5 Phút cho Lời Chúa Tháng 09-2014

21/09/14                              CHÚA NHẬT TUẦN 25 TN – A

                                                                           Mt 20,1-16a

THUÊ VÀ THƯƠNG

“Cầm lấy phần của bạn mà đi đi… Phải chăng vì tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,14-15)

Suy niệm: Ông chủ trong dụ ngôn xử sự công bình với những người được thuê làm vườn nho: trả một đồng quan như thói quen thời ấy; ông cũng đối xử hào phóng khiến các kẻ làm công ghen tị vì ông có lòng “thương” cách khác thường. Ghen tức khi thấy người khác hơn mình là chuyện thường tình của thói đời. Qua ông chủ vườn nho – hình ảnh của Thiên Chúa – Chúa Giê-su dạy ta bài học của đạo trời mà Ngài mang đến: bài học của việc xử sự công bình và bài học của tình thương không so đo tính toán như thói đời. Nếu chỉ công bình mà thôi thì chúng ta không thể lãnh nhận được ân huệ nào của Thiên Chúa vì ta không xứng đáng. Những gì ta lãnh nhận đều do lòng nhân lành Thiên Chúa ban cho.

Mời Bạn: Bạn nghĩ gì về tình trạng kinh tế và đạo đức của cá nhân và gia đình bạn hiện nay? Đời sống sung túc khiến bạn rơi vào cơn xoáy hưởng thụ, tiêu thụ, hay giúp bạn sống đạo hạnh hơn? đời sống chật vật có giúp bạn thêm tín thác vào Chúa hay làm cho bạn đâm ra nguội lạnh?

Chia sẻ: Trước hết phải ý thức thân phận mình như những thợ đến làm giờ thứ chín (3 giờ chiều), thứ mười một (5 giờ chiều), để cảm tạ Chúa, và bày tỏ lòng yêu mến Ngài bằng cách nghe, làm theo Lời Ngài, đem Tin Mừng vào trong cuộc sống, trong mái ấm gia đình mình.

Sống Lời Chúa: Tôi tìm lại nhịp sinh hoạt đạo đức đã bị lãng quên: cầu nguyện sáng tối hằng ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được tình Chúa thương yêu, để con có thể xử sự với Chúa bằng một tình yêu chân thành, không nhuốm màu vụ lợi. Amen.


22/09/14                                           THỨ HAI TUẦN 25 TN

                                                                             Lc 8,16-18

LOAN BÁO TIN MỪNG CÁCH NÀO?

“Hãy để ý tới cách thức anh em nghe.(Lc 8,18)

Suy niệm: Rất nhiều lần tai chúng ta nghe lời hiệu triệu: Hãy truyền giáo, hãy loan báo Tin Mừng! Tuy nhiên, mười năm gần đây, số người Công giáo Việt nam không tăng bao nhiêu, vẫn chiếm khoảng 7% dân số; đối với một số giáo phận như Qui Nhơn, Đà Nẵng, Huế… tỉ lệ ấy còn thấp hơn nữa. Đành rằng hiệu quả của việc loan báo Tin mừng không chỉ được đánh giá dựa trên những con số, nhưng ta vẫn phải suy nghĩ, đặt vấn đề: làm sao đây? Lời Chúa trong bài Tin Mừng soi sáng cho chúng ta cách thức truyền giáo tinh tế hơn: “Hãy để ý tới cách thức anh em nghe”. Thật vậy, khi kể về bốn mẫu người lắng nghe Lời Chúa, Chúa Giê-su nhấn mạnh chỉ những người là mảnh đất tốt, tức là chăm chú lắng nghe, yêu mến Lời Chúa, thì mới sinh hoa kết quả. Nếu thực tâm lắng nghe, suy niệm và nỗ lực sống Lời Chúa, thì đời sống ta tựa như ngọn đèn cháy sáng, sẽ có sức chiếu tỏa cho người khác, đập vào mắt họ, khiến họ phải đặt câu hỏi.

Mời Bạn: Hãy tin rằng nỗ lực sống Lời Chúa trong cuộc sống đời thường có vẻ như âm thầm, lặng lẽ; nhưng thật kỳ diệu, đời sống tốt đẹp của bạn lúc đó tỏa sáng như ngọn đèn để trên đế đèn, đang tác động đến người lân cận.

Sống Lời Chúa: Tôi đọc đoạn Lời Chúa hôm nay thật chậm rãi để luyện tập cách lắng nghe Lời Chúa, và xác tín Lời ấy có sức mạnh đổi mới đời mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con cách thức lắng nghe Lời Chúa, vì khi con đọc và suy niệm Lời Chúa, con không chỉ được nghe Chúa dạy, nhưng con còn gặp được chính Chúa. Gặp Chúa và rao truyền danh Chúa là sứ mạng cả cuộc đời con. Amen.


23/09/14                                            THỨ BA TUẦN 25 TN

Th. Pi-ô Pi-ết-ren-xi-na, linh mục                    Lc 8,19-21

NGHE VÀ SỐNG LỜI CHÚA

Đức Giêsu đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” (Lc 8,21)

Suy niệm: Con người có khuynh hướng kết liên với nhau theo sở thích, tuổi tác hoặc huyết thống… Trẻ đi thành nhóm, trưởng thành đi từng cặp, người già đi với con cháu! Với Đức Giê-su cho biết để trở thành người thân, người bạn, người nhà của Thiên Chúa, cần có một tiêu chuẩn cao hơn, đó là “nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”. Nếu thế thì việc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy (Rửa tội), tham dự thánh lễ, đọc kinh… vẫn chưa đủ để tôi thật sự trở thành người nhà của gia đình Chúa. Muốn nghe Lời Chúa, tôi phải siêng năng đọc Lời Ngài, để Lời ấy thấm vào tâm hồn, giúp ta suy nghĩ, phản ứng, cư xử như Chúa Kitô, giúp ta chấp nhận sống theo những giá trị của Tin Mừng: khó nghèo, trong sạch, bác ái, phục vụ, vác thập giá mình mỗi ngày cách vui tươi…

Mời Bạn: Hãy thật sự là người con của Chúa khi chấp nhận vui vẻ nghe Lời Ngài và đem ra thực hành, dù Lời ấy nhiều khi đi ngược sở thích, trái hẳn thói đời, đòi hỏi nhiều hy sinh cố gắng.

Chia sẻ: Tôi là người thân của Chúa thật sự hay chỉ trên danh nghĩa? Tôi sẽ làm gì để từ nay sẽ “nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ chú tâm đem Lời Chúa ra thực hành trong đời sống bằng cách tập phản ứng trước một sự kiện trái ý như Chúa Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mời gọi chúng con trở thành người thân, người nhà của Chúa, qua việc lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống mỗi ngày. Xin giúp chúng con đều đặn đọc Lời Chúa, chăm chú lắng nghe và kiên trì sống Lời ấy từng giây từng phút. Amen.


24/09/14                                            THỨ TƯ TUẦN 25 TN

                                                                                 Lc 9,1-6

NGƯỜI TÔNG ĐỒ SIÊU THOÁT

Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa […]. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo…(Lc 9,2-3)

Suy niệm: Những lời này của Chúa không thể áp dụng theo nghĩa đen cho các tông đồ ngày nay, ít là nói chung. Nhưng mọi sự giảm thiểu điều cốt yếu của thông điệp (nhằm biện minh cho sự cậy dựa quá đáng vào các phương tiện vật chất, tiền bạc…) đều là sự bóp nghẹt Tin Mừng. Sức sống của Giáo Hội không được đo bằng số tài sản mà Giáo Hội sở hữu; nhiều khi thậm chí ngược lại: càng giàu của cải, càng tha hóa và lạc xa Tin Mừng. Chúa nhấn mạnh lối sống siêu thoát của người tông đồ, siêu thoát hết sức có thể đối với mọi sự cậy dựa vật chất. Sự siêu thoát này là việc diễn tả hùng hồn của đức cậy Ki-tô giáo, nhất là trong giòng xoáy của tiện nghi, tiêu thụ, hưởng thụ như thế giới của chúng ta ngày nay.

Mời Bạn ý thức tính thách đố của tinh thần siêu thoát theo Tin Mừng – và ý thức khả năng thuyết phục của chứng tá siêu thoát, như lời ĐHY Nguyễn Văn Thuận: “Thế gian không thấy con vâng phục, không biết con trinh khiết, nhưng chắc chắn thế gian sẽ nhận thấy rõ rằng con khó nghèo.” Thật vậy, chứng tá khó nghèo, siêu thoát chắc chắn đập thẳng vào mắt người ta, húc vào đầu người ta, và làm bật ra những dấu hỏi.

Sống Lời Chúa: Tôi tháo gỡ những điểm tựa vật chất không thật sự cần thiết, nhất là cảnh giác để không sa vào những phô trương theo thói đời.

Cầu nguyện: Chỉ mong Ngài lấy đi, mong chẳng còn gì thuộc về con, … Để con được trắng tay, con chỉ còn Ngài để giữ lấy, con được chọn Chúa mãi là của con.    (Lm. Quang Uy, ý thơ R. Tagore).


25/09/14                                         THỨ NĂM TUẦN 25 TN

                                                                                 Lc 9,7-9

ÔNG NÀY LÀ AI?

Còn Vua Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” (Lc 9,9)

Suy niệm: Tư tưởng và hành động của Chúa Giê-su khiến cho người đương thời phải đặt câu hỏi: Ngài là ai? Trải qua các thời đại và cho đến hôm nay, người ta vẫn không ngừng tìm hiểu về Ngài, bởi vì con người và cuộc sống Giê-su luôn là một mầu nhiệm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là: “Giờ này, đối với tôi, Đức Ki-tô là ai?” Dư luận thế gian và người đời giới thiệu nhiều câu trả lời khác nhau, theo quan điểm và cảm nhận chủ quan của từng người, từng nhóm. Thế nhưng Đức Ki-tô không là thế, không như người ta và tôi nghĩ tưởng, Ngài vẫn là một, “hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời.” Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất cho trần gian. Như vậy, chỉ nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, tôi mới có thể đạt đến sự hiểu biết đích thực về Ngài – đó là chân lý vẹn toàn do Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Mời Bạn: Lời Chúa hôm nay nhắc chúng ta tự vấn thái độ của mình qua những lần chúng ta gặp Chúa trong Thánh lễ và các bí tích. Xưa nay, ta ngỡ rằng mình biết Chúa, nhưng thực ra nhiều lần ta chẳng hiểu gì!

Sống Lời Chúa: Làm một việc giúp đỡ cụ thể và hữu hiệu cho một người bé mọn, như thể làm cho chính Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, không ai có thể khám phá khuôn mặt Chúa thay con được, chính con phải tự khám phá trong suốt cả cuộc đời. Xin ban cho con đôi mắt trong sáng để nhận ra Chúa mọi nơi mọi lúc; đôi tai mở rộng để lắng nghe tiếng Chúa gọi mời. Xin cho người khác cũng nhận ra bóng dáng Chúa đáng yêu nơi cuộc đời con. Amen.


26/09/14                                          THỨ SÁU TUẦN 25 TN

Th. Cót-ma và Đa-mi-a-nô, tử đạo                  Lc 9,18-22

ANH EM BẢO THẦY LÀ AI?

“Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Chúa Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” (Lc 9,19-20)

Suy niệm: “Anh em bảo Thầy là ai?”  Đây là câu hỏi hệ trọng đến cuộc đời  mỗi người, không chỉ ở đời này mà còn đời sau, được Chúa Giê-su đặt ra cho mọi người. Đây là câu hỏi đòi buộc tất cả phải trả lời. Câu trả lời không chỉ đến từ những kiến thức trong sách vở, mà còn phải đến từ kinh nghiệm đức tin cá nhân của mỗi người. Nếu trả lời câu hỏi này chỉ từ những vốn liếng kiến thức, thì chúng ta lạc đề, vì câu trả lời từ kiến thức dành cho câu hỏi “Người ta bảo Thầy là ai?” chứ không phải “Anh em bảo Thầy là ai?” Chỉ khi trả lời câu hỏi “Chúa là ai?” bằng kinh nghiệm đức tin của Giáo Hội và của mình, chúng ta mới sống đức tin vững mạnh, có thể giúp người khác hiểu biết Chúa Giê-su, và thờ phụng Ngài. Công cuộc tân Phúc Âm hóa đòi buộc ta làm mới lại đức tin của mình cũng vì lý do truyền giáo ấy. Do đó, rất cần các Ki-tô hữu dành thời gian cầu nguyện mật thiết với Chúa, hầu được biết Chúa Giê-su, và có thể loan báo Chúa cho mọi người.

Mời Bạn: Kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Chúa Giê-su rất cần thiết cho mỗi người và cho công cuộc tân Phúc Âm hóa: gặp gỡ Chúa qua việc đọc Lời Chúa với tâm tình cầu nguyện, qua các bí tích, đăc biệt qua bí tích Thánh Thể và bí tích hòa giải, qua việc dấn thân phục vụ. Mời bạn đi vào cuộc gặp gỡ Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi cám ơn Chúa sốt sắng mỗi khi rước lễ.

Cầu nguyện: Đọc kinh Các thánh tử đạo Việt Nam.


27/09/14                                          THỨ BẢY TUẦN 25 TN

Th. Vinh-sơn Phao-lô, linh mục                      Lc 9,43-45

CHỌN THẬP GIÁ CHÚA KI-TÔ

Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” (Lc 9,43-44)

Suy niệm: Thi hào Nguyễn Du khi nhận định về số phận nghiệt ngã của nhân vật Thuý Kiều trong tác phẩm của mình đã kết luận: cô như bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” nên cứ “tìm những lối đoạn trường mà đi”. Trên đời này chẳng ai chọn mang cái khổ vào thân. Nhưng “đời vốn là bể khổ,” con người “chạy trời không khỏi nắng” nên phải cam chịu mang lấy “kiếp nạn” ấy mà thôi. Vì thế cũng dễ hiểu tại sao các môn đệ Chúa Giê-su không hiểu lời Ngài nói: “Con Người sắp bị nộp”. Chúa tự nguyện vác khổ giá vì vâng phục ý Chúa Cha; Ngài đã biến khổ giá thành phương thế cứu độ nhân loại. Ngài cho các môn đệ biết chương trình hành động của Ngài để mời gọi họ cũng bước theo Ngài dám đón nhận thập giá để cộng tác vào công trình cứu độ.

Mời Bạn: Chúa nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Bạn cũng được mời gọi đi theo con đường thập giá với Ngài. Những “kiếp nạn” trong cuộc đời bạn có thể được “hoá giải” trở thành ân phúc cho bạn và mọi người khi bạn “vác” lấy chúng bằng tâm tình kết hợp với Chúa Giê-su.

Chia sẻ: Bạn phản ứng thế nào trước đau khổ của bạn (nhẫn nại, bất nhẫn…) và của tha nhân (cảm thông, vô cảm…)?

Sống Lời Chúa: Trước những đau khổ của bản thân, tôi giữ thái độ bình an, vui tươi; trước đau khổ của tha nhân, tôi cảm thông và sẵn sàng chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con yêu mến đến mức say mê Thánh Giá Chúa, để con dám vác thập giá mình đi theo Chúa.

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment