem họ có thể đảm nhiệm những trách vụ gì, thí dụ, tại các cộng đồng xa xôi”.
Nghi lễ La Tinh vốn đã cho một số giáo sĩ không phải là Công Giáo đã có gia đình, sau đó trở lại Công Giáo, được thụ phong linh mục, như các cựu giáo sĩ Anh Giáo chẳng hạn. Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cho phép phong chức các người đàn ông đã có vợ làm linh mục, nhưng cũng như các Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo La Tinh, họ không cho phép các đám cưới giáo sĩ, nghĩa là không cho phép các linh mục cưới vợ một khi đã thụ phong.
Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bác bỏ việc hủy bỏ luật độc thân của các linh mục; ngài nói rằng: nên “duy trì như hiện tại”. Nhưng ngài có gợi ý tới khả thể phong chức cho những người đàn ông tỏ ra xứng đáng, tùy sự quyết định của các giám mục địa phương, căn cứ vào tình thế đặc thù. Ngài có nhắc đến một giáo phận tại Mễ Tây Cơ, nơi mỗi cộng đoàn có một phó tế nhưng không có linh mục.
2. Mễ Tây Cơ tiếp tục là quốc gia nguy hiểm cho các linh mục
Ngày 5 tháng 7 thêm một linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ. Đây là linh mục Công Giáo thứ 18 bị giết tại quốc gia này trong sáu năm qua.
Xác của Cha Luis Lopez Villa được phát hiện tại nơi ở của ngài. Người ta tìm thấy ngài bị trói và có nhiều vết thương do dao đâm vào ngực và cổ. Những người hàng xóm tin rằng những kẻ tấn công ngài đã đột nhập vào nhà thờ giáo xứ ăn cắp đồ trước khi tấn công cha ngay trong nhà xứ.
Đức Hồng Y Norberto Rivera của thành phố Mexico đã lên án vụ giết hại này và yêu cầu cảnh sát nhanh chóng tìm ra hung thủ.
Trong 18 vụ giết hại các linh mục trong vòng 6 năm qua, cảnh sát chẳng bao giờ tìm ra bất cứ một tên tội phạm nào.
Tưởng cũng nên nhắc lại là trong một diễn biến gây tranh cãi tại Mễ Tây Cơ, đầu năm nay, một Giám Mục Mễ Tây Cơ đã gặp các tên trùm băng đảng nhằm “xin tha mạng” cho các linh mục của ngài.
Đức Cha Salvador Rangel Mendoza của giáo phận Chilpancingo-Chilapa trong bang Guerrero đã nhờ những người trung gian sắp đặt một cuộc gặp gỡ với các tên trùm băng đảng, sau khi nghe tin một số linh mục của ngài đã bị đe dọa giết hại. Ngài tường thuật rằng đã nói với tên này rằng “với cái chết chúng ta sẽ không thể giải quyết được bất cứ điều gì.”
Trả lời cho những chất vấn là tại sao ngài không nhờ cảnh sát bảo vệ lại phải hạ mình năn nỉ bọn du đảng mua bán ma tuý, Đức Cha Rangel giải thích: “Hầu hết bang Guerrero đều đã nằm trong tay bọn buôn ma túy. Ở đây làm gì có cảnh sát và luật pháp mà nhờ!”
3. Nạn nô lệ thời hiện đại.
Liên Hiệp Quốc cho biết chế độ nô lệ không phải là chuyện cổ tích nhưng là một thực tại trên thế giới
Hôm thứ Tư 20 tháng 9, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, một nghiên cứu về tình trạng nô lệ thời hiện đại đã được công bố. Đây là kết quả điều tra của Tổ chức Lao động Quốc tế, gọi tắt là ILO, và chương trình Walk Free Foundation, cùng hợp tác với Tổ chức Di dân Quốc tế (gọi tắt là IOM). Nghiên cứu này đã cho thấy quy mô kinh hoàng của chế độ nô lệ hiện đại với hơn 40 triệu người trên thế giới hoàn toàn không có chút tự do hay nhân quyền nào trong năm 2016.
Nghiên cứu này cũng xác nhận rằng khoảng 152 triệu trẻ em, từ 5 đến 17 tuổi, là đối tượng của lao động trẻ em.
Các ước tính mới cũng chỉ ra rằng phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chế độ nô lệ hiện đại, chiếm gần 29 triệu người, hay 71 phần trăm trên tổng số những người nô lệ trên thế giới. Phụ nữ tiêu biểu cho 99 phần trăm nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong ngành mại dâm và 84 phần trăm bị cưỡng bức kết hôn.
Ðại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, là Ðức Tổng Giám Mục Bernadito Auza, mạnh mẽ lên án các nhóm khủng bố buôn người và biến họ thành nô lệ.
Ðức Tổng Giám Mục Auza bày tỏ lập trường trên đây trong bài tham luận tại cuộc thảo luận mở rộng của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về đề tài: “Nạn buôn người trong những tình cảnh xung đột: cưỡng bách lao động, nô lệ và những việc làm tương tự”.
Ngài nhắc lại rằng Ðức Giáo Hoàng Phanxicô đã coi cuộc chiến chống nạn buôn người là một trong những ưu tiên trong triều đại Giáo Hoàng này, và không do dự định nghĩa nạn buôn người là một tội ác chống lại nhân loại.
Và Ðức Tổng Giám Mục Auza tố giác sự kiện “ngày nay chiến tranh và xung đột đã trở thành động lực hàng đầu đưa tới nạn buôn người. Chúng tạo nên môi trường để những kẻ buôn người hoạt động, lợi dụng những người trốn chạy bách hại và xung đột, những người đặc biệt dễ bị tổn thương và dễ rơi vào vòng tay của chúng. Các cuộc xung đột đã tạo điều kiện cho những tên khủng bố, các nhóm võ trang và các mạng tổ chức tội phạm liên quốc gia tăng bóc lột các cá nhân và dân chúng”.
4. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein: Câu chuyện Barack Obama dự phần vào kế hoạch ép Đức Bênêđíctô thứ 16 thoái vị là hoang đường
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Năm 2017 được coi là năm nở rộ “tin giả, tin thất thiệt”. Cho nên, chủ đề ngày Truyền Thông Xã Hội Thế Giới lần thứ 52 của Tòa Thánh là “Chống tin giả, cổ vũ nền báo chí vì hòa bình”
Một trong những tin giả tiêu biểu tại Italia là tin đồn theo đó tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama được tường thuật là đã từng tham gia vào một kế hoạch nhằm ép buộc Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị.
Trả lời câu hỏi của đài truyền hình Matrix, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, là thư ký riêng của Đức Bênêđíctô thứ 16 và đồng thời là chủ tịch phủ Giáo Hoàng của Đức Phanxicô, đã nói với khán giả truyền hình Italia rằng câu chuyện này là “hoàn toàn hoang đường”.
Đức Tổng Giám Mục nói:
“Nó hoàn toàn không đúng; nó được bịa đặt ra”
Ngài giải thích thêm:
“Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI không phải là người khuất phục trước các áp lực. Ngược lại, quyết định thoái vị của ngài là hoàn toàn tự nguyện”.
Khi được hỏi về áp lực của “nhóm đồng tính” tại Vatican, Đức Tổng Giám Mục nói rằng ảnh hưởng của nhóm này thường được các phương tiện truyền thông “phóng đại lên hàng trăm lần”. Theo Đức Tổng Giám Mục, lúc này lúc khác có thể có những vấn đề trong Giáo triều Rôma, nhưng “những cố gắng và những phản ứng cần thiết đã được đưa ra để mọi sự đi đúng hướng.”
Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã Reuters, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein nói rằng ngài đã không bao giờ nhận thấy Đức Bênêđíctô thứ 16 biểu hiện bất kỳ hối tiếc nào về quyết định thoái vị hôm 11 tháng Hai năm 2013.
Ngài nói: “Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cảm thấy thanh thản và bình an với chính mình, và tôi nghĩ rằng ngay cả với Thiên Chúa. Sức khoẻ ngài rất tốt, nhưng chắc chắn ngài phải trải nghiệm những gánh nặng của tuổi già. Vì vậy, ngài là một người thể chất đã già, nhưng tinh thần của ngài vẫn rất hoạt bát và minh mẫn. “
Khi được hỏi về những chỉ trích của phương tiện truyền thông đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Đức Tổng Giám Mục Gänswein trả lời rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô biết về điều đó nhưng ngài không oán giận.
