SỰ THÁNH THIỆN HAY SỰ HOÀN HẢO?

Một linh mục kể ngài đôi khi nghe những người đến xưng tội thưa với ngài rằng: “Thưa Cha, Cha biết không, con tội lỗi và nhiều tật xấu lắm, không thể là một vị thánh!” Và ngài nhận xét: “Đây là lời tâm sự gây ít nhiều băn khoăn cho tôi. Đối với tôi, câu nói này là một biểu hiện của sự bối rối. Vấn đề là sự thánh thiện chứ không phải là sự hoàn hảo. Vì ngoài Đức Trinh Nữ Maria là người được tượng thai Vô nhiễm Nguyên tội, mà sứ mệnh của Mẹ là trao ban Con Thiên Chúa cho thế giới để cứu độ chúng ta, thì không có con người nào khác là hoàn hảo dù thánh thiện đến đâu.”

Nói cách khác, tất cả loài người đều là tội nhân, các thánh cũng đã từng như vậy! Nhưng đối với các thánh, các ngài tin cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa và không để cho những yếu đuối của các ngài gây tê liệt ước muốn nên thánh.

Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48) Phải chăng đây là nhiệm vụ bất khả thi? Lời khuyên này của Chúa Giêsu kết thúc một diễn từ, nơi Ngài mời gọi chúng ta vượt ra ngoài luật Lex Talionis – trả thù sòng phẳng – để yêu thương kẻ thù của mình. Vì vậy, vấn đề chủ yếu ở đây là sống yêu thương.

Trên thực tế, sự thánh thiện là một con đường dẫn đến sự hoàn thiện

Trước hết, sự thánh thiện là một ân huệ của Thiên Chúa, là sự bày tỏ tình yêu của Ngài, sự hiện diện của Ngài trong chúng ta. Kitô hữu chúng ta biết rằng sự thánh thiện của Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta. Chúng ta đã lãnh nhận phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta có trong mình sự sống của Thiên Chúa ba lần thánh!

Tình yêu của Thiên Chúa dồn hết sức cho chúng ta và làm cho chúng ta, đến lượt mình, có khả năng yêu thương bằng cách hòa hợp với kế hoạch yêu thương của Ngài. Nếu chúng ta bước theo kế hoạch này của Thiên Chúa, chúng ta sẽ dần dần trở nên thánh, bằng cách yêu thương.

Sự thánh thiện không dành riêng cho một người ưu tú. Phải thừa nhận rằng các vị được Giáo hội chính thức công nhận và tuyên thánh thường là những vị rất đặc biệt, nhưng tất cả các thánh thường là các vị thánh vô danh, có cả các vị thánh đến từ gia đình họ hàng của chúng ta, mà chúng ta mừng lễ chính thức vào ngày 1 tháng 11 trong lễ trọng Các Thánh.

Trong Hội Thánh, có nhiều bậc sống khác nhau, nên cũng có nhiều con đường nên thánh khác nhau tuỳ theo mỗi bậc sống. Linh mục, tu sĩ có cách nên thánh của linh mục, tu sĩ. Giáo dân cũng có cách nên thánh riêng của mình.

Việc nên thánh không phải chỉ dành riêng cho các linh mục và tu sĩ mà còn dành cho mọi tín hữu. Thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh và họ có thể nên thánh như là chồng, là vợ, như là nông dân, là công nhân, là lính, là thương gia, y sĩ, thầy giáo, nghĩa là theo đủ mọi ngành nghề và hoàn cảnh trong xã hội”.

Chúng ta tất cả phải là các ứng viên cho sự thánh thiện!

Công đồng Vatican II mạnh mẽ nhắc nhở chúng ta về điều này trong hiến chế về Giáo hội “Lumen Gentium” (LG). Công đồng thậm chí còn dành toàn bộ chương V của tài liệu cho chủ đề này, với tên gọi Lời Kêu Gọi Mọi Người Nên Thánh Trong Giáo Hội: “Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái.” Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 826 nói rõ: “Đức ái là linh hồn của sự thánh thiện mà Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta đạt đến: Đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, là linh hồn của chúng và đưa chúng đến cùng đích Đạt tới viên mãn của đời sống Kitô giáo và sự trọn lành của Đức Ái”, đó chính là nên thánh.

Giáo hội là thánh

Hiến chế về Giáo hội Lumen Gentium số 39 còn nói: “Giáo Hội, một mầu nhiệm được Thánh Công Ðồng trình bày, có tính cách thánh thiện, bất khả khuyết. Thực vậy, Chúa Kitô Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là “Ðấng thánh duy nhất”, đã yêu dấu Giáo Hội như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Giáo Hội (Eph 5,25-26). Ngài kết hiệp với Giáo Hội như thân thể Ngài và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa.”

Công đồng xác định

Lumen Gentium số 40 cũng nói “Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh thiện mà chính Ngài vừa là Ðấng ban phát vừa là Ðấng hoàn tất: “Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời” (Mt 5,48).

“Bởi vậy, Ngài đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (Mc 12,30), và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ (Ga 13,34; 15,12)”.

“Ðược Thiên Chúa kêu gọi và được công chính hóa trong Chúa Giêsu, không phải vì công lao riêng, nhưng vì ý định và ân phúc của Ngài, các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận phép Thánh Tẩy, bí tích đức tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được thông phần vào bản tính Ngài, và do đó, thực sự đã trở nên thánh.”

“Cho nên với ơn Chúa họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận.” (LG 40)

Nhưng Công Đồng biết rõ rằng chúng ta là tội nhân

Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (Giacôbê 3,2), nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa và hằng ngày phải cầu nguyện “Xin tha tội cho chúng con” (Mt 6,12). 

Nền tảng của sự thánh thiện là đức khiêm nhường.

Kiêu ngạo là gốc rễ của tội lỗi. Sự thánh thiện đòi hỏi phải có đức khiêm nhường trước. Quả thật, chính vì Đức Trinh Nữ Maria đã phó thác mình cho Thiên Chúa trong sự vâng phục và phục vụ nên Mẹ là thánh. Quả thật, vì Mẹ tạ ơn Chúa vì những điều kỳ diệu mà Ngài đã hoàn thành nơi Mẹ mà Mẹ có thể tuyên bố mình là tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Ngài đoái thương nhìn tới… Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1: 48, 51-52).

Thánh Cyprianô nói: đức khiêm nhường là nền tảng của sự thánh thiện. Thánh Giêrônimô nói nhân đức đầu tiên của người Kitô hữu là đức khiêm nhường. Thánh Bênađô nói đức khiêm nhường là nền tảng và là nhân đức bảo vệ các nhân đức khác. Thánh Grêgôriô đôi khi gọi đức khiêm nhường là bà chủ, là mẹ và đôi khi là cội rễ và nguồn gốc của các nhân đức. (Ecrits et Paroles II, 128, 60).

Khiêm nhường chứ không phải là khiêm tốn giả tạo, khiêm nhường thực sự bao gồm việc tạ ơn Thiên Chúa về những ân huệ mà Ngài ban cho chúng ta.Và trước tiên, đó là ân huệ dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài và nên giống Ngài, chúng ta hãy dồn hết sức để nên thánh thiện như chính Ngài.

Cũng phải biết nhận ra những giới hạn, những yếu đuối, những lỗi lầm của mình, nhưng không nản lòng, thoái lui hoặc buông xuôi, “tới đâu thì tới, mệt mỏi lắm rồi!” như nhiều người thường than trách mà không kịp nhận ra rằng đó là dấu chứng của sự tuyệt vọng, không còn tin cậy vào Thiên Chúa. Chúng ta cần phải như người con hoang đàng “đứng lên đi về cùng cha” (Lc 15: 20), tin tưởng và trông cậy vào Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, Đấng ban sức mạnh cho tội nhân hoán cải để họ chống lại điều ác và làm điều thiện: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Ga 1: 8-9). Thiên Chúa lại không hơn người phàm chúng ta hay sao? “Lành làm gáo, vỡ làm muôi”, Ngài lại không tận dụng được những người tưởng chừng như bỏ đi để không dùng vào việc này thì dùng vào việc khác sao? Thiên Chúa không sợ hỏng việc, sẵn sàng chấp nhận mọi tình huống, kể cả sự đổ vỡ: “Từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Chúa Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Ngài như vậy nữa. Cho nên, Phàm ai ở trong Chúa Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Côrintô 5: 16 -17).

Vườn hoa của sự thánh thiện

Một cách nào đó, các thánh giống như các bông hoa trong vườn hoa biểu lộ một số khía cạnh trong sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng ta đang là bông hoa nào trong vườn hoa muôn sắc này? Nên thánh là làm nhân chứng cho sự thánh thiện của Thiên Chúa .

Sống thánh thiện trước hết là tôn vinh Thiên Chúa, sau đó là chia sẻ tình yêu thương nhận được từ Ngài với những người chúng ta gặp gỡ trên đường đời.

Thánh Têrêsa Calcutta nói: “Thánh thiện, đó không phải là món hàng xa xỉ chỉ dành cho một số người. Nó dành cho bạn, cho tôi và cho tất cả chúng ta. Nó là một bổn phận giản dị, vì nếu chúng ta biết yêu thương, chúng ta biết cách nên thánh thiện.”

Sự thánh thiện là con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu

Sống thánh thiện dẫn chúng ta đến đời sống hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa mà Con của Ngài đã hứa. Sự hiệp thông của các vị thánh mà chúng ta cử hành vào Ngày Các Thánh liên quan đến những người đã đi trước chúng ta, nhưng cũng liên quan đến chính chúng ta.

Tất cả chúng ta đang chờ đợi sự trở lại trong vinh quang của ThiênChúa, Đấng sau này sẽ ở trong tất cả mọi người. Chúng ta sẽ hiệp thông sâu xa với Ngài, với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần để sống sự trọn hảo.

Nên thánh là để làm chứng rằng chúng ta đang đi qua trần thế này để hướng tới một cuộc sống hiệp thông trọn vẹn với “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16).

Sự thánh thiện không nên làm chúng ta sợ hãi, đó là một món quà từ Thiên Chúa, việc chúng ta có muốn đón nhận sự thánh thiện hay không là tùy thuộc vào chúng ta!

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts