Thánh Giuse – ông “Bố” gia đình biết sống “im lặng”

         Giáo Hội vào tháng ba năm 2020…và  tình cờ người viết lướt, tìm thấy hai cuốn phim nói về thánh Giuse : một là của đạo diễn Raffaele Mertes và Elisabette Marchetti với nhan đề “Giuseppe di Nazareth” và một nữa của đạo diễn David Eisenbese bao gồm các đề tài khảo cứu về thánh Giuse được chia làm ba phần : – con người ; – ơn gọi ; – và sứ vụ của thánh Giuse – những khảo cứu rất sâu về thánh Giuse từ những nhà chuyên môn về Ngài và là những người yêu mến Ngài…Cả hai cuốn phim này đều có trong “Chuỗi phim Đạo” của trang mạng www.phimconggiao…Người viết cũng đọc thấy nơi “trang nhà” hay facebook của một vài Giáo Xứ những cuốn phim này…Thật ra hiện vẫn đang có những “trang nhà” của các Giáo Xứ với rất nhiều bài viết lợi ích cho đời sống Đạo của người tín hữu ở mọi giới – cách riêng giới trẻ…Vấn đề còn lại là những vị hữu trách – bao gồm các vị Quản Xứ và thành phần hướng dẫn các phong trào trong Giáo Xứ – nhiệt tâm  nhiệt tình để thực hiện trang mạng Giáo Xứ và tìm cách đưa trang mạng ấy đến với các thành phần trong Giáo Xứ…Dĩ nhiên công việc không phải là dễ và không thành công ngay được, nhưng nếu có kế hoạch và sự kiên trì…thì cũng sẽ giúp ích được rất nhiều, bởi vì hầu như 70 – 80 % bà con đều có điện thoại “lướt”…Số còn lại là của lứa tuổi U 70 – U 80 – thế hệ thuộc kinh như cháo !!! Người viết cũng đã từng có thời gian miệt mài với những bài chia sẻ Lời Chúa…và nay thì dừng…vì nhận thấy các Đấng Bậc chuyên gia, các Dòng Tu … sở hữu các “ Phòng Truyền Thông” vô cùng hiện đại…Những công sức ấy đầy dẫy mạng xã hội và tha hồ để các trang nhà của các Giáo Xứ tải về…Mới hôm qua đây, người viết vừa được nghe vừa được đọc một bài viết về đề tài “Cám Dỗ” trên youtube Truyền Thông Dòng Tên…với rất nhiều cảnh đẹp vui mắt…trong khi theo dõi đề tài…

Để có một cái nhìn sâu về thánh Giuse, cuốn phim “Khảo cứu cuộc đời thánh Giuse” của đạo diễn David Einsenbese – và có lẽ do các cha Dòng thánh Giuse ở Ý thực hiện – đã rất công phu về con người, về ơn gọi và về sứ vụ của thánh Giuse…Người viết không nói gì thêm được nữa…mà chỉ xin độc giả tìm xem cuốn phim ấy…Riêng với cuốn phim “Giuse thành Nazareth”  – vì muốn đề cập đến con người cụ thể của Giuse theo Tin Mừng – nên đương nhiên là đạo diễn có những “câu thoại bắt buộc”…và làm mất đi một “đặc sủng” tuyệt vời của thánh Giuse : đấy là sự “im lặng” rất mẫu mực của Ngài với mọi con người trong chúng ta – dù chúng ta ở bất cứ vai trò nào trong môi trường sống hiện tại của mình…Chẳng hạn khi biết được người bạn đời và cũng là bạn lòng của mình – Đức Maria mang thai Chúa Giêsu – thì Giuse trong phim “Giuseppe di Nazarteth” đã ứng xử như thế nào đó…mà … như một “thế triệt buộc” Đức Maria phải nói về cuộc gặp gỡ giữa Người và sứ thần của Thiên Chúa…Trong khi đó Giuse của Tin Mừng là một sự “im lặng” – sự im lặng của thái độ trân trọng với Đức Maria bạn mình và sự im lặng đứng trước chương trình của Thiên Chúa…Giuse trong “thế triệt buộc” trên kia là Giuse của con người bình thường…Giuse trong sự im lặng của Tin Mừng là Giuse của sự công chính – nghĩa là của con người có khả năng “sống” theo ý Thiên Chúa và đủ dũng cảm để tin vào người bạn đời cũng như bạn lòng của mình…Vả lại bản thân Đức Maria cũng im lặng, bởi Mẹ biết sự việc là do Thiên Chúa và dĩ nhiên Thiên Chúa có cách để sắp xếp tất cả…

Biết im lặng  – vì thế – là một đặc sủng – nhất là vào thời bùng nổ đủ các loại âm thanh : âm thanh “nổi” trong các hoạt động của con người trong một ngày sống và âm thanh “chìm” nhưng cũng rất náo động trên các trang mạng xã hội cũng như cá nhân…Thật ra thì  có thể nói là không chạy đâu cho thoát được tình trạng “khủng bố” của âm thanh một ngày sống trên mặt hành tinh trái đất này trong hôm nay…Và vì thế – nếu muốn có sự quân bình cuộc sống – điều tối cần là tập cho mình biết đón nhận đặc sủng “im lặng” : Cả Đức Maria và thánh Giuse đều là những mẫu gương tuyệt vời trong lãnh vực này…

Dĩ nhiên “im lặng” không có nghĩa là bịt tai, bịt mắt đứng trước những gì vẫn xảy ra quanh chúng ta, nhưng là biết “chọn lựa” để có được sự im lặng phủ hợp và dũng cảm hầu nói lên sự trân trọng tha nhân cũng như bảo đảm giá trị bản thân…Có người đã sưu tầm những hoàn cảnh cần có sự im lặng  như sau :

1.Im lặng khi người quanh mình ở trong tình trạng buồn phiền, đau khổ…và mình không biết phải làm gì hơn là “im lặng” để diễn tả sự cảm thông, chia sẻ…và cũng không để mình trở thành lố bịch với những cách ứng xử “lệch pha” trong những hoàn cảnh như thế đó…Sự “lệch pha” này xảy ra ngay cả trong giai đoạn mọi người cùng chung sức ngăn chặn COVID – 19 nơi một vài cá nhân người trẻ háo thắng và tội nghiệp…

2.Im lặng để trân trọng bầu khí cá nhân của người bên cạnh khi người ta cần có sự yên tĩnh để có thể suy nghĩ…Văn hào W. Goethe bảo rằng : “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời.” Hãy trân trọng “khoảng riêng” của mỗi người quanh mình…

3.Im lặng khi người khác không hiểu và không muốn hiểu mình…

4.Im lặng khi người khác nói về vấn đề mình không hoặc chưa am tường…Nhà bác học A. Edison bảo rằng: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả một đại dương.” Nhà hiền triết Socrates thì nói : “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất.”…

Và hai trường hợp cuối hơi có vẻ “trần gian” một chút, nhưng sự im lặng cũng rất cần:

5.Im lặng khi người khác không cần mình góp ý kiến…

6.Và im lặng khi người khác trong trạng thái khoe khoang, lý sự…

Đấy là sự im lặng phải có trong những mối tương quan hằng ngày giữa con người với con người…Nhưng với Đức Maria, với thánh cả Giuse thì “sự im lặng” còn diễn tả “niềm tín thác của con cái Thiên Chúa” bởi vì biết rất rõ – trong mọi hoàn cảnh – Thiên Chúa có cách sắp xếp của Người và cách sắp xếp ấy luôn luôn đề cao và trân trọng giá trị của con người – một con người có tự do, biết suy tính và có một trái tim thịt với nhịp đập yêu thương…

Đức Thánh Cha có một diễn tả khác về  sự sắp xếp quan phòng của Thiên Chúa nơi Giuse – một diễn tả có chút lãng mạn nhưng rất thật nơi con người của Giuse : Giuse – con người của những giấc mơ…

“Giấc mơ là một không gian được ban tặng để kiếm tìm chân lý, bởi ở đó chúng ta không phòng vệ trước sự thật. Thiên Chúa cũng nói trong những giấc mơ. Nhưng không phải lúc nào cũng thế, bởi thông thường giấc mơ đến từ vô thức của chúng ta…Nhưng nhiều lần, Thiên Chúa chọn cách nói với chúng ta qua những giấc mơ. Người đã làm như thế nhiều lần rồi, bạn thấy trong Kinh Thánh không ? Trong những giấc mơ đấy…

Thánh Giuse là con người của những giấc mơ, nhưng không phải là người “mơ mộng” chút nào. Ngài không phải là người mộng tưởng vẩn vơ…Người mơ mộng thì khác : người ấy tin vào một điều…bước đi…lơ lửng trên không trung, và hai chân không chạm đất…Thánh Giuse bước đi trên mặt đất, nhưng với con tim rộng mở…”

Và Thiên Chúa đã dẫn thánh Giuse – ông “Bố” gia đình biết sống “im lặng” –  qua những giấc mơ…

Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp

Chia sẻ Bài này:

Related posts