Thiên Chúa Cha để việc cứu thế tùy Đức Mẹ

        Vai trò của  Đức Maria trong Nhiệm Cục Cứu Độ là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ tất cả là nhờ ở Tiếng Xin Vâng ( Fiat ): “ Chính người Công giáo cũng không thể tưởng tượng nổi vị thế quan trọng của Đức Maria. Các tiến sĩ của Hội Thánh cho rằng: Nếu cô từ chối chức làm Mẹ đã dành riêng cho cô Ngôi Hai làm sao  nhập thể ? Việc quan trọng vô cùng Thiên Chúa chờ đợi câu “Xin Vâng” của nữ tỳ Chúa ở Nazareth để cho  Đấng Cứu Thế nhập thể. Lời Xin Vâng đã cáo chung thời đại cũ, khai mạc một thế giới mới, ứng nghiệm các lời tiên tri, tạo khúc quanh lịch sử muôn đời. Ánh sao mai mới bắt đầu chiếu sáng, báo tin Mặt  Trời Công Chính sắp mọc lên. Câu “ Xin vâng” đã làm được những việc siêu phàm, tạo lại đường liên lạc từ trời xuống đất để  đưa nhân loại trở về trời” ( TB chương 39 – Sl 453 ).

          Qua trình thuật Lu Ca cho thấy sau  khi nghe lời chào và sự giải thích cặn kẽ của sứ thần Gabriel, Đức Maria đã khiêm nhường thưa: “ Này tôi là tôi tá ĐCT, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” ( Lc 1, 38 ).

          Như các tiến sĩ Hội Thánh nói: Tiếng Xin Vâng đã cáo chung thời đại cũ, khai mạc một thế giới mới. Thời đại cũ, ám chỉ cho thời Cựu Ước là thời Dân Chúa vẫn còn sống dưới sự trói buộc của lề luật và vì thế đã không nhận được Lời Hứa của Thiên Chúa chio tổ phụ:

          “ Cho nên Ta chán phiền dòng dõi này và phán rằng:  Trong lòng họ lầm lạc luôn, chẳng hề biết  đến đường lối của Ta nên Ta mới thịnh nộ thề rằng chúng sẽ không được vào Chốn  Yên Nghỉ của Ta” ( Dt 3, 10 -11 ).

          “ Chốn  Yên  Nghỉ” đây chính là Nước Trời mầu nhiệm nội tại mà  Đức  Ki Tô trong thời Tân Ước sẽ dẫn đưa chúng ta vào: “ Luật pháp và tiên tri đến Gioan là hết. Rồi từ đó Tin Mừng Nước Thiên Chúa được  rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).

          Chúa nói: “ Nỗ lực mà vào”  có nghĩa phải xoay cái tâm trở vào bên trong hầu nhận biết Nước Trời ở nơi mình.  Để có thể có được sự nhận biết ấy, cần có hai điều kiện. Một là lòng tin và hai là sự ăn năn sám hối: “ Thời đã mãn, Nước Thiên Chúa đã gần đến. Các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”( Mc 1, 15 ).

          Giữa lòng tin và sự ăn năn sám hối có một mối liên kết chặt chẽ  với nhau. Lòng tin chỉ có thể triển nở  cùng với sự ăn năn sám hối. Ngược lại không có sự ăn năn sám hối  thì không thể có lòng tin. Tại sao ? Bởi vì lòng tin ấy là tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời nội tại  ( Lc 17, 20 -21 ).

          Tin vào Tin Mừng của Đức Ki Tô là điều rất khó. Thế nhưng chỉ lòng tin ấy  mới có thể giúp chúng ta vượt qua những gian nan, trở ngại trên con đường…ngộ nhập Nước Trời: “ Cũng vì Tin Mừng đó mà ta đã được lập làm người truyền đạo, là tông đồ và giáo sư. Lại cũng vì cớ ấy mà ta đã chịu những nỗi khổ này. Dẫu vậy ta chẳng hổ thẹn đâu  vì ta biết Đấng mà ta đã tin rồi. Cũng tin chắc rằng Ngài có thể giữ sự ta đã phó thác cho Ngài đến ngày đó” ( 2Tm 1, 11 -12 ).

          “ Cũng vì Tin Mừng đó mà ta đã được lập làm người truyền đạo, là tông đồ…”. Điều đúng với Thánh Phao Lô thì tất nhiên cũng đúng với các Tông Đồ khác và cho toàn thể Giáo Hội. Nói cách khác Giáo Hội nhất thiết cần rao giảng Tin Mừng của Đức Ki Tô về Nước Trời mầu nhiệm  theo như lệnh truyền của  Ngài: “ Hãy ra đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Còn ai không tin sẽ phải luận phạt” ( Mc 16, 15 -16 ).

                Giáo Hội rao giảng Tin Mừng  cũng là để tiếp nối sứ mạng của  Đức Ki Tô khi đến cõi thế gian này: “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi thanh vắng. Có quần chúng theo kịp, muốn giữ Ngài ở lại không cho đi khỏi họ. Nhưng  Ngài nói cùng họ: Ta còn cần phải đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).

          Chính Đức Ki Tô xác nhận sứ mạng của Ngài khi đến thế gian là  để rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, làm sao có thể phủ nhận ? Thế nhưng thực tế cho thấy thần học hiện  đang chủ trương phủ nhận sứ mạng của  Đức Ki Tô để thay thế vào đó là một…Tin Mừng giả tạo hòng rao giảng một thứ Nước Trời Tục Hóa.

          Chính vì thần học chủ trương một thứ Nước Trời Tục Hóa như thế  mà đã đưa đến việc phủ nhận vai trò tối ư quan trọng của Đức Maria trong công trình Cứu Độ của Đức Ki Tô.

          Vai trò ấy Đức  Maria đảm nhận qua Tiếng Xin Vâng dù đã ý thức được rằng  để hoàn thành vai trò ấy, Ngài sẽ phải gánh chịu  nỗi đau khổ thống thiết như lời tiên báo của cụ già Si Meon: “ Còn ngươi, một thanh gươm sẽ đâm thấu tâm hồn ngươi để ý tưởng của nhiều lòng được bày tỏ” ( Lc 2, 35 ).

          Không thể nói Đức Maria không ý thức  về vai trò Ngài sẽ đảm nhận bởi có như thế thì Tiếng Xin Vâng mới  đem lại  một giá trị vô song. Chúng ta có thể đặt giả thiết nếu Đức Maria khi ấy từ chối vai trò làm Mẹ thì làm sao Đấng Cứu Thế có  thể nhập thể xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại ?

          Với sự ưng thuận tư do của  Đức Maria, chúng ta có thể nói mà không sợ…quá lời rằng: “ Thiên Chúa Cha để việc cứu thế tùy  Đức Mẹ”. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một cách nói để nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Đức  Maria trong đời sống tâm linh  mỗi người.

          Có điều nên nhớ đó là Đức Maria không chỉ làm Mẹ của Chúa Giê Su nhưng với Tiếng Xin Vâng  Ngài còn làm Mẹ của Đấng Cứu Thế và như vậy cũng là Mẹ  các tín hữu. Thánh Augustino nói: “ Đức Maria là Mẹ thật của ta về đường thiêng liêng bởi vì do lòng thương yêu ta. Người đã cộng tác vào việc sinh sản các giáo hữu trong Hội Thánh. Người là  Mẹ thật  của vị thủ lãnh mà chúng ta là các chi thể của Ngài” ( Plane mater membrorum est fideles in Ecclesia noscantur qui  illius capitis membro sunt corpora vero mater ipsius capitis ).

          Mặt khác có thể khẳng định Đức Maria chỉ là Mẹ của Đấng Cứu Thế  khi đồng thời cưu mang và sinh hạ Chúa Giê Su trong tâm hồn các tín hữu. Sự cưu mang, nuôi dưỡng và sinh hạ Chúa Giê Su Cứu Thế  trong cung lòng ta bằng ơn sủng của các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể. Mình và Máu Chúa Ki Tô mà ta đón vào lòng, đó cũng chính là Mình và Máu của Đức Maria bởi lẽ Đức Maria hoài thai  Chúa là do bởi quyền phép của Chúa Thánh Thần, ngoài ra không có bất cứ một ai khác.

          Chính với Tiếng Xin Vâng khiêm hạ đó, Đức Maria đã có diễm phúc làm Mẹ Đấng Cứu Thế cũng là  Đấng Emmanuel Thiên Chúa ở cùng. Còn về phần chúng ta cũng vậy cũng cần Xin  Vâng, nghe theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự để được như Chúa Giê Su nói: “ Mẹ Ta và anh em Ta tức là những kẻ nghe Đạo ĐCT đây và đem ra thực hành” ( Lc 7, 21 )./.

Phùng  Văn  Hóa

Chia sẻ Bài này:

Related posts