“Rõ ràng là về phương diện con người mà nói, đôi khi, thật là đau đớn khi xem những gì người khác viết về mình hoàn toàn không đúng với những gì đã được thực hiện. Tuy nhiên, thước đo việc làm của một người, cách thức họ tiến hành công việc, không phải là những gì các phương tiện truyền thông đại chúng ghi nhận nhưng chính là những gì trước lương tâm và trước Thiên Chúa. Và, nói cho công bằng, thì lịch sử sẽ đưa ra phán quyết sau cùng”.
Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói tiếp: “Tôi thực sự xác tín rằng lịch sử sẽ đưa ra một phán quyết khác với những gì người ta vẫn thường đọc về những năm cuối cùng của triều đại giáo hoàng của ngài bởi vì mọi sự sẽ rõ ràng và minh bạch”
5. Kitô hữu ngày nay bị bách hại tàn tệ hơn bao giờ trong lịch sử
Ngày nay, Kitô hữu đang phải đối mặt với những cuộc bách hại tàn tệ hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử, nhưng Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế phần lớn chọn thái độ bỏ mặc họ.
Báo cáo có tựa đề “Bị bách hại và bị lãng quên?” của văn phòng Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ chi nhánh tại Anh nói rằng cuộc bách hại các tín hữu Kitô đã đạt đến một kỷ lục mới trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây vì các nhóm khủng bố Hồi Giáo như ISIS và Boko Haram đã và đang tăng cường các cuộc tấn công.
Báo cáo này cáo buộc cộng đồng quốc tế đã không phản ứng một cách thích đáng với bạo lực: “Các chính phủ ở phương Tây và Liên Hiệp Quốc không cung cấp cho Kitô hữu ở các nước như Iraq và Syria những sự trợ giúp khẩn cấp mà họ cần khi nạn diệt chủng được tiến hành.”
“Nếu các tổ chức Kitô giáo và các tổ chức phi chính phủ khác không can thiệp kịp thời, sự hiện diện của Kitô hữu có thể đã biến mất khỏi Iraq và các khu vực khác của Trung Đông”.
Cũng như tại Iraq và Syria, Kitô hữu đang bị đe doạ ngày càng nghiêm trọng ở một số quốc gia nơi người Hồi giáo chiếm đa số, cũng như dưới các chế độ độc tài như Triều Tiên và Eritrea.
John Pontifex, chủ biên báo cáo này nói: “Nếu chúng ta nhìn đến con số các tín hữu Kitô là nạn nhân của các tội ác này, rõ ràng là quy mô cuộc bách hại các Kitô hữu ngày nay tệ hại hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử.”
“Những Kitô hữu không chỉ bị bách hại hơn bất kỳ nhóm tín ngưỡng nào khác, nhưng con số các nạn nhân đang ngày càng tăng ở mức chóng mặt với những hình thức khủng bố tồi tệ nhất.
Ví dụ như ở Trung Quốc, các tín hữu Kitô đã và đang phải chịu những áp lực ngày càng tăng khi bọn cầm quyền cố gắng ép buộc các tôn giáo phải đi theo đường lối phù hợp với chính sách của đảng cộng sản. Hơn 2,000 nhà thờ đã bị phá hủy ở tỉnh ven biển Chiết Giang, và cảnh sát vẫn đang bắt giữ nhiều giáo sĩ.
Kitô hữu cũng chịu đau khổ bởi những bạo lực kinh hoàng do người Hồi giáo gây ra ở Trung Đông. Tại Iraq, hơn một nửa dân số Kitô Giáo của nước này trở thành người tị nạn ngay trong nước, trong khi tại thành phố lớn thứ hai của Syria là Aleppo, cho đến năm 2011, đây là nơi có cộng đồng Kitô giáo lớn nhất đất nước. Tuy nhiên, con số các tín hữu Kitô ở đây đã giảm mạnh từ 150,000 xuống còn chỉ còn 35,000 vào mùa xuân năm 2017; nghĩa là giảm hơn 75 phần trăm.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương ở Trung Đông đã nhiều lần nói rằng họ cảm thấy bị lãng quên bởi cộng đồng quốc tế. Một số giám mục đã cáo buộc Liên Hiệp Quốc còn tỏ ra phân biệt đối xử với các Kitô hữu tị nạn, bất chấp cam kết sẽ cung cấp viện trợ “trung lập và không thiên vị”.
Chủ nghĩa cực đoan cũng là một vấn đề ngày càng tăng ở Châu Phi – đặc biệt ở Nigeria, nơi Boko Haram đã làm hơn 1,8 triệu người phải chạy loạn.
Chỉ trong một giáo phận duy nhất là giáo phận Kafanchan – và chỉ trong một năm qua thôi, đã có 988 người bị giết, và 71 ngôi làng đa số Kitô giáo đã bị phá hủy. 2,712 ngôi nhà và 20 nhà thờ bị đốt cháy.
6. Trong toàn vùng Trung Đông, chỉ còn 14.5 triệu Kitô hữu
Tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày thứ Sáu 4 tháng 8 cho biết dân số Kitô Giáo ở chín quốc gia Trung Đông chỉ còn 14,526,000 người trong toàn bộ 258 triệu người sống tại Síp, Ai Cập, Iraq, Israel, Jordan, Lebanon, Palestine, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bản báo cáo dựa trên một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo vùng Cận Đông. Nghiên cứu này ghi nhận sự sụt giảm mạnh của dân số Kitô giáo:
Tại Syria, số Kitô hữu giảm từ 2.2 triệu vào năm 2010 xuống còn 1.2 triệu.
Năm 1910, 19% người Ai Cập là Kitô hữu. Con số này ngày nay chỉ còn 10%.
Trong khi đó, tại Li Băng số Kitô hữu giảm từ 53% vào năm 1932 xuống còn dưới 40%.
Tại Thánh Địa Giêrusalem, năm 1946, 20% dân số là các Kitô hữu. Bây giờ chỉ còn không đến 2%. Trong các khu vực do chính quyền Palestine kiểm soát, tình hình cũng xảy ra tương tự. Từ 20% vào năm 1948, ngày nay số Kitô hữu chỉ còn 1.2%.
7. Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo
Đức Tổng Giám Mục Girelli, nhà ngoại giao không thường trú của Vatican, đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo trong bài giảng tại Đại hội Thánh Mẫu ở La Vang với sự tham dự của hơn 100,000 người
Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã chủ sự buổi lễ khai mạc Đại hội Thánh Mẫu hôm 13 tháng 8 tại tỉnh Quảng Trị.
Trong Thánh Lễ, cùng với các giám mục Việt Nam và khoảng 200 linh mục, Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng:
“Trong một số tỉnh, các quan chức dân sự đang lo lắng và phàn nàn về người Công Giáo và hành động của họ”
Đức Tổng Giám Mục Girelli đã khuyên cộng đoàn nên theo các lời khuyên khôn ngoan của Thánh Phêrô: “Chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa chứ không phải loài người”, và khuyên các quan chức nhà nước nghe theo lời Chúa Giêsu “Hãy trả lại cho Caesar những gì của Caesar và trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.
Hướng đến các viên chức nhà nước Việt Nam, ngài nói: “Tôi muốn nói với các Caesar của Việt Nam, các ông hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.
Lời khuyên này của ngài đã được cộng đoàn đáp lại bằng một tràng vỗ tay rất lớn.
Đầu năm nay, các giám mục Việt Nam đã chỉ trích Luật Tôn giáo mới có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng. Các ngài nói những cụm từ trừu tượng trong luật “dễ bị lạm dụng để trút trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo khi chính phủ không hài lòng.”
Trong Thánh Lễ, Đức Tổng Giám Mục Girelli nói rằng Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam phải được nhà nước xem như một điều gì đó tích cực chứ không phải là một điều gì đó là vấn đề đối với đất nước.
8. Trung Quốc quyết tâm đẩy mạnh kế hoạch “Trung Hoa hóa” Giáo Hội Công Giáo
Lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách về tôn giáo đã nói không úp mở rằng Bắc Kinh quyết tâm kiểm soát thật chặt Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này.
Du Chính Thanh (俞正声 -Yu Zhengsheng), một thành viên trong nhóm bảy người trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, và đồng thời là Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, yêu cầu các thành viên của cộng đồng Giáo Hội công khai “phải bảo đảm rằng sự lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc phải được nắm chặt trong tay của những ‘người kính Chúa yêu nước’”. Ucanews cho biết như trên trong bản tin hôm 21 tháng 7.
Du Chính Thanh đã nói chuyện với khoảng 100 giám mục, linh mục, nữ tu và các lãnh đạo giáo dân tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 19 tháng Bảy nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước kiểm soát.
Bình luận của Du Chính Thanh đã được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Vatican đang tiếp tục các cuộc hội đàm về việc bình thường hóa việc bổ nhiệm giám mục, như là bước đầu tiên trên con đường dẫn đến việc thành lập quan hệ ngoại giao.
Những cuộc đàm phán như thế đã chậm lại trong những tháng gần đây sau vụ bắt giữ một số Giám Mục Trung Quốc.
Trong bài phát biểu của mình, Du Chính Thanh yêu cầu các nhà lãnh đạo Giáo Hội phải không ngừng “nâng cao tự nhận thức về ‘3 tự cường’ và ‘3 tự quản’ và phải luôn luôn nhấn mạnh đến sự chỉ đạo Trung Hoa Hóa tôn giáo của chính phủ”.
Hiệp hội Yêu nước được thành lập ngày 2 tháng 8 năm 1957. Trung Quốc luôn khẳng định rằng Hiệp hội Yêu nước là một “cầu nối” giữa Giáo Hội và chính phủ. Tuy nhiên, trong thực tế Hiệp hội Yêu nước hành xử như một sự thay thế cho Vatican và chủ tịch của hội này là Lưu Bách Niên ( Liu Bainian) thường được coi là giáo hoàng đen của Trung Quốc.
9. Pakistan cử hành quốc táng cho một nữ tu Công Giáo
Trong một diễn biến vô tiền khoáng hậu, Tổng thống Mamnoon Hussein và Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi của Pakistan, nơi tuyệt đại đa số dân theo Hồi Giáo, đã công bố Pakistan sẽ tổ chức quốc táng cho nữ tu Ruth Pfau, người Đức là Y Khoa bác sĩ vừa qua đời ngày 10 tháng 8, thọ 87 tuổi. Đám tang của chị sẽ được cử hành tại nhà thờ chính tòa Karachi.
Thông cáo của văn phòng thủ tướng Pakistan đã ví chị Ruth Pfau như là Mẹ Teresa của Pakistan, một người “đã được sinh ra ở Đức, nhưng trái tim bà luôn ở với chúng ta ở Pakistan này.” Trong khi đó, thông cáo của Tổng thống Mamnoon Hussein nói rằng “Nữ tu Bác sĩ Pfau đã đặt một dấu chấm hết cho bệnh phong ở Pakistan. Ơn đức này là không thể nào quên được. Bà đã rời quê hương mình và biến Pakistan thành nhà của mình để phục vụ nhân loại. Nước Pakistan bày tỏ lòng kính trọng đối với bác sĩ Pfau, và bày tỏ niềm hy vọng rằng truyền thống phục vụ nhân loại tuyệt vời của bà sẽ được tiếp tục.”
Chị Ruth Pfau sinh ngày 9 tháng 9 1929, tại Leipzig trong một gia đình có 6 người con. Trong chiến tranh thế giới lần thứ Hai, nhà cửa của chị bị dội bom, sau đó gia đình lại phải sống dưới chế độ cộng sản Đông Đức vài năm trước khi vượt biên tìm tự do thành công sang Tây Đức.
Trong thập niên 1950, chị theo học ngành y khoa tại Đại Học Mainz và tốt nghiệp y khoa bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp đại học, trước một tương lai rạng rỡ sáng ngời, chị từ bỏ mọi sự và gia nhập Dòng Nữ Tử Trái Tim Đức Mẹ và được gởi sang Ấn Độ. Tuy nhiên, do những trục trặc về visa vào Ấn, chị phải dừng chân tại Karachi, Pakistan
Trong một cuốn hồi ký, chị Ruth Pfau cho biết vào năm 1960, lúc mới 31 tuổi, chị quyết định dâng hiến đời mình cho việc chăm sóc các bệnh nhân phong cùi tại Pakistan sau khi chứng kiến một thanh niên phải bò bằng chân và tay vào phòng cấp cứu. Trong xã hội Pakistan, những bệnh nhân phong cùi thường bị gia đình, và xã hội bỏ mặc và xa lánh.
Chị Ruth Pfau đã đích thân chăm sóc cho người phong cùi, và mở các trường đào tạo các bác sỹ, và thành lập các trung tâm điều trị. Năm 1996, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố căn bệnh được kiểm soát hoàn toàn ở Pakistan. Theo thống kê mới nhất, số người bị bệnh phong tại quốc gia này đã giảm xuống chỉ còn 531 bệnh nhân.