Rồi đây qua cơn mê

          Qua cầu Chruichangwa  khoảng vài  CS, rẽ vào con đường im mát rợp bóng cây thì xe đỗ xịch  trước cổng tu viện Carmel. Lát sau,  có chị nữ tu già, đầu chit khăn voan, mặc áo cánh ra đón chúng tôi.

          Chiều đó  phòng Kiều Vụ Sứ Quán có lịch đến làm thẻ căn cước ( Carte d’identite’ ) cho các dì. Đoàn gồm có trung tá Nguyễn Thoan, trưởng phòng, tôi và Trần Trọng Trí nhân viên địa phương. Được biết  nhà dòng này đã có từ rất lâu có lẽ  vào khoảng thập niên đầu TK 20. Hiện chỉ có mười lăm dì tu ở đây, tuổi tác đã già.

          Trong biến cố “ Cáp Duồn” năm 69 ấy, nhà dòng trải qua nỗi sợ kinh hoàng nhưng nhờ ơn Chúa rồi cũng qua. Gặp chúng tôi các dì đều là người Việt  mừng lắm. Riêng tôi với Trí là người Công Giáo nên được các dì đặc biệt ân cần hỏi han và còn tặng cho một số những tấm ảnh nhỏ thêu rất công phu có gắn ảnh Thánh Tâm Chúa Giê Su, Đức Mẹ và Thánh Teresa HĐ Giê Su….

          Xong việc thì trời cũng khá muộn. Trong khung cảnh âm u dưới các vòm cây cao lớn chúng tôi chào nhau và không hẹn ngày gặp lại. Phần tôi vốn đa cảm nên trong cái cảnh tịch mịch đó cứ vẩn vơ nghĩ về cuộc đời  những nữ tu này…Hẳn nhiên họ phải  có cho mình một lý tưởng cao đẹp nào đó  thì mới có thể tự giam mình trong bốn bức tường  lặng lẽ như vậy ?

          Trên đường về, khi qua khu Russe Keo nơi có một giáo xứ nhỏ của người Việt. Trí mở nhạc và bỗng giọng ca Trúc Mai cất lên ngọt ngào bài Qua Cơn Mê “ Rồi đây qua cơn mê. Sông cạn lại thành dòng. Suối về ngọt quê hương. Ngày đó tay em dài. Vun cuộc tình thật đầy. Mơ toàn chuyện trên mây”.

          Những điệp khúc cứ nối tiếp nhau khiến  không gian như …trùng xuống thấm đượm  tâm tư…Phố đã lên đèn, xe cộ nối đuôi nhau không ngớt…Tiếng còi xe rộn rã, không gian nhộn nhịp như muốn thoát khỏi cái giấc mơ  vừa trải qua êm đềm. Trung tá Thoan rủ vào  nhà hàng quen trên đường Monivong ăn uống rồi chia tay cùng với lời nhắc nhở: Tối nay hai cậu nhớ  có phiên trực đấy nhé …

          Mấy tuần nay, sau khi tư gia ông đại sứ bị đánh bom. Tuy không có thương vong, đại sứ Phước chỉ bị chấn thương nhẹ nhưng Sứ Quán đã đặt trong tình trạng báo động. Các nhân viên cùng với quân cảnh bên Phái Bộ Quân Sự phải trực  ban đêm tại  Đại Sứ Quán và Lãnh Sự  Quán trên đại lộ Norodom.

          Đêm đó vào lúc quá nửa đêm tôi và Trí trực trên lầu Lãnh Sự bỗng choàng tỉnh vì những tiếng nổ  ì ầm phía ngoại ô, có lẽ  khu phi trường Pochentong ? Hai người ra đứng tại balcon lặng lẽ nhìn những làn đạn sáng vun vút trong bầu trời đêm, chốc chốc lại có tiếng nổ  rền…Chiến tranh  thật gần và giờ đây có lẽ  cả cái thành phố Nam Vang này  đều đã thức giấc  trong lo âu sợ hãi chờ đón một tương lai chẳng biết sẽ ra thế nào ???

          Chiến tranh bao giờ cũng là một cơn mê cuồng và trong cơn mê cuồng ấy người ta  căm hờn giết chóc nhau mà không hề  thấy bóng dáng của nhau, cứ việc bóp cò  súng  và thế là  máu đổ nhà tan !!!

          Bài hát  thoạt nghe hồi chiều  đã nói lên cái ước vọng thật đẹp của hòa bình “ Tình người sau cơn mê vẫn xanh. Dù bao tháng năm đau thương dập vùi. Trường quen vắng bóng mai ta lại về. Cùng theo lũ em học hành như xưa.”

          Ước vọng vẫn cứ chỉ là ước vọng. Chiến tranh tuy  đã  kết thúc, hòa bình được  tuyên bố  lập lại nhưng…cơn mê  vẫn  còn đó mịt mờ: Lòng người ly tán, cuộc sống khốn khổ trăm bề…

          Lonnol sụp đổ, quân Khmer Đỏ tràn về với những công xã, những tên đồ tể Ang Ca khát máu  khiến Nam Vang hiền hòa xinh đẹp  ngày nào  đã trở nên một nhà tù vĩ đại…nhà thờ chánh tòa bị đặt mìn đánh sập…

          Cầm SVL  trở về đơn vị cũ BTTM được đúng 02 tháng thì Miền Nam cũng tan rã nhanh chóng. Dù không bị đi tù nhưng cuộc sống  quá ư là khổ, vợ  chồng con cái lếch thếch kéo nhau về Hố Nai nương nhờ ông bà nội.

          Tháng ngày khổ ải rồi …cũng qua với rẫy ruộng nắng mưa. Trong tôi ngày đó  cơn mê dường như đang có bước chuyển hướng tuy có vẻ rõ ràng nhưng chưa thể hình dung  ra nó thế nào ? Còn nhớ đầu những năm tám mươi những lần chở bà vợ đi châm cứu chữa thần kinh tọa, gặp lại  cựu trung úy Lưu Được nay là châm y sư rất nổi tiếng  trong vùng. Qua trao đổi được biết anh là đệ tử ruột của Lương Sĩ Hằng và sau đó ít ngày tôi bắt đầu ăn gạo lức muối mè, nhịn đói tập Thiền Vô Vi…

          Vào thời gian này, tôi ở một mình nơi  Dốc Suối Đỉa còn vợ con thì đã lên chợ Trà Cổ buôn bán. Trong một đêm mưa bão, sau khi đã nhịn ăn đến ngày thứ chín, đúng 12 giờ đêm dậy quạt Pháp Luân thì bị sổ mũi nước hắt hơi liên hồi như súng  liên thanh. Đầu thì như có cả trăm mũi tên cắm vào đau nhoi nhói. Tôi phát hoảng nghĩ mình có lẽ bị…tẩu hỏa rồi chăng ?

          Hình như có ơn soi sáng nào đó, lật đật bật đèn  đến bên tủ sách, ngẫu nhiên  cầm lấy cuốn Kinh Thánh dày cộp của Tin Lành lượm được tại bãi rác đang cháy dở  tại sân  Trại Gia Binh/ BTTM sáng ngày 30/4.75. Cũng lại rất…ngẫu nhiên đọc được lời này: “ Cha ơi ! Cha là Chúa cả trời đất. Con cảm tạ Cha vì Cha đã giấu những điều này với kẻ khôn ngoan thông sáng mà bày tỏ cho con trẻ. Phải ! Cha ơi, vì như vậy thì đẹp lòng Cha” ( Mt 11, 25 -26 ).

          Ngay khi ấy tôi như bừng tỉnh khỏi cơn mê. Vậy hóa ra từ bấy lâu nay mình đã mất công tìm kiếm chân lý trong vô vọng. Đang khi đó chân lý chỉ có thể tìm   với tâm hồn thơ trẻ….

          Cơn bão chưa qua hẳn nhưng ngoài trời đã  hửng sáng. Nhóm bếp đun tô cháo loãng  vừa húp vừa nhen nhúm  niềm hy vọng  ngày trở về. Khoác vội tấm áo mưa leo dốc lên gõ phòng cha xứ Nghi xin xưng thú tội  và  kể từ đó tôi biết mình  đã  được ơn Chúa cho trở lại. Cơn mê như đám mây che cứ thế tan dần theo năm tháng.

          Lại trong một giấc mơ khá lạ lùng. Tôi thấy mình trở lại nhà dòng chẳng biết  dòng nào nhưng mơ hồ được  các dì cho tấm ảnh Thánh Teresa HĐ Giê Su. Thế là ngay trong buổi sáng hôm sau và liên tiếp sau đó mấy ngày tôi để tâm nắn nót từng chữ chép lại toàn bộ cuốn “ Chuyện Một Tâm Hồn” không sót một trang nào.

          Nên như….trẻ nhỏ nhưng bằng cách nào ? Đây lại là một ơn soi sáng khác. Từ  mấy chục năm nay tôi đã bám víu vào Đức Mẹ bằng tràng chuỗi Mân Côi và hoạt động trong ngành Junior, làm trưởng một Curia  suốt gần 20 năm mãi gần đây mới được nghỉ.

          Vừa sống đời sống đạo bình thường của một tín hữu. Hơn nữa còn  là  Tông Đồ của Đức  Mẹ. Tôi vẫn  miệt mài nghiên cứu triết học đông, tây đồng thời  tích cực tu tập Pháp Môn Thiền Tịnh  bằng Chuỗi Mân Côi với quyết tâm đạt tới cảnh giới Nhất Tâm Bất Loạn.

          Với quyết tâm ấy trong mấy năm đầu trở lại. Tôi xin vào …nhập thất tại Chùa Đà La Ni của sư Giác Liêm tại Trảng Bom. Nhập thất vừa có nghĩa là vào ẩn mình  nơi  cái…cốc nhỏ vừa trong thời hạn đúng bảy ngày.

          Lần ấy vừa dự Thánh Lễ Chủ Nhật xong thì Bảo Trâm con gái út hồi đó đang học lớp 10 chở ba vào ….chùa tu. Hẹn sáng chủ nhật sau vào đón. Chiều ngày hôm trước, sư đã dẫn đến thăm cốc và hướng dẫn  mấy điều cần.

          Sáng sớm trời còn mát, mở  toang cửa sổ hít đầy lồng ngực  ngó xuống triền đồi, cây dại mọc um tùm bên dòng suối nhỏ…Chợt thấy lòng lâng lâng tự hào  có  thể  mình  là người Công Giáo đầu tiên vùng này  nhập thất ?

          Cốc là một căn phòng nhỏ, tường xây, mái lợp tôn. Nơi góc phòng bài trí bàn thờ nhỏ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có bát nhang và một cây đèn dầu nhỏ. Tôi vái lạy Ngài một lạy rồi  khẽ khàng đặt tấm ảnh Đức Mẹ Lộ Đức có chị Bernadette quỳ bên dưới chồng ra  bên ngoài.

          Ăn sáng xong, thay bộ pyjama vào tôi bắt đầu công phu, ngồi trong tư thế kiết già và lần đủ  ba chuỗi Vui Thương Mừng. Cứ ba chuỗi như thế tôi gọi đó là một Kinh Mân Côi. Trong suốt  ngày đầu tiên ấy không kể khoảng một tiếng ăn cơm, nghỉ ngơi  tôi lần được  mười kinh tức  30 chuỗi.

          Sau cơm chiều,  mở cửa ra ngoài bắt đầu đi…kinh hành vừa đi vòng tròn vừa lần chuỗi dưới những vòm  cây đìu, gió thổi xào xạc….Kinh hành được khoảng bốn vòng như thế thì trở về cốc. Trên đường về  trời đã sẩm tối khi đi ngang qua đài Đức Quán Thế Âm tôi chợt  thoáng rùng mình  có mấy đốm lửa lập lòe  dưới một gốc cây bên đường, sao ai lại cắm nhang ở đây, hồi chiều có thấy đâu ?

          Rảo bước về cốc, vừa mở cửa bỗng lạnh toát  sống lưng. Tại chỗ bàn thờ, một ngọn lửa xanh  cứ từng chập lòe lên giống như ..ma trơi. Cố trấn tĩnh bước đến thì hóa ra chiếc đèn nóng quá, dầu bốc lên thành ngọn lửa. Đành  phải thổi mạnh vài hơi cho tắt và bóng tối tràn ngập căn phòng cùng với nỗi sợ  vu vơ.

          Lần đầu tiên một mình trong căn phòng nhỏ tối tăm, nóng bức  và xa lạ này bỗng trong tôi nổi lên một cái cảm giác cô đơn chưa bao giờ gặp. Cái cảm giác cô đơn ấy cứ  bủa vây  không sao thoát khỏi. Ngồi xuống, cầm lấy tràng chuỗi ra lần nhưng không sao có thể niệm thầm như mọi khi. Đành phải đọc ra tiếng, hết chuỗi này đến chuỗi kia mà tâm trí  vẫn liên miên chia trí  rất khó đi vào chánh niệm.

          Mỏi mệt và có phần lo âu nhưng không dám nằm xuống  vì biết  trong tình cảnh ấy  nếu nằm  thì vọng tưởng càng khởi lên, tâm  sẽ  bất an. Có lẽ trời đã vào khuya, ngay cả tiếng gió cũng không còn xào xạc trên mái …Nằm thiếp đi một lát lại ngồi lên lấy tràng chuỗi ra lần nhưng trong lòng thì chỉ mong  trời…mau sáng.

          Trong cái bóng đêm mịt mùng ấy tôi mong mỏi  biết mấy  cái âm thanh của sự sống như tiếng phi cơ ù ù trên không trung hoặc tiếng chim hót  lảnh lót  đâu đó….Thế rồi  dường như sự sống đang dần trở lại. Ngoài quốc lộ  thỉnh thoảng  đã nghe có tiếng còi xe  văng vẳng và rồi một lát lâu sau thì nhạc hiệu của đài phát thanh huyện  vang lên bài  ca  mở đầu bằng  mấy câu quen thuộc….” Mùa hoa lê ki ma nở…..Bình thường bất chợt nghe bài này thấy….ơn ớn nhưng lần này nghe lại thấy….mừng vì nó báo hiệu  một ngày mới đang  bắt đầu…

          Trời gần về sáng và đêm tối đang qua. Cơn mê rồi cũng sẽ qua, tôi thầm nghĩ còn mấy ngày trong thất nữa  nhưng  lòng lại thấy an tâm vì  tin  mình luôn  có Chúa có Mẹ ở cùng.

          Sáng Chủ Nhật tuần sau, đúng hẹn Bảo Trâm lại đến đón đang ngồi chờ tại phòng khách  của sư. Khi  lững thững đi ngang qua chỗ Đài Đức Quán Thế Âm, bất chợt nhìn thấy tượng…Ông Địa ngồi phưỡn  bụng, cười toe  dưới  gốc cây có bát nhang bên đường.  Tôi chợt phì cười thì ra đó chính là Ông Địa mà mình đã phải rùng mình trong cái đêm nhập thất  lần đầu ấy.

          Thấy Ông Địa ngồi cười bên gốc cây, chẳng hiểu sao tôi lại nhớ đến lời của một thiền sư: “ Khi chưa học Thiền thì thấy sông là sông, núi là núi. Khi học Thiền thì thấy sông không phải là sông. Núi không phải là núi. Bây giờ  học Thiền rồi thì lại thấy sông là sông và núi là núi”.

          Ban đêm ( Mê )  không nhận ra Ông Địa chỉ thấy mấy đốm nhang lập lòe nên sợ. Còn ban ngày ( Tỉnh )  thấy Ông Địa cười nên …hết sợ. Cuộc sống nếu  ta  có Chúa có Mẹ thì cơn mê nào rồi cũng  qua thôi./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts