MÙA CHAY LÀ CƠ MAY ĐỂ TRỞ NÊN TỐT LÀNH

Mùa chay là thời gian tốt đẹp để giải quyết vấn đề này.

Việc khẳng định mình là người tốt lành sẽ khiến cho sự thật bị căng kéo đến mức gây đổ vỡ. Tôi cho rằng mình là người đàng hoàng. Tuy nhiên, hầu như lúc nào cũng vậy, ngày sống của tôi được sắp xếp sao cho mọi thứ phù hợp với những gì thuận tiện nhất cho tôi, dù khiến người khác bị sốc. Tôi tránh những cuộc tranh cãi vì như thế thì dễ chịu hơn là phải la lối đáp trả. Tôi tử tế vì tôi muốn mọi người cũng tử tế khi đáp lại tôi. Nếu tôi làm điều đúng, điều đó là vì nghĩa vụ hơn là vì một cam kết nội tâm thúc giục tôi sống tốt lành, không chỉ vì mong được đáp lại bằng lòng tốt. Cái tôi và sự ích kỷ trong những lựa chọn của tôi là điều đương nhiên.

Tôi không nói gì về sự kém cỏi đạo đức của mình, cứ như thể tôi là một kẻ siêu phàm không có gì phải cắn rứt. Tôi thực sự muốn nghĩ đến người khác trước tiên, thực sự và chân thành, không ngừng sống rộng lượng, tử tế và chu đáo. Tôi muốn đức tính thiện hảo hiện hữu trong tôi và thúc đẩy mọi hành động của tôi mà không phải thỏa hiệp nhượng bộ gì. Khi tôi trôi giạt vào sự cam kết tự mãn như thế, Mùa Chay luôn ở ngay bên cạnh để nhắc nhở tôi. Hãy tiếp tục cố gắng. Mùa Chay là thời gian để xem xét nghiêm túc về sức khỏe tình cảm cũng như tâm linh, vì vậy tôi thực hành các quy định của Mùa Chay – cầu nguyện, ăn chay, bố thí – và hy vọng những thay đổi sẽ vững bền mãi mãi.

Tôi thường thất bại. Chẳng hạn, vào Thứ Tư Lễ Tro năm nay, tôi quá đói vì ăn chay đến mức nẩy sinh sự khó chịu thực sự với Thiên Chúa. Thái độ đó nhanh chóng đánh bại mục đích của toàn bộ sự thao luyện thiêng liêng. Tôi nằm mơ thấy bánh mì kẹp thịt và thấy nắm tay tôi đấm dứ dứ vào Thiên đàng, chuyện như thế không thể làm cho ngày sống của tôi nên thánh thiện. Vì vậy, tôi đi xưng tội lại, cũng giống như tôi đã làm trong mỗi Mùa Chay, tôi xưng thú với linh mục các hy vọng cao cả của tôi, hy vọng rồi ra mình sẽ trưởng thành trở nên một người tốt, nhưng hy vọng ấy đã tiêu tan như thế nào, tôi nói về chuyện tôi theo Chúa Kitô vào sa mạc và ngay lập tức đầu hàng mọi cám dỗ như thế nào.

Theo kinh nghiệm của tôi, phần lớn chúng ta, khi được hỏi, sẽ khẳng định chúng ta là “những người khá tốt”. Nhìn từ một góc độ nào đó thì phản ứng này có ý nghĩa. Xét cho cùng, chúng ta không phải là những kẻ độc tài xấu xa hay những kẻ giết người hàng loạt. Chắc chắn là chúng ta đã mắc phải những sai lầm của mình, nhưng ai lại không sai lẩm cơ chứ? Tuy nhiên, từ một góc độ khác, việc bất cứ ai trong chúng ta cũng khẳng định rằng mình tốt lành thì lại hoàn toàn không đúng. Tất cả chúng ta đều sai lầm mỗi ngày, làm và nói những điều, mặc dù chúng có vẻ không phải là vấn đề lớn lao vào thời điểm đó, nhưng nếu chúng ta chịu khó nhìn lại bản thân, thì lại khiến chúng ta sẽ phải lo lắng rất nhiều.

Việc trở thành người tốt lành thực sự, trung thực với lòng tốt hàng ngày, nhất quán trong mọi tương quan, là điều không thể. Khi tôi xét lại cuộc sống của chính mình và tìm hiểu kỹ về một thất bại khác, tôi tự hỏi tại sao điều đó lại khó khăn đến vậy. Tại sao việc trở nên tốt lành lại là một cuộc chiến đấu khó khăn như vậy?

Đối với tôi, sự tự mãn đóng một vai trò rất lớn. Sự kiêu ngạo dễ dàng làm tôi ảo tưởng, thì thầm vào tai tôi rằng ý định của tôi là tốt, động cơ của tôi trong sáng, lỗi lầm của tôi không quá lớn. Sự kiêu hãnh là một phương tiện bảo vệ, bởi vì nếu tôi thành thật đối mặt với hiện trạng chính xác tôi là ai mà không ảo tưởng về sự cao cả của mình, thì điều đó thật tàn khốc. Tuy nhiên, chừng nào tấm khiên đó vẫn còn ở vị trí cũ thì tôi vẫn có thể giả vờ là một người tốt lành đồng thời vẫn không cảm thấy bị tổn thương. Không quan tâm gì đến linh hồn. Không lời xin lỗi. Không cảm giác tội lỗi. Sự tốt lành mà tôi cho là của tôi sẽ trở thành áo giáp mà không ai có thể chọc thủng được bởi vì nếu tôi tốt lành thì không ai được phép chất vấn hay phán xét tôi.

Tất nhiên, điều này không tốt lành chút nào. Hãy xem xét những người thực sự tốt lành. Họ phải trả giá những gì? Chúa Kitô đã bị giết vì sự tốt lành. Phêrô đã bị giết vì sự tốt lành. Đức Trinh nữ Maria khóc trước đứa con sắp chết của mình. Danh sách tiếp tục và tiếp tục. Hãy xem xét những thành viên tốt đẹp nhất trong cuộc đời của bạn – những người bạn yêu thương cách trong sáng nhất và những mối tương quan đó tràn đầy sự tốt lành như thế nào. Cũng chính những mối tương quan đó khiến chúng ta dễ bị tổn thương, phải không? Đó là cái giá phải trả cho sự tốt lành.

Đây là sự thật gây choáng nhưng không thể phủ nhận về sự thiện hảonó đan xen với sự mong manh dễ vỡ. Để trở nên thiện hảo, chúng ta phải bị tổn thương. Đôi khi, nỗ lực của chúng ta sẽ hoàn toàn không được đáp lại hoặc thậm chí gặp phải sự thù địch. Sự thiện hảo khiến chúng ta dễ bị tổn thương bởi tất cả các thứ gây tan nát cõi lòng. Nhà triết học Martha Nussbaum nhấn mạnh điều đó khi bà nói, “Điều kiện để trở nên tốt lành là bạn luôn có thể bị hủy hoại về mặt đạo đức bởi điều gì đó mà bạn không thể ngăn ngừa. Để trở thành một con người tốt lành là có một cung cách cởi mở nào đó với trần thế… ”

Câu hỏi tôi tự hỏi mình trong Mùa Chay này là liệu tôi có sẵn sàng thú nhận mình  mong manh dễ vỡ hay không. Không có cách nào để đạt được sự thiện hảo mà không có thú nhận mình mong manh dễ vỡ bởi vì không có cách nào khác là mở lòng ra với cuộc sống. Dù cuộc sống có đem lại điều gì cho tôi, tôi cũng muốn đáp lại cuộc sống với lòng tốt. Không phải vì tôi là bất khả xâm phạm, mà bởi vì sự mạo hiểm là cần thiết để khám phá ra rằng điều tốt lành là đáng giá, và hy vọng điều tốt lành sẽ đến cùng với sự mong manh đó. Tôi hy vọng rằng sự tốt lành của thế giới này sẽ không bị quên lãng mãi mãi, hy vọng rằng nó sẽ không mòn mỏi và già yếu đi. Nếu cuối cùng tôi đồng ý phấn đấu vì điều tốt lành, không phải vì điều đó thuận tiện mà vì điều tốt lành tự nó đáng giá, thì ai biết được điều gì sẽ âm thầm nẩy sinh từ đó? Vũ trụ này sẽ được thay đổi như thế nào?

Có thể đây là con đường để rồi rốt cuộc tôi cũng trở thành một người tốt lành. Nếu biết tâm hồn mình mâu thuẫn như thế nào, có lẽ tôi sẽ không bao giờ đi cho hết chặng đường đó nếu không có sự giúp đỡ tận tình. Nhưng điều đó không sao cả, bởi vì tôi đã sẵn sàng thú nhận sự mỏng manh dễ vỡ của bản thân mình khi biết rằng, ngay cả khi chật vật lắm tôi mới có thể sống tốt một chút chỗ này chỗ kia, thì tôi vẫn luôn có thể vực bản thân mình dậy, phủi bụi và tiếp tục cố gắng.

 

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ,

theo Lm Michael Rennier, aleteia.org.

Chia sẻ Bài này:

Related posts