TỘI  NGUYÊN  TỔ  VÀ…LÝ  BẤT  NHỊ

          Từ sau Công Đồng Vatican 2,  việc nghiên cứu và giải nghĩa Kinh Thánh đã được Giáo Hội hết sức quan tâm  bởi vì ngoài mục đích bảo vệ đức tin cho các tín hữu nó còn  quan hệ đến việc  Hội Nhập Văn Hóa. Trong phần dẫn nhập cuốn: “ Việc giải thích Kinh Thánh” có nói: Vì Kinh Thánh có tầm quan trọng  cơ bản đối với đức tin Ki Tô giáo, đối với đời sống của  Hội Thánh và đối với những tương quan  giữa các Ki Tô Hữu với các tín hữu theo các tôn giáo khác nên UB Kinh Thánh Giáo Hoàng đã được yêu cầu xác định vấn đề này”.

          Đúng là Kinh Thánh có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống đức tin của Giáo Hội thế nhưng ảnh hưởng ấy ra sao còn tùy thuộc vào đường lối giải thích theo …nghĩa nào ? Từ bấy lâu nay, thần học đã giải Kinh Thánh cụ thể là Sách Sáng Thế theo nghĩa…mặt chữ ( Sens Litteral ) vì vậy đã tạo nên các cơn khủng hoảng  đức tin  cũng như đời  sống đạo đức  trong Giáo Hội ngày càng thê thảm.

          Giải theo nghĩa  mặt chữ hay còn gọi là…nghĩa đen ở đây là về việc Tạo Dựng tức cho rằng thật có Adam, bà Eva là hai con người bằng xương bằng thịt đã được Đấng Tạo Hóa dựng nên ngay từ thuở khai thiên lập địa ?

          Câu  chuyện được giải theo…nghĩa đen như thế  chẳng những đã bị khoa học hoàn toàn bác bỏ vì nó quá ư vô lý  mà  ngay cả thần học cũng không sao chấp nhận: “ Nếu thực sự có một vấn đề trời tru đất diệt, không ai dám đề cập  tới, không ai ưa đả động gì  thì đó chính là vấn đề Nguyên Tội ( Tội  Nguyên Tổ/Tội Tổ Tông Truyền )…

          …Tin rằng Thiên Chúa đã trực tiếp  dựng nên A Đam và Eva là tức khắc  phải  đối đầu với cả một vấn đề hết sức rắc rối rồi. Còn tin rằng hai ông bà nguyên tổ đã truyền lưu cho con cháu  về sau cả một tội trạng được coi như là câu giải đáp cho những tai họa khốn đốn đang dồn dập trút đổ xuống trên đầu nhân loại  thì đó là chuyện còn quá đáng hơn nữa, không thể nào chịu nổi được. Hễ cứ mạo hiểm trình bày vấn đề như thế là giáo lý viên sẽ đau đớn nắm chắc phần thất bại và không riêng gì cá nhân GLV mà cả tính cách đáng tin  của Giáo Hội  và niềm tin vào Thiên Chúa là Cha của Đức Ki Tô  cũng chuốc lấy luôn  thảm họa nữa” ( Nguồn Conggiao Info 18/6/2015 ).

          Giữa việc giải nghĩa Tội Nguyên Tổ theo…nghĩa đen và quan niệm Đấng  Tạo Hóa có một mối quan hệ không thể tách rời. một khi đã cho A Đam – Eva, con rắn, cây ( trái ) phân biệt là…thật có  thì tât nhiên phải nhìn nhận có đấng tạo dựng nên nó gọi là Đấng Tạo Hóa.

          Nhìn nhận có Đấng Tạo Hóa hoặc chứng minh có Đấng ấy, đó là toàn bộ triết học Tây Phương  chịu ảnh hưởng của triết Duy Lý Hy Lạp. Vấn đề cốt lõi của triết Hy lạp  là tìm cho biết cái gì là căn nguyên sinh thành vũ trụ vạn vật. Thần thoại cho căn nguyên ấy  là các vị thần, chẳng hạn Chaos là vị thần Trống Toang ( Vide be’ant ) chưa có gì được hình thành. Thần Eros là biểu trưng  cho quá trình sinh trưởng và tuần hoàn. Thần Gaia là Đất mẹ dưỡng nuôi vạn vật. Thần Chromos  tượng trưng cho thời gian v.v…

          Rồi đến thời kỳ thần thoại phải chấm dứt để nhường chỗ cho Duy Lý. Theo Aristote, thần thoại không có tính chất khoa học bởi vì triết lý phải được xây dựng trên những chứng minh và chứng minh ấy được gọi là Siêu Hình Học về …Cái Tồn Tại  tức là “ Cái Có”. Parmenide ( Tk 5 TCN ) đưa ra luận điểm: “ Bất cứ cái gì có trong thiên nhiên  này cũng  đều phải do cái gì Có mà phát sinh chứ không thể do Cái Không.  Rồi khi phải trở về thì về với  chỗ  đã do đó mà phát sinh tức là Cái Có”.

          Định nghĩa của Parmenid về “ Cái Có”  đã ảnh hưởng đến toàn bộ Hữu Thể Luận ( Ontologie ), đặc biệt là với St Thomas Aquino với chứng lý thứ tư trong 05 con đường ( Quinze Viae ) rất nổi tiếng của ngài:

          “ Thực vậy trong vạn vật ta nhìn thấy muôn vàn sự vật khác nhau. Cái này tốt hơn, đẹp hơn, đáng giá hơn v.v…những cái khác. Chính vì vậy phải có một cái gì tuyệt đối thiện, tuyệt đối thực, tuyệt đối đẹp và giá trị vượt trên tất cả và do đó Hữu Thể một cách tuyệt đối…

          …Vì vậy phải có một Hữu Thể làm nguyên nhân  cho hữu thể sự thiện hảo và mọi hoàn hảo khác cho tất cả mọi sự vật. Hữu Thể đó chúng ta gọi là Thiên Chúa” ( L.T. Nghiêm – LSTH Tây Phương – Q.2 ).

          Như vậy, Thiên Chúa được chứng minh hiện hữu  là do những cái phân biệt, so sánh thiện, ác, đẹp xấu mà ra. Đang khi đó tất cả những cái phân biệt  ấy lại chính là Tội  Nguyên Tổ là …tội  Thiên Chúa đã cấm: “ Rồi Đức Chúa Giehova phán với Eva rằng:  Ngươi được tự do ăn  hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết ( Phân Biệt ) điều thiện, điều ác  thì chớ hề ăn đến vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).

          Thử hỏi có một cái cây ( Trái ) nào gọi là Cây ( Trái ) biết phân biệt điều thiện, điều ác hay không ? Hoàn toàn không, đó chỉ là để ám chỉ cho Tâm Phân Biệt. Một khi Tâm khởi phân biệt thiện, ác và sống với Tâm  ấy, con người sẽ phải chết về phần tâm linh. Chính  cái  chết tâm linh ấy khiến con người phải xa lìa Thiên Chúa, Đấng là Bản Thể  mỗi người. Để trở về với Bản Thể ấy thì không thể có cách nào khác là phải dứt bỏ cái Tâm Phân Biệt ấy đi.

          Dứt bỏ Tâm Phân Biệt, nhà Phật  có một pháp môn gọi là Bất Nhị tức con đường Vô Phân Biệt. Phật Học Đại Từ Điển  giải thích Pháp Môn bất Nhị như sau: “ Đó là pháp môn nhằm làm rõ chân lý  tuyệt đối không phân chia. Chương Nhập Bất Nhị Pháp Môn  ( Chương IX trong 14 chương của Kinh Duy Ma ) chuyên thuyết giảng  về vấn đề này. Bất Nhị là chỉ trạng thái  tuyệt đối, vượt khỏi mọi đối đãi, tương đối”.

          Trạng thái tuyệt đối vượt khỏi mọi đối đãi, phân biệt ấy Lão Tử cho đó là ĐẠO “ Đạo khả đạo, phi thường Đạo. Danh khả danh, phi thường Danh. Vô danh thiên đại chi thỉ. Hữu danh vạn vật chi mẫu” ( Đạo có thể gọi được không phải là Đạo thường. Danh có thể nói được không phải là Danh thường. Không tên là gốc của trời đất. Có tên là mẹ của vạn vật – ĐĐK chương một ).

          “ Đạo” không thể nói, không thể gọi tên bởi vì hễ nói ra, gọi tên ra  được thì đó chỉ là những khái niệm do sự đối đãi, phân biệt mà có. Dù gọi Thiên Chúa là Hữu Thể tuyệt đối đi nữa thì đó chẳng qua cũng chỉ là một thứ khái niệm mà thôi.

          Phân biệt giữa Cái Có và Không,  đó chỉ là những khái niệm  và hễ còn chấp vào  cái khái niệm ấy thì sẽ không  bao giờ có thể đạt đến “Đạo” là cái vô phân biệt. Đạo là cái không thể nói, không thể gọi tên nhưng đó lại là cái gốc của muôn vật.

          Tại sao không tên lại là cái gốc của vạn vật ? Bởi vì…cái gốc ấy chính Tánh Không của vạn hữu. Tánh Không ấy bao trùm khắp cả trời đất cũng như muôn vật. Toàn bộ các thiên hà, hệ mặt trời, tinh tú trăng sao  chẳng phải đều…nằm trong cái hư không đó sao ? Lại nữa tuy  là hư không nhưng nó lại diệu hữu. Cái nhà, cái ly, cái nồi và thậm chí cả con người chúng ta, sở dĩ có thể sử dụng có thể sống cũng là vì có cái hư không đó. Có thể nào quan niệm một cái ly cái nồi mà lại đặc sệt, cái nhà mà không có cửa ra vào thì ở trong đó được không  ? Con người không có chín cái khiếu ( Lỗ ) thì có thể …hít thở hay ăn uống được không ? Xét cho cùng thì tất cả muôn sự, muôn vật  kể cả những tế bào  đều do Cái Không ấy mà tồn tại.

          Duy Lý tây phương không thể tìm về  với Thực Tại là do đã phủ nhận Tánh Không ấy để thay thế vào đó là cái gọi là Hữu Thể. Đây là thất bại lớn lao  của triết/thần học tây phương  suôt trong mấy mươi thế kỷ nay với câu định nghĩa của Aristote: “ Người là con vật biết suy lý” ( L’ Animal raisonable ). Heidegger  đã bình luận câu nói ấy như sau:

“ Nền móng câu định nghĩa đó là thú vật ( Zoologique ). Chính trong khung cảnh của câu định nghĩa trên mà đã được kiến tạo nên quan niệm con người của Âu Tây tất cả những  gì là tâm lý, luân lý, tri thức luận, nhân bản. Đã từ lâu chúng ta bị xiêu bạt  trong mớ lộn xộn những ý tưởng và khái niệm  mượn từ  trong các môn đó là vì cứ sự nó đã đặt nền trên một câu định nghĩa đã sa đọa” ( Kim Định – Nhân Bản ).

          Câu định nghĩa bị coi là…sa đọa bởi vì cái gọi là  biết suy lý ấy  thực chất chính là Tội  Nguyên Tổ tức Ý Thức Phân Biệt. Triết Hy Lạp gọi là Duy Lý  bởi vì nó chủ trương…” Có Vật” để rồi từ đó phân biệt, so sánh tốt xấu giữa…vật này vật kia. Con người, thậm chí cả Đấng Tạo Hóa theo nghĩa đó cũng chỉ là “ Vật” và hễ đã là “ Vật” thì tất nhiên phải ở ngoài nhau, phải khác nhau.

          Một khi đã so sánh, phân biệt  thì tất nhiên  sẽ thấy muôn sự muôn vật  đều…ở ngoài nhau. Đang khi đó tất cả những so sánh, phân biệt ấy chỉ là phân biệt giả do duyên hợp mà có. Người đời ai cũng thấy cái nhà là…nhà nhưng thật ra đó chỉ là do những…duyên gạch, ngói, xi măng, sắt thép, công thợ v.v…kết hợp với nhau mà thành. Tách rời gạch, ngói, xi măng ….mỗi cái mỗi ngả thì đâu còn cái gọi là…nhà ?

          Với cái nhà đã vậy thì muôn vật, muôn sự  kể cả con người cũng thế, tất cả đều do duyên hợp mà thành. Con người là do duyên hợp của  Thân và Tâm và ngay cả Thân cũng là do duyên hợp của tứ đại: Đất, Nước, Gió, Lửa. Còn Tâm là duyên hợp của Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

          Mặt khác, các duyên hợp lại đều mang tính chất Nhân Quả Do yếu  tố này duyên với yếu tố nọ mà thành ra quả. Nước …duyên với chanh thành ra nước chanh. Nước chanh…duyên với đường thành ra nước chanh đường. Còn nếu …duyên với đá cục thì thành ra nước đá chanh đường. v.v…

          Diễn giải tính chất Duyên Khởi như thế để cho dễ hiểu. Tuy nhiên Duyên Khởi là một vấn đề uyên áo khó  lãnh nhận, chỉ có các bậc giác ngộ thâm sâu mới hiểu nổi. Đức Ki Tô là Đấng Giác Ngộ  thấu hiểu được lẽ nhân quả báo ứng vì vậy Ngài đã chỉ cho chúng ta  đường về với Cha bằng cách thực hiện  giới răn Yêu Thương. “ Có luật sư hỏi để thử Chúa Giê Su: Thưa Thầy trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn. Chúa đáp: Ngươi hãy hết lòng, hết ý chí, hết linh hồn mà thương yêu Chúa là Thiên Chúa ngươi. Ấy là điều răn lớn hơn và đầu nhất. Còn điều răn thứ hai cũng vậy. Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình. Tất cả luật pháp và tiên tri đều tóm lại trong hai điều răn ấy” ( mt 22, 35 -40 ).

          Giới răn Mến Chúa, Yêu Người  sở dĩ được Chúa cho là quan trọng nhất bởi vì Mến Chúa ở đây là Mến Chúa ở nơi người và Yêu người là yêu người ở nơi Chúa. Nói cách khác chúng ta phải mến Chúa bởi vì Chúa là Đấng nội tại…ở trong ta cũng như ở nơi người.

          Để yêu mến Chúa là Đấng nội tại như thế thì nhất thiết cần phải…Bỏ Mình tức bỏ Cái Tôi ảo tưởng ấy đi. Chấp có một “ Cái Tôi” ( Ngã chấp ) đó là hậu quả của Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt. Chính  cái sự phân biệt ấy đã hình thành nên “ Cái Tôi” chứ chẳng phải điều chi khác.

          Đức Ki Tô truyền dạy đạo lý Bỏ Mình ( Lc 9, 23 ). Mục đích là để cho ta thực thi giới răn Mến Chúa, Yêu Người. Bao lâu còn chấp có một “ Cái Tôi” thì không thể không tham, tham không được thì tức giận, ganh ghét. Nguyên nhân  đưa đến lòng tham, sân ấy là do sự si mê, điên đảo cho thật làm giả, cho giả làm thật.

          Đạo Chúa là Đạo Giải Thoát, bởi vậy Chúa nói: “ Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).

 

          Sự thật Chúa nói chính là tính chất Vô Ngã ở nơi con người cũng như vạn vật. Nguyên nhân khiến con người  khó chấp nhận tính chất Vô Ngã  là vì  đã không  thực hành đạo lý Bỏ Mình. Toàn bộ việc sống đạo hệ tại ở việc Bỏ Mình nhưng Bỏ Mình không phải để trở về với hư không  mà là để nhận biết Đấng Thiên Chúa là Tình Yêu: “ Hỡi kẻ yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau vì sự yêu thương đến từ Thiên Chúa, hễ ai yêu thương thì sanh bởi Thiên Chúa. Còn ai không có lòng yêu thương thì không thể nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu” ( 1Ga 4, 7 -8 ).

          Thánh Gioan nói Thiên Chúa là Tình  Yêu  có nghĩa Tình Yêu là Bản Thể của mỗi người. Trở về với Bản Thể Tình  Yêu  chính là con đường Đức Ki Tô đã vạch ra bằng cách thực thi  các giới răn của Ngài: Yêu người thì không phân biệt kẻ thù nghịch cùng mình. Bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm. Cầu nguyện thì phải xoay cái Tâm trở ngược vào bên trong mà cầu…

          Chính với Tâm Vô Phân Biệt ấy, chúng ta gặp được Thiên Chúa là Đấng khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho kẻ bất chính cũng như người công chính” ( Mt 5, 45 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts