Nội San Kinh Mân Côi Số Tháng 07-2013

TRANG HỌC TẬP

ĐỨC NỮ TRINH MARIA MẸ THIÊN CHÚA

TRONG MẦU NHIỆM CHÚA KITÔ VÀ GIÁO HỘI

Để hiểu rõ hơn vai trò của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa trong Mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội, BBT xin giới thiệu lần lượt các số 52-54 được trích nguyên văn từ Chương VIII trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công đồng Vatican II.

Nhập đề

Thiên Chúa là Ðấng vô cùng nhân hậu và khôn ngoan đã muốn hoàn tất việc cứu chuộc thế giới, nên “khi đến thời viên mãn, Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ… để chúng ta được nhận làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria”. Mầu nhiệm cứu rỗi thần linh này được mạc khải cho chúng ta và vẫn tiếp tục trong Giáo Hội, Giáo Hội mà Chúa đã lập làm thân thể Người. Trong Giáo Hội ấy, liên kết với Chúa Kitô Thủ Lãnh, và hiệp thông với toàn thể các Thánh Người, các tín hữu cũng phải kính nhớ “trước hết Đức Maria vinh hiển, trọn đời Ðồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

Ðức Maria và Giáo Hội

Thực vậy, khi sứ thần truyền tin, Ðức Nữ Trinh Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Ðấng Cứu Thế. Ðược cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con Ngài và hiệp nhất mật thiết và bền chặt với Con, Ðức Maria đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí này, Ngài đã trổi vượt mọi tạo vật trên trời dưới đất. Nhưng đồng thời, vì thuộc dòng dõi Ađam, Ngài cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi; hơn nữa, “Ngài thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô)… vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Ðầu ấy”. Vì thế, Ngài cũng được chào kính như chi thể của Giáo Hội tối cao và độc nhất vô nhị, cũng như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái. Và Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Ngài tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu.

Ý hướng của Công Ðồng

Bởi thế, khi trình bày giáo lý về Giáo Hội – trong Giáo Hội này, Chúa Cứu Thế thực hiện cuộc cứu độ – Thánh Công Ðồng ân cần mong muốn làm sáng tỏ vai trò của Ðức Nữ Trinh trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và Nhiệm Thể, cũng như làm sáng tỏ bổn phận những người được cứu chuộc đối với Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Chúa Kitô và Mẹ nhân loại, cách riêng Mẹ các tín hữu. Tuy nhiên, Công Ðồng không có ý đưa ra một học thuyết đầy đủ về Ðức Maria và giải quyết các vấn đề mà sự nghiên cứu của các nhà thần học chưa làm sáng tỏ trọn vẹn. Những ý kiến được tự do trình bày trong các trường phái công giáo về Ðấng có địa vị cao cả nhất trong Giáo Hội thánh sau Chúa Kitô, và cũng là Ðấng rất gần chúng ta, những ý kiến ấy đều được duy trì cách hợp pháp.

(Công Đồng Vatican II, Lumen Gentium {Bản dịch tiếng Việt của Giáo hoàng Học viện Piô X, Đà Lạt, 1971}, các số 52-54).

ĐỨC MARIA HẰNG GHI NHỚ
TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU ẤY TRONG LÒNG

Thánh Lôrenxô Giúttianô

Khi Đức Maria suy đi nghĩ lại trong lòng tất cả những điều đã đọc, đã nghe và đã thấy, thì lòng tin của Người càng lớn mạnh, công phúc của Người càng gia tăng, Người được đức khôn ngoan soi sáng và ngọn lửa mến yêu nung nấu tâm hồn. Khi nghiền ngẫm sâu xa các mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ bày, Đức Maria được chan chứa niềm vui, đầy tràn Thần Khí, quy hướng về Thiên Chúa mà vẫn một lòng khiêm hạ. Sự thăng tiến trong ân sủng như thế nâng con người từ chỗ rốt hết lên đến đỉnh cao và càng làm cho thêm rạng rỡ.

Hạnh phúc thay tâm hồn Đức Trinh Nữ, vì được Thần Khí ngự trị bảo ban mà luôn vâng phục Ngôi Lời Thiên Chúa trong mọi sự. Đức Trinh Nữ không để cho tình riêng ý tư điều khiển, nhưng một khi, từ nội tâm, đức khôn ngoan khơi gợi điều gì phải tin, thì Người mau mắn đem ra thực hành. Thật là chính đáng khi Đức Khôn Ngoan xây nhà cho mình trong Hội Thánh, lại nhờ Đức Maria rất thánh mà cổ võ việc tuân hành lề luật, thanh tẩy tâm hồn, nêu gương khiêm hạ và dâng tiến hiến lễ thiêng liêng.

Hỡi linh hồn trung tín, hãy noi gương Đức Maria! Quả thật, để được thanh tẩy về đường thiêng liêng và có thể rửa sạch các vết nhơ tội lỗi, bạn hãy bước vào đền thờ tâm hồn của mình. Ở đó, Thiên Chúa nhìn đến thiện ý trong mọi việc chúng ta làm, hơn là chính việc làm.

Vì thế, nhờ miệt mài chiêm niệm, lòng trí chúng ta có thể quy hướng về Thiên Chúa và chỉ tưởng nhớ đến Người; nhờ gia tăng các nhân đức và thực thi các việc hữu ích cho người thân cận, chúng ta tìm được sự an hoà.

Chúng ta hãy làm như vậy, chỉ vì lòng mến của Đức Kitô thôi thúc chúng ta. Đây hẳn là hiến lễ thanh tẩy thiêng liêng được Chúa chấp nhận. Hiến lễ này hoàn tất không phải trong đền thờ do tay con người làm nên, nhưng trong đền thờ tâm hồn, nơi Chúa Kitô hoan hỷ ngự vào.

(Trích bài giảng của thánh Lôrenxô Giúttianô, giám mục, Bài đọc 2, Kinh Sách, Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, Thứ Bảy sau Lễ Trái Tim Chúa Giêsu).

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa chí thánh, Chúa đã làm cho Trái tim Ðức Trinh Nữ Maria nên cung điện xứng đáng của Chúa Thánh Thần. Vì lời Ðức Trinh Nữ chuyển cầu, xin thương giúp chúng con cũng trở nên đền thờ Chúa ngự. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

ĐỨC MARIA

MẸ CỦA NHỮNG NGƯỜI TÔN THỜ THÁNH THỂ

Tác giả: Thánh Phêrô Giulianô Eymard

I. Nếu chúng ta không ở dưới sự che chở của Mẹ, chúng ta có thể nghi ngờ sự bền đỗ và ơn cứu rỗi của chúng ta. Ơn gọi của chúng ta gắn liền cách đặc biệt với việc phục vụ Vua các vua, càng khiến chúng ta có bổn phận phải cậy nhờ Mẹ hơn. Chúa Giêsu là vua Thánh Thể và Ngài chỉ muốn đào tạo những người phục dịch trong triều đình của Ngài, cho nên chính những người ấy phải qua thời gian thực tập. Người ta cần phải trải qua thời gian học phục vụ trước khi ra mắt nhà Vua! Do đó Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta Mẹ Ngài để làm Mẹ và làm mô phạm cho những người tôn thờ. Theo ý kiến chung, Ngài đã để Mẹ Ngài lại trên trần gian thêm khoảng hai mươi năm, để chúng ta có thể học được từ nơi Mẹ việc tôn thờ Ngài cách hoàn hảo. Cuộc sống ấy đẹp biết bao! – Hai mươi năm trôi đi trong việc tôn thờ! Khi suy nghĩ về tình yêu của Chúa Giêsu đối với Mẹ Ngài, chúng ta hết sức ngạc nhiên không hiểu sao Ngài lại đồng ý chia tay với Mẹ. Có phải vì Đức Thánh Trinh Nữ chưa hoàn hảo đủ không? Có phải vì Mẹ chưa chịu đau khổ đủ, trong khi Mẹ là người đã chịu đựng đau khổ trên đồi Canvê hơn tất cả các thụ tạo hợp một? A! Phải rồi, Mẹ thực sự đã chịu biết bao đau khổ! Nhưng ích lợi của phép Thánh Thể cần đến sự hiện diện của Mẹ. Chúa Giêsu đã không muốn ở lại một mình trong phép Thánh Thể, mà không có sự hiện diện của Mẹ Ngài. Ngài không muốn những giờ phút đầu tiên cho việc tôn thờ Thánh Thể lại được uỷ thác cho những người tôn thờ tầm thường, những người không biết thế nào là tôn thờ cho xứng đáng. Các Tông đồ buộc phải lo việc cứu rỗi các linh hồn, không thể có đủ thời giờ tôn thờ Thánh Thể. Mặc dù tình yêu muốn gắn bó họ với Đền Tạm, nhưng các bổn phận tông đồ của họ lại khiến họ đi khắp nơi. Đối với các Kitô hữu sơ khai giống như con trẻ vẫn còn nằm trong nôi, cần có một người mẹ để dưỡng dục, một mẫu gương để họ bắt chước, Chúa Giêsu đã để lại cho họ chính người Mẹ Thánh của Ngài.

II. Tất cả cuộc đời Đức Maria – được coi như một tổng thể – có thể tóm gọn lại trong một lời này: tôn thờ; vì việc tôn thờ là việc phụng sự Thiên Chúa cách hoàn hảo, và nó bao gồm tất cả mọi bổn phận của thụ tạo đối với Đấng sáng tạo.

Chính Đức Maria là người đầu tiên tôn thờ Ngôi Lời Nhập Thể. Ngôi Lời ở trong dạ Mẹ và không một ai trên trái đất này biết tới. Ôi Chúa chúng ta được phụng sự trong Trinh Dạ của Mẹ kỹ lưỡng chừng nào! Không bao giờ Ngài tìm thấy một chén thánh vàng nào quí giá hơn hoặc tinh tuyền hơn Cung Lòng Mẹ Maria! Sự tôn thờ của Mẹ làm vui lòng Ngài hơn sự tôn thờ của tất cả các thiên thần. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Chúa đã đặt Nhà Tạm của Ngài ở trong mặt trời.” Mặt trời đó chính là Trái Tim Mẹ Maria.

Ở Belem, Đức Maria là người đầu tiên thờ lạy Người Con Thần Linh của mình nằm trong máng cỏ. Mẹ tôn thờ Ngài với tình yêu hoàn hảo của người Mẹ Đồng Trinh, tình yêu trinh khiết, như Thánh Thần nói. Sau Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng, rồi đến các Đạo sỹ đã đến thờ lạy: nhưng chính Đức Maria là người châm ngòi cho ngọn lửa đã lan ra khắp thế giới. Và biết bao điều tốt đẹp, biết bao điều thần thiêng Đức Maria phải nói! Vì lời của Mẹ là một tình yêu nóng bỏng mà chúng ta không thể nào dò tới chiều sâu của nó.

Đức Maria đã tiếp tục tôn thờ Chúa Giêsu: trước hết trong cuộc sống mai ẩn tại Nazareth; sau đó là trong cuộc đời tông đồ của Ngài; và cuối cùng trên đồi Canvê, nơi mà sự tôn thờ của Mẹ đã biến thành nỗi khổ đau. Chúng ta hãy chú ý đến bản tính việc tôn thờ của Đức Maria. Mẹ đã tôn thờ Chúa theo những trạng thái khác nhau của cuộc đời Ngài; mỗi trạng thái của Chúa Giêsu đã xác định tính chất của việc tôn thờ của Mẹ – việc tôn thờ của Mẹ không ở yên trong một thói quen cố định. Khi thì Mẹ thờ lạy Thiên Chúa như Đấng đã huỷ mình ra không trong dạ Mẹ; khi thì như Đấng khó nghèo và thấp kém ở Belem; khi khác như Đấng đang làm lụng vất vả ở Nazareth; và sau hết như Đấng đang truyền giảng Tin Mừng khắp nước và đang cải hoá các tội nhân. Mẹ thờ lạy Ngài trong những nỗi đau khổ của Ngài trên đồi Canvê bằng cách chịu đau khổ với Ngài. Sự tôn thờ của Mẹ luôn luôn ngang với những tình cảm của người Con thần linh của Mẹ. Những tình cảm ấy rõ ràng đã được mạc khải cho Mẹ. Tình yêu của Mẹ đã đưa Mẹ đến sự thuận hợp tư tưởng và đời sống với Ngài.

III. Đối với anh em, những người tôn thờ, chúng tôi nói: hãy thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể luôn, nhưng hãy thay đổi cách tôn thờ của anh em như Đức Thánh Trinh Nữ đã làm. Hãy gợi lại trong trí khôn anh em tất cả các mầu nhiệm của đạo trong mối liên kết với Thánh Thể, cho đỡ nhàm chán. Nếu tình yêu của anh em không được nuôi dưỡng bằng một hình thức tôn sùng mới, một tư tưởng mới, anh em sẽ trở nên chán cầu nguyện. Vì lý do đó chúng ta nên tưởng nhớ tất cả các mầu nhiệm trong Thánh Thể.

Đó chính là cách Đức Maria đã cầu nguyện trong nhà Tiệc Ly.

Khi đã đến ngày mừng những kỷ niệm đã từng diễn ra trước mắt Mẹ, chúng ta không thể nào không nghĩ rằng Mẹ nhớ lại các hoàn cảnh của chúng – những lòi nói, vẻ yêu kiều. Chẳng hạn khi đến ngày Giáng Sinh, chúng ta lại có thể tưởng tượng Đức Mẹ không nhắc lại cho Con Mẹ, bây giờ đang ẩn náu dưới tấm màn Thánh Thể, về tình yêu mà Mẹ đã đón chào Ngài khi sinh ra Ngài, về những nụ cười, việc thờ lạy của Mẹ cũng như của Thánh Giuse, các mục đồng và các Đạo sỹ, hay sao? Do đó Mẹ ước mong làm cho Trái Tim Chúa được vui bằng cách nhắc lại cho Ngài về tình yêu của Mẹ, và đối với tất cả các mầu nhiệm khác cũng như vậy.

Vậy chúng ta sẽ hành động thế nào với một người bạn? Chúng ta có luôn luôn nói với bạn về chuyện hiện tại không? Chắc chắn là không! Chúng ta gợi lại những kỷ niệm quá khứ, chúng ta cùng nhau sống lại những kỷ niệm ấy. Khi chúng ta muốn tán tụng cha hoặc mẹ, chúng ta gợi lại tình yêu của họ, lòng tận tuỵ không biết mệt mỏi của họ đã tỏ ra với chúng ta khi chúng ta còn thơ ấu. Tương tự, Mẹ Maria, trong khi tôn thờ ở nhà Tiệc Ly, cũng đã nhắc lại cho Chúa Giêsu tất cả những gì Ngài đã làm cho vinh quang Cha Ngài, tất cả những hy sinh vĩ đại Ngài đã thực hiện, và bằng cách đó, Mẹ tham dự vào ân sủng Thánh Thể.

Thánh Thể là kỷ niệm của tất cả các mầu nhiệm trong đạo; Thánh Thể canh tân tình yêu và ân sủng của các mầu nhiệm đó. Và như Đức Maria, chúng ta phải thích ứng với ân sủng này, bằng cách quan chiêm Chúa Giêsu trong tất cả các hành động của Ngài, bằng việc thờ lạy và kết hợp với Ngài trong tất cả các trạng thái khác nhau của đời sống Ngài.

Thánh Thể có năng lực hấp dẫn đối với Đức Thánh Trinh Nữ đến nỗi Mẹ không thể sống tách lìa khỏi Thánh Thể. Mẹ sống trong Thánh Thể và bởi Thánh Thể. Mẹ đã sống qua ngày cũng như đêm dưới chân người Con thần linh của Mẹ. Thật vậy, Mẹ đã ban thưởng cho lòng sùng kính thơ thảo của các Tông đồ và tín hữu nào ước muốn chiêm ngắm và trò truyện với Mẹ, nhưng tình yêu đối với vị Thiên Chúa ẩn thân của Mẹ đã chiếu sáng trên gương mặt Mẹ và thông chuyển mãnh lực của nó tới toàn thể con người Mẹ.

Ôi Maria! Xin dạy chúng con biết sự sống tôn thờ! Hãy dạy chúng con biết chiêm ngắm, như Mẹ đã làm, tất cả các mầu nhiệm và tất cả các ân sủng của phép Thánh Thể; để làm sống lại câu chuyện Tin Mừng và đọc lại nó dưới ánh sáng sự sống Chúa Giêsu Thánh Thể. Lạy Đức Mẹ Thánh Thể, xin hãy nhớ Mẹ là Mẹ của tất cả những người tôn thờ phép Thánh Thể.

NHỮNG MẪU GƯƠNG

Trong số những nhân vật Thánh thiện sáng chói thuộc thế kỷ XVIII, chúng ta thấy có nhiều vị dạy chúng ta cách thể liên kết việc tôn thờ Thánh Thể với việc tôn sùng Đức Maria và việc này hỗ trợ cho việc kia.

Đức Hồng Y đáng kính Bérulle, người có danh hiệu “Tông đồ của Ngôi Lời Nhập Thể” do Đức Thánh Cha Urbano VIII đặt cho, mà các quan điểm của ngài về Đức Thánh Trinh Nữ xem ra có vẻ thiên thần hơn là loài người; và cũng có cha Condren, người mà theo như các bậc đại tiến sỹ đồng thời, đã nhận được những ánh sáng siêu việt về những mầu nhiệm này, có thói quen dâng lễ kính Đức Mẹ vào mỗi Thứ Bảy. Cha Olier, Đấng sáng lập tu hội Xuân Bích, đồng thời là nhà cải cách hàng giáo sỹ, cũng đã học các vị ấy thói quen đạo đức này. Mỗi ngày ngài cử hành ba Thánh lễ, dâng ý chỉ mỗi Thánh lễ trong tay Đức Mẹ, để Mẹ có thể, khi dâng lên Con Mẹ cầu cho Giáo Hội, xin được những kho tàng ân sủng bất tận.

Cũng có một nhà thừa sai Dòng Tên ở Québec, người đã đề nghị với Thánh Gioan Euđê, nhà sáng lập hội dòng mang tên ngài, một dự án cho hiệp hội các linh mục, những người mà ngài gọi là các vị Tuyên uý của Đức Mẹ, và ngài là người đã nhất trí trong việc dâng Thánh lễ theo ý Đức Nữ Vương Thiên Đàng oai nghiêm, để Con Thiên Chúa khi nhận được sẽ chuyển lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, qua bàn tay của Đấng mà Ngài đã dùng để đến với chúng ta trong thân phận con người (Vie de M. Olier, t. II Passim).

Thực hành – Dâng việc tôn thờ của chúng ta lên Chúa Giêsu qua bàn tay Mẹ Maria.

Hoa thiêng – Ôi Maria, Mẹ được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Chúa Giêsu Thánh Thể, quả phúc của lòng Mẹ đầy phúc đức!

(Trích từ “Bài giảng 1” trong Người say yêu Thánh Thể – 31 Bài giảng về Đức Mẹ Thánh Thể, Bản dịch Việt ngữ của Đức Phương & Đức Nguyên, SSS).

Chia sẻ Bài này:

Related posts

Leave a Comment