Chuyện mỗi tuần – chuyện của bước thứ XVII trong hành trình với “Đức Ki-tô Đang Sống – Christus Vivit” – Lời kêu gọi khẩn thiết : Hãy chấm dứt mọi hình thức lạm dụng…

Bạn trẻ mến,

Ở bước thứ XVII này, Đức Thánh Cha dắt chúng ta vào một vấn đế nhức nhối trải dài nhiều năm tháng qua và vẫn cứ là một vấn đề nóng bỏng làm buồn lòngThiên Chúa – Cha chúng ta, làm buồn lòng Mẹ Giáo Hội, làm cho nhiều người tin Chúa ngã lòng, làm cho những người chưa tin thì dè dặt,  và làm cho những người không tin thì có cơ hội và có cớ để miệt thị cũng như tấn công : đấy là chuyện về các hình thức lạm dụng xảy ra trong Giáo Hội cũng như ngoài Xã Hội, nhưng tội nghiệp và tội tình nhất là chuyện lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên…

Ngay ở số 95 của bước này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến những tai hại và nỗi khổ đau của các nạn nhân bị lạm dụng : “những nỗi khổ đau có thể kéo dài suốt cuộc dời…mà chẳng sự ăn năn thống hối nào có thể chữa lành”…

Rồi sau đó, Đức Thánh Cha đề cập thẳng đến vấn đề lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên… Đấy là “một hiện tượng phổ biến trong tất cả các nền văn hóa và xã hội” – ngay cả trong các gia đình cũng như nhiều tổ chức khác…Dù là phổ biến, nhưng “tính quái gở”  của nó – khi xảy ra trong lòng Giáo Hội – thì luôn là một điều mang đến sự thịnh nộ của Thiên Chúa – Đấng bị phản bội và xúc phạm bởi những người được ưu ái chọn lựa và tình nguyện dấn thân trong chọn lựa ấy [98]…

Đứng trước “tính quái gở” của tội phạm ấy cùng với những hệ lụy Mẹ Giáo Hội phải gánh chịu, Thượng Hội Đồng khẳng định: –  cương quyết áp dụng những biện pháp ngăn ngừa…và việc đầu tiên Giáo Hội phải làm, ấy là tuyển chọn và đào tạo kỹ lưỡng “những người sẽ được giao cho nhiệm vụ phụ trách và giáo dục” các thế hệ giáo sĩ cho hôm nay và ngày mai…Bởi vì những “nhân cách” này có trưởng thành thì mới nói đến chuyện giúp cho người khác lớn lên được; – cương quyết có “những biện pháp và hình phạt thật cần thiết” dĩ nhiên là để làm sạch hàng giáo sĩ của Chúa [97]…Người viết nhớ mang máng là trong bài diễn văn ngắn kết thúc một khóa làm việc nào đó của các Giám Đốc và Nhóm Lãnh Đạo các Chủng Viện tổ chức trên Đà Lạt, vị Phụ Trách Khóa có nhắn nhủ chung chung như thế này : Sự sai lệch của quý vị – những người có trách nhiệm giáo dục – sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ được giáo dục…và dĩ nhiên quý vị phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa về những lệch lạc của các thế hệ ấy…Bởi vì chính bản thân họ cũng sẽ là những người dẫn đường cho anh chị em tín hữu mà Chúa và Giáo Hội sẽ trao cho họ sau này…Đương nhiên là vậy rồi…nên chuyện xét mình từng ngày cách thật và nghiêm là điều phải làm…Thiên Chúa – Người khoan dung – nhưng không chấp nhận tình trạng “lạm dụng” !!!

Kế tiếp, Đức Thánh Cha nêu lên những dạng thức lạm dụng : lạm dụng quyền lực – lạm dụng kinh tế – lạm dụng lương tâm – lạm dụng tình dục…

Đồng thời Đức Thánh Cha cũng đề nghị “những việc phải làm”  hay “những giải pháp” nhằm  loại bỏ mọi hình thức lạm dụng, đấy là :

– xóa sạch những hình thức thực thi quyền bính  tạo điều kiện thuận lợi cho sự lạm dụng,

– chống lại “tinh thần thiếu trách nhiệm” và “thiếu minh bạch” … sẽ đưa đến những trường hợp lạm dụng,

– tẩy chay “khát vọng thống trị, tinh thần thiếu trách nhiệm, tinh thần thiếu đối thoại và thiếu minh bạch, hình thức sống hai mặt, tình trạng trống vắng tâm linh, tâm lý yếu đuối” … vốn là những mảnh đất màu mỡ cho thói biến chất sinh sôi nảy nở,

– tẩy chay “lối sống giáo sĩ trị” vốn là cám dỗ đối với các linh mục coi “ thừa tác vụ đã lãnh nhận như quyền lực để sử dụng, chứ không phải là một sự  phục vụ nhưng không và quảng đại mà mình phải cống hiến. Cách nhìn đó dẫn tới chỗ tin rằng mình thuộc về một nhóm nắm giữ mọi lời giải đáp mà chẳng cần lắng nghe hay học hỏi thêm gì nữa, hay chỉ giả vờ lắng nghe mà thôi.”[98]

Đức Thánh Cha – cùng với các Nghị Phụ của THĐ –  bày tỏ “lòng biết ơn :

– “đối với những người đã dũng cảm tố cáo sự dữ họ phải hứng chịu, bởi khi làm như thế, họ giúp Giáo Hội ý thức được những gì đã xảy ra cũng như cần phải phản ứng quyết liệt”,

– “ những nỗ lực chân thành của vô số nam nữ giáo dân, tu sĩ, linh mục và giám mục, là những người, hằng ngày, tận tụy hy sinh xả thân phục vụ giới trẻ. Công việc của họ như một cánh rừng đang phát triển mà không gây tiếng động. Rất nhiều người trẻ cũng bày tỏ lòng biết ơn với những người đồng hành với họ và bạn trẻ cũng muốn nhắc đi nhắc lại rằng họ rất cần những tấm gương quy chiếu.”[99]…Thiết tưởng ở đây, người viết cũng muốn nhắc lại hình ảnh một người anh em linh mục đã dùng để diễn tả tình trạng này : Rừng cây an bình và yên ổn thì không ồn ào gì, nhưng vài ba cây ngã hay bị đốn ngã…thì gây tiếng rộn… và có âm vang…

Đức Thánh Cha tạ ơn Chúa vì – dù có những sa ngã, những lỗi tội – nhưng đấy chỉ là yếu đuối của một thiểu số…Phần đại đa số anh em linh mục vẫn hiên ngang thi hành sứ vụ cách trung thành và quảng đại…Đức Thánh Cha xin các bạn trẻ hãy nhìn vào con số đông ấy để thấy mình được khích lệ…Đồng thời Ngài cũng xin các bạn trẻ – một khi gặp trường hợp một linh mục có những dấu hiệu cho thấy đang ở trong tình trạng nguy hiểm – thì hãy can đảm nhắc nhở người anh em linh mục của mình về cam kết ban đầu của ngài và tìm cách giúp ngài sớm trở về đường ngày nẻo chính…Cách mạnh mẽ và thật rõ ràng, Đức Thánh Cha xin người trẻ chúng ta phải loan báo Tin Mừng của Chúa cho những trường hợp tội nghiệp ấy…Vậy đâu là những dấu hiệu ? Thưa, đấy là tình trạng đánh mất niềm vui của linh mục trong việc thi hành sứ vụtình trạng kiếm tìm những bù đắp tình cảm hoặc đi chệch hướng…Người trẻ hãy can đảm là cánh tay chữa lành của Chúa cho người anh em của mình  – dĩ nhiên là trong thân tình và xây dựng chứ không nhằm báng bổ [100]…

Thay mặt cho Hội Thánh, Đức Thánh Cha “thú nhận” là tội lỗi gây nhiều ảnh hưởng ấy không chỉ là của cá nhân các thành viên này khác, nhưng lịch sử còn cho thấy khá nhiều những giai đoạn Hội Thánh hành trình trong bóng tối của lỗi phạm…tạo nên trên khuôn mặt Mẹ Hội Thánh những nếp nhăn nheo tàn nhẫn, bởi Hội Thánh bước đi trong cảm thông và “chia sẻ niềm vui, hy vọng, nỗi buồn và nỗi thống khổ của con người” – của tất cả mọi người, mọi thành phần làm nên cộng đồng có tên là “nhân loại”…Hội Thánh không ngại cho mọi người thấy tội lỗi của các thành viên con cái mình – tội lỗi mà cá nhân những người trong cuộc nhiều khi lại tìm cách để che dấu…Hội Thánh “trân mình” sống tâm tình đó với mục đích để cho Lời Phúc Âm – Lời rửa sạch và thanh luyện – thanh tẩy con cái mình, đồng thời ôm ấp mọi thành phần con người yếu đuối, Hội Thánh mỗi ngày dâng lên Chúa lời cầu xin : “Lạy Chúa, xin thương con theo lượng từ bi Chúa…Tội lỗi con luôn ở trước mặt con” (Tv 51, 3, 5)…Và Đức Thánh Cha nài xin chúng ta – mọi người tin và nhất là các bạn trẻ – chúng ta không được bỏ rơi, không được rời xa người Mẹ trong cơn đau đớn ấy, nhưng phải ở lại –  ở trong và ở bên –  để giúp Mẹ mình tìm lại sức mạnh và khả năng để bắt đầu  lại [101]…

Và cuối cùng, Đức Thánh Cha đoan chắc với nhân loại nói chung – và người trẻ chúng ta nói riêng – rằng : “Chúa Giê-su – Đấng không bao giờ bỏ rơi Hội Thánh của Người – sẽ ban cho Hội Thánh sức mạnh và những công cụ để Hội Thánh bước đi trên con đường mới.” Và vì thế – với sự chung tay góp sức của người trẻ – Hội Thánh thực sự có cơ hội để thực hiện một cuộc cải cách lịch sử…Hội Thánh sẽ ở trong một Lễ Hiện Xuống mới khai mở một giai đoạn thanh luyện và thay đổi, đem lại cho Hội Thánh nét trẻ trung, tươi tắn phải có…

Ước mong thay…

Xét mình và thành thật trước Chúa – Giáo Hội – cũng như lương tâm của chính mình hằng đêm trước khi ngủ luôn luôn là điều cần thiết – vô cùng cần thiết – để từng ngày có được những thay đổi hầu có thể thân thưa với Chúa như Đức Trinh Nữ Maria trong lần gặp gỡ sứ mệnh với sứ thần của Chúa : Vâng , tôi đây là nữ tỳ của Chúa ( Lc 1 , 35)…Bởi Đức Thánh Cha đề cập đến nhiều hình thức “lạm dụng” : lạm dụng quyền lực – lạm dụng kinh tế – lạm dụng lương tâm – những hình thức lạm dụng với những cái tên thường là “nhẹ nhàng” và “dễ chịu”…nhưng hậu quả…thì cũng không hẳn là dễ lường đâu…Vả lại hình như “mọi” hình thức lạm dụng đều “khớp” lại với nhau : sự lạm dụng này sẽ đưa đến tình trạng lạm dụng kia…

Cùng với Hội Thánh – người Mẹ đang trăn trở – chúng ta sốt sắng thân thưa :

Tạ ơn Đức Chúa Trời, xin ban bình yên trong đời chúng con, vì ngoài Chúa ra, chẳng ai cứu giúp bênh vực chúng con. Chúng con xin nhờ quyền phép Chúa cho được bình yên và cho đền đài Chúa được dư của lành. Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời là Đấng hay ban lòng muốn thanh sạch, trí luận ngay chính, cùng sức làm việc công bằng, xin dủ lòng thương ban cho chúng con được sự bình yên thế gian chẳng thể ban được. Chúa che chở như vậy, chúng con sẽ hưởng “tứ thì bát tiết” yên hàn, sẽ khỏi lo sợ kẻ thù làm hại. Như thế, lòng chúng con mới dễ chiều về đường lành mà giữ cho nên các điều răn Chúa dạy. Chúng con xin bấy nhiêu sự vì Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen

 

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp – Lễ Truyền Tin 2021

Chia sẻ Bài này:

Related posts