SỐNG  ĐỨC  TIN  VÀ  TRUYỀN  GIÁO

          Trước khi Chúa Phục Sinh về trời, Ngài đã trao truyền mệnh lệnh cho các tông đồ: “ Các con hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Ai không tin thì bị kết tội” ( Mc 16, 15 ).

          Qua lệnh truyền này cho thấy, đức tin là điều trọng yếu trong công cuộc truyền giáo của giáo hội. Tuy nhiên có điều dường như… khó hiểu đó là tại sao: Ai không tin lại bị kết tội ? Chẳng lẽ việc truyền giáo lại có thể mang tính cưỡng ép thế sao ?

          Lời Chúa chân thật và cũng là lời hằng sống, có nghĩa nếu trước đây Chúa nói vậy thì nay cũng chẳng thể khác. Những ai được nghe rao giảng Tin Mừng không tin lại còn chống đối sẽ bị kết tội. Điều…khó hiểu này chỉ có thể…giải một khi Tin Mừng của Đức Ki Tô là về Nước Trời mầu nhiệm nội tại ( Lc 17, 20 -21 ).

          Bởi vì Nước Trời là mầu nhiệm nội tại như thế  nên mới cần đến lòng tin và thực hành lòng tin ấy ra bên ngoài bằng việc lãnh nhận  Phép Rửa. Tin Nước Trời là thực tại mầu nhiệm ở nơi mình và thực hành tức sống đức tin ấy  sẽ đạt được an vui  ngay trong đời này và đời sau vô cùng tận.

          Đức Ki Tô rao giảng Tin Mừng Nước Trời có nghĩa Ngài đã nói lên sự thật và những ai nghe và tin theo sự thật đó sẽ được giải thoát. Ngược lại thì bị trói buộc và bị trói buộc thì phải sống trong si mê, phiền não.

          “ Chúa nói với những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ). Chúa nói Ngài không cứu nhưng là Sự Thật. Đây là điều hết sức quan hệ không thể không…lưu ý. Bởi nếu hiểu thì không còn chấp nê cho rằng Chúa Gie Su là Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian ? Làm sao các tôn giáo khác có thể chấp nhận một điều như thế  và việc truyền giáo sao không trở ngại ?

          Chẳng phải là với quan niệm ấy  mà công cuộc truyền giáo không  những đã không tiến triển thuận lợi mà còn cho thấy nó đang ở trong ngõ cụt không lối thoát: “ Nhiều quốc gia trước đây có một đời sống Ki Tô phồn thịnh và có khả năng làm phát sinh những cộng đồng đức tin sống động, nay bị thử thách nặng nề hay có khi bị biến đổi sâu xa  vì những hiện tượng  thờ ơ, tục hóa và vô thần. Đây đặc biệt là hoàn cảnh của các nươc thuộc thế giới tân tiến. Tại các vùng khác trên thế giới, các truyền thống đạo đức và các tâm tình Công Giáo  vẫn còn được bảo tồn sống động. Nhưng các gia sản thiêng liêng đó  đang gặp nguy cơ bị tan biến dưới sức mạnh  của nhiều trào lưu trong đó có trào lưu tục hóa và sự lan tràn của các giáo phái. ( Nguồn: giaophanxuanloc.Net – Đức cha Giu Se Đinh Đức Đạo- Tân Phúc Âm Hóa ).

          Trào lưu Tục Hóa phát triển mạnh tại các nước phương tây khi mà đời sống vật chất  được thỏa mãn đủ đầy thì đức tin tôn giáo đương nhiên bị…tắt lịm và khi ấy công cuộc truyền giáo sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Lý do là vì giữa đời sống thế tục và đời sống tôn giáo không thể…ăn khớp với nhau.

          Một đàng người đời đòi hõi các nhu cầu thỏa mãn vật chất ngày  càng nhiều. Một đàng theo Chúa thì phải dốc lòng từ bỏ: “ Như vậy, hễ ai trong các ngươi không từ bỏ mọi sự mình có thì không thể làm môn đệ Ta được” ( Lc 14, 33 ).

          Từ bỏ ở đây có thể là không còn bám chấp vào tài sản, ruộng vườn, nhà cửa, hoặc lấy những tiện nghi vật chất làm cứu cánh cuộc đời. Nhưng điều khó bỏ nhất vẫn là những kiến thức triết/khoa học đã thu thập được qua học hỏi, nghiên cứu v.v…Những thứ này sở dĩ khó bỏ bởi vì chúng là…cái sở tri chướng tinh vi của con người.

          Từ bỏ những kiến thức sở tri ấy là rất khó. Tuy vậy Chúa Giê Su lại đòi hỏi điều khó khăn ấy bởi chỉ có như thế con người mới có thể đặt hết lòng tin vào Tin Mừng của Ngài: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng ( Mc 1, 15 ).

          Giữa lòng tin và việc ăn năn sám hối có một mối liên hệ mật thiết với nhau. Càng sám hối, chừa cải tội mình bao nhiêu thì lòng tin vào Tin Mừng càng mạnh mẽ bấy nhiêu, trái lại thì không. Lại nữa, tin vào Tin Mừng tức là tin vào lời Chúa nói: Nước Trời đã sẵn đủ ở nơi các ngươi, chỉ cần hết lòng sám hối cùng với lòng tin thì Nước Trời…đã gần.

          Chỉ khi nào lòng tin vào Tin Mừng đã…bén rễ nơi người nào thì người ấy mới có thể  vững bước trên con đường truyền giáo. Thánh Phao Lô là tấm gương sáng chói của việc truyền giáo bởi vì ngài đã bám rễ sâu nơi Tin Mừng: “ Ấy là Đấng đã  cứu chúng ta, đã kêu gọi chúng ta bởi ơn kêu gọi Thánh, chẳng phải theo công việc của chúng ta  bèn là theo ý chỉ và ơn sủng của Ngài là ơn sủng đã ban cho chúng ta trong Chúa Giê Su Ki Tô từ trước muôn đời mà bây giờ mới được tỏ ra bởi sự hiện đến của Cứu Chúa chúng ta là Đức Giê Su Ki Tô Đấng đã bãi bỏ sự chết  nhờ Tin Mừng mà phơi sáng sự sống và sự chẳng hay hư nát ra…

          …Cũng vì Tin Mừng đó mà ta đã được lập làm người truyền đạo là sứ đồ và là giáo sư” ( 2Tm 1, 9 -11 ).

          Điều kiện không thể thiếu cho việc truyền giáo đạt kết quả là phải có lòng tin nơi Tin Mừng. Lý do bởi vì bản thân có tin thì mới có thể đem lòng tin và mừng vui ấy đến cho người khác. Trái lại không tin thì làm sao có thể…mừng ? Người ra đi truyền giáo thì từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ phải nhu hòa mới  dễ tiếp cận được  với người.

          Dẫu vậy để có được lòng tin nơi Tin Mừng là điều rất khó nhưng Chúa Giê Su không buộc con người làm điều chi quá khó. Trước hết chỉ cần tin Ngài là Đấng Cứu Thế đã đến trong thế gian là được. Người đàn bà xứ Samari sau khi trò chuyện với Chúa Giê Su bên bờ giếng Gia Cop  rồi sau đó…dẫn Ngài về giới thiệu với dân làng, nhờ đó mà họ đã có lòng tin: “ Nay chúng ta tin không còn phải vì lời ngươi nói bèn chính chúng ta đã nghe và biết rằng  ấy thật là Cứu Chúa đã đến trong thế gian” ( Ga 4, 39 -42 ).

          Qua câu chuyện của người đàn bà ngoại giáo xứ Samari này cho thấy truyền giáo, đơn giản chỉ là làm sao…dẫn Chúa Giê Su đến với người khác bằng tấm chân tình của mình. Mỗi người, mỗi thời có những cách thức truyền giáo khác nhau, chỉ cần có lòng yêu mến, tin tưởng vào Chúa thì mọi sự đều có thể. Thánh Phanxico Xavie ( 1506 – 1552 ) là tấm gương vĩ đại khác về việc từ bỏ để dấn thân trên con đường truyền giáo.

          Ngài đã từ bỏ tất cả chỉ vì đã nghe lời khuyên nhủ của người bạn thân là Thánh Ignatio de l’loyola với lời Chúa: “ Được lời lãi cả và thế gian, mất linh hồn thì nào được ích gì”. Có lần thánh nhân đã chối từ quà tặng ngọc ngà châu báu cùng với một người hầu do vua nước Bồ Đào Nha trao tặng  với một lời đáng cho ta khâm phục: “ Cách tốt nhất để đạt được chân giá trị  là giũ bỏ cả áo quần  của mình và sống cuộc đời khó nghèo”.

          Thánh Phanxico Xavie đã sống đời từ bỏ để dấn thân trên con đường truyền giáo đầy gian nguy khổ cực vì đã sống theo Tin Mừng của Đức Ki Tô. Không có lời Chúa soi dẫn  và thúc đẩy thì làm sao con người ấy có đủ năng lực và đức tin để hoán cải được vô vàn vô số con người về với Chúa ?

          Đã có biết bao chứng nhân của Chúa chỉ vì đã hết lòng tin vào Tin Mừng và loan truyền lòng tin ấy ra mà đã được mão triều thiên vinh hiển: “ Anh em ơi ! Nay tôi nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng và anh em đã nhận lãnh. Anh em cũng đang đứng trong đạo ấy. Và nếu anh em giữ vững lời tôi đã giảng cho đó thì anh em cũng nhờ vào Tin Mừng ấy mà được cứu rỗi, miễn là anh em không tin cách vô ích” ( 1C 15, 1 -2 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts