5 Phút Cho Lời Chúa Tháng 12-2020

Mục Lục

Ngày 1 – 5: Trang 1

Ngày 6 – 12: Trang 2

Ngày 13 – 19: Trang 3

Ngày 22 – 26: Trang 4

Ngày 27 – 31: Trang 5

* * *

01/12/20 THỨ BA TUẦN 1 MV
Lc 10,21-24

XIN ĐƯỢC TRỞ NÊN BÉ MỌN

Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Lc 10,21)

Suy niệm: Nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ trở về, hớn hở khoe với Thầy: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10,17). Tuy nhiên, Chúa Giê-su cảnh báo các ông đừng ảo tưởng, ngủ quên trong những thành quả phi thường như trừ quỷ, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền… Ngài mời gọi các ông hãy có tầm nhìn siêu nhiên hướng tới những mầu nhiệm mà Thiên Chúa “giấu kín đối với những bậc khôn ngoan, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” Mầu nhiệm đó được mạc khải trọn vẹn nơi Chúa Giê-su Ki-tô: chỉ có Chúa Cha là Đấng Tạo Dựng, là khởi nguyên và là cùng đích của muôn loài muôn vật, và chỉ có Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Độ Duy nhất mà Chúa Cha đã trao ban cho nhân loại, để ai tin vào Con của Ngài thì được sống muôn đời (x. Ga 3,16).

Mời Bạn: Thế giới và con người thời nay luôn tìm mọi cách thông minh hơn, giàu có hơn, quyền lực hơn… để khẳng định sự thống trị của mình vượt trên muôn loài muôn vật và thậm chí chối bỏ quyền năng của Thiên Chúa. Lời Chúa kêu gọi chúng ta vượt lên trên não trạng thế tục để phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, biết dành thời gian ở lại với Chúa trong cầu nguyện, kết hiệp với Ngài trong Thánh Thể và khiêm nhường làm chứng nhân cho Ngài giữa lòng thế giới.

Sống Lời Chúa: Bước vào Mùa Vọng, bạn chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận bí tích Hoà Giải và quyết tâm chừa bỏ một thói xấu để đón mừng lễ Chúa Giáng sinh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là sức mạnh con, là Đấng con ca ngợi, chính Người là Đấng cứu độ con. (x. Tv 118,14)



02/12/20 
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Mt 15,29-37

CHẠNH LÒNG THƯƠNG NHƯ CHÚA

Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn.” (Mt 15,33)

Suy niệm: Cứ nhìn thấy dân chúng là Chúa lại chạnh lòng thương. Chúa lại càng chạnh thương khi đoàn dân này đi theo Ngài đã ba ngày và không có gì ăn, Chúa Giê-su càng thương vì họ đói khát không chỉ phần xác mà cả phần hồn, “họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Lòng thương của Chúa thật vô biên. Chúa thương ban không chỉ tấm bánh vật chất và cũng không chỉ riêng cho đám đông hôm ấy. Ngài thấu cảm của cơn đói Lời Chúa, nỗi bất hạnh bi đát của sự chết do tội lỗi gây ra, và Ngài còn ban cho tất cả nhân loại thứ lương thực hằng sống là Mình và Máu Ngài đem lại sự sống đời đời.

Mời Bạn: Trong những ngày vừa qua những nỗi thống khổ bao người hứng chịu vì dịch bệnh, bão tố, lũ lụt…; bao người thiệt mạng, bao gia đình lâm cơn hoạn nạn; lẽ nào Chúa không chạnh lòng thương? Chúa mời bạn cũng chạnh lòng thương như Chúa, với Chúa, bằng việc cầu nguyện cho những anh chị em đó, cũng như sẵn sàng chia sẻ với họ vật chất cũng như tinh thần.

Chia sẻ: Sống sống tâm tình Mùa Vọng phải chăng là đón gặp Chúa đến nơi những anh chị em bé mọn đang gặp  khó khăn, bất hạnh sống quanh bạn?

Sống Lời ChúaTiết giảm những chi tiêu không thiết yếu để có thể cảm thông và quảng đại chia sẻ với những người gặp cảnh khốn cùng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con dọn lòng mong đợi Chúa đến bằng những nghĩa cử yêu thương cụ thể cho những người đang gặp hoạn nạn trong cơn lũ lụt vừa qua. Amen.



03/12/20 
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Phan-xi-cô Xa-vi-ê, linh mục
Mc 16,15-20

TIN MỪNG LÀ CHO MỌI NGƯỜI

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15)

Suy niệm: Lời Chúa Giê-su mời gọi chứa đựng một sự thật rất rõ ràng: Tin Mừng mà Người loan báo là dành cho mọi người, không trừ ai. Đành rằng khi Người còn tại thế, sứ mạng của Chúa Giê-su không vươn ra khỏi biên giới Pa-lét-ti-na, nhưng Ngài đã trao cho các môn đệ tiếp nối sứ mạng ấy qua các thế hệ, để mọi người mọi nơi có thể được nghe Tin Mừng. Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê là một trong những vị tông đồ kiệt xuất của sứ mạng ‘đến với muôn dân’ này. ‘Đến với muôn dân’, theo nghĩa địa dư, vẫn còn là một đòi hỏi của sứ mạng hôm nay. Tuy nhiên, thế giới toàn cầu hoá và thế tục hoá đang đặt ra cho chúng ta một đòi hỏi sâu sắc hơn, đó là ‘đến với muôn dân’ tại chính môi trường sống và làm việc của mình. Cả phương cách loan báo Tin Mừng cũng cần được xét lại: Trong khi việc rao giảng bằng lời vẫn mãi có giá trị của nó, thì kinh nghiệm cho thấy ‘lời’ rao giảng thuyết phục nhất đối với con người hôm nay không phải là lời nói suông, song là chính chứng tá đời sống của người Ki-tô hữu, một đời sống thể hiện sắc nét các giá trị của Phúc Âm. “Lời nói bay đi, gương bày lôi kéo”.

Mời Bạn: Nhìn lại chính mình, gia đình mình, và xung quanh, để nhận ra ở đâu còn thiếu vắng chất Tin Mừng, và do đó cần phải tăng cường.

Chia sẻ: Hãy chia sẻ kinh nghiệm của bạn về sức thuyết phục mãnh liệt của chứng tá đời sống.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, bạn hãy là nhà thừa sai loan báo Tin Mừng bằng một gương sáng cho người xung quanh.

Cầu nguyện: Hát: “Vì con muốn là men, muốn là muối ướp cho mặn đời…”



04/12/20 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Gio-an Đa-ma-xê-nô, linh mục tiến sĩ HT
Mt 9,27-31

CHẤP NHẬN CHÍNH MÌNH

Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” (Mt 9,28)

Suy niệm: Hai người mù trong câu chuyện của Tin Mừng hôm nay thật đặc biệt. Họ không có thái độ mặc cảm như người phụ nữ bị bệnh băng huyết nọ lén lút đến sờ vào vạt áo Chúa Giê-su (x. Mt 9,20-21). Trái lại, họ kêu van, đeo bám Chúa về tận nơi Ngài ở để nài nẵng xin Ngài chữa lành. Đã thế Chúa còn muốn họ khẳng định niềm tin: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Hai người mù chấp nhận tình trạng tật nguyền của mình và đặt tất cả niềm tin nơi Chúa vì biết rằng mình cần Chúa để được chữa lành. Lời Chúa phán quyết như thể bấm nút kích hoạt quyền năng Chúa tuôn đổ chữa lành tật bệnh của họ: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.”

Mời Bạn: Điều kiện tiên quyết để được Chúa chữa lành và biến đổi chúng ta trở nên người mới là chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận chính mình là ai, với tất cả những gì mình đang có và những gì đang xảy ra trong cuộc đời của mình và do đó mình tuyệt đối cần đến Chúa là lẽ sống của mình. Như thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II cho biết chấp nhận như thế không có nghĩa là yếm thế và an phận mà là khiêm tốn và mở lòng để đi vào cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa.

Chia sẻNhiều người trẻ có biểu hiện “cuồng” thần tượng. Điều đó có phải là chấp nhận chính mình và giúp cho sự phát triển bản thân không?

Sống Lời Chúa: Tha thiết dâng lời cầu xin Chúa giúp bạn chừa bỏ một nết xấu cố hữu của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con nhận biết chính mình là thụ tạo tội lỗi, để nhờ đó con có thể nhận biết Chúa là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ con. Amen.



05/12/20 
THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Mt 9,35-10,1.6-8

LÚA ĐÃ CHÍN RỒI

Bấy giờ, Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương… và Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.”  (Mt 9,36-38)

Suy niệm: Lúa đã chín mà thiếu thợ gặt. Chúa Giê-su dùng hình ảnh có tính cách ẩn dụ đó để nói lên mối ưu tư lớn nhất của Ngài trước viễn cảnh nhân loại đang khao khát mong chờ ơn cứu độ. Ngài chạnh lòng thương với đám đông dân chúng và sánh ví họ như cánh đồng lúa chín vàng đang cần có người đến thu hoạch. Hình ảnh đó nói lên một sự khẩn thiết và cấp bách, bởi vì, theo lẽ tự nhiên, khi lúa đã chín mà không thu hoạch thì chắc chắn lúa đó sẽ bị hư hoại. Bởi vậy, muốn “cứu” cả cánh đồng lúa bao la đó thì cần phải có thợ gặt để thu hoạch; nhưng tiếc thay thợ gặt lại ít. Điều hiển nhiên chúng ta có thể nhận thấy là số “thợ gặt” cho đến hôm nay vẫn còn rất khiêm tốn. Chính vì thế Chúa mới dạy chúng ta nài xin Chúa Cha sai thêm nhiều thợ gặt đến vì lúa đã sẵn sàng để được gặt rồi.

Mời Bạn: Ngày hôm nay, sau hơn hai ngàn năm, cánh đồng lúa của Chúa vẫn đang chín và thợ gặt vẫn đang thiếu. Chúa vẫn cần có nhiều thợ gặt đi ra cánh đồng để mang lúa về kho. Người thợ gặt đó không chỉ là các linh mục, tu sĩ mà là tất cả mọi Ki-tô hữu chúng ta. Có những “thợ gặt” trực tiếp loan báo sứ điệp Tin Mừng. Cũng có những “thợ gặt” làm chứng nhân qua đời sống đậm chất Tin Mừng. Bạn đã làm gì để đáp lại lời mời gọi trở thành thợ gặt cho Chúa?

Sống Lời Chúa: Tha thiết cầu xin Chúa ban cho Giáo Hội có nhiều thợ gặt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con có nhiều người dám xả thân vì Chúa mà phục vụ anh chị em trong cánh đồng truyền giáo để có thể đem nhiều người trở về với Chúa. Amen.

Chia sẻ Bài này:

Related posts